Những người thầy mang luồng gió mới đến FPT Edu
Khoác áo mới cho môn học đã không còn là điều mới mẻ tại FPT Edu, bởi nơi đây từng ngày từng giờ đều có những thầy cô tự đổi mới mình để cống hiến cho sự nghiệp “đưa người sang sông”. Cách dạy học của mỗi giảng viên ở đây đều khác lạ, và chính điều này đã mang đến những “luồng gió mới” giúp sinh viên học tập hiệu quả và hứng khởi.
Cô giáo dẫn sinh viên đi tour như đi chợ
“Không có một phương pháp giảng dạy toàn năng mà làm sao để vận dụng linh hoạt nhiều phương pháp và phù hợp với gu của sinh viên mới là quan trọng.” Đó là chia sẻ của cô Nguyễn Việt Hà nổi tiếng với cách giảng dạy mới lạ và “ham chơi” bậc nhất ở Poly.
Sinh viên FPT Polytechnic vốn năng động và sáng tạo, nên giờ học của cô Hà cũng luôn đột phá và mới mẻ. Trong các giờ giảng cô luôn cố gắng tổ chức nhiều hoạt động, nhiều câu hỏi và tình huống cho sinh viên thảo luận và trình bày.
Đặc biệt, cô còn tìm kiếm cơ hội cho sinh viên tham gia trải nghiệm các môi trường bên ngoài bằng cách dẫn sinh viên đi tour hàng loạt khách sạn như Intercontinental Landmark 72, JW Mariot… hay các địa danh lịch sử nổi tiếng. Vì đưa sinh viên đến toàn những nơi “xịn sò”, vậy nên lớp học của cô còn hay được gọi là lớp học "ham chơi" bậc nhất ở FPT Polytechnic.
Không những thế, cô Hà còn truyền đạt kiến thức cho sinh viên bằng phương pháp chia sẻ, định hướng và hoàn toàn tôn trọng quan điểm của sinh viên chứ không áp đặt bắt buộc các bạn phải "cô bảo trò nghe".
Thầy giáo tiếng Anh luôn đổi mới mình
Tại FPT Edu, các giảng viên bộ môn tiếng Anh luôn tạo ra những cơn sốt cho sinh viên bằng các tiết học đầy hứng khởi. Lớp học tiếng Anh của thầy Jet Tonogbanua - người Philipinnes là một trong số đó.
Lựa chọn chủ đề thú vị, đổi mới cho từng buổi học và thay vì lên lớp tuôn tràng dài những âm thanh "xì xồ" thì thầy Jet lại cho sinh viên học tiếng Anh bằng cách làm báo hay tạp chí ảnh. Cụ thể, lớp học được chia theo nhóm có quy mô từ 3-5 bạn với nhiệm vụ làm "phó nháy" chụp ảnh theo chủ đề mà thầy đã đưa ra trước đó. Điều đặc biệt, tại lớp học của thầy Jet sinh viên sẽ phải cực kì chủ động trong việc học tập. Tự lên nội dung cho từng bức ảnh và thực hiện sản xuất lẫn viết nội dung, tự thuyết trình chi tiết về ý nghĩa của tác phẩm bằng tiếng Anh là những yêu cầu cơ bản sinh viên cần đạt được khi học lớp của thầy Jet. Với sự tự tin và khả năng ngôn ngữ trôi chảy được rèn luyện qua mỗi giờ học, cuối khoá, sinh viên FPT Edu đã có thể vừa thuyết trình vừa phản biện bằng tiếng Anh. Sự tương tác giữa thầy và trò với cách học khác lạ này đã tạo không khí sôi nổi cho lớp học. Các từ mới và cấu trúc câu cũng được ghi nhớ nhanh và hiệu quả hơn.
Ngoài ra, để sinh viên cảm thấy học tiếng Anh "dễ thật", thầy Jet còn khuyến khích sinh viên tự do sáng tạo trong giờ học như hóa thân thành nhà làm phim, tự viết kịch bản và diễn xuất bằng tiếng Anh.
Có lẽ, nhờ những lớp học này mà sinh viên FPT Edu chẳng còn sợ hãi tiếng Anh như hồi đầu vào trường. Chỉ sau 1 kỳ học, ai nấy cũng tự tin với trình độ tiếng Anh được nâng cao. Thậm chí, có những bạn còn "bắn tiếng Anh như gió", chẳng ngại gì thầy cô.
Thầy Jet chia sẻ, "Khả năng ngoại ngữ vượt trội là lợi thế lớn cho sinh viên FPT Edu sau khi tốt nghiệp, giúp các bạn có khả năng tiếp cận với thị trường lao động quốc tế. Đây cũng là mục đích mà tôi luôn đổi mới mình, đổi mới môn học Tiếng Anh.”
Cô giáo tích cực "phá cách" môn học
Vật lý vốn là môn học khó nhằn đối với muôn đời học sinh, thậm chí có nhiều bạn còn sợ hãi mỗi khi đến tiết học này. Để xóa tan những rào cản của môn học này, cô Đỗ Tâm Trang – giáo viên môn Vật lý của Trường Tiểu học & THCS FPT đã kì công xây dựng một "lớp học tự do” đặc biệt cho học sinh.
Tại lớp học của cô Trang, học sinh sẽ tự chuẩn bị và tìm hiểu các kiến thức có liên quan đến chủ đề của môn học. Không giới hạn sự sáng tạo, lớp học khuyến khích học sinh thỏa sức tưởng tượng để thiết kế bài học của mình qua các thể loại phong phú như: kịch, phim hoạt hình, vẽ tranh, kể chuyện…
Cô Trang chia sẻ, “Mình muốn các bạn là người tự đi tìm hiểu kiến thức, biến bản thân thành nhà khoa học nhí để tự mình khám phá mọi thứ xung quanh. Bởi kiến thức chỉ thuộc về các bạn khi các bạn thực sự hiểu nó, còn không cô giáo có giảng thế nào cũng sẽ chỉ giống như “nước chảy lá khoai” cô nói trò nghe vậy là hết.”
Đặc biệt, lớp học của cô Trang không lấy điểm số làm thước đo hay tạo áp lực cho các bạn học sinh. Ngược lại, điểm số sẽ do chính các nhóm tự chấm cho nhau sau quá trình tranh luận và phản biện tại buổi học. Có lẽ, việc tự mình cho điểm cũng là một trong những điểm “phá cách” của lớp học này.
Có thể thấy, những tìm tòi khác lạ của các thầy cô đã mang đến những giờ học hiệu quả, tạo điều kiện cho học sinh, sinh viên FPT Edu tự khám phá bản thân và phát triển toàn diện.
Tuệ Lâm