Lập trình cùng robot – giờ học lý thú của học sinh Tiểu học FPT
“Con ước có một bạn robot như thế này để tha hồ lập trình cho bạn ấy hoạt động.” Nam Khánh (học sinh lớp 2A) hào hứng chia sẻ sau giờ học “Hello, Albert” – một giờ lý thú, khơi gợi niềm yêu thích lập trình cho trẻ em tại Trường Tiểu học FPT.
Ùa vào phòng đa năng, hơn 20 học sinh lớp 2A Trường Tiểu học FPT nhanh chóng tự chia thành 6 nhóm, mỗi nhóm 3 bạn. Hôm nay là lần đầu tiên các bạn được học tiết học “Hello, Albert” – làm quen với lập trình thông qua chú robot thông minh Albert. “Albert là gì cậu nhỉ?” Minh Anh lí lắc thắc mắc. “Là robot giúp chúng mình học bài đấy.” Nam Khánh chững chạc đáp. Sự hồ hởi hiện rõ trên những gương mặt ngây thơ, trong sáng của các em khi tiết học còn chưa chính thức bắt đầu.
“Thầy giáo” của các học sinh lớp 2A trong tiết học đặc biệt này là thầy Giang (Thạc sĩ Kỹ thuật phần mềm, ĐH FPT) hiện đang công tác tại một công ty về CNTT và giảng dạy lập trình cho học sinh. Các em còn có một “mentor” đặc biệt: TS. Phan Duy Hùng (Chủ nhiệm bộ môn ITS, ĐH FPT). “Thầy giáo” và “mentor” sẽ là những người hướng dẫn, giúp các học sinh lớp 2A làm quen với robot thông minh Albert và bước đầu lập trình bằng thẻ lệnh, giúp robot hoạt động theo ý muốn.
Lần đầu được thầy Giang giới thiệu về những khái niệm như “lập trình là gì?”, “robot là gì?”, học sinh lớp 2A tỏ ra vô cùng hào hứng. Các em thi nhau phát biểu ý kiến sau mỗi câu hỏi mà thầy giáo đưa ra. “Lập trình là làm cho một cái máy móc gì đó hoạt động ạ”, một học sinh nhanh nhảu phát biểu. “Học lập trình là để biết lập trình ạ” cậu học trò nhỏ khác nêu ý kiến. Không khí học tập sôi nổi trong lần đầu tiếp xúc với bộ môn lập trình của các cô cậu nhóc mới chỉ 7 tuổi khiến các thầy giáo, mentor ngạc nhiên.
Phần được các học sinh lớp 2A mong chờ nhất và cũng là điều thú vị nhất của tiết học là lập trình bằng thẻ lệnh giúp robot hoạt động theo ý muốn. Mỗi nhóm được phát 1 robot Albert, 1 bộ thẻ lệnh và thiết bị điều khiển cầm tay như smartphone hay tablet. “Robot Albert có thể đi tiến, đi lùi, nháy mắt, rẽ trái, rẽ phải. Mỗi hoạt động đó tương ứng với 1 thẻ lệnh. Ngoài ra, các con có thẻ lệnh để bắt đầu chạy chương trình, kết thúc chương trình hoặc xóa các chương trình đã cài đặt.” thầy Hoàng Giang giải thích.
Rất nhanh, học sinh lớp 2A tự thực hành trên robot của nhóm mình. Hầu như bạn nào cũng biết cách đặt thẻ lệnh, chạy chương trình cho robot chuyển động. Mỗi bạn trong nhóm đều phải tự mình điều khiển robot ít nhất một lần nhưng bạn nào cũng muốn làm nhiều hơn thậm chí còn tranh nhau đặt lệnh cho robot. “Con thấy dễ điều khiển lắm ạ. Mình muốn robot tiến sang bên nào thì chọn đúng thẻ lệnh có tên như thế là được.” Tùng Sơn cho biết.
Sau khi làm quen với việc “ra lệnh” cho Albert, các bạn sẽ thi điều khiển robot này tiến đến “đích” theo đúng các bước mà đề bài yêu cầu một cách nhanh nhất. Đề bài này khiến học sinh phải tự tư duy logic trước khi đưa ra quyết định dùng thẻ lệnh như: “Tiến bao nhiêu bước là vừa ? Rẽ trái hay rẽ phải sẽ đi đến đích gần hơn?” bởi bạn nào dùng ít thẻ lệnh nhất sẽ giành chiến thắng. Nhiều bạn reo hò khi robot đi đúng hướng, “ăn” được thẻ lệnh nhưng cũng có những cái suýt xoa, hối tiếc khi Albert lỡ tiến quá xa hoặc rẽ nhầm hướng.
Mê mẩn với chú robot thông minh, xinh xắn mang hai màu trắng cam, biết hoạt động trơn tru “như người thật”, có bạn mạnh dạn hỏi thầy giáo: “Làm thế nào để con làm được một chú robot như thế này ạ?” Câu trả lời dành cho các cô cậu học trò nhỏ là “lập trình”. Được biết, đây là tiết học thử nghiệm phục vụ cho việc nghiên cứu áp dụng chương trình Code for kid dành cho học sinh Tiểu học FPT từ khối lớp 2. ó cũng là lý do khiến Trường Tiểu học FPT đưa môn học này vào chương trình giảng dạy cho học sinh từ khối lớp 2.
“Qua tiết học này các em học sinh sẽ phần nào hiểu và bắt đầu cảm thấy yêu thích lập trình. Tôi nhận thấy các em lớp 2 tiếp thu khá nhanh, nhiều bạn tỏ ra có năng khiếu. Hy vọng, một vài bạn nào đó sẽ từ yêu thích đến quyết tâm theo đuổi bộ môn này trong tương lai.” TS Phan Duy Hùng chia sẻ sau giờ học.
Giải Giải