Trải nghiệm FPT Edu

Hướng dẫn dạy học trải nghiệm môn tự nhiên xã hội cho học sinh

09/12/2022
seo2022
10237

Dạy học trải nghiệm môn tự nhiên xã hội là hoạt động bắt buộc dành cho học sinh lớp 1, 2, 3 cấp Tiểu học. Đây là hoạt động vô cùng quan trọng nhằm cung cấp tri thức về thế giới tự nhiên và xã hội, góp phần đặt nền móng giúp học sinh học tập các môn Khoa học, Lịch sử và Địa lý ở các lớp 4, 5. 

1. Tại sao cần dạy học trải nghiệm môn tự nhiên xã hội?

Không phải tất cả các đơn vị đều đang triển khai đúng và hiệu quả việc dạy học trải nghiệm, đặc biệt là dạy học trải nghiệm môn tự nhiên xã hội bởi những khó khăn nhất định trong việc triển khai giảng dạy môn học này.

Tuy nhiên, cần phải hiểu rõ tầm quan trọng của việc dạy học trải nghiệm môn tự nhiên xã hội trong sự phát triển của học sinh để biết được lý do của việc cần dạy học trải nghiệm môn tự nhiên xã hội:

  • Môn tự nhiên xã hội bao gồm những kiến thức, kỹ năng liên quan đến đời sống thực tế của học sinh, tạo cho học sinh cơ hội tìm hiểu, khám phá bản thân, tự nhiên và xã hội, giúp học sinh vận dụng kiến thức, kĩ năng đã học vào thực tiễn, rèn luyện kỹ năng sống thực tế, vô cùng cần thiết để làm nền tảng khi bắt đầu bước vào cuộc sống của học sinh.
  • Đối với học sinh ở cấp Tiểu học, việc tìm hiểu về tự nhiên xã hội không chỉ là một điều cần thiết mà còn dễ dàng tạo hứng thú với các em. Hiểu biết về tự nhiên xã hội, các em cũng dễ dàng thích nghi với cuộc sống và xã hội.
Dạy học trải nghiệm môn tự nhiên xã hội là việc cần được chú trọng
Dạy học trải nghiệm môn tự nhiên xã hội là việc cần được chú trọng

2. Định hướng dạy trải nghiệm môn tự nhiên xã hội

Có thể có nhiều định hướng khác nhau trong dạy trải nghiệm môn tự nhiên xã hội, tuy nhiên có thể tham khảo một số định hướng sau: Dạy học tích hợp, Dạy học theo chủ đề, Tích cực hóa hoạt động của học sinh…

2.1. Dạy học tích hợp

Trong định hướng dạy học tích hợp của môn tự nhiên và xã hội, người dạy quan điểm rằng con người, tự nhiên và xã hội là một chỉnh thể thống nhất có mối quan hệ chặt chẽ với nhau, trong đó con người là cầu nối giữa tự nhiên và xã hội.

Do vậy, ở hướng dạy học tích hợp, học sinh sẽ được giáo dục nhiều khía cạnh như giáo dục giá trị sống và kỹ năng sống, giáo dục môi trường, giáo dục tài chính… trong một môn học Tự nhiên và Xã hội. Hướng đi này giúp học sinh có được cái nhìn tổng quan, toàn diện, đánh giá được mối tương quan giữa các yếu tố của tự nhiên và xã hội. 

2.2. Dạy học theo chủ đề

Khác với định hướng dạy học tích hợp, khi dạy học theo chủ đề, người dạy sẽ chia nhỏ bài học theo các chủ đề khác nhau như: Gia đình, Trường học, Cộng đồng địa phương, Thực vật và động vật, Con người và sức khỏe, Trái đất và bầu trời… Điều này nhằm giúp học sinh có thể tìm hiểu sâu hơn về từng chủ đề.

2.2.1. Gia đình

Gia đình là chủ đề gần gũi và quen thuộc nhất đối với mỗi học sinh. Chủ đề gia đình giúp học sinh hiểu rõ ý nghĩa, vai trò, tầm quan trọng của gia đình đối với xã hội.

Ở chủ đề gia đình, học sinh có thể tìm hiểu về nhiều nội dung khác nhau như: các thành viên trong gia đình, mối quan hệ trong gia đình, gia đình trong văn hóa Việt Nam, vai trò của gia đình trong xã hội…

Các hoạt động trải nghiệm của chủ đề gia đình cũng rất đa dạng, từ việc quan sát, đánh giá, phân tích cho tới phân loại các kiểu gia đình khác nhau. Qua những hoạt động ấy, các em có thể hiểu hơn về gia đình của mình, những kiểu gia đình tồn tại trong xã hội, biết được vị trí vai trò của bản thân trong gia đình, sự gắn kết giữa các thành viên cũng như vai trò của gia đình trong xã hội.

Chủ đề gia đình giúp học sinh hiểu rõ ý nghĩa, vai trò, tầm quan trọng của gia đình đối với xã hội
Chủ đề gia đình giúp học sinh hiểu rõ ý nghĩa, vai trò, tầm quan trọng của gia đình đối với xã hội

Bên cạnh đó, để có thể giúp học sinh dễ dàng tiếp thu cũng như hiểu rõ kiến thức trong chủ đề, người dạy cũng nên đưa các hoạt động, kiến thức thực tế, gần gũi vào bài học. Tốt nhất là gợi ý các em quan sát, phân tích từ chính thực tế gia đình mình và các gia đình lân cận để tự rút ra bài học, sau đó trao đổi, thảo luận cùng giáo viên và bạn học ở trên lớp.

2.2.2. Trường học

Ở trường học diễn ra hầu hết các hoạt động, có đầy đủ các mối quan hệ cơ bản giống như một xã hội. Dạy về trường học là dạy cho học sinh biết sự vận hành cơ bản của xã hội, về những mối quan hệ giữa người với người, về những quy luật xã hội đầu tiên mà các em phải làm quen và đối mặt.

Ở chủ đề trường học, giáo viên có thể triển khai nhiều nội dung như giao tiếp, ứng xử, hiểu về trách nhiệm và thực hiện đúng trách nhiệm, mối quan hệ giữa bản thân với các thành viên khác trong trường học…

Dạy về trường học là dạy cho học sinh biết sự vận hành cơ bản của xã hội, về những mối quan hệ giữa người với người
Dạy về trường học là dạy cho học sinh biết sự vận hành cơ bản của xã hội, về những mối quan hệ giữa người với người

Thông qua những chủ đề ấy, học sinh có thể biết cách giao tiếp, ứng xử phù hợp với vị trí, vai trò và các mối quan hệ của bản thân với các đối tượng khác trong trường học, cộng đồng, nắm bắt được trách nhiệm và có trách nhiệm với những công việc của mình…

Để học sinh có thể hiểu rõ bản chất, nắm bắt và ghi nhớ được các kiến thức, kỹ năng, giáo viên nên cho học sinh tham gia các hoạt động thực tế tại trường học, lớp học, đặt ra các tình huống giả định để các em phân tích, thực hành.

2.2.3. Cộng đồng địa phương

Cộng đồng địa phương là một cộng đồng hoàn thiện có quy mô vừa mà học sinh có nhiều cơ hội để tiếp xúc nhất. Và cộng đồng địa phương cũng mang toàn bộ những đặc điểm cơ bản của một cộng đồng trong xã hội, đồng thời cũng mang những đặc trưng của mỗi vùng miền. 

Việc hướng dẫn các em tìm hiểu về cộng đồng địa phương sẽ giúp các em có thêm tri thức, hiểu biết xoay quanh những đặc trưng của cộng đồng địa phương đó, có hiểu biết về những hoạt động khác nhau của cộng đồng như buôn bán, trao đổi hàng hóa, giao thông công cộng,… Từ đó, các em sẽ hình thành thế giới quan, ứng xử phù hợp, dễ dàng thích nghi với cuộc sống cộng đồng, ngoài gia đình.

Chủ đề Cộng đồng địa phương sẽ giúp học sinh có được những kiến thức cơ bản về văn hóa, tập tục, thói quen, quy luật của mỗi vùng miền
Chủ đề Cộng đồng địa phương sẽ giúp học sinh có được những kiến thức cơ bản về văn hóa, tập tục, thói quen, quy luật của mỗi vùng miền

Để các bài học trở nên gần gũi, dễ hiểu hơn, giáo viên nên sử dụng những tư liệu, dẫn chứng thực tế, đưa ra yêu cầu từ thực tế để học sinh có thể quan sát, tìm hiểu và giải quyết bằng trải nghiệm, kinh nghiệm bản thân. Cũng cần đặc biệt lưu ý đến tính khả thi của các hoạt động trải nghiệm khi đưa yêu cầu hay triển khai bài học cho học sinh.

2.2.4. Thực vật và động vật

Chủ đề thực vật và động vật ở môn Tự nhiên Xã hội sẽ cung cấp cho học sinh những tri thức liên kết với cuộc sống, giúp các em trả lời những câu hỏi liên quan đến đời sống tự nhiên và mối tương quan giữa thực vật, đồng vật và con người.

Thông qua các bài học trong chủ đề thực vật và động vật, học sinh sẽ nắm được những kiến thức cơ bản như nơi sinh sống của các loài thực vật, động vật, những loài thực vật, động vật xung quanh môi trường, mối quan hệ giữa thực vật, động vật và sự phát triển của con người, xã hội, cần làm gì để bảo vệ môi trường sống của động vật và thực vật…

Những kiến thức về động vật và thực vật sẽ giúp học sinh hiểu hơn về mối quan hệ giữa các loài trên Trái Đất
Những kiến thức về động vật và thực vật sẽ giúp học sinh hiểu hơn về mối quan hệ giữa các loài trên Trái Đất

Ở chủ đề này, các em có thể được học thông qua các chuyến đi thực tế đến các địa điểm cụ thể tại địa phương, để quan sát và tìm hiểu, hoặc mang các loài cây, con vật trong nội dung bài học tới lớp để cùng quan sát. Tuy nhiên, giáo viên cũng cần đánh giá tính thích hợp của các hoạt động trải nghiệm thực tế, ví dụ như điểm đến, loài vật để đảm bảo sự an toàn cho các em và tính hiệu quả của bài học.

2.2.5. Con người và sức khỏe

Chủ đề con người và sức khỏe là một trong những chủ đề nhằm cung cấp những kiến thức cơ bản về cấu tạo cơ thể người, vai trò của các bộ phận trên cơ thể, chăm sóc, bảo vệ các cơ quan…

Ở chủ đề này, học sinh có thể trải nghiệm thông qua các hoạt động quan sát, gọi tên các bộ phận trên cơ thể, thực hiện các hoạt động vận động để thấy được vai trò, tầm quan trọng của các bộ phận này…

Thông qua chủ đề con người và sức khỏe, học sinh có thể nắm được những kiến thức cơ bản trong việc rèn luyện và bảo vệ sức khỏe bản thân
Thông qua chủ đề con người và sức khỏe, học sinh có thể nắm được những kiến thức cơ bản trong việc rèn luyện và bảo vệ sức khỏe bản thân

Thông qua bài học, học sinh có thể dễ dàng nắm bắt, gọi tên các bộ phận, cơ quan trên cơ thể. Đồng thời các em cũng ý thức được cách thức hoạt động của các bộ phận này, những lưu ý về thói quen sinh hoạt, các hành động tốt/không tốt cho sức khỏe…

Trong hoạt động trải nghiệm chủ đề con người và sức khỏe, giáo viên có thể hướng dẫn học sinh nhận biết các cơ quan, bộ phận trên chính cơ thể mình, hoặc nhận biết và gọi tên các bộ phận, cơ quan trên mô hình/hình vẽ. 

2.2.6. Trái đất và bầu trời

Trái đất và bầu trời là chủ đề hướng đến việc cung cấp tri thức liên quan đến thời tiết, khí hậu, các mùa trong năm. Đây là chủ đề giúp cho học sinh lý giải được những hiện tượng thời tiết, khí hậu thường gặp.

Thông qua bài học, các em cũng sẽ nắm bắt được đặc điểm của từng mùa, từng loại hình thời tiết, khí hậu và cách để bảo vệ sức khỏe, chăm sóc cây trồng, vật nuôi tương ứng với từng kiểu thời tiết.

Những hiện tượng thiên nhiên trong cuộc sống sẽ được lý giải thông qua chủ đề Trái đất và bầu trời
Những hiện tượng thiên nhiên trong cuộc sống sẽ được lý giải thông qua chủ đề Trái đất và bầu trời

Giáo viên có thể hướng dẫn học sinh tìm hiểu thông qua cách quan sát, ghi nhớ, thực hành và báo cáo. Tuy nhiên, trong quá trình giảng dạy, giáo viên cũng cần lưu ý tới những trường hợp ngoại lệ liên quan đến thời tiết, khí hậu. Bên cạnh đó, người dạy cũng nên lồng ghép các yếu tố có thể ảnh hưởng, biến đổi thời tiết, khí hậu như ô nhiễm môi trường, và cách cải thiện chúng. 

2.3. Tích cực hóa hoạt động của học sinh

Ở định hướng giảng dạy theo hướng tích cực hóa hoạt động của học sinh, học sinh sẽ được tham gia các bài học cần sự chủ động cao dưới sự dẫn dắt của giáo viên. 

Tích cực hóa hoạt động của học sinh là cách khiến các em chủ động học tập và trải nghiệm
Tích cực hóa hoạt động của học sinh là cách khiến các em chủ động học tập và trải nghiệm

Các hoạt động này được xây dựng dựa trên các quan điểm:

  • Tăng cường vai trò chủ động, tích cực của học sinh trong các hoạt động học tập: Để làm được điều này, giáo viên cần giảng giải, hướng dẫn để học sinh hiểu và thống nhất phương thức học tập. Bên cạnh đó, giáo viên cũng cần đề xuất những hoạt động có thể khai thác được sự chủ động khám phá từ phía người học mà không khiến người học cảm thấy bị ép buộc, nhàm chán. 
  • Tổ chức hoạt động tìm hiểu, điều tra, khám phá: Những hoạt động này nên bắt đầu từ những hoạt động đơn giản, dễ chuẩn bị nhất như: quan sát thế giới xung quanh, tìm hiểu nguyên lý phát triển của cây xanh,… Việc tham gia các hoạt động tìm hiểu, điều tra, khám phá dễ dàng giúp học sinh hứng thú với bài học, ghi nhớ lâu và có thể rút ra nhiều bài học từ thực tế.
  • Hướng dẫn học sinh chủ động tìm hiểu và hoàn thành nhiệm vụ được giao: Những nhiệm vụ này có thể lớn hoặc nhỏ, phụ thuộc vào quy mô làm việc cá nhân hoặc theo nhóm. Tuy nhiên, tất cả đều có điểm chung là giúp học sinh rèn luyện tư duy học tập chủ động. Riêng nhiệm vụ nhóm còn giúp học sinh luyện tập các kỹ năng mềm như làm việc nhóm, trao đổi, đàm phán, giao tiếp…
  • Khuyến khích học sinh vận dụng những điều đã học vào đời sống: Nếu biết cách áp dụng những kiến thức trên lớp vào đời sống hàng ngày, người học có thể dễ dàng làm chủ cuộc sống, hiểu nguyên lý vận hành của đời sống xã hội xung quanh mình, từ đó thể đưa ra những quyết định phù hợp và thuận lợi cho cuộc sống của mình.

3. Phương pháp dạy học trải nghiệm môn tự nhiên xã hội

Ở đây, chúng ta sẽ xét tới 4 phương pháp dạy học trải nghiệm môn tự nhiên xã hội: Khai thác kiến thức, kinh nghiệm của học sinh về cuộc sống xung quanh; Tổ chức hoạt động quan sát; Tổ chức trải nghiệm, khám phá, vận dụng kiến thức vào thực tiễn cuộc sống; Tổ chức thực hành, tương tác…

3.1. Khai thác kiến thức, kinh nghiệm của HS về cuộc sống xung quanh

Phương pháp này chủ đích phát huy trí tò mò khoa học, hướng đến sự phát triển các mối quan hệ tích cực của các em đối với môi trường tự nhiên và xã hội xung quanh. 

Giáo viên sẽ chú trọng đến việc đặt các câu hỏi, đưa ra các yêu cầu để học sinh trình bày hiểu biết, kinh nghiệm của bản thân cho chủ đề đó. Từ đó giáo viên có thể đánh giá mức độ hiểu biết của các em, định hướng các em và hướng dẫn các em tiếp cận những kiến thức còn thiếu hụt và định hướng những kiến thức còn sai lệch.

Khai thác kiến thức, kinh nghiệm của học sinh về cuộc sống xung quanh sẽ giúp học sinh được chủ động tìm hiểu và thể hiện hiểu biết của bản thân theo cách mà các em mong muốn
Khai thác kiến thức, kinh nghiệm của học sinh về cuộc sống xung quanh sẽ giúp học sinh được chủ động tìm hiểu và thể hiện hiểu biết của bản thân theo cách mà các em mong muốn

Ở phương pháp này, học sinh được chủ động tìm hiểu và trình bày hiểu biết của bản thân theo cách mà các em mong muốn. Điều đó khiến các em hiểu kỹ vấn đề hơn, nhớ lâu và có nhiều hào hứng học tập hơn. 

3.2. Tổ chức hoạt động quan sát

Quan sát là phương pháp dạy học đặc trưng của các môn về Tự nhiên – Xã hội, nhất là môn Tự nhiên – Xã hội lớp 1, 2, 3. Phương pháp quan sát được triển khai thông qua việc tổ chức cho học sinh sử dụng các giác quan khác nhau để tri giác các sự vật, hiện tượng một cách có mục đích, có kế hoạch, từ đó rút ra được những kết luận khoa học.

Hoạt động quan sát có thể được áp dụng để hướng dẫn học sinh tìm hiểu kiến thức về các sự vật, hiện tượng diễn ra trong tự nhiên và xã hội trong thực tế, hoặc từ tranh ảnh, mô hình, sơ đồ, biểu đồ, mẫu vật. 

Phương pháp quan sát được triển khai thông qua việc tổ chức cho học sinh sử dụng các giác quan khác nhau để tri giác các sự vật, hiện tượng một cách có mục đích, có kế hoạch, có trọng tâm, từ đó rút ra được những kết luận khoa học
Phương pháp quan sát được triển khai thông qua việc tổ chức cho học sinh sử dụng các giác quan khác nhau để tri giác các sự vật, hiện tượng một cách có mục đích, có kế hoạch, có trọng tâm, từ đó rút ra được những kết luận khoa học

Việc tổ chức cho học sinh quan sát sẽ hình thành cho các em khái niệm chính xác, sinh động về thế giới tự nhiên và xã hội xung quanh. Từ đó phát triển năng lực quan sát, năng lực tư duy và ngôn ngữ cho các em.

Ví dụ, trong bài học quan sát các loại quả tại Trường Tiểu học và THCS FPT, giáo viên cần yêu cầu học sinh sử dụng các giác quan khác nhau để quan sát màu sắc, hình dạng, kích thước, mùi vị, sờ nắm, bổ đôi quả để quan sát thịt quả và hạt của các loại quả. Các em cũng cần so sánh chúng với nhau để thấy được sự khác biệt. 

Nếu trong trường học chỉ có tranh vẽ/ảnh của các loại quả, thì giáo viên có thể yêu cầu học sinh nhận xét về màu sắc, hình dạng, kích thước, dựa vào kinh nghiệm của mình để nhận xét mùi vị của quả.

Trong quá trình tổ chức hoạt động quan sát nói chung, giáo viên có thể tổ chức cho học sinh quan sát cá nhân, theo nhóm hoặc toàn lớp dựa theo thực tế. Giáo viên cũng cần hướng dẫn học sinh sử dụng các giáo quan khác nhau, quan sát đối tượng theo một trình tự nhất định và so sánh, liên hệ với các sự vật, hiện tượng khác đã biết để tìm ra những điểm giống nhau, khác nhau giữa chúng.

3.3. Tổ chức trải nghiệm, khám phá, vận dụng kiến thức vào thực tiễn cuộc sống

Tổ chức trải nghiệm, khám phá, vận dụng kiến thức vào thực tiễn cuộc sống là phương pháp chú trọng đến thực hành. Đây là phương pháp giúp các em học sinh vận dụng những kiến thức học được vào cuộc sống, cũng là phương pháp giúp các em dễ dàng nhớ lâu và hiểu rõ bản chất của kiến thức.

Tổ chức trải nghiệm, khám phá, vận dụng kiến thức vào thực tiễn cuộc sống khiến các em hứng thú hơn với giờ học
Tổ chức trải nghiệm, khám phá, vận dụng kiến thức vào thực tiễn cuộc sống khiến các em hứng thú hơn với giờ học

Phương pháp này thường được tổ chức bằng cách tổ chức các buổi học ngoài trời, chuẩn bị những tiết thực hành tại lớp, hoặc được đưa ra như một bài tập về nhà. Ví dụ như, các em có thể thực hành ngâm hạt đỗ tương trong nước để quan sát hiện tượng nảy mầm. Từ đó các em cũng có thể tích lũy thêm nhiều kiến thức như mầm đỗ tương sẽ nảy nở sau khoảng thời gian bao lâu, điều kiện nhiệt độ, độ ẩm thích hợp cho hạt nảy mầm là như thế nào…

Việc đem kiến thức lý thuyết ra thực tế giúp cho các em học sinh cảm thấy tiết học trở nên thú vị hơn. Đồng thời nhờ quá trình thực hành, các em cũng sẽ tự tích lũy được nhiều kiến thức bổ ích, thú vị hơn xung quanh mỗi một hiện tượng tự nhiên, xã hội…

3.4. Tổ chức thực hành, tương tác

Phương pháp tổ chức thực hành, tương tác được sử dụng phổ biến nhất với bài có nội dung giáo dục về sức khỏe.

Việc áp dụng phương pháp thực hành giúp cho học sinh củng cố những kiến thức mà học sinh đã lĩnh hội; hình thành, củng cố kỹ năng cho học sinh; hình thành một số thói quen tốt cho học sinh; Làm cho giờ học trở nên sinh động, giúp học sinh có hứng thú học tập…

Hình thức tổ chức thực hành tương tác khiến các em được học tập thông qua nhiều hình thức khác nhau, không chỉ gò bó trong không gian lớp học
Hình thức tổ chức thực hành tương tác khiến các em được học tập thông qua nhiều hình thức khác nhau, không chỉ gò bó trong không gian lớp học

Một số những hoạt động nhỏ có thể triển khi khi tổ chức thực hành, tương tác có thể là:

  • Xử lý tình huống thực tế: là phương pháp học sinh cần đặt mình vào một tình huống giả định để đưa ra ý kiến, quan điểm, cách xử lý cá nhân cho phù hợp với các tiêu chí, phẩm chất đạo đức xã hội
  • Trò chơi: là cách thử tổ chức thực hành nhằm tăng phần hứng thú của học sinh đối với bài học. Những trò chơi có thể được tổ chức theo dạng thi đua giữa các nhóm, trả lời các câu hỏi…
  • Đóng vai: là một hình thức thực hành cho phép học sinh hóa thân thành các nhân vật dựa theo kịch bản và trình bày những hiểu biết, kiến thức của bản thân, cách xử lý tình huống trong một hoàn cảnh cụ thể
  • Thảo luận: là sự bàn bạc, trao đổi ý kiến giữa giáo viên và học sinh, giữa học sinh với nhau về một vấn đề học tập hoặc một vấn đề về cuộc sống

Trong các trường học, ví dụ như Trường Tiểu học và THCS FPT, phương pháp tổ chức thực hành, tương tác được giáo viên chú trọng áp dụng cho những bài học phù hợp như: Thực hành đóng vai xử lý tình huống giao thông, thực hành làm vệ sinh lớp học, thảo luận về các vấn đề xã hội…

3.5. Tiêu chí và phương pháp đánh giá dạy học trải nghiệm môn tự nhiên xã hội

Việc dạy học trải nghiệm môn tự nhiên xã hội được đánh giá dựa trên các tiêu chí sau:

Căn cứ đánh giá:

  • Khả năng nhận thức ban đầu về một số sự vật, hiện tượng, mối quan hệ thường gặp trong môi trường tự nhiên và xã hội xung quanh
  • Khả năng so sánh, phân loại các sự vật và hiện tượng theo một số tiêu chí
  • Khả năng tìm hiểu môi trường tự nhiên và xã hội xung quanh
  • Giải thích được ở mức độ đơn giản một số sự vật, hiện tượng về mối quan hệ trong tự nhiên và xã hội xung quanh
  • Phân tích được tình huống liên quan đến vấn đề an toàn, sức khỏe của bản thân, người khác và môi trường sống xung quanh
  • Giải quyết được vấn đề, đưa ra được cách ứng xử phù hợp trong các tình huống có liên quan (ở mức độ đơn giản)

Phương pháp đánh giá:

  • Kết hợp đánh giá quá trình và đánh giá tổng kết
  • Kết hợp nhiều hình thức đánh giá (quan sát, vấn đáp, trắc nghiệm khách quan, tự luận, thực hành, các dự án, sản phẩm học tập…)

Các thành phần tham gia đánh giá: Học sinh và giáo viên, trong đó cần có sự tương tác qua lại giữa giáo viên với học sinh và giữa học sinh với học sinh.

Dạy học trải nghiệm môn tự nhiên xã hội là một trong những hoạt động quan trọng của giáo dục, đặc biệt là trong chương trình Tiểu học. Để có thêm thông tin về các hoạt động học tập trải nghiệm của học sinh, bạn có thể xem thêm tại đây

Ảnh: Internet, FPT Edu

10237

Nhân vật