FPT Edu - Tin tức chung

Những ứng dụng hữu ích hỗ trợ dạy và học vẫn là chủ đề hot tại FPT Educamp 2023

11/12/2023
Hà Hải Ngân
1253

Cùng với sự phát triển của công nghệ, việc dạy và học cũng có những đổi mới để thích nghi và phát triển cùng thời đại. Do vậy, việc ứng dụng những công cụ hỗ trợ giảng dạy và học tập trong tiết học, lớp học là không thể thiếu. Tại FPT Educamp năm nay, nhiều báo cáo viên vẫn tiếp tục lựa chọn chủ đề liên quan tới ứng dụng hỗ trợ dạy và học để chia sẻ, trong đó có nhiều công cụ mới với tính năng đáng ngạc nhiên.

Bộ công cụ thông minh trong dạy và học thời kỳ kỷ nguyên số - Báo cáo viên (BCV) Đoàn Mạnh Linh

Bộ công cụ thông minh trong dạy và học thời kỳ kỷ nguyên số là tổng hợp kinh nghiệm của BCV Đoàn Mạnh Linh cùng các cộng sự, do anh Linh đại diện trình bày tại FPT Educamp 2023. Chia sẻ về việc tìm hiểu nghiên cứu các công cụ dạy và học, anh Linh cho biết, mong muốn này xuất phát từ việc bản thân anh Linh nhận thấy rằng, “là một giáo viên ở thời đại 4.0, nghề giáo thực sự không “nhàn” như mẹ mình vẫn hay khuyên mình khi còn cắp sách đi học”. Giáo viên bây giờ rất bận rộn với những deadline, đồng thời cũng cần trang bị thêm nhiều kỹ năng để theo kịp sự phát triển của thời đại. Chính bởi vậy, suy nghĩ “giá như có công cụ gì gọn nhẹ hơn, để khi chấm bài, giáo viên không còn cần mang vác hàng chồng giấy, vở từ trường về nhà và từ nhà đến trường mà vẫn đem lại hiệu quả tương đương thì tốt biết mấy; giá như có thêm một trợ lý giúp mình soạn bài nhanh mà vẫn đúng ý thì hay biết bao...” xuất hiện.

Từ đó, những suy nghĩ, sáng kiến về bộ công cụ dành cho một người giáo viên đang trong thời đại 4.0 tiến lên 5.0 hình thành. Vậy là anh Linh đã cùng 4 cộng sự cùng nhau mày mò, nghiên cứu cho ra mắt bộ công cụ thông minh và dạy và học thời kỳ Kỷ nguyên số.

Tại phiên tham luận, BCV Đoàn Mạnh Linh đã giới thiệu 3 loại công cụ hỗ trợ giáo viên, được chia làm 3 nhóm: Ghi chú thông minh, Sơ đồ thông minh và Trợ lý thông minh.

Ở phần Ghi chú thông minh, anh Linh giới thiệu đến người tham dự công cụ Goodnotes với đầy đủ các tính năng như scan tài liệu và ghi chú trực tiếp lên trang, bút màu, tạo bài giảng E-learning... Ở nhóm Sơ đồ hóa thông minh, anh Linh tiếp tục giới thiệu về một công cụ có tên Lucidchart – một công cụ lập sơ đồ cung cấp các tính năng sơ đồ tư duy và biều đồ. Công cụ này giúp người dùng tạo sơ đồ, biểu đồ một cách nhanh chóng và đẹp mắt. Đồng thời công cụ Lucidchart còn cho phép nhiều người dùng cùng chỉnh sửa, cho phép chat ngay trên nền tảng... Và ở nhóm Trợ lý thông minh, anh Linh giới thiệu trợ lý Cirpod với giao diện bắt mắt, dễ sử dụng và có thể tạo bài giảng trước mỗi tiết học. Chưa kể, công cụ này còn cho phép học sinh đồng thời tương tác trong bài học thông qua việc cùng truy cập vào ứng dụng.

Theo anh Linh, bằng cách sử dụng những công cụ này, giáo viên có thể tiết kiệm được thời gian chuẩn bị bài giảng, tăng tương tác với học sinh ở trên lớp, đồng thời không cần phải mang vác giáo án, bài thi một cách nặng nhọc mà có thể làm tất cả chỉ với một chiếc máy tính bảng.

Ở phiên trình bày của mình, anh Linh cũng nhận được câu hỏi từ phía người dự với thắc mắc việc sử dụng các công cụ này có thể giúp tiết kiệm được bao nhiêu thời gian trong việc chuẩn bị bài giảng? Đối với câu hỏi này, anh Linh cũng đưa ra câu trả lời, nhấn mạnh người dùng sẽ chỉ tốn thời gian nhất ở khâu làm quen với công cụ, tới khi đã quen cách sử dụng và vận hành, người dùng có thể chuẩn bị một bài giảng với tốc độ nhanh hơn từ 2-4 lần tốc độ thông thường.

Các ứng dụng AI hữu ích áp dụng cho giáo dục – Báo cáo viên Trần Thị Bích Hằng

Trí tuệ nhân tạo (AI) là một lĩnh vực khoa học máy tính có ảnh hưởng lớn đến nhiều lĩnh vực khác nhau trong xã hội hiện đại. Trong bài nghiên cứu này, BCV Trần Thị Bích Hằng khảo sát việc sử dụng các ứng dụng AI cho giáo viên và học sinh trung học cơ sở trong môn học như: chuyển text thành voice, tạo video từ hình ảnh, tạo các bài thuyết trình chất lượng tự động.

Mục tiêu của nghiên cứu là giúp học sinh và giáo viên hiểu về AI, lợi ích và tác hại, trải nghiệm được một số ứng dụng AI trong học tập, thiết kế các bài giảng, tìm kiếm thông tin, làm bài thuyết trình... Để có được kết quả nghiên cứu, chị Hằng đã tiến hành thực hành trải nghiệm và nghiên cứu với 300 học sinh khối 6 và 100 giáo viên trường Tiểu học và THCS FPT sử dụng các ứng dụng AI trong quá trình giảng dạy, học tập và đánh giá kết quả bằng các phương pháp khảo sát và phân tích số liệu. Kết quả cho thấy việc sử dụng các ứng dụng AI có thể cải thiện kỹ năng ngôn ngữ, kỹ năng thuyết trình, kỹ năng tìm kiếm thông tin, kỹ năng thiết kế bài giảng và ý thức về AI của giáo viên và học sinh.

BCV Trần Thị Bích Hằng giới thiệu tới người tham dự một số công cụ AI hữu ích trong việc dạy và học

Cũng tại phiên trình bày, chị Hằng đã giới thiệu một số website cho phép sử dụng AI để tạo ra những sản phẩm phù hợp với nhu cầu dạy và học và cho kết quả tốt như: https://console.fpt.ai/ (Chuyển text sang voice bằng Tiếng Việt), https://elevenlabs.io/ (chuyển text sang voice bằng Tiếng Anh), https://studio.d-id.com/ (chuyển ảnh thành video), https://canva.com/ (tạo ảnh từ prompt), https://curipod.com/ (tạo bài giảng tự động).

Tuy nhiên, đứng trước tính hữu dụng của các công cụ AI, người tham dự cũng đặt ra câu hỏi làm thế nào để quản lý học sinh khi cho phép các em được sử dụng công cụ này trong bài học? Đứng trước câu hỏi này, chị Trần Thị Bích Hằng cũng khẳng định, sử dụng các công cụ hỗ trợ bằng AI trong dạy và học là một thuận lợi nhưng cũng là một thách thức đối với cả cô và trò. Vậy nên, để giảm thiểu rủi ro, hay những ảnh hưởng xấu của các công cụ này đối với học sinh thì người dạy trước tiên cần giáo dục cho học sinh hiểu mục tiêu khi sử dụng các công cụ, tránh học sinh lạm dụng hoặc sa đà vào việc sử dụng công nghệ.

The effects of using artifical tools including Twee and Quillibot on Teaching English at FPT High School – Báo cáo viên Nguyễn Mỹ Linh

Tại phiên tham luận “The effects of using artifical tools including Twee and Quillibot on Teaching English at FPT High School” (tạm dịch: Hiệu quả của việc sử dụng công cụ nhân tạo Twee và Quillbot trong dạy học tiếng Anh tại Trường THPT FPT), cô Nguyễn Mỹ Linh đã giới thiệu tới người tham dự 2 công cụ nhằm giúp giáo viên Tiếng Anh có thể chuẩn bị bài giảng, giáo án, hoạt động nhanh chóng hơn, thú vị hơn cho học sinh. Đó là: Twee và Qillibot.

Báo cáo viên Nguyễn Mỹ Linh trao đổi với khán thính giả tại phiên trình bày

Trong đó, công cụ Twee cho phép giáo viên tạo các câu hỏi cho bất cứ một video nào trên Youtube chỉ trong vài giây ngắn ngủi, tạo các câu hỏi trắc nghiệm, Yes/No Question, tìm các câu hỏi thảo luận, sự kiện và những trích dẫn thú vị của những người nổi tiếng liên quan tới chủ đề này, gợi ý những từ vựng liên quan đến chủ đề và tạo bài tập dạng điền vào chỗ trống...

Còn đối với công cụ Quillibot, một công cụ AI miễn phí, hỗ trợ giáo viên hướng dẫn học sinh kỹ năng Writting một cách nhanh chóng hơn. Công cụ này cung cấp các gợi ý theo ngữ cảnh và diễn đạt lại các câu theo một cách khác mà vẫn giữ nguyên ý nghĩa.

Việc sử dụng 2 công cụ nói trên vô cùng đơn giản. Trong một số bài học thích hợp, học sinh có thể sử dụng chúng để cải thiện bài làm, tự học một cách hiệu quả.

Trong phiên trình bày, BCV Nguyễn Mỹ Linh cũng nhận được câu hỏi về việc liệu học sinh có rơi vào hoàn cảnh lạm dụng việc sử dụng các công cụ này hay không? Đứng trước lo ngại đó, cô Linh cũng nhấn mạnh việc cần giải thích cho học sinh hiểu mục đích và thời điểm sử dụng các công cụ, có giới hạn với việc sử dụng. Đồng thời, khuyến khích học sinh tư duy và suy nghĩ trước, sau đó mới sử dụng các công cụ nói trên để mở rộng vốn từ, diễn đạt hay hơn và cảm xúc hơn.

Hải Ngân

Tổ chức Giáo dục FPT – fpt.edu.vn

1253

Nhân vật