FPT Edu - Tin tức chung

SV FPT Edu mang bí kíp sinh tồn khi đi “phượt” tới phòng bảo vệ đồ án

06/09/2018
Vũ Thị Ngọc Ánh
2699

Là team yêu thích những chuyến “phượt” trải nghiệm, vi vu khắp muôn nơi, 5 bạn SV: Trần Mạnh Tiến, Trần Đăng Khoa, Phạm Tiến Dũng, Đào Thị Phương Thảo và Đặng Nguyễn Phương Trang đến từ chuyên ngành hẹp Kỹ sư cầu nối Nhật Bản đã cùng nhau xây dựng đề tài “Ứng dụng kết nối du lịch nhóm” nhằm mang đến những hành trình an toàn, trọn vẹn cho dân “phượt”.

Được đánh giá là đề tài sáng tạo, “Ứng dụng kết nối du lịch nhóm” xuất phát từ thực tế đã có nhiều chuyến du lịch xảy ra những tình huống phát sinh trong quá trình di chuyển như: lạc đường, tai nạn,…nhất là với những nhóm du lịch theo tour. Sau thời gian nỗ lực và dành thời gian nghiên cứu, khảo sát nhóm nhận thấy các công nghệ hiên nay như: Google Map,…chỉ đảm bảo được tính năng chỉ đường mà không có khả năng bao quát được các hoạt động trong hành trình của mỗi thành viên.

 Được biết, để test khả năng theo dõi sự di chuyển của Lofy, một thành viên trong nhóm đã di chuyển cách xa khỏi phòng bảo vệ khoảng 10m.

Học hỏi những ưu điểm của công nghệ đi trước, đồng thời hạn chế và bổ sung những tính năng mới trong sản phẩm của mình, sau hơn 4 tháng “ngày đêm sống chết với đồ án” 5 bạn SV đã tự tin trình bày trước Hội đồng giám khảo sản phẩm mang tên Locate and notify (Lofy) - Ứng dụng hỗ trợ kết nối các thành viên trong nhóm du lịch. Lofy sẽ yêu cầu người tham gia tạo tài khoản và đăng nhập bằng số điện thoại hoặc Facebook cá nhân. Từ đây, mọi hoạt động di chuyển sẽ được hiển thị trên ứng dụng. 

Đặc biệt, Lofy sẽ tạo ra vòng tròn an toàn cho nhóm du lịch để khi bất kì thành viên trong đoàn gặp vấn đề như: lạc đường, mất sóng, tai nạn…đều sẽ được thông báo và gửi đến các thành viên còn lại. Ngoài ra,  Lofy còn có điểm thú vị là cung cấp trước cho người sử dụng những thông tin về cảnh quan đẹp, khu vực nguy hiểm,…thuộc quá trình di chuyển.

Thầy Phan Trường Lâm, Chủ tịch Hội đồng đồ án nhận xét, “Đây là đề tài khá mới mẻ thể hiện sự sáng tạo của sinh viên. Có lẽ là mới nên đề tài mới chỉ dừng ở việc giải quyết được một số vấn đề cơ bản, nhóm SV cần tập trung nghiên cứu sâu hơn để hoàn thiện sản phẩm của mình.”

Chia sẻ về sự phát triển của sản phẩm, Bạn Trần Mạnh Tiến, sinh viên K10 chuyên ngành hẹp Kỹ sư cầu nối Nhật Bản cho biết, “Những góp ý của Hội đồng đã giúp nhóm mình hiểu rõ hơn về nghề nghiệp trong tương lai. Đối với riêng sản phẩm này, nhóm sẽ vẫn tiếp tục hoàn thiện. Trước mắt là để chính nhóm sử dụng và cải tiến, nếu có cơ hội phát triển tốt nhóm sẽ giới thiệu đến công chúng. Đây cũng chính là điều mà mọi lập trình viên muốn hướng đến khi phát triển sản phẩm của mình”.
 

Dương Dương

2699

Nhân vật