Cựu sinh viên ngành Kỹ thuật phần mềm mơ đi xe dán nhãn FPT
Phạm Quang Việt, cựu sinh viên ĐH FPT và hiện là cán bộ công nghệ Tập đoàn FPT, mong đến năm 2020, anh có thể đi làm bằng xe ô tô gắn nhãn hiệu FPT và đến năm 2022, anh mơ có thể quản lý một công ty trong top Fortune 500.
Việt là chàng trai công nghệ nhiều đam mê với quan điểm sống: “Đã làm gì thì phải là số 1 còn không thì không làm”. Anh từng 4 lần khởi nghiệp các dự án của riêng mình. Năm 2014, anh Việt cùng hai người bạn ở ĐH FPT chung tay thành lập Công ty Cổ phần Công nghệ iBit - công ty phần mềm và lập trình game, ứng dụng di động, hệ thống quản trị, web frameworks… đặt văn phòng tại Hà Nội. Với kinh nghiệm kỹ thuật và kinh doanh trên toàn hệ sinh thái di động, nền tảng phần mềm, runtimes và dịch vụ đám mây, anh Việt và các cộng sự khi đó nuôi tham vọng xây dựng iBit trở thành nhà cung cấp các ứng dụng di động hàng đầu tại Việt Nam.
Kể về lần khởi nghiệp đáng nhớ nhất, anh Việt chia sẻ, đó là trải nghiệm không thể quên trong cuộc đời. "Là CEO mà trong túi có lúc không đủ tiền ăn trưa. Ngày đó, khó khăn lớn nhất của tôi là việc quản lý nhân sự và làm việc với khách hàng. Nhưng cũng từ khó khăn mà tôi nhận được những bài học lớn, cùng với đó là cách tư duy và làm việc hiệu quả với khách hàng của mình. Cần thiết phải đặt mình vào vị trí của họ để biết họ cần và muốn gì".
Đối với anh Việt, iBit lớn hơn một sự thành công hay thất bại, đó là bước ngoặt của lối tư duy dám nghĩ dám làm, quyết chí chọn lối đi “làm chủ”. Sau iBit, anh Việt quyết định đầu quân cho FPT Software vào tháng 5/2009 với lý do FPT Software hội tụ đầy đủ các yếu tố về tri thức lẫn môi trường để học hỏi và thỏa sức đam mê công nghệ của mình.
Từ khi nhận được danh hiệu Cán bộ Công nghệ FPT năm 2016 đến nay, anh tập trung 100% cho dự án xe tự lái của FPT Software và bước đầu đã đạt được một số thành công khi áp dụng Deep Learning vào bài toán xe tự lái.
Nói về sở thích công nghệ, anh Việt hào hứng tiết lộ, anh đam mê nghiên cứu, chế tạo công nghệ từ bé. "Nhớ hồi đó, học đòi lập trình robot (Robocon) đến hôm đi thi phải bỏ lại một con ở nhà vì robot lớn quá không mang ra khỏi cửa được. Nhiều lần phải cài lại máy do thử nghiệm, viết virus để chơi, có lần làm hỏng toàn bộ dữ liệu trên máy do thuật toán encrypt data (mã hóa dữ liệu) viết sai nên không khôi phục lại được dữ liệu. Rồi lại tự viết game tetris trên DOS từ lớp 2, viết simulator, viết AI, lắp ráp ô tô điều khiển từ xa… vì mình thích tối ưu hóa mọi thiết bị hết mức có thể. Dần dần, sở thích đã trở thành đam mê trong đời mà chẳng biết”.
Anh Việt đang sở hữu một bộ sưu tập khủng các danh hiệu, chứng chỉ. Từ những danh hiệu đáng tự hào thời sinh viên như Sinh viên xuất sắc nhất về hệ thống nhúng năm 2009, Sinh viên thực tập xuất sắc được trao bởi Đại học FPT… đến chứng chỉ danh giá toàn cầu AWS Certified Solutions Architect – Associate (Amazon) 2015; Project Management Foundation được cấp bởi Stevbros năm 2015; Chứng chỉ Project Management Professional (PMI) năm 2015; Chứng chỉ Software Project Management Advanced được cấp bởi FPT Software năm 2015,… tất cả đều là sự ghi nhận những nỗ lực, cố gắng của Phạm Quang Việt trong suốt chặng đường chinh phục đỉnh cao công nghệ.
Bật mí về những dự định của tương lai, cựu sinh viên ĐH FPT hy vọng đến năm 2020, anh sẽ đi làm bằng xe ô tô gắn nhãn hiệu FPT và xa hơn một chút, năm 2022, anh mơ ước có thể quản lý một công ty trong top Fortune 500.
Theo FPT TechInsight