Từ dân ca đến nhạc Cách mạng, SV ĐH FPT trổ tài với nhạc cụ truyền thống đón thu sang
Chương trình Giai điệu mùa thu diễn ra vào chiều ngày 29/9 là chương trình biểu diễn nhạc cụ truyền thống lần đầu tiên được tổ chức bởi Tổ bộ môn Âm nhạc truyền thống - Đại học FPT Hà Nội. Như một cách vừa lãng mạn vừa ứng dụng, Giai điệu mùa thu với 10 tiết mục 7 loại nhạc cụ đã giúp cô trò Đại học FPT vừa ôn bài vừa đón thu sang và đúng thời điểm tiết thu Hà Nội đang trong những ngày dễ chịu nhất.
25 sinh viên cùng các thầy cô tổ bộ môn Âm nhạc truyền thống đã đưa khán giả đi qua những cung bậc cảm xúc phong phú trong tiết thu Hà Nội với 10 tiết mục đa sắc màu cùng sự hùng hậu đa dạng về loại hình nhạc cụ gồm đàn Tranh, đàn Nhị, đàn Nguyệt, đàn Bầu, đàn Tỳ bà, Sáo, Trống. Đến với concert nhạc cụ truyền thống, những khán giả cứ ngỡ sẽ chỉ được nghe những ca khúc mang âm hưởng dân ca đã được thưởng thức một bữa tiệc âm nhạc bất ngờ khi bên cạnh những Lý cây đa, Lý cây bông còn là âm hưởng hào hùng của Trên đường chiến thắng, Hò kéo pháo, hay giai điệu nhạc nhẹ trẻ trung của Việt Nam ơi, cho đến nhạc vũ kịch Chiến binh và quái thú.
Những vị khách mời tham gia chương trình, từ thầy Hiệu trưởng Nguyễn Khắc Thành, cô Hiệu phó Nguyễn Kim Ánh, TS Rajesh Khajuria - Ủy viên Hội đồng kiểm định các trường học và chương trình đào tạo về kinh doanh (ACBSP), Mỹ, Giáo sư danh dự Trường ĐH FPT cùng các thầy cô cán bộ đều đặc biệt ấn tượng với khả năng biểu diễn nhuần nhuyễn nhiều loại nhạc cụ của sinh viên Đại học FPT.
Mở đầu chương trình là tiết mục Hát văn “FPT trong tôi” do tập thể sinh viên Đại học FPT biểu diễn, gửi gắm thông điệp ý nghĩa FPT Edu luôn ở trong tim mỗi con người nơi đây.
Nhóm biểu diễn tiết mục Hát văn “FPT trong tôi” chụp ảnh kỷ niệm cùng TS. Nguyễn Khắc Thành – Hiệu trưởng Trường Đại học FPT
Tiết mục được cô Nguyễn Kim Ngọc - Giảng viên đàn nguyệt tại Đại học FPT sáng tác phỏng theo điệu Xá trong nghệ thuật hát Chầu văn, với sự tham gia nhiệt tình của các sinh viên. Từng tiếng Trống, tiếng đàn Nguyệt, tiếng hát đều được cô Ngọc chỉ dạy từng chút cho sinh viên luyện tập trong 1 tháng trời, tạo ra một tiết mục hoàn toàn do các bạn làm chủ chứ không trên một nền nhạc sẵn nào.
Tiếp theo chương trình lần lượt là các tiết mục Đại học FPT Hà Nội đã giành giải cao trong Cuộc thi FPT Edu Tích tịch tình tang 2022 - cuộc thi Nhạc cụ truyền thống do FPT Edu tổ chức cho học sinh, sinh viên.
Tiết mục Độc tấu đàn Bầu Nhịp cầu quê hương với những tiếng đàn da diết và độ khó cao
Độc tấu đàn Tỳ bà Khúc nhạc miền Trung mở ra một không gian sâu lắng
Song tấu đàn Nhị điệu Lý cây đa đậm chất dân gian Bắc bộ đến từ 2 sinh viên K17 - Đại học FPT
Việt Anh là sinh viên chuyên ngành Kỹ thuật phần mềm gõ code nhoay nhoáy đồng thời cũng thành thạo đàn Nguyệt chỉ trong vài tháng luyện tập, đã thành công chinh phục khán phòng bằng tiết mục nhạc chèo Lới lơ
Khúc ca Trên đường chiến thắng hào hùng được tiếng Sáo vừa da diết vừa sôi nổi thể hiện một cách đặc biệt thú vị
Độc tấu Nhị Việt Nam ơi là sự kết hợp sôi động giữa nền nhạc trẻ và tiếng đàn Nhị truyền thống, tạo nên một điểm giao hài hoà của thời đại
Những giai điệu đàn Nguyệt tình cảm trong tiết mục Độc tấu Chung một niềm tin được biểu diễn bởi sinh viên Nguyễn Thành Lập
Màn biểu diễn tốp Tranh: Lý cây bông - Hò kéo pháo với những cung bậc cảm xúc biến chuyển linh hoạt trong bài, vừa thể hiện khả năng chơi nhạc cụ truyền thống, vừa cho thấy kỹ thuật trình diễn vũ đạo, biên đạo của sinh viên Đại học FPT
Tiết mục tốp Trống: Chiến binh và quái thú đã gây ấn tượng mạnh với người xem nhờ kịch bản chặt chẽ và khả năng dàn dựng biểu diễn, kể chuyện bằng âm nhạc trên nền tiếng Trống biểu cảm, kịch tính.
“Chương trình Giai điệu mùa thu là một cái cớ thi vị nhân dịp Hà Nội bước vào mùa đẹp nhất trong năm, mùa của thơ ca nhạc hoạ, cũng là mùa để thầy trò Nhạc cụ truyền thống ĐH FPT khởi đầu một thói quen đẹp: thói quen lâu lâu ngồi lại với nhau để vừa ôn bài vừa thưởng thức âm hưởng truyền thống, vừa trình diễn kết quả của những tháng ngày khổ luyện”, cô Nguyễn Thu Thuỷ (Trưởng bộ môn Âm nhạc truyền thống - Đại học FPT Hà Nội) chia sẻ về lý do ra đời Giai điệu mùa thu.
Cô Thuỷ cho biết, tất cả các sinh viên tham gia trình diễn trong chương trình đều chỉ vừa mới học nhạc cụ truyền thống từ nửa năm tới 1 năm với phần lớn thời gian tự tập ở nhà do giãn cách vì dịch Covid-19. “Nhiều bài trong buổi biểu diễn hôm nay được giảng dạy và dùng làm bài thi tốt nghiệp cho sinh viên những trường Nhạc chuyên nghiệp. Nhìn các em biểu diễn những tác phẩm có độ khó cao hơn nhiều so với các bài trong chương trình học chính khoá các thầy cô chúng tôi đều rất xúc động và tự hào. Sinh viên ĐH FPT có khả năng và có đam mê với bộ môn nhạc cụ truyền thống, nên tổ bộ môn sẽ thường kỳ tổ chức các buổi như thế này để các em có thêm sân chơi, có cơ hội biểu diễn, học hỏi và tự tin hơn với khả năng âm nhạc của mình”.
Bạn Nguyễn Thị Vân - Chủ nhiệm CLB Nhạc Cụ Truyền Thống FTIC - Đại học FPT Hà Nội chia sẻ: “Chúng em tập luyện cho chương trình này trong vòng 5 ngày, đa số biểu diễn những bài đã giành giải trong cuộc thi Tích tịch tình tang 2022, một số bạn thì tập nhuần nhuyễn thêm cho những bài yêu thích trước đó. CLB Nhạc cụ truyền thống FTIC có thêm 60 đăng ký vào ban chuyên môn sau cuộc thi Tích tịch tình tang, em hy vọng với những chương trình như Giai điệu mùa thu chúng em có thêm tự tin và động lực để tiếp tục lan toả tình yêu âm nhạc truyền thống trong cộng đồng học sinh, sinh viên Tổ chức Giáo dục FPT - FPT Edu.”.
Khán giả đã có những bức ảnh lưu niệm trong không gian ấm cúng với những “nghệ sĩ" đặc biệt của Đại học FPT.
Cuối chương trình, thầy Hiệu trưởng Nguyễn Khắc Thành đã dành thời gian để chúc mừng, động viên thầy trò của Giai điệu mùa thu. Thầy đồng thời dành một phần quà cho sinh viên chơi đàn Bầu - nhạc cụ được mệnh danh là khó chinh phục nhất trong số các nhạc cụ truyền thống của Việt Nam.
Có thể nói, chương trình Giai điệu mùa thu đã thành công tạo ra một không gian thưởng thức và giao lưu cho thầy trò yêu nhạc cụ truyền thống tại Đại học FPT, cũng là một nghi thức đẹp thi vị đón mùa sang trên mảnh đất Hà Nội nổi tiếng vì sắc thu.
Trong dòng chảy đời sống hiện đại, tại một ngôi trường công nghệ như Đại học FPT, những dấu ấn của thanh âm truyền thống trong đời sống học đường đang ngày một trở nên đậm nét hơn nhờ những nỗ lực sáng tạo không ngừng nghỉ của thầy và trò ngôi trường màu cam.
Ảnh: CLB Nhạc Cụ Truyền Thống - FTIC
Vũ Bảo Xuân
Tổ chức Giáo dục FPT