Mentor FUNiX và những kỷ niệm khó quên
Làm mentor FUNiX đồng nghĩa với việc mỗi tháng dành hàng trăm block, giải đáp hàng nghìn thắc mắc cho sinh viên. Như tất cả các công việc khác, cuộc hành trình đó cũng mang lại cho mentor FUNiX những cung bậc cảm xúc vui buồn và những câu chuyện không thể nào quên, từ lời dặn dò thắm thiết “Chị ơi chị lấy chồng đi nhớ” cho đến khi suýt bật khóc vì một câu nói vô tâm của học trò.
Phiên mentor giúp sinh viên học cùng trải nghiệm ngay cả lúc nửa đêm
Có lẽ niềm vui lớn nhất mà các sinh viên FUNiX mang lại cho mentor là khi các bạn nhiệt thành dành tâm huyết vào các bài học cùng trải nghiệm. Mentor Đinh Ngọc Thi nhớ mãi về một lần anh hướng dẫn cho một bạn sinh viên môn Lập trình C++ nâng cao vào ban ngày, rồi nhắc bạn làm xong thì gửi source code để anh kiểm tra lại. Cứ ngỡ phải mất đến mấy ngày, ai ngờ, đến 2 giờ sáng ngày hôm đó, đã thấy bạn liên lạc qua Skype nhờ anh xem bài giúp (vì Hannah đã đóng cửa). Đang chăn ấm nệm êm nhưng anh Thi vẫn bật dậy check bài giúp bạn.
![Anh Định Ngọc Thi chia sẻ về quá trình đồng hành giúp học viên học cùng trải nghiệm](https://funix.edu.vn/blog/wp-content/uploads/2020/04/mentor2.jpg)
Sau này anh mới biết hóa ra bạn là một tu nghiệp sinh ở Nhật, chăm chỉ học FUNiX ngoài giờ đi làm để chuẩn bị về nước. Cảm động vì nghị lực học tập “quên mình”, mentor Thi không ngừng động viên bạn cố gắng, tranh thủ học thêm tiếng Nhật, bổ sung thêm kiến thức của FUNiX, đảm bảo khi về nhà sẽ không thiếu cơ hội chào đón bạn. Anh còn bật mí công ty lập trình DTS của anh – một bộ phận của tập đoàn DTS Nhật Bản – luôn chào đón những tài năng như bạn.
Không chỉ nghị lực học tập, mà sự thông minh, tư duy sáng tạo trong quá trình học cùng trải nghiệm của sinh viên FUNiX cũng để lại những ấn tượng khó phai cho mentor. Trương Hồ Thiên Long – một trong những mentor mới nhất của tập thể FUNiX chia sẻ về một phiên hỏi đáp đáng nhớ trong môn Toán rời rạc của mình.
Khi Long giải thích về chu trình Euler (chu trình đi qua mỗi cạnh của đồ thị đúng một lần), bạn sinh viên đột nhiên liên tưởng đến một tình huống thực tế: khi giao hàng đến các địa điểm trong thành phố, shipper cần di chuyển sao cho không trùng lại đường đã đi qua.
![Mentor Trương Hồ Thiên Long ấn tượng với sự sáng tạo của sinh viên trong quá trình học cùng trải nghiệm](https://funix.edu.vn/blog/wp-content/uploads/2020/04/mentor3-1024x683.jpg)
Vốn có trải nghiệm dành phần lớn các phiên mentor chỉ để giúp học viên làm quiz, anh đã rất vui khi thấy sinh viên không bị gò bó trong khuôn khổ, luôn học cùng trải nghiệm, biết suy nghĩ và đặt vấn đề gần gũi thực tiễn để cùng nhau trao đổi.
Bên cạnh việc học tập, sinh viên FUNiX còn làm cho các mentor phải bật cười vì sự dễ thương “vô đối” của mình. Nguyễn Ngọc Liên – một trong số ít các mentor nữ của FUNiX vẫn cảm thấy buồn cười khi nhớ lại một học viên mới cấp 2. Liên hỗ trợ bạn mấy chục block, rồi còn kết bạn facebook để thường xuyên hỏi thăm tình hình học tập. Khi bạn học đến đai Xanh lá cây về lập trình, cô cảnh báo bạn môn đó rất thú vị, khó nhưng dễ có lương nghìn đô.
Sau một thời gian cô trò quen thuộc, cậu học trò dặn dò thắm thiết: “Chị ơi, chị lấy chồng đi, em đang cố gắng học. Em mà được lương nghìn đô thì chị cũng phải lấy chồng đấy nhớ.” Liên vừa buồn cười vừa thấy cảm động “bởi vì mạng là ảo nhưng sự quan tâm của cậu bé lớp 8 với mình là thật!”.
Câu hỏi ngoài lề và một lần mentor suýt khóc
Có những câu chuyện khiến mentor mỗi khi nhớ lại thấy ấm áp không thôi. Nhưng đồng thời, lại có những phiên mentoring để lại những nốt nhạc buồn trong hành trình làm mentor.
Nếu hỏi về kỷ niệm sâu đậm nhất với học viên, câu chuyện xuất hiện đầu tiên trong trí nhớ của mentor Nguyễn Ngọc Liên là một lần cô giải đáp cho sinh viên về một thắc mắc ngoài lề.
![Mentor Nguyễn Ngọc Liên tìm thấy bài học cùng trải nghiệm cho riêng mình](https://funix.edu.vn/blog/wp-content/uploads/2020/04/mentor1.jpg)
Bạn học viên hỏi Liên làm cách nào để bán hàng online hiệu quả. Bản thân từng thành công trong việc bán hàng trên mạng, cô vội vàng truyền thụ hết các bài học tâm đắc của mình, từ chiến lược kinh doanh cho đến thị hiếu khách hàng. Sau phần truyền thụ kinh nghiệm đầy tâm huyết, Liên sững người khi thấy bạn trả lời: “Hỏi chị cũng như không hỏi, lần sau em sẽ không bao giờ hỏi chị nữa!”
“Thực sự khi đó mình rất sốc, nếu không cách một cái màn hình chắc mình đã khóc rồi.” – cô nhớ lại.
Cố gắng để bình tĩnh kết thúc phiên mentor, Liên quyết định tìm hiểu nguyên nhân thất bại của mình. Đọc đi đọc lại đoạn hội thoại đến 800 lần, cô nhận ra rằng mình đã thất bại khi nói quá nhiều, thậm chí cả về những khái niệm bạn sinh viên có lẽ chưa hiểu như chiến lược kinh doanh, khiến cho bạn thấy chán nản.
Câu chuyện buồn này đã để lại cho mentor Liên rất nhiều kinh nghiệm trong việc tương tác với sinh viên: Nói ít nhưng hiệu quả, tùy tình huống mà lắng nghe nhiều hơn ở những câu hỏi ngoài lề, hạn chế dùng từ chuyên môn, cố gắng Việt hóa tối đa. Một bài học cùng trải nghiệm thật sự đau thương, nhưng đã giúp Liên trở thành một mentor tốt hơn trong tương lai.
Làm sao để giữ lửa mentor?
Cũng như các ngành nghề khác, mentor không tránh khỏi những lúc thấy mệt mỏi, đặc biệt là khi sinh viên học đối phó, chỉ hỏi để đủ chỉ tiêu được thi qua môn. Vậy làm sao để mentor để giữ được ngọn lửa nhiệt tình với công việc?
Với mentor Nguyễn Ngọc Liên, những lúc như vậy, cô thường đọc lại những phiên mà theo cô là thú vị và thành công, rồi nghĩ đến lý do đã đến cô đến với con đường này: để chia sẻ với các bạn sinh viên những điều mà khi cô còn đi học đã không có ai dạy, nhất là trong một ngành nghề giữa phạm tội và không phạm tội đôi khi nó chỉ cách nhau một phím enter (Liên là mentor môn “Ethics – Đạo đức nghề trong CNTT”).
Đồng thời, cô cũng rất vui khi chia sẻ rằng số lượng sinh viên chăm học và thú vị ngày càng nhiều, những ca hỏi đối phó thì gần đây rất ít. “Đó, thế là lại vui vẻ bắt đầu làm việc và nếu lỡ mất câu nào là cũng tiếc lắm lắm!” – Liên cười nói.
Trái lại với Liên, mentor Đinh Ngọc Thi lại có một cách tiếp cận hoàn toàn khác. Anh luôn giữ tư duy phục vụ (service mindset), coi sinh viên là khách hàng. Nếu các bạn nhiệt tình học tập thì anh cũng luôn sẵn sàng đáp ứng mọi thắc mắc. Ngược lại, nếu các bạn chỉ hỏi để qua môn, anh vẫn sẽ kiên nhẫn trả lời, đưa đến đúng những gì được yêu cầu. Phương châm “Khách hàng không bao giờ sai” đã giúp mentor Thi giữ vững được sự bình tĩnh, chuyên nghiệp trong công việc mentor của mình.
Dù áp dụng các phương pháp khác nhau, nhưng mỗi mentor FUNiX đều quyết tâm giữ vững sự nhiệt huyết và kiên định với con đường truyền tải kiến thức cho thật nhiều thế hệ sinh viên CNTT.
Nói về công việc mentoring ở FUNiX, TS Nguyễn Thành Nam – Founder FUNiX cho rằng, phiên mentoring lý tưởng là một cuộc trò chuyên đối thoại bổ ích cho sinh viên. Anh cho rằng, thời điểm sinh viên đặt câu hỏi chỉ là điểm bắt đầu, và mentor hãy tận dụng cơ hội đó (teachable moment) để dẫn dắt, khuyến khích giúp sinh viên, tự mình tìm ra câu trả lời, giúp sinh viên có thêm động lực để không chỉ hoàn thành môn học mà còn học cùng trải nghiệm. “Có thể nói, nếu mentor là một kho kiến thức, hãy đưa cho sinh viên cái chìa khóa và dẫn dắt để bạn ấy tự mở và tìm tòi những gì bạn ấy cần. Kể cả khi họ không tìm thấy những thông tin cho vấn đề của mình, tấm lòng rộng mở của mentor cũng sẽ giúp bạn ấy vững tin hơn. Và, mentoring một cách hiệu quả sẽ giúp tâm hồn bạn trong sáng hơn và trái tim bạn thắm đỏ” – TS Thành Nam chia sẻ.
Tổ chức Giáo dục FPT - fpt.edu.vn