Tổng hợp các hình thức tổ chức STEM chủ yếu trong nhà trường
Thay vì dạy và học theo phương pháp truyền thống, giáo dục STEM ngày nay đang càng lúc càng được quan tâm và chú trọng phát triển. Các hình thức tổ chức STEM chủ yếu trong nhà trường sẽ được áp dụng linh hoạt dựa trên đặc thù môn học, đội ngũ giáo viên cũng như hệ thống cơ sở vật chất hiện có.
1. Khái niệm STEM là gì?
STEM là từ viết tắt của Science (khoa học), Technology (Công nghệ), Engineering (Kỹ thuật), Mathematics (Toán học). Giáo dục STEM là một cách tiếp cận liên môn và đề cao tính ứng dụng, kết hợp học đi đôi với hành.
Cụ thể, các khái niệm học thuật về Toán, Công nghệ… sẽ được lồng ghép giảng dạy trong các bài học, ví dụ thực tế. Học sinh sẽ áp dụng lý thuyết để giải quyết các bài toán cụ thể và tự rút ra những kinh nghiệm, bài học cho mình. Kiến thức theo đó sẽ được ghi nhớ sâu và lâu hơn, có tính xâu chuỗi thay vì tiếp thu rời rạc.
Nói cách khác, dạy học STEM là dạy học sinh tư duy tính toán và tập trung vào các ứng dụng trong thực tế của việc giải quyết vấn đề. Việc dạy STEM đòi hỏi kết hợp khéo léo các kiến thức liên môn cũng như sự dụng công thiết kế nên các giáo án STEM hấp dẫn và thiết thực.
Thông qua quá trình này, HS sẽ được trang bị nhiều kỹ năng STEM cần thiết như: Kỹ năng giải quyết vấn đề, làm việc nhóm, giao tiếp, tư duy độc lập, phản biện, thuyết trình...
2. Các hình thức tổ chức STEM chủ yếu trong nhà trường
Mô hình trường học STEM đang được nhân rộng trên thế giới và Việt Nam. Bộ Giáo dục và Đào tạo ngay từ năm học 2020 – 2021 đã có công văn hướng dẫn các hình thức tổ chức, quản lý hoạt động giáo dục STEM trong trường trung học. Theo đó, tùy thuộc vào đặc thù từng môn học và điều kiện cơ sở vật chất, các trường có thể áp dụng linh hoạt các hình thức tổ chức giáo dục STEM, cụ thể như sau:
2.1. Dạy học các môn khoa học theo bài học STEM
Dạy các môn khoa học theo bài học STEM tức tổ chức các hoạt động trải nghiệm và nghiên cứu KHKT, kết nối kiến thức liên môn Toán, Khoa học, Công nghệ, Kỹ Thuật cho học sinh. Đây là hình thức tổ chức giáo dục STEM chủ yếu tại các trường học hiện nay.
Với hình thức này, giáo viên sẽ thiết kế các bài học STEM để triển khai trong quá trình dạy học liên môn tích hợp. Nội dung bài học STEM bám sát nội dung chương trình của các môn học nhằm thực hiện chương trình giáo dục phổ thông theo thời lượng quy định của các môn. Học sinh được chủ động nghiên cứu sách giáo khoa, tài liệu để tiếp nhận, vận dụng kiến thức thông qua thực hành thiết kế, chế tạo, thử nghiệm mẫu thiết kế...
Qua đó, tiết học STEM sẽ giúp học sinh nâng cao kỹ năng giải quyết vấn đề, tích lũy những trải nghiệm khám phá. Ngoài ra, mỗi buổi học sẽ là một dự án thực tế để học sinh có cơ hội thực hành, tự tay chế tạo sản phẩm và đúc rút kinh nghiệm. Quá trình sáng tạo này cũng giúp các bạn thêm tự tin trong giao tiếp, làm việc nhóm, cũng như nuôi dưỡng lòng đam mê với thế giới STEM.
Sở hữu rất nhiều ưu điểm và lợi ích vượt trội nên giáo dục STEM đang ngày càng được quan tâm trong thời đại 4.0. Nhiều trường học đã và đang triển khai việc học STEM vào chương trình giảng dạy đồng thời dần coi đó là môn học cần thiết.
Tại trường TH-THCS-THPT Văn Lang (TP Hạ Long, Quảng Ninh), các chủ đề STEM khoa học đã đưa vào giảng dạy tại trường với nhiều nội dung cụ thể, thiết thực. Theo đó, Trường xây dựng chương trình riêng cho giờ học STEM đối với khối 6, 7, 8 (2 tiết/tuần), khối 10, 11 (1,5 tiết/tuần) và dạy vào buổi 2.
Nội dung tiết học được thiết kế đa dạng và lý thú với nhiều chủ đề như: Trải nghiệm thực tế với các hoạt động sản xuất; tham quan các địa điểm văn hóa, du lịch; thực hiện các dự án học tập; tổ chức ngày hội STEM, ngày hội KHCN...
Trường THPT Lê Quý Đôn (Hải Phòng) cũng là đơn vị đào tạo đặc biệt chú trọng việc đẩy mạnh hoạt động giáo dục STEM. Mục đích nhằm phát triển toàn diện phẩm chất và năng lực cho học sinh, góp phần đào tạo thế hệ học sinh Lê Quý Đôn sẵn sàng và đáp ứng các yêu cầu mới của xã hội hiện đại, thời đại 4.0. Các hoạt động dạy môn khoa học theo bài học STEM có thể kể đến như: Đưa chương trình Robot giáo dục vào trường học, tổ chức chuyên đề “Robot thông minh du lịch đất Cảng” và thu hút đông đảo học sinh trên địa bàn TP tham gia…
Thông qua những bài học này, các lý thuyết, khái niệm học thuật sẽ được lồng ghép khéo léo với các bài học thực tế, giúp học sinh tiếp thu kiến thức dễ dàng hơn. Nhìn chung, STEM không đánh giá cao việc chỉ tập trung vào các khái niệm suông hay lý thuyết hàn lâm khi giảng dạy một cách máy móc mà thiếu đi sự quan tâm đến học sinh như phương pháp giáo dục cũ.
2.2. Tổ chức hoạt động trải nghiệm STEM
Các hình thức tổ chức STEM chủ yếu trong nhà trường nổi bật phải nhắc tới tổ chức hoạt động trải nghiệm STEM. Tổ chức hoạt động trải nghiệm STEM là việc xây dựng các CLB STEM để tăng cường trải nghiệm thực tế, được tổ chức thực hiện theo sở thích, năng khiếu và lựa chọn của học sinh một cách tự nguyện.
Nhà trường có thể tổ chức các không gian trải nghiệm STEM trong nhà trường, thí nghiệm ảo, mô phỏng, phần mềm học tập để học sinh tìm hiểu, khám phá các thí nghiệm, ứng dụng khoa học, kỹ thuật trong thực tiễn đời sống.
Nội dung mỗi buổi trải nghiệm được thiết kế thành bài học cụ thể, mô tả rõ mục đích, yêu cầu, tiến trình trải nghiệm và dự kiến kết quả. Ưu tiên những hoạt động liên quan, hoạt động tiếp nối ở mức vận dụng (thiết kế, thử nghiệm, thảo luận và chỉnh sửa) của các hoạt động trong bài học STEM theo kế hoạch dạy học của nhà trường.
Tại tỉnh Nam Định, trường Trường Tiểu học Nam Tiến (Nam Trực) cũng là một đơn vị rất tích cực triển khai chương trình giáo dục STEM với nhiều hoạt động giáo dục tích hợp, liên môn. Trường còn phát triển các CLB khoa học, chú trọng các hoạt động ngoại khóa phù hợp với đặc thù của trường, tạo cơ hội cho học sinh phát triển năng lực, kỹ năng xã hội.
Hoạt động STEM được Trường Tiểu học Nam Tiến bắt đầu triển khai từ năm học 2017-2018 với câu lạc bộ STEM rô bốt. Năm học 2018-2019, nhà trường tiếp tục triển khai STEM tái chế theo đơn vị lớp dưới hình thức hoạt động ngoài giờ chính khóa. Theo đó mỗi khối lớp xây dựng một chương trình hoạt động chung, giáo viên hướng dẫn học sinh chuẩn bị các vật liệu tái chế, dụng cụ và dự kiến tổ chức các hoạt động.
Ngoài ra, học sinh còn được tham gia tiết học STEM nông nghiệp, với các chủ đề như tìm hiểu kiến thức về các loài thực vật, tự tay trồng và chăm sóc cây xanh. Sau đó, chính tay các em sẽ thu hoạch, chế biến thăm các sản phẩm như: nước hoa hồng, kem nghệ, tinh dầu bạc hà, tinh dầu sả… Kết quả từ những dự án thực tế này chính là việc giúp học sinh tăng sự hứng thú, thúc đẩy học tập chủ động, tích cực và sáng tạo hơn.
2.3. Tổ chức hoạt động nghiên cứu khoa học, kỹ thuật
Tổ chức hoạt động nghiên cứu khoa học, kỹ thuật là một trong các hình thức tổ chức STEM chủ yếu trong nhà trường thu hút nhiều học sinh tham gia được diễn ra hàng năm.
Hoạt động này dành cho những học sinh có năng lực, sở thích và hứng thú với các hoạt động tìm tòi, khám phá khoa học, kĩ thuật giải quyết các vấn đề thực tiễn. Thông qua quá trình tổ chức dạy học và hoạt động trải nghiệm STEM, nhà trường sẽ phát hiện ra những học sinh có năng khiếu để bồi dưỡng, tạo điều kiện thuận lợi cho học sinh tham gia nghiên cứu khoa học, kỹ thuật.
Hoạt động nghiên cứu khoa học, kĩ thuật được thực hiện dưới dạng một đề tài/dự án nghiên cứu bởi một cá nhân hoặc, dưới sự hướng dẫn của giáo viên hoặc nhà khoa học có chuyên môn phù hợp. Tùy theo điều kiện cơ sở vật chất, các nhà trường có thể định kỳ tổ chức ngày hội STEM hoặc cuộc thi khoa học, kỹ thuật để đánh giá, biểu dương nỗ lực của giáo viên và học sinh trường mình.
Ví dụ tại tổ chức giáo dục FPT Edu, cuộc thi nghiên cứu khoa học FPT Edu ResFes được tổ chức hàng năm và mở rộng đối tượng tham gia cho toàn thể HSSV của tổ chức. Đây là cơ hội để các bạn học sinh cấp III cũng có thể tham gia trải nghiệm, tìm kiếm cơ hội phát triển những dự án cá nhân/nhóm của mình.
Ngay tại các trường THPT FPT, CLB robot cũng được xây dựng và phát triển lớn mạnh. Các thành viên không chỉ hoạt động trong nội bộ tổ chức mà còn ghi tên mình trong các cuộc thi trong và ngoài nước và gặt hái được những thành tích đáng tự hào.
Bước ra từ cuộc thi “FIRST Global Challenge 2018”, đội Việt Nam gồm các thành viên đến từ CLB Robotics trường THPT FPT đã có nhiều hoạt động cộng đồng ý nghĩa. Chính các thành viên của CLB đã truyền lửa đam mê STEM, sáng tạo khoa học công nghệ đến các bạn trong trường cũng như các em nhỏ ở trường THCS, Tiểu học.
Lớp dạy lập trình là một trong những hoạt động hàng tháng của nhóm học sinh đến từ CLB Robotics trường THPT FPT tổ chức ở Trung tâm Panasonic Risupia. Với hình thức tổ chức thân thiện, tham gia lớp lập trình, các em nhỏ sẽ được giới thiệu lý thuyết đồng thời được trải nghiệm, thực hành về khoa học, công nghệ.
Dù tổ chức giáo dục STEM theo hình thức nào thì chúng đều nhằm trang bị cho học sinh kiến thức khoa học gắn với ứng dụng trong thực tiễn. Nội dung bài học theo chủ đề Stem giải quyết tương đối trọn vẹn một vấn đề. Các hình thức tổ chức STEM chủ yếu trong nhà trường khi đó sẽ góp phần hình thành phẩm chất, năng lực học sinh. Tham khảo thêm về các hình thức tổ chức STEM chủ yếu trong nhà trường tại đây.
(Nguồn ảnh: Internet, FPT Edu)