Trải nghiệm 5 cuộc thi dành cho học sinh THCS bổ ích nhất 2022
Việc trải nghiệm các cuộc thi dành cho học sinh THCS giúp các con thử thách bản thân, giao lưu học hỏi và tích lũy nhiều kiến thức, kỹ năng bổ ích ngoài giờ học chính khóa. Dưới đây là 5 dạng cuộc thi mà học sinh THCS có thể tham khảo để đăng ký tham gia ngay trong năm học này.
1. Các cuộc thi theo môn học
Các cuộc thi theo môn học hay còn gọi là cuộc thi học thuật, được tổ chức nhằm tạo cơ hội cho học sinh giao lưu học hỏi, thể hiện bản thân và vận dụng các kiến thức đã học vào thực tế. Tùy theo đặc thù từng môn học mà nội dung và hình thức tổ chức các cuộc thi sẽ có những đặc trưng riêng, ví dụ cuộc thi Văn sẽ chú trọng kỹ năng viết lách, trong khi các cuộc thi về âm nhạc lại cần cả kỹ năng biểu diễn…
1.1. Cuộc thi Mỹ thuật “Next Top Designer”
Đây là sân chơi được tổ chức bởi Tổ phát triển cá nhân PDP, Trường Tiểu học và THCS FPT Cầu Giấy (FPT Edu) nhằm tạo cơ hội để các con có thể tự do thỏa sức sáng tạo với bộ môn mỹ thuật.
Đối tượng dự thi: Học sinh khối THCS của Trường Tiểu học - THCS FPT Cầu Giấy
Thể lệ: Các bạn có thể sử dụng các chất liệu thủ công từ đất sét, giấy màu, các vật dụng tái chế hoặc ứng dụng phần mềm thiết kế để tạo ra sản phẩm dự thi mang đầy sự sáng tạo và cá tính riêng của học sinh. Ví dụ năm 2021 là lần đầu tiên cuộc thi “Next Top Designer” được tổ chức, với chủ đề là “Giáng sinh an lành”.
Theo đó, thí sinh tham gia sẽ thiết kế các món quà chủ đề về giáng sinh bằng giấy báo, bìa, các loại chất liệu từ thiên nhiên hay trên phần mềm… (Khuyến khích các bài thi làm từ các vật liệu tái chế). Trong quá trình thực hiện sản phẩm, học sinh quay video giới thiệu về món quà hoặc chụp ảnh món quà gửi về Ban tổ chức thông qua giáo viên Mỹ thuật của lớp.
Cách thức chấm điểm, đánh giá: Bài dự thi sẽ được chấm điểm dựa trên nhiều yếu tố như: bố cục, màu sắc, chất liệu sản phẩm, tính độc đáo và thông điệp của sản phẩm.
Giải thưởng: Mỗi khối sẽ có 1 Giải nhất với bộ giải thưởng bao gồm: 100.000 VNĐ, Giấy chứng nhận và cộng điểm hoạt động phong trào.
1.2. Cuộc thi Toán học Châu Á AIMO
AIMO - Asia International Mathematical Olympiad là đấu trường tranh tài Toán học quốc tế uy tín và lớn bậc nhất châu Á dành cho học sinh phổ thông. Sân chơi này được tổ chức thường niên từ năm 2012 bởi Ủy ban điều hành AIMO Quốc tế thuộc Hiệp hội Olympic Toán học Châu Á.
Đối tượng dự thi: AIMO hướng đến các bạn học sinh từ lớp 2 - lớp 12 trên toàn quốc. Đề thi sẽ được xây dựng bằng 100% tiếng Anh, tạo cơ hội cọ xát chuẩn quốc tế cho học sinh, vừa luyện ngoại ngữ vừa “nâng trình” toán học.
Thể lệ: Hàng năm, AIMO thu hút sự tham gia của gần 100.000 học sinh trên gần 20 quốc gia. Chương trình là cơ hội để các thí sinh giao lưu quốc tế, trải nghiệm văn hoá và phát triển năng lực toàn cầu, thông qua đó nuôi dưỡng niềm đam mê học Toán và rèn luyện tư duy logic - phân tích - phản biện. Đấu trường Toán học Châu Á - AIMO gồm 1 vòng tự luyện và 3 vòng thi chính thức, trong đó vòng tự luyện tổ chức trực tuyến qua internet. 3 vòng chính thức bao gồm:
- Vòng 1: Vòng Khu vực trực tuyến qua mạng
- Vòng 2: Vòng Chung kết Quốc gia tại Việt Nam, tổ chức thi trực tuyến với 3 bảng xếp hạng theo khu vực (Miền Bắc, miền Trung và Miền Nam)
- Vòng 3: Vòng Chung kết Quốc tế.
Giải thưởng: Cuộc thi sẽ trao giải tùy theo từng vòng (khu vực, quốc gia và quốc tế). Ví dụ, giải quốc gia sẽ bao gồm Giấy chứng nhận đạt giải dành cho học sinh đạt kết quả xuất sắc theo khối lớp tại bảng xếp hạng toàn quốc và Huy chương Vàng : Huy chương Bạc : Huy chương Đồng theo tỷ lệ lần lượt là 1:2:3.
1.3. Cuộc thi Hóa học quốc tế LIChO
LIChO (Lavoisier International Chemistry Olympiad) là cuộc thi Hóa học quốc tế trực tuyến, được tổ chức bởi Trung tâm tổ chức STEM Olympiad (OCSO).
Đối tượng dự thi: LIChO hướng đến đối tượng tham gia là học sinh lớp 7 - lớp 12. Tham gia sân chơi này, học sinh sẽ có cơ hội để học sinh trau dồi tư duy phản biện, khơi dậy trí tò mò, truyền cảm hứng khám phá tri thức mới, phát triển khả năng quan sát và nghiên cứu khoa học thông qua quá trình giải quyết các vấn đề trong Hóa học.
Thể lệ: Thí sinh sẽ thi trên LIChO trên nền tảng trực tuyến do BTC xây dựng, với 2 vòng là vòng Quốc gia và vòng Quốc tế. Đề thi cho mỗi vòng gồm 25 câu hỏi trắc nghiệm, với ngôn ngữ được sử dụng hoàn toàn là tiếng Anh. Thí sinh đạt từ mức điểm trung bình trở lên trong vòng Quốc gia sẽ tham gia vòng Quốc tế.
Giải thưởng: Tại vòng Quốc tế, giải đặc biệt sẽ được trao cho thí sinh đạt điểm cao nhất. Giải Vàng (Gold) dành cho top 10% thí sinh có điểm số cao nhất. Giải Bạc (Sliver) dành cho 20% thí sinh tiếp theo. Giải Đồng (Bronze) dành cho 35% thí sinh tiếp theo và giải Danh dự (Honorable Mention) dành cho 35% thí sinh tiếp theo còn lại.
2. Các cuộc thi về Công nghệ thông tin
Các cuộc thi khoa học kỹ thuật, công nghệ thông tin có ý nghĩa giáo dục, phát huy sự sáng tạo ở thế hệ trẻ, đón đầu xu hướng 4.0 trong thời đại ngày nay. Tham gia những sân chơi này, học sinh không chỉ được thực hành, trải nghiệm, ứng dụng kiến thức vào giải quyết một đề tài cụ thể, chế tác một sản phẩm cụ thể mà phát triển nhiều thứ như tư duy khoa học, năng lực khai thác tài liệu, năng lực thuyết trình, phản biện, các kỹ năng làm việc nhóm.
2.1. Cuộc thi FPT Edu Research Festival (FPT Edu ResFes)
Đây là cuộc thi nghiên cứu khoa học thường niên (với Công nghệ thông tin là một trong những lĩnh vực nghiên cứu) dành cho học sinh sinh viên, được tổ chức bởi Tổ chức Giáo dục FPT - FPT Education.
Đối tượng dự thi: Học sinh, sinh viên Tổ chức Giáo dục FPT và học sinh, sinh viên các trường khác ở trong và ngoài nước
Thể lệ: Để tham gia cuộc thi, học sinh, sinh viên trong và ngoài FPT Education cần đăng ký thi đấu cá nhân hoặc đội tự lập với số lượng không quá 5 người/đội. Các thành viên trong đội có thể cùng chuyên ngành hoặc liên ngành. Mỗi đội sẽ vận dụng phương pháp và kỹ năng chuyên môn để triển khai một đề tài, dự án nghiên cứu khoa học có tính sáng tạo, thực tiễn nhằm giải quyết một số nhu cầu thực tế xã hội.
Đề tài nghiên cứu khoa học cần thuộc 1 trong 5 lĩnh vực (hay còn gọi là tiểu ban): Công nghệ thông tin, Thiết kế đồ họa, Ngôn ngữ, Kinh tế - Quản trị kinh doanh và Truyền thông đa phương tiện.
Các đội thi FPT Edu ResFes sẽ trải qua 2 vòng: Sơ loại và Chung kết. Vòng Sơ loại là vòng thẩm định đề cương nghiên cứu chi tiết và bản phác thảo, mô tả thiết kế về sản phẩm đối với những đội thi có sản phẩm ứng dụng.
Ở vòng này, hội đồng chuyên môn tại các cơ sở đào tạo sẽ chọn ra 2 đội xuất sắc ở mỗi tiểu ban để lọt vào vòng Chung kết. Đội thi vòng Chung kết sẽ chuẩn bị poster tóm tắt quá trình nghiên cứu và thuyết trình bảo vệ kết quả nghiên cứu trước hội đồng chuyên môn.
Giải thưởng: Giải Nhất - Nhì - Ba cho từng tiểu ban và 1 giải Poster ấn tượng nhất do khán giả bình chọn.
2.2. Cuộc thi Solve for Tomorrow
Solve For Tomorrow là cuộc thi do Samsung toàn cầu khởi xướng từ năm 2010, nhằm tạo ra sân chơi sáng tạo giúp học sinh chủ động tìm tòi, nghiên cứu và ứng dụng công nghệ để giải quyết những vấn đề liên quan đến địa phương. Tới nay, cuộc thi này đã được tổ chức ở 22 quốc gia như Mỹ, Canada, Singapore… với gần 2 triệu học sinh tham gia, trong đó Việt Nam bắt đầu có đội tuyển tham gia từ mùa giải Solve for Tomorrow 2019.
Đối tượng dự thi: Học sinh 12-18 tuổi
Thể lệ: Mỗi mùa giải của cuộc thi sẽ diễn ra trong 8 tháng với 3 vòng sơ khảo, bán kết và chung kết. Trong đó, ở vòng sơ khảo, học sinh được học các nội dung về tư duy thiết kế, quản lý dự án, phương pháp nghiên cứu và những kỹ năng mềm như thuyết trình, quản lý thời gian, tư duy sáng tạo…
Ở các vòng trong, các đội thi có cố vấn chuyên môn online và tập huấn trực tiếp để hoàn thiện sản phẩm. Hoàn thành khóa đào tạo, các em tự tin triển khai một dự án hoàn chỉnh và sẵn sàng hiện thực hóa những ý tưởng làm thay đổi cuộc sống. Tổng giải thưởng cuộc thi lên đến 1 tỷ đồng, với nhiều hạng mục hấp dẫn.
Học sinh có thể đăng ký tại website của cuộc thi Solve Tomorrow và có cơ hội tham gia các nội dung đào tạo về quản lý dự án, tư duy thiết kế, phương pháp nghiên cứu và kỹ năng mềm hữu ích.
Giải thưởng: Tổng giá trị giải thưởng của cuộc thi năm nay lên đến 2 tỷ đồng với nhiều hạng mục giải hấp dẫn. Các đội đạt giải nhất ngoài việc nhận được quà tặng là sản phẩm công nghệ hiện đại của Samsung còn có cơ hội du lịch tại Hàn Quốc.
2.3. Cuộc thi FPT Edu Hackathon
FPT Edu Hackathon là cuộc thi lập trình thường niên quy mô nhất của Tổ chức Giáo dục FPT (FPT Edu) được tổ chức theo mô hình Hackathon nổi tiếng của thế giới. Thách thức của cuộc thi nằm ở việc các thí sinh phải phát triển một sản phẩm công nghệ trong thời gian ngắn, cạnh tranh về tốc độ, độ sáng tạo và tính hoàn thiện của ứng dụng, nhằm giải bài toán được cuộc thi đặt ra.
Đối tượng dự thi: Học sinh, sinh viên FPT Edu
Thể lệ: Cuộc thi trải qua 3 vòng gồm: vòng Sơ loại, vòng Bán kết và vòng Chung kết với tổng giá trị giải thưởng lên đến hàng trăm triệu đồng. Thí sinh sẽ thi đấu theo mô hình đội nhóm, mỗi đội gồm 3 – 5 thành viên đối với bảng A và B; 2-3 thành viên đối với bảng C và D. Các đội thi sẽ lần lượt trải qua 3 vòng thi đấu: vòng Sơ loại, vòng Bán kết và vòng Chung kết.
Lợi ích khi tham gia cuộc thi: Tham gia cuộc thi là cơ hội để học sinh đam mê công nghệ giao lưu cọ xát, cùng tranh tài và phát triển hơn cả về kiến thức lẫn kỹ năng, đặc biệt là được làm việc và học hỏi kinh nghiệm từ các mentor, cố vấn cuộc thi là những chuyên gia trong lĩnh vực Công nghệ thông tin.
Giải thưởng: Mỗi bảng đấu của cuộc thi sẽ trao giải Nhất, Nhì, Ba và Khuyến khích.
3. Các cuộc thi viết
Với những học sinh đam mê văn học, viết lách thì tham gia các cuộc thi viết chính là một lựa chọn không thể bỏ qua. Ghi tên mình vào 3 cuộc thi viết dưới đây là cơ hội để bạn có thể tự do “phóng bút” sáng tạo, giao lưu học hỏi và giành những giải thưởng giá trị cho mình:
3.1. Cuộc thi Viết thư quốc tế UPU
Cuộc thi Viết thư Quốc tế do Liên minh Bưu chính Thế giới (UPU) tổ chức hàng năm nhằm phát triển khả năng viết văn và tư duy phong phú, sáng tạo, giúp học sinh tiếp cận và nhận thức các vấn đề xã hội của thời đại, thể hiện suy nghĩ của mình và bồi đắp nuôi dưỡng tình cảm, trách nhiệm của thế hệ trẻ đối với xã hội, đất nước và thế giới.
Đối tượng dự thi: Học sinh Tiểu học, THCS (dưới 15 tuổi tại thời điểm tham gia cuộc thi) trên toàn thế giới
Thể lệ: Mỗi năm, Trụ sở chính của UPU tại Bern – Thụy Sĩ sẽ ra một đề tài (trong khuôn khổ hoạt động của Liên Hiệp Quốc), các nước thành viên tiếp nhận đề tài của cuộc thi sau đó triển khai rộng rãi bằng các phương tiện thông tin đại chúng trong đất nước của mình, chấm và chọn ra bài xuất sắc nhất để gửi dự thi Quốc tế. Thông qua các chủ đề được lựa chọn, đông đảo học sinh trên toàn thế giới đã được tham gia bàn luận, đề xuất ý tưởng về những vấn đề nóng, đang được xã hội quan tâm.
Giải thưởng: Các giải thưởng Quốc tế hằng năm của UPU đều được chọn lọc rất kỹ càng bởi Ban giám khảo cấp Quốc tế. Việt Nam là một thành viên của UPU và cũng là một trong top đầu những đất nước hưởng ứng nhiệt tình cuộc thi tầm cỡ Quốc tế này. Nhiều học sinh đại diện Việt Nam tham gia vòng thi Quốc tế và đạt được những giải thưởng ấn tượng.
3.2. Cuộc thi thơ dành cho học sinh “Foyle Young Poets”
Cuộc thi thơ quốc tế dành cho học sinh “Foyle Young Poets” được tổ chức bởi Poetry Society.
Đối tượng dự thi: Các bạn học sinh từ 11-17 tuổi có niềm đam mê viết lách, sáng tác thơ văn.
Lợi ích khi tham gia cuộc thi: Học sinh có cơ hội thể hiện tài năng và cá tính sáng tạo của riêng mình, đồng thời giao lưu học hỏi nhiều hình thức thơ ca, văn hóa đa dạng trên toàn thế giới.
Thể lệ: Khác với nhiều cuộc thi sáng tác thơ văn khác, Ban tổ chức Foyle Young Poets không đặt ra một chủ đề nào cố định mà các thí sinh có thể sáng tác tự do. Quy định chung cho tất cả các bài dự thi Foyle Young Poets đó là phải viết bằng tiếng Anh và chưa từng được đăng tải trên bất cứ phương tiện truyền thông đại chúng nào.
Top 15 người thắng cuộc sẽ có bài thơ được in vào tuyển tập thơ của Ban Tổ Chức với 25000 bản được in ra và xuất bản đến những độc giả. Top 15 người thắng chung cuộc còn được mời tham gia vào một Khóa Học Viết của Trung tâm Arvon Centres, hoặc được nhận sự cố vấn thay thế từ những học giả uy tín đi trước…
Giải thưởng: Top 15 người thắng cuộc sẽ có bài thơ được in vào tuyển tập thơ của Ban Tổ Chức với 25000 bản được in ra và xuất bản đến những độc giả, được mời tham gia vào một Khóa Học Viết của Trung tâm Arvon Centres, hoặc được nhận sự cố vấn thay thế từ những học giả uy tín đi trước và nhiều giải thưởng hấp dẫn khác.
3.3. Cuộc thi viết "Những kỷ niệm sâu sắc về thầy cô và mái trường”
Đây là cuộc thi do Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức, chính thức khởi động vào ngày 13/7 và nhận bài dự thi đến hết ngày 15/10/2022.
Đối tượng dự thi: Công dân Việt Nam, có tác phẩm phù hợp với thể lệ của cuộc thi. Học sinh THCS không những thuộc đối tượng dự thi mà còn có nhiều cơ hội để giành giải tại sân chơi này, bởi các bạn đều đang trong quá trình học tập tại trường lớp và không thiếu những kỷ niệm, ấn tượng để chia sẻ về thầy cô và mái trường của mình.
Thể lệ: Các tác phẩm dự thi viết bằng tiếng Việt, thể hiện dưới hình thức văn xuôi, mỗi tác phẩm tối thiểu 500 từ (hình ảnh, video minh họa kèm theo nếu có). Nội dung các tác phẩm dự thi tập trung vào những kỷ niệm sâu sắc về thầy cô và mái trường, về những ấn tượng sâu sắc về thầy cô giáo mà tác giả yêu quý, ngưỡng mộ hoặc những tác động, ảnh hưởng đặc biệt của thầy cô giáo tới việc học tập, nhận thức…
Cuộc thi không chỉ mở ra sân chơi cho những bạn trẻ sáng tạo, đam mê viết lách mà còn góp phần khơi gợi được niềm tự hào, sự tri ân của các thế hệ trẻ với thầy cô, mái trường mến yêu, thể hiện truyền thống “tôn sư trọng đạo” của người Việt. Dự kiến, lễ tổng kết và trao giải thưởng sẽ được tổ chức vào tháng 11.2022 với 2 giải Tập thể, 1 giải Nhất, 2 giải Nhì, 3 giải Ba và 6 giải Khuyến khích.
Giải thưởng: Cuộc thi sẽ trao 02 giải tập thể; 01 giải Nhất; 02 giải Nhì; 03 giải Ba; 06 giải Khuyến khích; Giải thưởng phụ do Ban Tổ chức cuộc thi xem xét quyết định, tùy tình hình thực tế của mỗi năm tổ chức. Trong đó:
- Giải Nhất gồm Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo và 10.000.000 đồng/giải.
- Giải Nhì gồm Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo và 8.000.000 đồng/giải.
- Giải Ba gồm Giấy chứng nhận giải thưởng Cuộc thi do Bộ Giáo dục và Đào tạo cấp và 6.000.000 đồng/giải.
- Giải Khuyến khích gồm Giấy chứng nhận giải thưởng Cuộc thi do Bộ Giáo dục và Đào tạo cấp và 3.000.000 đồng/giải.
- Giải tập thể gồm Giấy chứng nhận do Bộ Giáo dục và Đào tạo cấp và 5.000.000 đồng/giải.
4. Các cuộc thi về nghệ thuật
Tham gia 3 cuộc thi về nghệ thuật dưới đây sẽ giúp các bạn học sinh có thêm kinh nghiệm, cơ hội thể hiện kỹ năng và khám phá năng khiếu bản thân, đặc biệt là được thỏa sức sống với trí tưởng tượng của mình.
4.1. Cuộc thi vẽ tranh tuyên truyền phòng, chống tệ nạn ma túy
Đây là cuộc thi mới được Sở LĐ-TB&XH vừa phối hợp Sở GD-ĐT TP Đà Nẵng khởi động vào tháng 4. Mục đích của cuộc thi nhằm nâng cao nhận thức, kỹ năng về phòng, chống ma túy và các tệ nạn liên quan đến ma túy, giúp HS hiểu biết sâu hơn về tác hại, hậu quả của ma túy đối với bản thân, gia đình và xã hội, từ đó có biện pháp phòng tránh hiệu quả.
Đối tượng dự thi: Học sinh THCS, THPT đam mê hội họa trên địa bàn thành phố
Thể lệ: Học sinh sẽ vẽ tranh tuyên truyền phòng, chống tệ nạn ma túy trên khổ giấy A3 với các loại màu tự chọn, do chính HS tự sáng tác, là tác phẩm mới, chưa tham gia cuộc thi nào… Nội dung trình bày dễ hiểu, thiết thực, có ý nghĩa cụ thể nhằm tuyên truyền cổ vũ công tác phòng, chống tệ nạn ma túy.
Giải thưởng: Cuộc thi gồm 16 giải: 1 giải nhất, 2 giải nhì, 3 giải ba, 5 giải khuyến khích, 5 giải được nhiều lượt “Like” và “Share” từ cộng đồng mạng.
4.2. Cuộc thi FSchool Talent Show
Đây là sân chơi được tổ chức bởi Trường THPT FPT (FPT Edu), nhằm mở ra cơ hội cho các bạn học sinh trung học cơ sở cơ hội phát huy tài năng và thực hành các kỹ năng của công dân thế kỷ 21. Bên cạnh đó, cuộc thi cũng góp phần lan tỏa tinh thần, thông điệp giáo dục đề cao sự cân bằng giữa kiến thức và kỹ năng cùng các hoạt động ngoại khóa để các em có cuộc sống hài hòa và hạnh phúc.
Đối tượng tham gia: Học sinh lớp 6 - lớp 9 đang theo học tại các trường THCS trên toàn lãnh thổ Việt Nam, được chia thành 4 khu vực dự thi tại Hà Nội, Đà Nẵng, Bình Định và Cần Thơ.
Thể lệ: Thí sinh đăng ký theo nhóm hoặc cá nhân bằng cách điền thông tin trên trang của BTC. Sau đó, thí sinh ghi hình lại phần biểu diễn và gửi link về BTC chương trình thông qua email hoặc nộp trực tiếp tại các cơ sở trường THPT FPT tại Hà Nội, Đà Nẵng, Bình Định hoặc Cần Thơ.
Các tiết mục sẽ được đánh giá trên các tiêu chí như: Sự đầu tư cho tiết mục, sức lôi cuốn khán giả và Ban Giám khảo, sự độc đáo và mới lạ, mức độ hoàn thiện của tiết mục, phong cách biểu diễn cũng như thông điệp truyền tải của tiết mục có tính nhân văn và thời sự.
Giải thưởng: Tổng giá trị giải thưởng lên tới 1.104.000.000 VNĐ (hơn một tỷ một trăm triệu đồng) bao gồm tiền mặt, giấy chứng nhận, học bổng theo học tại THPT FPT và phần quà từ nhà tài trợ bao gồm 01 giải nhất, 01 giải nhì, 01 giải ba và các giải triển vọng.
5. Các cuộc thi về kiến thức xã hội/kỹ năng sống
Bên cạnh các cuộc thi thiên về học thuật hay năng khiếu, học sinh THCS cũng có thể tìm hiểu và đăng ký tham gia các cuộc thi về kiến thức xã hội/ kỹ năng sống, tiêu biểu như 2 cuộc thi dưới đây:
5.1. Cuộc thi “An toàn giao thông cho nụ cười ngày mai”
Đây là sân chơi do Công ty Honda Việt Nam, Bộ Giáo dục và Đào tạo cùng Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia, Cục Cảnh sát giao thông (Bộ Công an) và các đại lý bán xe phối hợp tổ chức. Mục đích của cuộc thi nhằm không ngừng nâng cao kiến thức và kỹ năng tham gia giao thông an toàn cho học sinh cấp trung học, đối tượng đang dần chủ động tham giao thông nhưng chưa được trang bị đầy đủ kiến thức và kỹ năng tham gia giao thông an toàn.
Đối tượng tham gia: Giáo viên, học sinh THCS và THPT trên cả nước
Thể lệ: Bảng thi dành cho học sinh gồm có 2 vòng:
- Vòng 1 thi trắc nghiệm về kiến thức an toàn giao thông, Luật Giao thông đường bộ và câu hỏi tự luận.
- Vòng 2 viết bài tìm hiểu kiến thức và kỹ năng tham gia giao thông an toàn, dành cho học sinh có thành tích xuất sắc ở vòng 1.
Học sinh tham gia thi trực tuyến bằng cách trả lời trực tiếp câu hỏi trắc nghiệm và đính kèm bài tự luận trực tiếp trên trang web do BTC công bố. Tham gia cuộc thi, học sinh không chỉ nâng cao kiến thức, kỹ năng về an toàn giao thông mà còn có cơ hội nhận giải thưởng hấp dẫn.
Giải thưởng: Đối với cấp THCS, cuộc thi sẽ trao giải nhất (gồm 01 giấy chứng nhận đoạt giải, 01 máy tính bảng); giải nhì (gồm 01 giấy chứng nhận đoạt giải, 01 điện thoai di động); giải ba (gồm 01 giấy chứng nhận đoạt giải, 01 đồng hồ đeo tay); giải khuyến khích (gồm 01 giấy chứng nhận đoạt giải và 01 mũ bảo hiểm đạt chuẩn).
5.2. Cuộc thi “Học sinh với an toàn thông tin”
Đây là cuộc thi nhằm tuyên truyền, cung cấp kiến thức, kỹ năng sử dụng mạng internet an toàn cho học sinh và phụ huynh học sinh trên cả nước. Cuộc thi “Học sinh với an toàn thông tin” được tổ chức thường niên cũng nhằm tạo nên sân chơi lành mạnh, bổ ích, phát huy khả năng tư duy của học sinh, giúp các em nhận diện và phòng, tránh các nguy cơ mất an toàn trên môi trường mạng.
Đối tượng dự thi: Học sinh các trường Trung học Cơ sở (THCS) trên toàn quốc.
Thể lệ: Đề thi gồm 25 câu hỏi trắc nghiệm do hệ thống thi cung cấp ngẫu nhiên từ ngân hàng đề thi. Thời gian làm bài của thí sinh là 30 phút. Nội dung thi liên quan đến các kiến thức, kỹ năng phòng chống nguy cơ mất an toàn thông tin, phòng chống xâm hại trẻ em và kỹ năng ứng xử trên môi trường mạng. Bên cạnh đó là các kiến thức về quy định pháp luật liên quan tới bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng (tại Luật Trẻ em, Luật An ninh mạng, Luật An toàn thông tin mạng...).
Hình thức dự thi: Các thí sinh dự thi trực tuyến qua website http://thihsattt.vn của Ban tổ chức cuộc thi. Mỗi thí sinh chỉ đăng ký một tài khoản để dự thi (theo mẫu đăng ký trên website). Thí sinh chỉ được thi một lần và có thể tham gia thi vào bất cứ thời điểm nào trong khoảng thời gian mà Ban Tổ chức thông báo.
Giải thưởng: Cuộc thi sẽ trao các giải Nhất, Nhì, Ba và cả các giải tập thể dành cho đơn vị có nhiều học sinh tham gia cuộc thi nhất.
Ngoài các cuộc thi nói trên, phụ huynh và học sinh THCS có thể tham khảo thông tin và đăng ký tham gia nhiều trải nghiệm các cuộc thi dành cho học sinh THCS khác tại đây.
Ảnh: Internet, FPT Edu