FPT Edu - Tin tức chung

Sinh viên FPT Edu “chơi lớn”, gây bất ngờ tại Chung kết FPT Edu Tích Tịch Tình Tang 2022

19/08/2022
Huỳnh Lệ Thục Anh
933

Tại Vòng Chung kết cuộc thi FPT Edu Tích Tịch Tình Tang 2022, nhiều thí sinh đã gây bất ngờ thú vị cho cả Ban giám khảo và khán giả, không chỉ bởi tài năng, kỹ thuật chơi nhạc cụ điêu luyện mà còn vì bản lĩnh sân khấu và độ “chơi lớn” của mình.

"Chơi lớn" trong lựa chọn nhạc phẩm dự thi
Ở bảng thi đấu đàn tranh, hai thí sinh Đặng Ngọc Lan (ĐH FPT Hà Nội) và Đinh Thị Thu Na (ĐH FPT Đà Nẵng) đều lựa chọn nhạc phẩm “Sang xuân” để biểu diễn. “Sang xuân” là một nhạc phẩm được viết để biểu diễn đàn tranh chuyên nghiệp, đòi hỏi khả năng cảm âm tinh tế cùng nhiều kỹ thuật chơi đàn điêu luyện, thường được các sinh viên Nhạc viện sử dụng trong kỳ thi tốt nghiệp đầu ra đại học. Lựa chọn một nhạc phẩm đầy thách thức để trình diễn trên sân khấu cuộc thi FPT Edu Tích Tịch Tình Tang 2022, Đặng Ngọc Lan và Đinh Thị Thu Na đã cho thấy sự đầu tư nghiêm túc của mình với bộ môn nhạc cụ dân tộc và bản lĩnh sân khấu đáng nể, khiến cho Ban giám khảo vừa bất ngờ vừa thích thú.

Tiếng đàn của thí sinh Đặng Ngọc Lan được đánh giá là rất có chiều sâu với những đoạn nhấn nhá tinh tế

 

Nếu bản "Sang xuân" của Ngọc Lan hay ở tiếng đàn, thì bản "Sang xuân" của Thu Na lại ghi điểm ở kỹ thuật chuyên nghiệp và phong cách biểu diễn tự tin

Ở các bảng thi khác, nhiều thí sinh cũng không ngại chọn lựa các tác phẩm lớn với thời gian tập luyện để thành thạo từ 4 năm trở lên như "Cánh chim tự do" (độc tấu sáo), "Nhịp cầu quê hương" (độc tấu đàn bầu), "Tuỳ hứng Lý ngựa ô" (hoà tấu)...

Nhóm thí sinh đến từ ĐH FPT TP. HCM trình bày nhạc phẩm "Tuỳ hứng Lý ngựa ô" - một tác phẩm không quá khó về kỹ thuật nhưng đòi hỏi rất nhiều yếu tố để tạo nên một bản hoà tấu mượt mà, nhiều cảm xúc

 

Những thí sinh “chinh chiến” một mình
Là thí sinh duy nhất đến từ thành phố biển Quy Nhơn, Đỗ Phi Hùng (ĐH FP Quy Nhơn) nhận được được sự quan tâm và cổ vũ đặc biệt từ khán giả bởi nam sinh này là đại diện duy nhất của campus Quy Nhơn góp mặt tại Chung kết FPT Edu Tích Tịch Tình Tang. Phi Hùng đã thể hiện hai tiết mục độc tấu sáo trúc “Bèo dạt mây trôi” và “Tình ca Tây Bắc” trong tiếng cổ vũ của cả hội trường.

Đại diện duy nhất đến từ ĐH FPT Quy Nhơn Đỗ Phi Hùng trong tiết mục độc tấu sáo trúc “Bèo dạt mây trôi”

 Sân khấu chung kết FPT Edu Tích Tịch Tình Tang 2022 cũng chào đón “chiến binh” duy nhất đến từ FPT Poytechnic Hà Nội là Phạm Huy Hải. Dù nhạc cụ truyền thông không phải là môn học chính khóa của Huy Hải tại trường nhưng vì đam mê, nam sinh này đã tự học sáo trúc qua tài liệu, Youtube. Một mình có mặt tại campus FPT Edu Hòa Lạc để tham dự chung kết cuộc thi nhưng không vì thế mà Huy Hải cảm thấy cô Đơn. Màn trình diễn của Huy Hải nhận được sự cổ vũ nhiệt tình của các khán giả có mặt tại hội trường.

Màn trình diễn độc tấu sáo trúc của Huy Hải là kết quả của quá trình tự nghiên cứu, học hỏi và đam mê nghệ thuật dân tộc cháy bỏng

Tân – cổ giao thoa
Tại Vòng Chung kết FPT Edu Tích Tịch Tịch Tình Tang, nhiều thí sinh đã khiến cả hội trường “vỡ oà” với những nhạc phẩm hiện đại, trẻ trung được thể hiện bằng những thanh âm đạm đà tính dân tộc của đàn nguyệt, đàn bầu…

Biểu diễn nhạc cụ truyền thống đối với học sinh, sinh viên FPT Edu có lẽ không chỉ là bộ môn nghệ thuật hàn lâm mà đã trở thành trải nghiệm độc đáo, kết hợp khéo léo giữa nghệ thuật dân tộc và âm nhạc đương đại, gần gũi, phản ảnh được góc nhìn và tinh thần của người trẻ.

Độc tấu đàn bầu “Nơi này có anh” của Phạm Gia Khôi (ĐH FPT TP. HCM) là một trong những tiết mục được các học sinh sinh viên FPT Edu đón nhận nhiệt tình nhất

 

Giai điệu vui tươi của “Việt Nam ơi!” hiện lên vừa quen vừa lạ qua những ngón đàn nguyệt của Phạm Huỳnh Quý An (ĐH FPT TP. HCM)

Những tiết mục "đã tai, mãn nhãn"
Không chỉ chăm chút, chỉn chu về phần nghe, các thí sinh trong Vòng Chung kết FPT Edu Tích Tịch Tình Tang 2022 còn đầu tư kỹ lưỡng vào trang phục, cách dàn dựng tiết mục, biến sân khấu FPT Edu thành một không gian nghệ thuật đặc sắc, ấn tượng giúp các khán giả có những phút giây “đã tai, mãn nhãn”.

Lưu Vũ Quỳnh Trang (ĐH FPT Hà Nội) là một trong những thí sinh để lại ấn tượng với khán giả vì sự đầu tư kỹ lưỡng về trang phục, đạo cụ. Hỗ trợ cho phần trình diễn của Trang là dàn nhạc hùng hậu với phong thái chơi nhạc cực “phiêu”.

 

Khúc ca hào hùng “Lên ngàn” được Nguyễn Hoàng Dương (ĐH FPT Hà Nội) thể hiện qua tiếng đàn bầu cùng những thước phim tài liệu xưa cũ và màn múa được biên đạo đẹp mắt. Tất cả hòa hợp, dường như kéo khán giả vào không gian một thời lửa đạn hào hùng nhưng không kém phần thơ và tình của những năm tháng cách mạng.

Sự đầu tư về mặt hình ảnh của các thí sinh được thể hiện rõ hơn cả trong các phần trình diễn hòa tấu. Để vừa biểu diễn nhạc cụ dân tộc điêu luyện, vừa hóa thân vào những màn vũ đạo công phu, các thí sinh FPT Edu Tích Tịch Tình Tang đã cùng nhau trải qua quá trình luyện tập nghiêm túc với niềm say mê âm nhạc.

Hoà tấu trống “Hồn thiêng đất Việt” đến từ ĐH FPT Hà Nội gây ấn tượng mạnh với tiếng trống thúc giục, màu sắc rực rỡ, biểu cảm mạnh mẽ

 

Một tiết mục hoà tấu trống khác đến từ ĐH FPT Hà Nội mang tên “Chiến binh & Quái thú” cũng khiến cho khán giả trầm trồ với âm thanh hoành tráng, "visual rực lửa", “bonus” thêm màn biên đạo phụ hoạ bắt mắt

 

Vừa biểu diễn hoà tấu đàn tranh “Hò kéo pháo”, vừa tái hiện hình ảnh chân thực của những người lính thời bom rơi đạn lạc thông qua thước phim và biên đạo phụ hoạ, nhóm thí sinh đến từ ĐH FPT Hà Nội đã làm sống dậy không khí hào hùng của Việt Nam một thời

 

Vòng chung kết FPT Edu Tích Tịch Tình Tang đã diễn ra trọn vẹn trong ngày hôm nay 19/8. Các tiết mục xuất sắc sẽ được công diễn và vinh danh trong Lễ trao giải cuộc thi, tổ chức vào tối mai 20/8.

 

 

Thục Anh

Tổ chức Giáo dục FPT

 

933

Nhân vật