Những tiết mục biểu diễn đàn đặc sắc tại Chung kết FPT Edu Tích Tịch Tình Tang
Có khả năng chơi đa dạng các loại đàn nhạc truyền thống với phong cách sáng tạo, độc đáo, các thí sinh đã đem đến nhiều tiết mục giàu cảm xúc tại Vòng Chung kết FPT Edu Tích Tịch Tình Tang.
"Trống cơm" – Thí sinh Ngô Tứ Quỳnh Như, ĐH FPT Đà Nẵng
Với tiết tấu nhanh, câu từ đơn giản nhưng thanh âm luyến láy gợi cảm xúc, "Trống cơm" là giai điệu khiến bất cứ ai lắng nghe cũng cảm thấy thân thương và gần gũi. Nhiều nhạc phẩm cũng được sáng tác dựa trên cảm hứng từ loại nhạc cụ truyền thống này.
Ở vòng chung kết FPT Edu Tích Tịch Tình Tang, thí sinh Ngô Tứ Quỳnh Như – ĐH FPT Đà Nẵng đã biểu diễn bài hát "Trống cơm" bằng đàn tranh với một phong cách rất riêng, vừa truyền thống lại vừa thể hiện tinh thần của người trẻ.
Ngô Tứ Quỳnh Như – Sinh viên ĐH FPT Đà Nẵng với phần biểu diễn tiết mục "Trống cơm" tại chung kết FPT Edu Tích Tịch Tình Tang
Tiết mục "Trống cơm" của Ngô Tứ Quỳnh Như có sự kết hợp độc đáo với một đoạn nhạc EDM khiến khán phòng như bùng cháy trong không khí trẻ trung, sôi nổi
Được biết, Ngô Tứ Quỳnh Như là một thí sinh xinh xắn lại đa tài. Không chỉ giỏi chơi nhạc cụ dân tộc, cô bạn còn có khả năng nói Tiếng Anh lưu loát và trôi chảy. Trước khi tham gia FPT Edu Tích Tịch Tình Tang, nữ sinh ĐH FPT Cần Thơ từng là thí sinh cuộc thi ngôn ngữ FPT Edu NihongoEng.
"Sang xuân" – Thí sinh Đặng Ngọc Lan, ĐH FPT Hà Nội
Trong bảng độc tấu đàn tranh, tiết mục "Sang xuân" do thí sinh Đặng Ngọc Lan đến từ ĐH FPT Hà Nội trình diễn là một trong những tiết mục nhận được nhiều sự ủng hộ từ ban giám khảo và khán thính giả.
Qua thanh âm của đàn tranh, giai điệu nhẹ nhàng, tươi sáng của "Sang xuân" được thể hiện theo cách mới lạ, đem lại cảm giác tươi mới, tràn đầy cảm hứng. Đồng thời, Ngọc Lan với phong thái biểu diễn nhẹ nhàng, chuyên nghiệp không chỉ truyền tải được cái thần, cái hồn của mùa xuân vào từng nốt nhạc mà còn khiến nhiều trái tim rung động bởi cái tình đối với nhạc cụ đàn tranh.
Ngọc Lan với tiết mục biểu diễn đàn tranh "Sang xuân" được Ban giám khảo đánh giá cao
"Việt Nam ơi" – Thí sinh Phạm Hồng Lương, ĐH FPT Hà Nội
Phạm Hồng Lương, thí sinh của ĐH FPT Hà Nội đã thể hiện ca khúc "Việt Nam ơi" bằng đàn nhị. Tiết mục đem đến cảm nhận mới mẻ về một ca khúc đã quen thuộc
Với kỹ thuật tốt, phong cách trình diễn đầy "lửa" cùng kết hợp với những loại nhạc cụ khác như trống, sáo, đàn tranh… Hồng Lương đã thể hiện được cái hay độc lạ của ca khúc Pop hiện đại khi được chơi bằng những loại nhạc cụ truyền thống Việt Nam. Tiết mục "Việt Nam ơi" của Hồng Lương đã nhận được sự cổ vũ nhiệt tình từ khán giả.
Thí sinh Phạm Hồng Lương với tiết mục Việt Nam ơi được biểu diễn bằng đàn nhị
Tiết mục của Hồng Lương được đầu tư kỹ lưỡng về cả mặt âm thanh và hình ảnh với phần múa phụ họa được biên đạo kỹ lưỡng
"Lý cây bông", "Lý kéo chài" – Thí sinh Vũ Đình Đức, ĐH FPT Hà Nội
Các điệu lý là một trong nhiều làn điệu quen thuộc của người Việt, được biết đến với giai điệu mộc mạc, giản dị nhưng cũng rất gợi cảm. Điệu lý đặc biệt phát triển ở Trung Bộ và Nam Bộ với nhiều bài hát hay trong số đó phải kể đến "Lý cây bông" và "Lý kéo chài" – 2 điệu lý nổi tiếng không chỉ ở quê hương Nam bộ mà còn được người dân Việt Nam trên khắp cả nước biết đến.
Là một trong các thí sinh dự thi bảng độc tấu đàn tỳ bà, Vũ Đình Đức – ĐH FPT Hà Nội đã quyết định mang đến hội thi 2 nhạc phẩm "Lý cây bông" và "Lý kéo chài". Thông qua những động tác điêu luyện, tiếng nhạc du dương mà giàu cảm xúc, giai điệu quen thuộc nhưng với cách phối âm mới mẻ bằng đàn tỳ bà, tiết mục đã chiếm được tình cảm của nhiều khán giả.
Vũ Đình Đức với tiết mục độc tấu đàn tỳ bà 2 giai điệu "Lý cây bông", "Lý kéo chài"
"Nơi này có anh" – Thí sinh Phạm Gia Khôi, ĐH FPT TP. HCM
"Nơi này có anh" của ca sĩ Sơn Tùng MTP đã từng là một bài hát làm mưa làm gió trên các bảng xếp hạng âm nhạc trong nước. Bài hát lấy được cảm tình từ khán giả nhờ ca từ giàu cảm xúc, tiết tấu, nhịp điệu bắt tai và phần thể hiện không thể "tình" hơn từ ca sĩ Sơn Tùng.
Thế nhưng, ở chung kết FPT Edu Tích Tịch Tình Tang, Phạm Gia Khôi, thí sinh đến từ FPT Edu TP. HCM đã chứng minh rằng nhạc cụ truyền thống không chỉ dành cho những làm điệu dân ca bằng cách thể hiện lại ca khúc trên bằng đàn bầu.
Phạm Gia Khôi biểu diễn ca khúc nổi tiếng với giới trẻ "Nơi này có anh" bằng đàn bầu
Các sinh viên FPT Edu có mặt tại khán phòng đã bị cuốn vào những giai điệu vừa quen, vừa lạ cùng phần nhìn "độc, lạ" của "Nơi này có anh" phiên bản đàn bầu. Sự sáng tạo trong việc lựa chọn tác phẩm đã khiến Phạm Gia Khôi gây ấn tượng sâu sắc đối với ban giám khảo và khán thính giả tại chung kết FPT Edu Tích Tịch Tình Tang.
Vòng chung kết FPT Edu Tích Tịch Tình Tang sẽ diễn ra trọn vẹn trong ngày hôm nay 19/8. Các tiết mục xuất sắc sẽ được công diễn và vinh danh trong Lễ trao giải cuộc thi, tổ chức vào tối mai 20/8.
Hải Ngân
Tổ chức Giáo dục FPT - fpt.edu.vn