SV FAI hào hứng với Zoom Talk“Những người phê sách”
Trong Zoom Talk "Những người phê sách" do FAI tổ chức vào ngày 25/11 vừa qua, các SV đã có cơ hội lắng nghe những chia sẻ thú vị về mối duyên với sách cũng như cách duy trì thói quen đọc sách từ 2 diễn giả đầy cảm hứng.
Gặp chị Mèo Xù - Copywriter, đồng thời cũng là tác giả của nhiều cuốn sách truyền cảm hứng như "Bơ đi mà sống"; "Cứ tin mình sẽ hạnh phúc" cùng chị Phạm Tuyết Hạnh Hà - Trưởng ban Công tác học đường Tổ chức Giáo dục FPT tại Zoom Talk dường như là một cái duyên đặc biệt. Những người tham gia đã thực sự tìm lại được chính mình cũng như các cách thức tích cực hơn để giải quyết những vấn đề đang cần “gỡ rối” trong cuộc sống.
Đã là duyên thì không né tránh!
“Đã là duyên thì không né tránh!” - Mỗi chúng ta ngoài thế giới quan duy vật thì thế giới quan duy tâm vẫn chiếm phần lớn trong tâm thức của mỗi con người. Có lẽ phần nào đó mỗi một người đều đã được định sẵn những mối “duyên” nhất định. Và đó cũng là lý do tại sao dù chúng ta muốn né tránh thì cũng không thể không gặp phải những câu chuyện hay con người đó: Những người ta yêu; Những câu chuyện bén duyên với nghề; Gia đình, sự nghiệp… đều là những mối duyên “hữu ý” hoặc vô tình xuất hiện và đẩy chúng ta đi theo con đường đó.
Còn đối với chị Mèo Xù và chị Hạnh Hà, hai người chia sẻ của chúng ta đều có những câu chuyện riêng, những câu chuyện gắn với những ký ức đáng nhớ có hay đáng quên cũng có.
Cơ duyên để chị Mèo Xù đến với nghề viết có lẽ phải kể từ những năm tháng còn là học sinh. Khi đó, chị Mèo thích đọc nhiều truyện tranh, sách thiếu nhi, từ tự viết những bài tản văn gửi cho các tòa soạn báo cho đến chính các tòa soạn đã đặt bài viết từ chị Mèo.
Từ ngày đó, “mối duyên” viết chữ, viết văn dường như đã chính thức mở ra với chị khi có đơn vị muốn hợp tác với chị Mèo để phát hành Ebook. Lúc đó, chính chị Mèo rất bối rối vì không biết nên viết như thế nào, tuy nhiên đó cũng là một động lực và cơ hội thúc đẩy chị Mèo ra cuốn sách đầu tay. Và quan trọng hơn là cơ hội để chị Mèo có thể thử sức bản thân.
Nhắc đến chị Mèo Xù, chắc hẳn nhiều người sẽ nhớ đến chị là tác giả của cuốn sách “Bơ đi mà sống” với thông điệp bìa sách được nhiều bạn trẻ ghi nhớ “Nếu không đẹp thì hãy thơm!”. Và bản thân Chị Mèo cũng nhận định rằng “Bơ đi mà sống” chính là cuốn sách tạo nên tên tuổi cũng như trở thành “một người bạn tinh thần” cho những bạn gặp vấn đề tâm lý như chị.
Chị Mèo đã kể: “Khi nhìn những tin nhắn tâm sự về cuốn sách đến từ những người bạn gặp vấn đề tâm lý như mình, mình đã bật khóc”. Chính vì lý do đó, chị luôn tin rằng những điều mình đã và đang viết sẽ giúp ích được cho những người gặp khó khăn như chị, để rồi lâu dần điều này đã trở thành động lực tiếp tục theo đuổi nghề “viết - đọc” này.
Tình hình dịch bệnh trong nhiều năm trở lại đây cũng đã làm ảnh hưởng đến kế hoạch đi du học và học thêm ngoại ngữ của chị Mèo, nhưng sau tất cả những điều này cũng không làm chị cảm thấy nên phiền lòng hay chán nản. Thay vào đó chị Mèo đã rèn luyện cho mình nhiều thói quen về viết cũng như đọc hơn.
Còn đối với chị Hạnh Hà là những hồi ức về thời gian trước đây tuy học chuyên văn, cũng đã từng đạt những giải cao tại nhiều cuộc thi nhưng chị lại chưa tìm được động lực để thực sự chú tâm cho việc đọc sách. Cụ thể hơn thì đó chính là sự lười đọc sách để sau này chính chị đã tìm ra được
Một “cơ duyên” nữa góp phần định hướng cho chị chính là lần gặp gỡ với Hoàng Nam Hải - con trai của Hoàng Nam Tiến - Chủ Tịch FPT Telecom, khi đó, chị bất ngờ vì: “Một cậu bé rất trẻ nhưng bạn ấy đã tiếp thu rất nhiều tinh hoa từ sách, thể hiện rõ rằng bạn ấy nhỏ tuổi hơn mình nhưng rõ ràng là tri thức hơn nhiều do bạn ấy đọc nhiều ...” – hai cú đả kích lớn đó đã khiến chị thôi thúc bản thân phải đọc nhiều hơn!
Chị Hạnh Hà tin rằng: “Ai cũng sẽ gặp khó khăn, chỉ khác là ít hay nhiều, vượt qua như thế nào mà thôi. Cố gắng không bao giờ là muộn”. Có lẽ vì vậy mà ở chị luôn tỏa ra một nguồn năng lượng tự tin và tích cực.
Chị Mèo cảm nhận về chị Hạnh Hà là một người có “tâm thế thoải mái và tươi trẻ cộng thêm nguồn tri thức dồi dào đã hình thành nên một KOL chia sẻ về sách với rất nhiều điều hay ho từ những tri thức mà chỉ đọc được, đi kèm với những hình ảnh ấn tượng”. Thậm chí chị Mèo muốn hướng dẫn chị Hạnh Hà cách thức để Facebook có tích xanh.
Đọc sách - cho đi và nhận lại
Đến với phần “How” - Đọc sách như thế nào để hiệu quả, đọc sách như thế nào để không chán? Thể loại sách nào phù hợp cho phát triển bản thân?. Có lẽ đây sẽ là những câu hỏi mà rất nhiều bạn đang thắc mắc. Cả hai người chia sẻ đều nhấn mạnh tinh thần “Sharing & Giving” từ những cuốn sách khi chúng ta đọc nó: “kho báu tri thức không nên giữ cho mình mà là chia sẻ”.
Vì một khi chúng ta tiếp nhận kiến thức nào đó, chúng ta đem kiến thức đó chia sẻ cho mọi người, chúng ta nhận được lời khen, sự ngưỡng mộ thì chúng ta càng có động lực để đọc nhiều hơn, chắt lọc nhiều hơn để “Sharing & Giving” với mọi người một cách chất lượng nhất. Khi đó, bản thân mình vừa trở thành người tốt trong mắt mọi người, vừa đem lại niềm vui cho bản thân đồng thời cũng tự nâng cao tầm hiểu biết của bản thân.
Nên đọc sách như thế nào?
Thứ nhất là hãy đọc với tâm thế “Sharing & Giving” như đã nói ở trên. Hai là xác định sau khi đọc xong bạn lấy được gì từ sách. Tuy nhiên, chúng ta cũng không nên khiên cưỡng quá mà hãy cứ thử đọc những cái mình thích, những điều mình hứng thú, đọc đa dạng chủ đề như về lifestyle, sở thích, chuyên ngành… Vì biết đâu một ngày nào đó, chúng ta có thể hứng thú với điều này, hay thu thập được điều gì đó hay ho.
Như chị Mèo chia sẻ, đôi khi chị đã không muốn đọc nhưng vì công việc nên bản thân chị Mèo đã bắt đầu đọc những cuốn sách đọc về quản lý nhân sự khi chị còn học Đại học.
Bạn Luân Nguyễn lớp A2.2007E có hỏi: “Em muốn hỏi thêm là các chị có bí quyết gì để đọc sách/chọn sách để đọc hiệu quả không?”
Theo chị Hạnh Hà thì chị chọn sách theo mục đích: “Đọc sách có chủ đích và không có chủ đích. Đọc sách có chủ đích là đọc những gì mình phải đọc như giáo trình, môn học hay đọc với tâm thế xác định là đoc để lấy kiến thức, để nâng cao bản thân… Đọc sách không có chủ đích là đọc những thứ mình muốn, và bản thân cứ đọc, đọc ngẫu nhiên cho đến khi một lúc nào đó bản thân sẽ biết chúng ta nên đọc gì. Đọc sách không có chủ đích - đọc với tâm thế thoải mái cũng là điều giúp chúng ta nhớ được những điều hay ho, bởi chúng ta thường ấn tượng với điều gì mà bản thân thích. Từ đó mà chúng ta biết chúng ta nên và cần đọc gì: Giáo trình, Self-help, tản văn...Mỗi một loại sách đều có giá trị khác nhau, cho nên xác định mục đích đọc sẽ giúp chúng ta không bị lạc lối”.
Như đối với chị Mèo, chính gia đình và những cuốn sách đã giúp chị vượt qua mọi khó khăn khi là nạn nhân của body shaming: “Nếu chị không vững vàng ngày hôm đó thì sẽ không có Mèo Xù như ngày hôm nay”. Bên cạnh đó là những cuốn sách như “Quẳng gánh lo đi và sống, đời đẹp mà” hay “Hãy sống như người Paris”... cũng đã giúp chị yêu bản thân mình và vượt qua cú shock đầu đời.
Cách để vượt lười đọc sách
Theo chị Hạnh Hà thì nên xác định mục đích để đọc sách và biến sự lười biếng, chán nản đó khiến bản thân mình có thể từ một người lười đọc trở nên chăm đọc sách và yêu việc đọc sách hơn. Như chị Hạnh Hà thì “mong muốn trở thành một người thông thái, sâu sắc” chính là động lực đập tan đi sự lười biếng của chị.
Ngoài ra chúng ta nên xác lập thói quen đọc sách như 20 ngày đọc 1 cuốn sách hay tham gia vào một cộng đồng để cho việc đọc sách trở nên có động lực hoặc hãy đọc 5 trang, 10 trang … rồi tăng dần mỗi ngày để cảm nhận sâu hơn các câu chuyện truyền tải trong sách.
Một bí quyết nữa của chị Hạnh Hà đó là có phương pháp đọc sách hiệu quả, như đọc lướt để lấy ý chính, từ khóa rồi sau đó sẽ đọc sâu, đọc lâu… Chị Hà chia sẻ rằng, cuốn sách “Nhà giả Kim” chị đọc đến lần 2 mới “thấm” và “ngấm”. Do đó, có nhiều cuốn sách đọc rất chán hoặc không hấp dẫn là chuyện bình thường.
Các bạn hãy cứ đọc và đọc nhiều rồi sẽ thấy nó hay. Các bạn cũng có thể lên xem review để chọn lựa. Nhiều khi đọc sách cũng là cái duyên, vậy nên các bạn đừng bao giờ từ bỏ việc đọc. Có thể nó không hợp với mình bây giờ nhưng lúc khác sẽ hợp bởi vì “Đọc sách như tế bào, đọc càng nhiều, tế bào sẽ phát triển mạnh mẽ và càng lan ra”. Do vậy các bạn nên ghi chú những thứ hay ho và thú vị để tạo cảm hứng trong việc đọc sách.
Còn đối với Chị Mèo, cách để đọc sách bớt chán chính là “hãy thử viết về một điều gì đó trong sách, rồi chia sẻ, tinh thần sharing and giving cho những người xung quanh” để không bị chán. Hay, tạo động lực cho bản thân bằng cảm giác rằng: Khi đọc sách xong thì tự bản thân mình vừa đạt được một điều gì đó thật sự vĩ đại - đó là tri thức. Dần giá, từ đó bản thân sẽ cảm thấy hứng thú nhiều hơn
Đọc đúng cách, đọc đúng mục đích
Cả chị Hạnh Hà và Mèo Xù đều có những quan điểm về việc học để chia sẻ. Vì ai cũng đau đầu khi học những kiến thức chuyên ngành, điều quan trọng là các bạn phải đọc nó và phải xác định lấy được điều gì từ đó. Các bạn cũng đừng “đơn thương độc mã” học hành, hãy học bạn, học tiền bối, tìm những người hướng dẫn, những người thầy cô để tìm ra những cách học tốt, có thêm động lực.
Hay có một câu hỏi từ người tham gia là “Quan điểm về truyện tranh manga, ngôn tình... như thế nào”? và đã được hai người chia sẻ có nói rằng đọc ngôn tình không độc hại vì mỗi một quyển sách đều có giá trị riêng. Quan trọng là cách tiếp nhận của người đọc như thế nào: Nó có thể là động lực để bản thân cố gắng hoàn thiện bản thân cho phù hợp với những “soái ca” vì nó cũng có thể khiến chúng ta ham mê quá mức mà bỏ bê những chuyện khác quan trọng hơn trong cuộc sống. Do vậy hãy đọc đúng cách và đúng mục đích.
Động lực từ những tổn thương
Bên cạnh rất nhiều chia sẻ về sách và đọc sách thì các đầu sách thú vị cũng đã được giới thiệu tới các bạn trả lời đúng khi tham gia minigame. Một vài cuốn sách ấn tượng từ cái tên đến nội dung như: Tâm sáng dung mạo sáng; Nếu chỉ còn một ngày để sống; Bơ đi mà sống; Cuộc sống đếch giống cuộc đời; Cứ tin mình sẽ hạnh phúc; Sống như người Paris; Bậc thầy của nghệ thuật giao tiếp; Tuổi trẻ đáng giá bao nhiêu; Chớ có hoang mang chuyện gì cũng có cách lo toan; Bạn chỉ cần sống tốt trời xanh tự an bài; Sống thực tế giữa đời thực dụng; Đừng lựa chọn an nhàn khi còn trẻ; Cân bằng cảm xúc, cả lúc bão giông; Hoàng tử bé; Sẽ có cách đừng lo; Happy teacher to the world – thầy Thích Nhất Hạnh; Từ tốt đến vĩ đại xây dựng để trường tồn; Thế giới quả là rộng lớn và có nhiều việc để làm; Nghệ thuật tinh tế của việc đếch quan tâm; Hướng nội; Sách Của Jim Collins (bộ 3 cuốn)... Mong rằng những đầu sách hay ho và thú vị này sẽ bồi dưỡng được tâm hồn mỗi con người chúng ta hằng ngày để trở nên tốt đẹp hơn.
Tuy nhiên, sau cùng, các bạn hãy nên nhớ rằng, thế giới trong sách và thế giới thực thế nhiều khi không hoàn toàn giống nhau. Do đó, chúng ta không nên áp lực quá chuyện đọc sách, hãy làm nó đơn giản thôi, đừng quá phức tạp. Đừng coi sách như một thứ vũ khí quyền năng mà hãy coi sách như một người bạn tâm giao. Và rồi, chúng ta sẽ viết lại những thứ hay ho đó để đồng cảm với bản thân, với những người khác. Ngòi bút khiến chúng ta tổn thương, ngòi bút cũng khiến chúng ta có thêm động lực.
Bạn Diệu Vi tham gia đến cuối chương trình cũng cảm nhận rằng: “Zoom Talk này rất bổ ích và thú vị, phù hợp với những người thích đọc sách như chúng em. Cũng nhờ có sự kiện này mà em đã biết thêm được những đầu sách hay ho, và đặc biệt là gặp được hai vị diễn giả mà em ngưỡng mộ từ rất lâu. Em cảm ơn chương trình rất nhiều”.
Mong rằng thông qua Zoom Talk này, các bạn trẻ sẽ có thể nhiều động lực hơn từ chia sẻ của chính những người trong cuộc - “những người phê sách”, bên cạnh đó là bồi đắp thêm tình yêu với sách cũng như là lan tỏa tri thức tới cộng đồng.
Lộc Toàn