FPT Edu - Tin tức chung

Tìm hiểu 7 loại nhạc cụ dân tộc được sử dụng tại FPT Edu Tích Tịch Tình Tang 2022

27/05/2022
Huỳnh Lệ Thục Anh
7868

Đàn tranh, đàn nhị, sáo, đàn tỳ bà, đàn nguyệt, đàn bầu, trống là 7 loại nhạc cụ dân tộc được sử dụng tại cuộc thi FPT Edu Tích Tịch Tình Tang 2022. Mỗi loại có đặc trưng cấu tạo, âm thanh riêng nên cũng có những ứng dụng khác nhau trong biểu diễn.

7 loại nhạc cụ được sử dụng trong cuộc thi FPT Edu Tích Tịch Tình Tang 2022

 

Đàn bầu

Đàn bầu chỉ có duy nhất một dây đàn, do vậy còn được gọi là Độc huyền cầm. 

Âm thanh của đàn bầu ngọt ngào, sâu lắng, tạo nên những giai điệu ngân nga, quyến rũ đến khó có thể nói thành lời, cuốn hút không chỉ người Việt Nam mà cả các thính giả quốc tế.

 

Đàn bầu phù hợp với những giai điệu trữ tình, êm dịu. Tuy nhiên những nghệ nhân xẩm có thể sử dụng đàn bầu để diễn những bài hát vui như xẩm xoan hoặc những ca khúc mới, giàu chất tươi tắn và khỏe mạnh.

 

Đàn nguyệt

Đàn nguyệt là nhạc cụ dây gảy, có hộp đàn hình tròn như mặt trăng, nên được gọi là đàn nguyệt.

 

Màu âm đàn nguyệt vang và tươi với nhiều âm nhấn nhá uyển chuyển cùng các ngón chơi độc đáo, do vậy tiếng đàn nguyệt lúc nỉ non sâu lắng, lúc lại ròn rã, sôi nổi.

Nhờ khả năng thể hiện các trạng thái cảm xúc âm nhạc đa dạng nên đàn nguyệt có thể độc tấu, hoà tấu hoặc được sử dụng làm đệm hát trong nhiều thể loại nhạc dân ca Việt Nam, từ những buổi hoà tấu trang nghiêm, những buổi hát văn lôi cuốn cho đến những cuộc hoà tấu thính phòng trang nhã.

 

Đàn nhị

Đàn nhị thuộc bộ dây, nhóm kéo bằng cung vĩ, có hai dây nên được gọi là đàn nhị.

 

Âm thanh của đàn nhị lảnh lót, rõ ràng, trong sáng, lại có sự mượt mà, uyển chuyển, vì vậy đàn nhị luôn có vị thế quan trọng trong các dàn nhạc truyền thống và hiện đại. Đàn nhị có thể xuất hiện dưới hình thức độc tấu, song tấu hoặc hoà tấu.

 

Đàn tranh

Đàn tranh thuộc nhóm nhạc khí dây, chi gõ, có 16 dây nên còn được gọi là đàn Thập lục.

 

Đàn tranh có âm sắc trong trẻo, ngọt ngào, tươi sáng, thường được dùng cho các điệu nhạc vui tươi và không hợp với những bản nhạc trầm hùng, khoẻ mạnh. 

Đàn tranh có thể được dùng để độc tấu, hoà tấu, đệm hát, ngâm thơ và xuất hiện trong nhiều thể loại âm nhạc cổ truyền như cải lương, chèo, nhã nhạc…

 

Đàn tỳ bà

Đàn tỳ bà là một nhạc khí dây gảy phổ biến ở Việt Nam và các nước châu Á.

 

Đàn Tỳ Bà có âm sắc trong sáng, vui tươi và đặc biệt trữ tình, nhưng lại hơi đanh và khô ở những khoảng âm cao.

Đàn tỳ bà có khả năng độc tấu rất phong phú, nhưng cũng có thể xuất hiện trong các dàn nhạc hòa tấu dân tộc. 

 

Sáo

Sáo trúc Việt Nam được tạo nên từ một khúc trúc/ nứa cùng các lỗ thổi thẳng hàng, là một trong những loại nhạc cụ lâu đời nhất trong các loại nhạc cụ dân tộc.

 

Tiếng sáo trúc giản dị và thanh bình đủ để gợi nhớ đến cái hồn của làng quê Việt, nhưng cũng trong sáng và ngọt ngào đủ để đáp ứng mọi cung bậc cảm xúc trong âm nhạc, vì vậy người chơi sáo trúc có thể độc tấu và hoà tấu ở nhiều thể loại nhạc khác nhau.

 

Trống

Trống là nhạc cụ thuộc bộ gõ, đa dạng về kiểu dáng và chủng loại. 

Từ xa xưa, trống đã là một loại nhạc cụ dùng để nghênh đón khách quý trong các dịp lễ, hội. Trống thường đóng vai trò hỗ trợ cho âm thanh của dàn nhạc thêm đặc sắc hơn.

 

Tham gia FPT Edu Tích Tịch Tình Tang, học sinh, sinh viên FPT Edu có thể chọn một trong các loại nhạc cụ dân tộc kể trên để thể hiện tài năng ở bảng Độc tấu hoặc Hòa tấu.

 

Đăng ký tham gia FPT Edu Tích Tịch Tình Tang 2022 ngay tại đây.

 

FPT Edu Tích Tịch Tình Tang 2022 chính thức khởi động ngày 16/5, là cuộc thi nhạc cụ dân tộc đầu tiên do FPT Edu tổ chức dành cho học sinh, sinh viên các đơn vị. Cuộc thi được chia làm hai bảng thi đấu độc lập với hệ thống giải thưởng riêng biệt. Các thí sinh sẽ tranh tài bằng việc thể hiện độc tấu hoặc hoà tấu một trong bảy loại nhạc cụ dân tộc: đàn tranh, đàn nhị, sáo, đàn tỳ bà, đàn nguyệt, đàn bầu, trống.

 

Các mốc thời gian quan trọng của cuộc thi:

 

Thời hạn đăng ký: 16/5 – 10/7

Vòng Sơ loại đơn vị: 12/7 – 20/7

Vòng Chung kết và trình diễn: 19/8 – 20/8

 

 

Thục Anh

(Tổng hợp)

7868

Nhân vật