Nhân vật

3 lần khởi nghiệp của cựu sinh viên FPT học IT nhưng “từng không biết code”

23/08/2018
Vũ Thị Ngọc Ánh
7348

Gần hai năm sau sản phẩm khởi nghiệp đầu tiên, Nguyễn Quốc Huy đang đảm trách vai trò đồng sáng lập vườn ươm khởi nghiệp Uni đã cùng các đồng sự khởi tạo nhiều dự án start-up mới và hỗ trợ các bạn trẻ có chung đam mê sáng tạo, khởi nghiệp trên địa bàn TP Hồ Chí Minh.

Khi đang là sinh viên ngành Kỹ thuật phần mềm, ĐH FPT, được một giảng viên gợi ý, Quốc Huy cùng nhóm 4 bạn sinh viên khác đưa ra ý tưởng về giải pháp Marketing qua mạng Wifi miễn phí giúp các doanh nghiệp quáng bá sản phẩm của mình đến khách hàng một cách tự nhiên, tiết kiệm. Thời điểm năm 2016 - 2017, Wifi Marketing là một giải pháp khá mới mẻ, được đưa vào TP Hồ Chí Minh chủ yếu nhờ các công ty công nghệ nước ngoài ở quy mô hạn chế.

Gần như là nhóm khởi nghiệp trẻ đầu tiên nghiên cứu và tìm cách thương mại hóa giải pháp Wifi Marketing, Quốc Huy cùng các bạn đã gặp không ít khó khăn, đặc biệt trong việc tạo dựng lòng tin nơi khách hàng. “Nhiều cửa hàng, công ty đã sử dụng giải pháp Wifi Marketing do các công ty nước ngoài cung cấp nhưng hiệu quả không như mong đợi nên khi nghe chúng mình chia sẻ về giải pháp do nhóm tự nghiên cứu, họ đã lập tức gạt phắt đi.” Thời điểm đầu đi “chào hàng”, nhóm của Huy phải mất hàng tháng trao đổi, thuyết phục, demo sản phẩm trước khi nhận được “cái gật đầu quý như vàng” từ khách hàng đầu tiên.

Giao diện sản phẩm Wifi Marketing do nhóm Nguyễn Quốc Huy nghiên cứu và phát triển.

So với các sản phẩm tương tự, Wifi Marketing mà nhóm Huy đưa ra được đánh giá là công cụ có thể ứng dụng nhiều chương trình marketing trên hệ thống, giao diện thân thiện, tùy biến phù hợp với nhiều doanh nghiệp, thuận lợi cho việc quản lý. Giá thành hợp lý hơn so với các giải pháp đến từ đơn vị cung cấp nước ngoài cũng là một điểm cộng để sản phẩm này thuận lợi bước vào thị trường, đặc biệt được các cửa hàng, công ty vừa và nhỏ lựa chọn sử dụng.

Ngay trong thời gian đầu thương mại hóa, giải pháp Wifi Marketing mà nhóm của Huy đưa ra đã chứng minh hiệu quả trong việc nâng cao doanh số bán hàng của doanh nghiệp. “Các thương hiệu café take-away thường không có lợi thế về không gian cửa hàng trong khi tâm lý đi uống café của người Việt Nam là ngồi lâu và sử dụng mạng wifi miễn phí. Nhóm tư vấn giải pháp cung cấp mật khẩu Wifi tương ứng với hóa đơn, có giá trị sử dụng trong 2 tiếng. Thời gian đó vừa đủ để khách dùng đồ uống và Internet mà không làm ảnh hưởng quá nhiều đến sự luân chuyển khách ra và vào quán.” Huy chia sẻ. Sử dụng giải pháp Wifi Marketing do nhóm Huy cung cấp, thương hiệu này đã tăng doanh số và hiệu quả quản lý đáng kể chỉ trong vòng vài tháng.

Thương mại hóa thành công giải pháp Wifi Marketing tiếp thêm động lực để Huy và nhóm cộng sự tiếp tục cho ra mắt sản phẩm khởi nghiệp thứ 2 mang tên Reso Việt Nam, cung cấp phần mềm quản trị hàng hóa, quản trị nhân lực và quản trị công nghệ hỗ trợ cho hoạt động của các doanh nghiệp. Giải pháp này được nhóm của Huy đưa tới các doanh nghiệp theo hình thức “gói” rất đầy đủ và tiện dụng, thích hợp với những doanh nghiệp vừa và nhỏ muốn bắt đầu chuyên nghiệp hóa mọi hoạt động của mình.

Khởi đầu từ một sinh viên ngành Kỹ thuật phần mềm, Quốc Huy dấn thân vào hành trình khởi nghiệp với số vốn ban đầu gần như bằng 0, cả về kiến thức, tài chính và kinh nghiệm. “Mình từng không thể code nổi một đoạn code đơn giản cho tới khi bắt đầu đi thực tập, được học và làm việc thực tế. Đó cũng là cảm hứng đầu tiên để mình quyết tâm thực hiện những dự án riêng sau này.” Huy kể.

Các thành viên đầu tiên trong dự án khởi nghiệp của Huy, có người còn gắn bó đến thời điểm hiện tại, người đã chuyển sang hướng đi mới. Có lẽ, hơn ai hết, Huy hiểu rõ những khó khăn mà các start-up non trẻ gặp phải khi hiện thực hóa mơ ước tạo ra một sản phẩm hữu ích và “sống được” với sản phẩm đó.

Bằng kinh nghiệm có được sau 2 sản phẩm khởi nghiệp, được sự hỗ trợ và tư vấn của giảng viên Lâm Hữu Khánh Phương (ĐH FPT), Huy cùng nhóm cộng sự lần thứ 3 start-up nhưng với một sản phẩm đặc biệt: vườn ươm khởi nghiệp Uni. Chính thức hoạt động từ tháng 6/2018, vườn ươm khởi nghiệp này được đặt ngay trong khuôn viên Công viên phần mềm Quang Trung, nơi nhiều trường đại học, trong đó có ĐH FPT và các doanh nghiệp công nghệ cao của thành phố tọa lạc. Đây là địa điểm lý tưởng để Huy và nhóm cộng sự tận dụng được lợi thế về cơ sở vật chất, nguồn trí thức trẻ và công nghệ từ các trường, các doanh nghiệp để hỗ trợ hoạt động khởi nghiệp.

Quốc Huy (ngoài cùng bên phải) cùng nhóm sáng lập Vườn ươm khởi nghiệp Uni.

“Vườn ươm khởi nghiệp Uni có không gian, dù nhỏ thôi, để các start-up trẻ gặp gỡ, trao đổi và cùng nhau làm việc. Các bạn được tư vấn, hỗ trợ về kiến thức, công nghệ, kinh nghiệm khởi nghiệp và tìm nguồn vốn. Đặt vườn ươm trong khu công nghệ cao của thành phố, chúng mình mong muốn góp phần tạo ra một hệ sinh thái khởi nghiệp, cổ vũ và tạo điều kiện để các bạn trẻ tự tin sáng tạo, làm chủ.” chàng cựu sinh viên ĐH FPT cho biết.

Theo Dân trí

Tổ chức Giáo dục FPT - fpt.edu.vn

7348

Nhân vật