FPT Edu - Tin tức chung

"Thầy giáo, cô giáo hạnh phúc thay đổi thế giới"

20/12/2022
Bùi Linh Phương
2438

Đó là chủ đề của 1 trong 7 bài tham luận được yêu thích nhất tại Hội thảo giáo dục FPT Educamp 2022, trình bày bởi Tiến sĩ Nguyễn Hồng Phương (Viện Quản trị & Công nghệ FSB TP. HCM).

Trường học xưa nay không chỉ là nơi trao truyền kiến thức, kỹ năng trong cuộc sống mà còn là cái nôi nuôi dưỡng tình yêu thương, niềm hy vọng trong mỗi học sinh. Ở đó, thầy cô không chỉ là người giảng dạy mà còn là những hình mẫu, tấm gương tốt đẹp để các trò tin tưởng, noi theo. Vì vậy, nguồn năng lượng tích cực đến từ thầy cô giáo sẽ có một tầm ảnh hưởng rất lớn đến các thế hệ tương lai.

Nhất là trong bối cảnh ngày nay, khi ngành khoa học máy tính ngày càng phát triển và cho ra đời nhiều phiên bản người máy mô phỏng trí thông minh và cảm xúc gần giống con người. Trong khi đó, cuộc sống con người ngày càng có nhiều áp lực và chúng ta có xu hướng trở thành những cỗ máy thực thi nhiệm vụ hơn là có mặt và thực hiện sứ mệnh. Nói cách khác, chúng ta trở thành “humans doing” trong khi đáng lẽ phải trở thành “humans being” để trải nghiệm khoảnh khắc hiện tại một cách trọn vẹn nhất. Trước thực tế đó, để tránh biến thầy cô giáo thành những “cỗ máy” giảng dạy, bài nghiên cứu của Tiến sĩ Nguyễn Hồng Phương đã đề cập đến các khái niệm Sự chú tâm (Mindfulness), Hạnh phúc (Well-being), Khả năng tự nhận thức bản thân (Self-awareness) và triết lý “Thầy giáo, cô giáo hạnh phúc thay đổi thế giới - Happy Teachers Change the World”, mượn lời từ Thiền sư Thích Nhất Hạnh trong một chủ đề pháp thoại dành cho những người làm giáo dục.

Triết lý “thầy giáo, cô giáo hạnh phúc thay đổi thế giới” được Tiến sĩ Nguyễn Hồng Phương chia sẻ tại hội thảo FPT Educamp 2022.

Bài trình bày của Tiến sĩ Nguyễn Hồng Phương cũng chia sẻ những minh chứng, nghiên cứu cho thấy việc thực hành Mindfulness sẽ giúp cải thiện cảm xúc và năng lực cho người dạy như thế nào trong việc chia sẻ tri thức và truyền cảm hứng cho người học, góp phần nâng cao chất lượng và hiệu quả đào tạo.

Theo nữ tiến sĩ, có một sự thực là “thân” của chúng ta sống trong hiện tại nhưng “tâm” của chúng ta lại thường nghĩ về những nuối tiếc trong quá khứ và/hoặc lo lắng về tương lai. “Thân” và “tâm” không có mặt cho nhau nên mâu thuẫn nội tâm là điều khó tránh. Bằng một cách nào đó, nếu chúng ta có một sự thực hành sự chú tâm để tâm trí tập trung 100% cho giây phút hiện tại thì chúng ta sẽ thật sự có mặt, cảm thấy hạnh phúc và sống sâu sắc từng phút giây. Khi thầy cô giáo hạnh phúc thì chúng ta sẽ nhìn được những điểm tốt đẹp, những thế mạnh của học sinh, sinh viên, học viên, nhìn thấy cơ hội trong mọi việc và biết tìm cách để biến những điều tiêu cực thành cơ hội, hướng tới xây dựng ngôi trường hạnh phúc. Đó cũng là một trong những mục tiêu phát triển bền vững của Liên hợp quốc về giáo dục.

Bài tham luận “Thầy giáo, cô giáo hạnh phúc thay đổi thế giới” của Tiến sĩ Nguyễn Hồng Phương là một trong 55 tham luận được trình bày tại Hội thảo FPT Educamp 2022 với chủ đề “Làm gì cho SDG4”.

Bên cạnh những kiến thức mới lạ và ý nghĩa xoay quanh mối liên hệ giữa thiền định, hạnh phúc và giáo dục đào tạo, bài chia sẻ của Tiến sĩ Nguyễn Hồng Phương còn hấp dẫn người tham dự Educamp 2022 bởi không khí cởi mở, giàu tương tác, lối dẫn dắt thuyết phục của cô. Phần trình bày chỉ diễn ra trong 10 phút nhưng cô đã khéo léo lồng ghép những minh họa, dẫn chứng và có cả bài tập tương tác, hỏi đáp để người nghe – phần lớn là những người chưa tiếp cận với thiền định một cách chuyên nghiệp và bài bản – hiểu vấn đề một cách dễ dàng hơn.

Ví dụ, khi một người nghe thắc mắc rằng thầy cô giáo hạnh phúc quá liệu có tốt hay không, khi cuộc sống luôn có những mảng màu khác ngoài màu hồng. Nếu cứ hạnh phúc thì liệu thầy cô có thấu cảm được với những áp lực, nỗi buồn của người khác? Nữ diễn giả đã giải đáp như sau: Khi thiền định lâu năm chúng ta sẽ phát triển được một bản tính tuyệt vời đó là lòng trắc ẩn. Nhờ đó mà chúng ta thấu cảm được nỗi đau của người khác. Nhưng thay vì biến nó thành áp lực cho bản thân, chúng ta sẽ có khả năng để chuyển hóa điều tiêu cực đó thành cơ hội, đồng cảm, giiúp đỡ để mọi thứ tốt đẹp hơn. Qua năm tháng, những năng lượng tích cực, những dấu ấn nhỏ nhất từ người thầy, người cô hạnh phúc sẽ in bóng lên các mầm non tương lai của thế giới.

Với lối dẫn dắt lôi cuốn cùng việc đi vào ba khái niệm "Sự chú tâm", "Hạnh phúc" và "Khả năng tự nhận thức bản thân", những chia sẻ của Tiến sĩ Nguyễn Hồng Phương đã mở ra một hướng tiếp cận đáng suy ngẫm về việc làm sao để nâng cao chất lượng và hiệu quả đào tạo, tạo nên ngôi trường trong đó, các thầy cô, học sinh, sinh viên, học viên đều hạnh phúc. Tiến sĩ Nguyễn Hồng Phương cũng được người tham dự Educamp 2022 bình chọn là 1 trong 7 diễn giả được yêu thích nhất tại hội thảo này.

Linh Phương

2438

Nhân vật