FPT Edu - Tin tức chung

Những tham luận thú vị được Gen Z FPT Edu đam mê nghiên cứu khoa học trình bày tại FCBEM 2022

26/11/2022
Nguyễn Huệ Anh
1459

Những bài tham luận tại Hội thảo chuyên ngành Kinh tế – FCBEM 2022 của sinh viên FPT Edu thể hiện góc tiếp cận mới mẻ, đã nhận được nhiều chia sẻ và đánh giá tích cực từ các giảng viên, nghiên cứu viên khối ngành Kinh tế.

Impact of Social Media on Cryptocurrency Investing Decision - A Behavioral Finance Perspective

Dưới sự hướng dẫn của giảng viên Lê Thị Mỹ Danh và Nguyễn Thị Thuỳ Hiền, nhóm sinh viên ĐH FPT campus TP Hồ Chí Minh gồm Đoàn Ngọc Khánh, Bùi Nguyễn Bảo Nghi, Bùi Phạm Phương Quỳnh, Phạm Thanh Hồng Phúc, Nguyễn Lê Quốc Bảo đã cùng nhau thực hiện công trình nghiên cứu về: “Tác động của mạng xã hội đối với các quyết định đầu tư tiền điện tử – Góc độ tài chính hành vi” (Impact of Social Media on Cryptocurrency Investing Decisions – A Behavioral Finance Perspective).

Sự suy thoái của đồng Bitcoin trong thời gian gần đây cùng những tác động tiêu cực tới nhà đầu tư Việt Nam là lý do khiến nhóm sinh viên chọn nghiên cứu đề tài này

Tại Việt Nam, xu hướng đầu tư tiền điện tử trên mạng xã hội cùng với tốc độ tăng trưởng mạnh mẽ theo cấp số nhân của Bitcoin đã tạo nên một môi trường hoàn hảo tác động tới xu hướng giao dịch và đầu tư trực tuyến. Nhưng trên thực tế, nhiều nhà đầu tư non trẻ liên tục bị thua lỗ do thiếu kiến thức tài chính, kỹ năng đánh giá thị trường… dẫn tới việc đưa ra các quyết định sai lầm khi đối mặt với những biến động tiêu cực của thị trường.

Khi thực hiện đề tài nghiên cứu này, nhóm sinh viên tập trung phân tích hành vi và quá trình đưa ra quyết định của các nhà đầu tư tiền điện tử khi sử dụng nền tảng Twitter làm phương tiện trao đổi quan điểm hoặc ý kiến ​​cá nhân với các nhà đầu tư khác. Từ đó giải thích mối quan hệ mật thiết giữa mạng xã hội và quá trình ra quyết định của nhà đầu tư, cách họ phản ứng với thông tin nhận được từ đồng nghiệp nói riêng và thị trường nói chung. 

Nghiên cứu nhằm mục đích hướng dẫn, cung cấp thông tin cần thiết cho nhóm nhà đầu tư tiền điện tử, tránh hành vi đầu tư theo cảm xúc

Theo các thành viên, kết quả của đề tài nghiên cứu này sẽ giúp các nhà đầu tư ngắn hạn có thêm kiến thức và kỹ năng cần thiết để tồn tại trên thị trường. Đồng thời, nó cũng là bằng chứng cho thấy rằng bản chất của tiền điện tử không tuân theo các nguyên tắc tài chính truyền thống. Bởi vậy, nền tảng kiến thức vững vàng về tài chính cùng khả năng ứng biến linh hoạt với thị trường mới có thể giúp người trẻ thành công bền vững khi dấn thân vào lĩnh vực này.

Perception of FPT Academic Student on Esports Participation

“Perception of FPT Academic Student on Esports Participation” là một trong những đề tài nghiên cứu khoa học được chú ý tại phiên trình bày chiều nay 26/11 của FCBEM 2022, được thực hiện bởi nhóm sinh viên chuyên ngành Truyền thông Đa phương tiện – ĐH FPT campus TP Hồ Chí Minh.

Dù chỉ chiếm dưới 20% dân số nhưng Gen Z được đánh giá là thế hệ quyết định thành công và mức độ lan tỏa của eSports khi theo đuổi bộ môn này. Bất chấp những lời chỉ trích nhắm vào tác động tiêu cực của việc chơi game quá mức, không thể phủ nhận rằng Gen Z đang tạo ra xu hướng thay đổi cuộc chơi ở lĩnh vực game nói chung và eSports nói riêng. Đồng thời, các thế hệ Gen Z đang góp phần tạo ra một thế hệ các tuyển thủ tài năng kiếm được thu nhập khủng và nổi tiếng.

Nghiên cứu này được kỳ vọng sẽ thể hiện quan điểm, cảm nhận của những người chơi Esports để đưa ra các khuyến nghị và đóng góp nhằm xây dựng một hệ thống hỗ trợ tốt hơn cho người chơi bộ môn này

Trước thực trạng này, nhóm sinh viên chuyên ngành Truyền thông Đa phương tiện – ĐH FPT campus TP Hồ Chí Minh gồm Nguyễn Phước Định Kiên, Bùi Trần Duyên Duyên, Lê Thành Hoàng An, Trương Thành Long và Nguyễn Xuân Lộc cùng sự hướng dẫn của giảng viên Lê Thị Mỹ Danh và Nguyễn Thị Thuỳ Hiền đã thực hiện nghiên cứu “Quan điểm của sinh viên ĐH FPT khi tham gia Esports” (Perception of FPT Academic Student on Esports Participation).

Nhóm đã sử dụng phương pháp định tính để điều tra nhận thức và thái độ của sinh viên đối với sự phát triển và tham gia của Esports. Ngoài ra, nghiên cứu này dựa trên Lý thuyết về hành vi có kế hoạch, được hình thành bởi thái độ của một cá nhân (thuộc tính của một hành vi cụ thể), chuẩn mực chủ thể (liệu một người quan trọng sẽ tán thành hay không tán thành hành vi đó) và kiểm soát hành vi có nhận thức (dự đoán trở ngại có thể ngăn cản hành vi), để phân tích dữ liệu được phỏng vấn.

Đại diện nhóm chia sẻ: “Nghiên cứu này được kỳ vọng sẽ thể hiện quan điểm, cảm nhận của những người chơi Esports để đưa ra các khuyến nghị và đóng góp nhằm xây dựng một hệ thống hỗ trợ tốt hơn cho người chơi bộ môn này”.

Tinh thần làm việc nghiêm túc, khả năng sáng tạo của các bạn học viên, sinh viên FPT Edu tham gia hội thảo năm nay được các CBGV FPT Edu và những nhà nghiên cứu ngoài tổ chức đánh giá cao. Đây có thể coi là động lực để người học FPT Edu có thêm nhiều công trình nghiên cứu khoa học chất lượng, thể hiện góc nhìn, quan điểm mới mẻ của Gen Z đồng thời góp phần khuyến khích, thúc đẩy phong trào nghiên cứu khoa học trong học sinh, sinh viên nói chung.

Huệ Anh

Tổ chức Giáo dục FPT – fpt.edu.vn

1459

Nhân vật