“Tôi khóc vì hạnh phúc khi thấy lớp học không có bục giảng”
Với cô Vũ Thị Xuân Thu (Trường Tiểu học - THCS - THPT FPT Đà Nẵng), lớp học không có bục giảng đồng nghĩa với việc không còn khoảng cách giữa thầy và trò. Cô có nhiều điều kiện đổi mới, sáng tạo phương pháp dạy học, cùng học trò hăm hở khám phá tri thức với tất cả niềm vui và hạnh phúc mỗi ngày.
Cô Vũ Thị Xuân Thu là “dân” chuyên Sinh suốt ba năm học trung học phổ thông. Không giống bạn bè cùng lớp, đa phần thi vào các trường Y, Dược, cô Xuân Thu lựa chọn ĐH Sư phạm khoa Sinh bởi đó là “niềm yêu thích và giấc mơ từ nhỏ”.
Chuẩn bị tốt nghiệp ĐH, cô Thu tham gia khóa thực tập tốt nghiệp tại Trường THPT FPT Đà Nẵng và gần như ngay lập tức cảm thấy yêu thích môi trường học tập tại đây.
“Ngày đầu đến trường thực tập, nhìn thấy lớp học không có bục giảng và được nghe về lý do của việc này, tôi đã bật khóc”, cô Xuân Thu xúc động kể lại. Nữ giáo viên sinh năm 1996 này kể, ở FPT Edu lớp học không có bục giảng nghĩa là “khoảng cách” giữa thầy và trò đã bị xóa bỏ. Người giáo viên có thể dễ dàng đến gần để nhìn nhận khả năng, thấu hiểu tâm lý học sinh và học trò cũng có thể thoải mái giao tiếp, chia sẻ với thầy cô hơn.
“Tôi từng mong có môi trường học tập như vậy khi còn là học sinh. Trở thành cử nhân sư phạm, tôi muốn xây dựng môi trường như thế cho học trò. Và giây phút nhận ra, Trường Tiểu học – THCS Đà Nẵng là nơi sẵn sàng cho mình làm được điều đó, tôi đã khóc vì hạnh phúc”, cô Xuân Thu chia sẻ.
“Dù Sinh học có mối liên quan trực tiếp đến cơ thể con người, đời sống nhưng nhiều kiến thức bậc phổ thông lại hàn lâm và khó đối với học sinh, nhất là các em lớp 12”, cô Xuân Thu chia sẻ. Không ít học trò “sợ môn Sinh”, dẫn đến kết quả học tập sút kém khiến nữ giáo viên trăn trở: “Làm thế nào để học sinh hết sợ”.
Học Sinh học thông qua dự án thực tế là cách nữ giáo viên này đang áp dụng để học trò chủ động hơn trong quá trình học tập, tìm thấy niềm vui trong những kiến thức gắn với thực tế.
“Các bạn lớp 11 được thực hành làm “bách khoa toàn thư” về cây cối, áp dụng kiến thức về thực vật được học trên lớp cùng sự quan sát, tìm tòi thực tế. Có nhóm nghiên cứu về các loại hoa, nhóm làm về các cây thuốc, nhóm lại tìm tòi những loài có nguồn gốc cổ xưa như dương xỉ”, cô Thu cho biết. Quan sát học trò hào hứng, chủ động học hỏi hơn khi học theo cách này, nữ giáo viên cảm thấy vui lây.
Cô Thu còn hỗ trợ học sinh lớp 12 ôn tập kiến thức Sinh học một cách hiệu quả để chuẩn bị cho kỳ thi THPT Quốc gia. “Nhiều em nắm được phương pháp học nên đã hết sợ môn Sinh, kết quả học tập được cải thiện. Nghe các em tâm sự, tôi hạnh phúc lắm”, cô Thu xúc động chia sẻ.
Miệt mài đổi mới, sáng tạo phương pháp giảng dạy, tích cực trải nghiệm cùng học sinh trong suốt 4 năm công tác tại Trường THPT FPT Đà Nẵng, cô Thu lý giải đó là vì “mình say nghề”. "Có những phần việc ‘không ai khiến’ nhưng mình tự thấy nếu làm được sẽ tốt cho học trò, tốt cho Trường, thế là tôi làm. Dù có khó khăn nhưng cứ được làm việc mình thích là cảm thấy hạnh phúc”, nữ giáo viên chia sẻ.
Niềm say nghề của cô Thu được Ban Giám hiệu và đồng nghiệp tại Trường chia sẻ. Cô “có đất” để đề xuất các ý tưởng sáng tạo, được thực thi. Có khó khăn trong thời gian đầu khi cần giúp cho học trò hiểu được lợi ích của học tập trải nghiệm và háo hức tiếp nhận nó, có những ý tưởng, dự án chưa thực sự thành công như mong đợi nhưng trong tình huống nào, nữ giáo viên cũng có thể nhận được những chia sẻ, hỗ trợ từ Trường.
“Sự hỗ trợ, chia sẻ đó tiếp thêm động lực để tôi hết mình với công việc. Có lẽ, không đơn thuần là làm nghề, tôi đang say nghề và hạnh phúc với niềm say mê đó suốt những năm gắn bó với Trường”, cô Xuân Thu xúc động nói.
Ngọc Trâm
Tổ chức Giáo dục FPT - fpt.edu.vn