FPT Edu - Tin tức chung

TS Lê Trường Tùng: Mong thí sinh đạt 12,75 điểm không làm giáo viên

09/08/2017
Hải Nam
8258

TS Lê Trường Tùng hy vọng những thí sinh trúng tuyển với mức điểm 15,5 hoặc 12,75 theo quy chuẩn sẽ không làm việc trong ngành sư phạm để không ảnh hưởng nghiêm trọng đến giáo dục.

Năm nay, điểm thi THPT quốc gia cao dẫn tới điểm chuẩn nhiều ngành tăng kỷ lục. Tuy nhiên, điểm ngành sư phạm không xê dịch nhiều, thậm chí nhiều trường chỉ lấy điểm chuẩn bằng điểm sàn (15,5). Không ít trường cao đẳng ở địa phương có mức điểm chuẩn cho tổ hợp 3 môn chỉ "loanh quanh" 9, 10.

Điều đó khiến không ít người lo ngại về chất lượng đội ngũ giáo viên cũng như nền giáo dục trong tương lai.

Zing.vn trao đổi với TS Lê Trường Tùng - Chủ tịch Hội đồng Quản trị, ĐH FPT - về vấn đề này.

 

Bức tranh tuyển sinh sư phạm ngày càng bi đát

- Ông nhận xét như thế nào về điểm chuẩn ngành sư phạm năm nay và xu thế tăng - giảm điểm trúng tuyển ngành này trong những năm gần đây?

- Bức tranh tuyển sinh 2017 bộc lộ rõ 2 cực tương phản: Một cực là điểm chuẩn cao ngất ngưỡng cho các trường công an, quân đội, y dược và một cực là điểm chuẩn đặt ở mức không thể thấp hơn cho một số trường đào tạo sư phạm. Đó là điều không bình thường.

Không chỉ thi cử, tuyển sinh không bình thường, không chỉ bức tranh giáo dục không bình thường, mà trong một chừng mực nhất định, xã hội đang không bình thường.

Điểm chuẩn đặt ở mức sàn cho ngành sư phạm thể hiện hai điều. Thứ nhất, thí sinh không thiết tha với ngành sư phạm. Thứ hai, các trường sư phạm tuyển sinh chạy theo số lượng, bỏ qua chất lượng.

Đa số trường đại học địa phương được nâng cấp từ cao đẳng sư phạm trong thời gian vừa qua đều lấy điểm sàn. Một số trường mang tính chất vùng như ĐH Thái nguyên, ĐH Huế cũng chấp nhận lấy điểm sàn.

Cần nói thêm là điểm sàn năm nay với 15,5 cho 3 môn - tức mỗi môn trung bình 5,2 điểm - là thấp.

Với cách thi trắc nghiệm, những câu thí sinh không biết đánh hú họa cũng được khoảng 1/4 số điểm, 5,2 điểm chỉ tương đương 3,6/10 theo cách thi tự luận trước đây.

 width=

Điểm chuẩn trường top trên ngành sư phạm vẫn thấp hơn những ngành khác. Ảnh: Nguyễn Sương.

5 năm trở lại đây (từ năm 2013), năm nào, Bộ GD&ĐT cũng chỉ đạo cắt giảm chỉ tiêu sư phạm. Năm 2016 cắt 10%, năm 2017 cắt 20%, nhưng hoặc các trường không cắt, hoặc có cắt, mà cắt vẫn không tuyển nổi thí sinh có chất lượng thì bức tranh càng bi đát.

- Theo lý giải của ông, điểm chuẩn 12,75 của ĐH Sư phạm Huế tính theo quy chuẩn đồng nghĩa việc sẽ có trường hợp thí sinh chỉ đạt 1,5 điểm môn chính, tức môn các em sẽ dạy sau này. Cùng với đó, nhiều trường, ngành cũng chỉ lấy 15,5 điểm (mức thấp nhất) cho ngành sư phạm. Ông đánh giá việc này ảnh hưởng chất lượng giáo dục như nào?

- Một thí sinh có điểm xét tuyển (theo quy chuẩn) là 12,75 khi trúng tuyển vào ĐH sư phạm Huế các ngành như Tin học, Vật lý, Hóa học, Sinh học có môn chính tính hệ số 2 thì điểm môn chính không thể cao hơn 1,5. Với thi trắc nghiệm, được 1,5 điểm xem như không biết gì.

Năm nay, Bộ GD&ĐT quy định 1 điểm mới “liệt” là ưu ái cho thí sinh, trong khi lẽ ra điểm liệt phải là 2 - 2,5 mới đúng.

Tuyển thí sinh với môn chính “không biết gì” vào học sư phạm để sau này ra trường làm thầy đi dạy môn liên quan môn chính thì thực sự tôi tự an ủi chắc đang có nhầm lẫn gì đó - lỗi đánh máy, lỗi thư ký, lỗi nén dữ liệu chẳng hạn - ảnh hưởng quyết định của những người có trách nhiệm đang dùng tiền ngân sách thực hiện nhiệm vụ đào tạo giáo viên cho các năm sau.

Tôi cầu mong các sinh viên sư phạm những năm qua với đầu vào là điểm sàn 15,5 - hoặc điểm quy chuẩn 12,75 - sau này không làm việc trong ngành sư phạm mà chọn việc khác, nếu không thì chất lượng giáo dục bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

 

Cần dừng tuyển đầu vào chất lượng thấp

- Ngành sư phạm không còn “hot”, thậm chí trở lại tình trạng “chuột chạy cùng sào” như cách đây 20, 30 năm. Theo ông, nguyên nhân sư phạm “rớt giá” nằm ở đâu? Đào tạo sư phạm hiện nay có những bất cập gì?

- Nếu coi giáo viên là một nghề, do nhiều nguyên nhân chủ quan và khách quan, hiện nay, nghề này thiếu hấp dẫn so với nhiều ngành khác.

Nhưng dù hấp dẫn hay không, nghề giáo vẫn đặc biệt. Người làm nghề giáo phải đủ tầm và tâm để thực hiện được thiên chức của mình là đào tạo học sinh hướng tới một tương lai “đàng hoàng hơn”.

 width=

Thí sinh thi THPT quốc gia 2017. Ảnh: Anh Tuấn.

Là nghề đặc biệt nên việc tuyển sinh, đào tạo cũng không thể theo cách thông thường như nhiều nghề khác.

Nghị quyết 29-NQ/TW về đổi mới cơ bản và toàn diện giáo dục Việt Nam đã chỉ rõ cần phải “có cơ chế tuyển sinh và cử tuyển riêng, để tuyển chọn được những người có phẩm chất, năng lực phù hợp ngành sư phạm”.

Chính phủ đã ra Nghị quyết về chương trình hành động, Bộ GD&ĐT cũng ban hành Quyết định về kế hoạch hành động của ngành - để thực hiện tốt nghị quyết 29-NQ/TW.

Rất tiếc, Nghị quyết cũng như Quyết định đã bỏ qua các biện pháp “tuyển chọn được những người có phẩm chất, năng lực phù hợp vào ngành sư phạm”.

- Những bất cập trong chính sách từ Bộ GD&ĐT (nếu có) dẫn đến ngành này hiu hắt? Cần có giải pháp gì để chấm dứt tình trạng này?

Bất cập lớn nhất hiện nay là ngành sư phạm đang bị đối xử không có gì đặc biệt hơn so với các ngành khác.

Một ngành lẽ ra cần đặc biệt mà bị đối xử bình thường thì sẽ trở thành “hiu hắt”. Nó cũng giống một loại hoa cần chăm sóc đặc biệt để nở, mang hương sắc cho đời, mà chỉ tưới tắm bình thường như các loài cây khác thì sẽ cằn cỗi, thui chột.

Để thay đổi tình hình, trước hết, chúng ta cần có “cơ chế tuyển sinh và cử tuyển riêng, để tuyển chọn được những người có phẩm chất, năng lực phù hợp vào ngành sư phạm” (trích Nghị quyết 29-NQ/TW).

Sau nữa, chúng ta cần có cách thức đào tạo bồi dưỡng đặc thù và cuối cùng là có cách thức đãi ngộ riêng cho nghề đặc biệt này.

- Theo ông, có nên áp sàn cao hơn cho ngành sư phạm, hoặc ít nhất đặt tiêu chí môn chính phải đạt mức điểm nhất định? Các trường chấp nhận không tuyển đủ thí sinh chứ không tuyển thí sinh kém chất lượng? Đâu mới là biện pháp giải quyết được gốc rễ của vấn đề?

Có nhiều giải pháp, chẳng hạn cắt ngay 50% chỉ tiêu đào tạo sư phạm, ban hành quy định chỉ cho phép chọn vào học sư phạm những thí sinh thi khá giỏi (tức trung bình mỗi môn từ 7 trở lên), môn chính phải đạt điểm giỏi. Việc này hiệu trưởng trường sư phạm có thể làm được ngay.

Trong bối cảnh hiện nay, thí sinh có thể không thiết tha vào sư phạm, và có thể chưa có ngay giải pháp để lôi kéo thí sinh. Tuy nhiên, dừng tuyển đầu vào chất lượng thấp là việc có thể thực hiện ngay bằng quyết tâm chính trị và trách nhiệm xã hội của lãnh đạo trường sư phạm, và chỉ cần một quyết định hành chính là xong.

Với sinh viên sư phạm, Nhà nước cần xem xét cho hưởng chế độ ăn học đặc biệt và thâm niên như học viên công an, quân đội. Việc này khó hơn vì đụng đến tiền, nhưng tuyển ít thì có thể lo được. Giảm 50% chỉ tiêu thì chi phí tính trên đầu sinh viên sư phạm có thể tăng gấp đôi rồi.

Đầu vào ít thì hy vọng chất sẽ tinh. Ví dụ năm nay, toàn bộ ngành công an chỉ tuyển 1.500 sinh viên. Con số này chỉ hơn chỉ tiêu một trường ĐH Sư phạm Huế một chút mà thôi.

 

TS Lê Trường Tùng tốt nghiệp khoa Toán, ĐH Quốc gia Moscow, Nga và bảo vệ luận án tiến sĩ chuyên ngành Toán - Lý tại Học viện Kỹ thuật Quân sự. Từ năm 2014 đến nay, ông giữ chức Chủ tịch Hội đồng Quản trị ĐH FPT.

 

Theo Zing

Tổ chức Giáo dục FPT - fpt.edu.vn

8258

Nhân vật