Những trải nghiệm thú vị khi học Thiết kế đồ họa tại ĐH FPT
Lớp Thiết kế đồ họa của tôi hôm nay bắt đầu học từ khá sớm. Chuẩn bị bút, giấy vẽ, laptop, tôi vội vã rời khỏi Dom, tự nhủ không biết điều gì đang chờ đợi tôi bởi mỗi buổi học là trải nghiệm bất ngờ, thú vị.
Giờ học lý thuyết, chúng tôi học ở phòng học thông thường với bảng kính, máy chiếu. Với những giờ thực hành, chúng tôi sẽ được học ở những phòng chức năng đặc biệt như phòng hình họa, phòng nhiếp ảnh… Khác với những giảng đường hàng trăm sinh viên ở các trường Đại học khác, mỗi lớp ở ĐH FPT của tôi chỉ có tối đa 30 sinh viên, vừa đủ để giảng viên nhớ mặt, thuộc tên thậm chí là hiểu rõ cá tính của từng học trò. Chúng tôi chơi khá thân và hiểu rõ về nhau: bạn có khả năng diễn thuyết, bạn khác rất vui tính và có bạn chơi game… siêu đẳng. Sống và học tập ở campus Hòa Lạc thú vị hơn khi có những người bạn như vậy.
Sinh viên Thiết kế đồ họa chúng tôi được học nhiều môn: Working in Group Skills, Drawing – Form, Digital Tool – 2D, Fundamental of Graphic Design, Visual Communication, Typography… Trải qua 3 học kỳ, hiện tại, tôi có thể sử dụng được Photoshop, Illustrator, Indesign để thiết kế và After Effect để chỉnh sửa, tạo video chuyển động. Đam mê vẽ vời từ khi học cấp 3, tôi từng dành cả ngày tỉ mẩn với giấy và bút chì để hoàn thành một hình vẽ mình yêu thích. Giờ đây, vẫn giữ cho mình đam mê ấy nhưng tôi đã có thể vẽ những gì mình thích dễ dàng hơn nhờ sử dụng công cụ, một trong số đó là Paint Tool Sai – phần mềm ưa thích của tôi. Sắp tới, tôi được thử sức mình với các hình khối 3D trong môn 3D Digital Tool.
Nhiều bạn sinh viên ngành khác rỉ tai tôi rằng “rất ghen tị với sinh viên đồ họa” bởi ngoài những giờ học lý thuyết và thực hành trên lớp, chúng tôi còn được đi thực tế để lấy cảm hứng cho những gì mình đang học, đang theo đuổi. Buổi thực tế gần đây nhất, chúng tôi được đến thăm Bảo tàng Lịch sử Mỹ thuật Việt Nam.
Cảm xúc khi chính mắt mình nhìn ngắm những hiện vật lịch sử, chính tai mình nghe những câu chuyện về nghệ thuật gắn liên với các mốc lịch sử thật sự rất khác biệt so với khi đọc những con chữ khô khan trong sách vở. Qua chia sẻ của cô Yến – giảng viên Lịch sử Mỹ thuật lớp tôi, những hiện vật ấy như có một đời sống cực kỳ chân thực, quan niệm về cái đẹp qua mỗi thời kỳ lịch sử hiện lên rõ ràng, sinh động và đi vào tâm trí tôi thật tự nhiên.
Đôi khi, sinh viên chúng tôi tự lập nhóm đi thực tế. Vừa học, vừa “refresh” bản thân, đi tìm cảm hứng mới vì thực tế đời sống luôn là những tư liệu quý giá nhất cho người làm sáng tạo nghệ thuật.
Nhìn lại bản thân từ khi còn là một cô học trò thích vẽ vời đến một sinh viên Thiết kế đồ họa ĐH FPT, tôi thấy mình có nhiều thay đổi. Thay đổi lớn nhất là cách tư duy về thiết kế đồ họa. Những tác phẩm của tôi trước đây đều ngô nghê, không theo bố cục hay tiêu chí nào. Hiện tại, tuy mới chập chững bước chân vào nghề nhưng tôi đã biết cách làm thế nào để truyền tải thông điệp qua câu chữ và hình ảnh một cách hiệu quả nhất.
Mới đây, lứa sinh viên Thiết kế đồ họa đầu tiên của trường đã tốt nghiệp. Nhìn tác phẩm của các anh chị được trưng bày trong triển lãm sau đợt bảo vệ tốt nghiệp, tôi thầm ngưỡng mộ và cảm thấy như có thêm động lực học tập. Kỳ Fall 2017 tới, một triển lãm tương tự nhưng quy mô nhỏ hơn sẽ được tổ chức, quy tụ những sản phẩm thiết kế được đánh giá tốt sau học kỳ. Thật vui, tôi cũng có thiết kế được trưng bày tại triển lãm. Đây lại là một trải nghiệm thú vị mà thiết kế đồ họa mang đến cho tôi.
Giải Giải
Theo Ngô Thị Thu Hà (Sinh viên Thiết kế đồ họa)