Trần Thái Sơn Beatbox: 10 năm gan lì theo đuổi nghệ thuật, định nghĩa thành công là dám chọn cách làm khác để trải nghiệm những điều ít ai dám làm
Theo Saostar - 10 năm theo đuổi nghệ thuật, Trần Thái Sơn giờ là “chàng trai vàng trong làng beatbox” châu Á, thăng hoa trong các gameshow đình đám và thể hiện tài năng ở nhiều vai trò mới như ca sỹ, nhạc sỹ, nhà sản xuất âm nhạc... Những gì Thái Sơn đạt được, từ những ngày còn là cậu học sinh Quảng Trị mày mò tự học beatbox, được anh định nghĩa là một cách làm khác, dám trải nghiệm những điều mới mẻ ít người dám làm để tìm kiếm thành công.
“Tôi từng mất rất nhiều năm theo đuổi mà không đạt được bất cứ điều gì”
“Tôi từng mất rất nhiều năm theo đuổi và không đạt được bất cứ điều gì.” Trần Thái Sơn Beatbox tâm sự. Nam nghệ sĩ đạt nhiều giải thưởng lớn nhỏ của bộ môn beatbox trong đó có thể kể đến ngôi vị Quán quân Beatbox Asia 2018 từng mày mò tự học hỏi, làm nghệ thuật một cách âm thầm.
Thái Sơn yêu thích nghệ thuật từ nhỏ. Đầu những năm 2000, anh cũng như rất nhiều teen boy thuở ấy bị những bước “walk on the moon” của Michael Jackson cuốn hút. 14 tuổi, Sơn đã tự tin “cover” điệu nhảy của “Ông hoàng nhạc Pop”, biểu diễn trước học sinh toàn trường nơi Sơn học. Trong một lần tìm các clip của Micheal Jackson để tập theo, Sơn vô tình thấy một tiết mục “uốn miệng” của nghệ sỹ người Pháp, mô phỏng y hệt những âm thanh trong ca khúc của Michael Jackson. “Mình thấy hay quá bèn tập theo rồi tìm các tiết mục tương tự để tập nữa. Mãi sau này, mình mới biết cách tạo ra âm thằng bằng vòm miệng như vậy gọi là beatbox.” Thái Sơn đã đến với beatbox một cách ngẫu hứng như thế.
Nhưng ở Đông Hà (Quảng Trị) quê hương anh, beatbox là điều gì đó xa vời, kém thực tế so với việc lo học hành để có công ăn việc làm ổn định. Gia đình Thái Sơn không ai làm nghệ thuật. Vậy nên, ngay khi anh tốt nghiệp THPT, bố mẹ định hướng cho Sơn học đại học ngành kinh tế, có lẽ để “dễ xin việc.” Đam mê với beatbox và nghệ thuật của Thái Sơn đành gói ghém ẩn giấu trong lòng, lúc nào cũng như ngọn chờ cơ hội cháy đượm.
Sơn chọn ra Đà Nẵng, học ĐH FPT bởi “môi trường năng động, nhiều trải nghiệm chắc sẽ vừa phù hợp với mong muốn của bố mẹ vừa tìm kiếm cơ hội thỏa mãn niềm đam mê nghệ thuật của bản thân” theo cách Sơn lý giải. Quả thực, Sơn là một trong những “cây văn nghệ” của ĐH FPT Đà Nẵng khi ấy. Những lần đứng trên sân khấu trường, thể hiện tài nghệ beatbox trước bạn bè trong mỗi sự kiện ngoại khóa khiến Sơn càng có điều kiện nuôi dưỡng đam mê với nghệ thuật nói chung và beatbox nói riêng.
Nhưng, không có gì là dễ dàng, nhất là khi Sơn chọn theo đuổi beatbox. Đến tận giữa thập niên 2000, bộ môn này vẫn còn rất mới mẻ ở Việt Nam. Beatbox chỉ phổ biến trong một cộng đồng nhỏ, hiếm hoi lắm mới có một vài diễn đàn dành cho những người thực sự đam mê. Cựu sinh viên ĐH FPT là một trong những 9X hiếm hoi luyện tập và trình diễn beatbox nhưng từng có rất nhiều năm Thái Sơn không đạt được bất cứ điều gì cùng bộ môn này.
Chịu đựng gian khổ và nỗ lực không ngừng, dồn sức cho cuộc “chơi lớn”
Nhớ lại thời gian đầu, để học và luyện tập được các tiết mục beatbox, hầu như Sơn toàn tự mày mò qua các video nước ngoài, một mình tập đi tập lại. Sau đó, Sơn gia nhập vào diễn đàn beatbox ở Việt Nam. Có được những người bạn chung sở thích, Sơn có cơ hội chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm luyện tập và tìm thấy cho mình một nguồn động viên tinh thần lớn. Dần dần, Sơn đăng các màn trình diễn của mình lên diễn đàn, nhờ sự góp ý của cộng đồng. Hơn 2 năm trời khổ luyện, Sơn xác định beatbox là đam mê và sẽ theo đuổi bộ môn này một cách nghiêm túc.
Nhưng đam mê nào cũng cần nuôi dưỡng từ thực tế. Gia đình Sơn không quá khá giả. Beatbox, nói thẳng ra, lại chưa thể nuôi sống anh. “Đã có lúc, mình cảm thấy chán nản, muốn bỏ cuộc...” Sơn chia sẻ.
Không giống những bộ môn nghệ thuật khác, beatbox là thử thách thực sự với bất kỳ nghệ sỹ nào muốn theo đuổi. “Đàn, hát thậm chí ảo thuật cũng có thể nhận thấy kết quả rõ ràng sau một thời gian luyện tập. Beatbox thì khó hơn nhiều, có khi đến nửa năm trời bạn vẫn chưa thể thành thạo một vài âm cơ bản. Để trở thành một. beatboxer giỏi, trình diễn được còn đòi hỏi rất nhiều kỹ năng khác nữa nên nhiều người đã từ bỏ beatbox để chọn một bộ môn dễ hơn. Bản thân Sơn cũng nhiều lần muốn bỏ beatbox kể cả khi mới tập đến sau này khi không tìm thấy được sự mới mẻ.” Thái Sơn chia sẻ.
Với Sơn, làm nghệ thuật mà đi theo lối mòn, không có cách làm khác, để trải nghiệm những điều mới thì tốt nhất không nên tiếp tục chưa kể đến việc theo đuổi beatbox nhiều năm chưa mang lại bất kỳ giá trị thực tế nào cho anh. Nhưng bỏ cuộc khi bản thân chưa nỗ lực hết mình thì có đáng không? Câu hỏi tự vấn đó khiến Thái Sơn đau đáu.
Cuối cùng, Sơn chọn vượt qua khó khăn để tiếp tục theo đuổi beatbox. Âm thầm mà chắc chắn, đúng như cách anh vẫn theo đuổi nghệ thuật từ thuở niên thiếu, Sơn đầu quân vào một tập đoàn công nghệ thông tin lớn với vai trò cán bộ văn hóa đoàn thể. Vừa làm công tác chuyên môn xây dựng văn hóa, phong trào tại nơi làm việc, vừa cho Sơn cơ hội tiếp xúc với những nghệ sỹ chuyên nghiệp, các chương trình nghệ thuật lớn và cách làm việc kỷ luật để hỗ trợ phát triển đam mê beatbox.
Năm 2017, Thái Sơn quyết “chơi lớn” đăng ký dự thi Asia Beatbox. Anh bất ngờ giành được giải Nhì bộ môn beatbox hòa âm phối khí. Chỉ 1 năm sau, đánh bại nhiều đối thủ mạnh bằng lối chơi nhạc có chất riêng, khả năng tương tác tốt với khán giả, Thái Sơn lên ngôi vô địch Asia Beatbox 2018 hạng mục Loopstation. Cùng với những giải thưởng trong các cuộc thi âm nhạc, nghệ thuật khác ở trong nước, năm 2018 mở ra một ngã rẽ mới trên hành trình nghệ thuật của Thái Sơn.
Thành công là chọn cách làm khác để trải nghiệm những điều mới mẻ, làm những việc ít ai dám làm
Chọn beatbox đã là một xuất phát điểm khác biệt của Thái Sơn. Anh không ngại đi những con đường chưa ai từng đặt chân tới. “Sơn là người rất quan trọng trải nghiệm. Nhiều khi, mình tự chọn cho mình cách làm rất lạ hoặc đặt những mục tiêu rất cao ít ai nghĩ tới sau đó tìm cách làm bằng được thì thôi.” Thái Sơn bộc bạch.
Ngay trong beatbox, cách anh theo đuổi bộ môn này và giành được những chiến thắng đầu tay cũng “khác người”. Trong khi chưa từng tham dự bất kỳ sân chơi lớn trong nước nào, Thái Sơn mạnh dạn dự thi cuộc thi beatbox tầm cỡ châu lục. Trước đối thủ mạnh, dày dạn kinh nghiệm “chinh chiến”, trong đêm chung kết cuộc thi, Thái Sơn tự tin thể hiện phong cách trẻ trung, sáng tạo. Anh ngân giọng opera kết hợp với những âm thanh beatbox, ước lượng thời gian trình diễn chuẩn xác để rồi kết thúc tiết mục bằng tiếng kèn rung động lòng người tạo ra từ vòm miệng cùng việc hướng micro về phía khán giả tạo ra hiệu ứng sân khấu cực sôi động. “Âm nhạc của Thái Sơn khiến người ta nhún nhảy”, giám khảo đêm chung kết Beatbox Asia 2018 đã nói về tiết mục của anh như một sự tán thưởng cho cách trình diễn beatbox hoàn toàn mới, hướng tới công chúng.
Hành trình 10 năm theo đuổi beatbox của Thái Sơn được anh tự làm mới bằng những thử nghiệm khác lạ, ít người nghĩ tới. Anh chia sẻ: “Beatbox không chỉ giới hạn ở việc tạo ra những âm thanh bằng miệng của mình. Nghệ sỹ beatbox không chỉ chơi solo mà còn có thể hòa âm phối khí, tạo thành một bài nhạc hoàn chỉnh, có thể sử dụng beatbox để lồng tiếng hay có thể chơi loopstation như một band nhạc. Như Thái Sơn hiện tại có thể chơi loopstation như một one-man-band tức là một người có thể làm tất cả, hát trên chính ca khúc của mình.”
Ở Đông Hà (Quảng Trị) quê hương Sơn, những âm hưởng dân tộc hiện diện trong đời sống, đi vào tâm thức những con người nơi đây một cách tự nhiên. Học ở ĐH FPT, Sơn được tiếp cận với âm nhạc dân tộc thông qua nhiều sự kiện, trải nghiệm sinh viên. Có lẽ vì thế mà Thái Sơn chơi beatbox hiện đại nhưng cũng rất Việt Nam. “Sự dễ nghe trong âm nhạc Việt Nam ảnh hưởng đến mình rất nhiều. Mỗi lần biểu diễn trên sân khấu quốc tế, mình cứ làm những bài nhẹ nhàng, từ những loại nhạc cụ quen thuộc hay bằng cách hát acapella thì được khán giả đón nhận nhiệt tình. Có lẽ, cũng vì thế mà họ dễ dàng nhận ra đó là nhạc của Sơn.” Thái Sơn chia sẻ.
Thời gian gần đây, Thái Sơn không chỉ chọn cách làm khác trong beatbox mà còn làm mới chính cá tính nghệ thuật của mình. Anh định hướng trở thành nghệ sỹ đa năng, thể hiện tài năng trên nhiều lĩnh vực trong đó beatbox là trung tâm nhưng có nhiều hướng phát triển khác như ca sỹ, nhạc sỹ, hòa âm phối khí, sản xuất âm nhạc.
Trong gameshow “Trời sinh một cặp”, Thái Sơn tận dụng thế mạnh beatbox và vũ đạo popping để làm mới ca khúc quen thuộc “Trống vắng”, tạo nên một màn biểu diễn EDM đầy cảm xúc khi kết hợp với giọng ca của đội trưởng Uyên Linh. Suốt quá trình tham gia gameshow, Thái Sơn được đánh giá tiến bộ không ngừng về giọng hát, phong cách trình diễn và liên tục tạo nên những tiết mục bất ngờ thú vị. Ngay sau khi tham gia chương trình này, nam beatboxer cho ra mắt MV đầu tay mang tên “Why” rồi “đánh lái” trở thành nhà sản xuất âm nhạc cho gameshow Vietnam’s Best Dance Crew. Thái Sơn cho rằng đây tiếp tục là một trải nghiệm mà anh nên thử.
“Thành công lớn nhất của Sơn tính đến thời điểm này đó là được làm những gì mình thích và mình tin.” Trần Thái Sơn bộc bạch.