Trải nghiệm FPT Edu

Cách dạy học trải nghiệm môn Vật lý tạo hứng thú học tập cho học sinh

14/11/2022
seo2022
6853

Là một môn học với nhiều lý thuyết, công thức và thí nghiệm thực tế, chương trình dạy và học Vật lý đòi hỏi phải có những đổi mới để học sinh hứng thú tham gia và ghi nhớ kiến thức hiệu quả hơn. Đó là lý do việc dạy học trải nghiệm môn vật lý ngày càng nhận được sự quan tâm của giáo viên, học sinh.

1. Tại sao cần dạy học trải nghiệm môn Vật lý?

Không chỉ giúp người học ghi nhớ kiến thức, việc dạy học trải nghiệm còn giúp học sinh rèn được kỹ năng hoạt động nhóm, tinh thần trách nhiệm, giảm căng thẳng so với việc học đọc - chép truyền thống. 

Việc dạy học trải nghiệm môn Vật lý là cần thiết và đang ngày càng phổ biến, lý do vì:

  • Giúp môn học thú vị hơn, học sinh tiếp thu kiến thức tốt hơn: Đặc điểm môn vật lý có nhiều lý thuyết, định nghĩa công thức cần nhớ. Khi đó, hoạt động trải nghiệm mà cụ thể là thí nghiệm thực hành là rất cần thiết, giúp học sinh hiểu và ứng dụng những vấn đề lý thuyết đã học vào thực tế. 
  • Giúp học sinh yêu thích môn Vật lý hơn: Đặc điểm tâm lý học sinh ở lứa tuổi tiếp nhận kiến thức môn Vật lý (bắt đầu từ lớp 6) đó là tò mò, đam mê khám phá và muốn tự tay thử nghiệm thay vì việc ngồi im nghe giảng. Vì vậy, các hoạt động học cùng trải nghiệm sẽ dễ dàng thu hút học sinh tham gia và khơi gợi động lực học tập, giúp học sinh yêu thích và ghi nhớ bài hiệu quả hơn. 

 

Dạy học trải nghiệm môn Vật lý là xu hướng được nhiều giáo viên, phụ huynh và học sinh quan tâm
Dạy học trải nghiệm môn Vật lý là xu hướng được nhiều giáo viên, phụ huynh và học sinh quan tâm

2. 4 hình thức trải nghiệm trong dạy học môn Vật lý

Để tăng tối đa trải nghiệm cho học sinh trong các tiết dạy và học sáng tạo môn Vật lý, giáo viên có thể luân phiên áp dụng 4 hình thức dạy học trải nghiệm dưới đây:

2.1  Hình thức có tính khám phá 

  • Nội dung hoạt động: Thực địa, thực tế, thăm quan, cắm trại, trò chơi
  • Cách thức tổ chức hoạt động: Sử dụng các bối cảnh, tư liệu,… của thực tế địa phương để tạo nên các tình huống có vấn đề trong các bài giảng trên lớp hoặc là nơi tổ chức các hoạt động thực hành, ngoại khóa cho học sinh
  • Lợi ích khi tổ chức hoạt động: Linh hoạt về thời gian, không gian và cách hoạt động. Thông qua hoạt động thực địa, học sinh cũng gia tăng hiểu biết thực tế và quan tâm trước hết tới những vấn đề môi trường xung quanh mình, trên cơ sở đó hình thành hành vi, kỹ năng ý thức trách nhiệm.
Tổ chức các trò chơi, thí nghiệm thực tế là một trong những hình thức dạy học trải nghiệm môn vật lý. 
Tổ chức các trò chơi, thí nghiệm thực tế là một trong những hình thức dạy học trải nghiệm môn vật lý. 

2.2. Hình thức có tính thể nghiệm 

  • Nội dung hoạt động: Diễn đàn, giao lưu, hội thảo, workshop, sân khấu hóa
  • Cách thức tổ chức hoạt động: Có thể tận dụng các nền tảng online để tổ chức diễn đàn giao lưu chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm dạy và học môn Vật lý, hoặc tổ chức các buổi talkshow trực tiếp để học sinh giao lưu với những chuyên gia, những anh chị tiền bối dày dạn kinh nghiệm “chiến đấu” với môn Vật lý.
  • Lợi ích khi tổ chức hoạt động: Tạo môi trường để người dạy và người học cùng tương tác, thảo luận chuyên sâu và tìm ra giải pháp cho các vấn đề liên quan đến dạy và học Vật lý.
  • Một số lưu ý khi tổ chức hoạt động: Nếu sự kiện tổ chức online phải chú ý kiểm tra về chất lượng đường truyền, đảm bảo quá trình dạy và học trải nghiệm không bị đứt quãng, ảnh hưởng đến tiến trình làm thí nghiệm, báo cáo kết quả hoặc là chất lượng đường truyền khi học sinh tương tác, trình bày ý kiến trước các bạn, thầy cô. 

2.3. Hình thức có tính tham gia lâu dài 

  • Nội dung hoạt động: Dự án và nghiên cứu khoa học; câu lạc bộ học thuật, sáng tạo khoa học kỹ thuật
  • Cách thức tổ chức hoạt động: Triển khai dự án, làm nghiên cứu khoa học, tham gia cuộc thi nghiên cứu khoa học
  • Lợi ích khi tổ chức hoạt động: Đào sâu kiến thức, cơ hội giao lưu học hỏi với những người có cùng đam mê
  • Một số lưu ý khi tổ chức hoạt động: Vật lý vốn đã khó, nay lại kết hợp kiến thức vật lý vào các chủ đề nghiên cứu khoa học thì hẳn lĩnh vực này sẽ rất “kén” người tham gia. Khi đó, thầy cô/ BTC cuộc thi cần phải làm sao để hoạt động trải nghiệm này trở nên thú vị, gần gũi và dễ tiếp cận hơn cho học sinh, tạo động lực để các bạn quyết định tham gia.
Học sinh FPT Edu tham gia cuộc thi nghiên cứu khoa học với sản phẩm là robot giao hàng.
Học sinh FPT Edu tham gia cuộc thi nghiên cứu khoa học với sản phẩm là robot giao hàng.

3. Phương pháp tổ chức dạy học trải nghiệm môn Vật lý

Dạy học trải nghiệm đề cao tính sáng tạo nên không có một mẫu số chung nào cho các phương pháp tổ chức lớp học trải nghiệm môn Vật lý ở các trường THCS, THPT. Mỗi trường học, mỗi thầy cô giáo lại có những cách thức, phương pháp khác nhau, tùy thuộc vào yếu tố chủ quan (phong cách giảng dạy, sáng tạo cá nhân) cũng như khách quan (nguồn lực giáo viên, cơ sở vật chất, năng lực học sinh). 

Dưới đây là một số phương pháp dạy học trải nghiệm Vật lý phổ biến nhất:

3.1. Phương pháp giải quyết vấn đề

  • Nội dung phương pháp: Học sinh được đặt trong tình huống có vấn đề, thông qua việc giải quyết vấn đề giúp học sinh lĩnh hội tri thức, kĩ năng và phương pháp.
  • Các hoạt động cụ thể: Thực địa, thực tế, tham quan, quan sát và lý giải các hiện tượng, thí nghiệm vật lý.
  • Lợi ích của phương pháp: Phát huy tính tích cực,sáng tạo của học sinh, giúp các bạn có cách nhìn toàn diện hơn trước các hiện tượng, sự việc nảy sinh trong hoạt động, cuộc sống hàng ngày. 
  • Ví dụ minh họa: Tại THPT FPT thuộc FPT Edu, học sinh được học bài học Vật lý về điện tích theo một cách thức mới lạ và thú vị, đó là làm thí nghiệm điện tích sau đó nộp báo cáo dưới nhiều hình thức (viết, vẽ, làm video). Nhiều thí nghiệm đơn giản đã được nhóm học sinh tự tay thực hiện và quay lại thành clip, kết hợp với lý giải hiện tượng bằng lý thuyết vật lý, giúp người xem thấy rất thú vị và dễ hiểu thay vì đọc kiến thức trong sách vở. 

3.2. Phương pháp làm việc nhóm

  • Nội dung phương pháp: Giáo viên sắp xếp học sinh thành những nhóm nhỏ theo hướng tạo ra sự tương tác trực tiếp giữa các thành viên
  • Các hoạt động cụ thể: Thảo luận nhóm, thuyết trình, hỏi đáp, tranh biện
  • Lợi ích của phương pháp: Tạo cơ hội để học sinh trong nhóm trao đổi, giúp đỡ và cùng nhau phối hợp làm việc để hoàn thành nhiệm vụ chung, cùng học và ứng dụng những điều đã học vào các trải nghiệm thực tế
  • Ví dụ minh họa: Khi học về điện năng, học sinh trong lớp sẽ được chia nhóm để tìm hiểu và trình bày về vai trò của điện năng trong đời sống và sản xuất. Các dạng và các nguồn điện năng, sự bảo toàn và chuyển hóa giữa các dạng điện năng. Từ đó có thể xây dựng ý tưởng chế tạo thiết bị tạo ra điện năng hoặc thảo luận về các biện pháp sử dụng điện năng tiết kiệm, hiệu quả.
Phương pháp làm việc nhóm hỗ trợ đắc lực cho công tác dạy và học trải nghiệm môn Vật lý.
Phương pháp làm việc nhóm hỗ trợ đắc lực cho công tác dạy và học trải nghiệm môn Vật lý.

3.3. Phương pháp dạy học dự án

  • Nội dung phương pháp: Người học thực hiện một nhiệm vụ học tập phức hợp, có sự kết hợp giữa lý thuyết và thực hành, có tạo ra các sản phẩm có thể giới thiệu. 
  • Các hoạt động cụ thể: Sáng tạo dự án, chia nhóm học sinh để triển khai dự án và báo cáo kết quả
  • Lợi ích của phương pháp: Phát huy tính tự lực cao trong toàn bộ quá trình học tập, từ việc xác định mục đích, lập kế hoạch, đến việc thực hiện dự án, kiểm tra, điều chỉnh, đánh giá quá trình và kết quả thực hiện/
  • Ví dụ minh họa: Tại FPT Edu, đề kiểm tra cuối kỳ môn Vật lý của học sinh khối THCS bên cạnh bài thi viết còn có một báo cáo dự án nhóm với các sản phẩm 100% handmade. Như học sinh khối 6 sẽ vận dụng kiến thức của 6 loại máy cơ đơn giản đã học cùng các kỹ năng mềm để sáng tạo nên những mô hình sản phẩm vô cùng độc đáo và mới lạ. Với kiến thức đã được học trong chương “Âm học”, cụ thể là bài Tần số và Độ to, học sinh FPT Edu khối 7 sẽ thực hành chế tạo nhạc cụ với thiết kế độc lạ, nhiều màu sắc và mang đậm dấu ấn của nhóm...
Học sinh FPT Edu hào hứng tham gia các dự án môn Vật lý.
Học sinh FPT Edu hào hứng tham gia các dự án môn Vật lý.

4. Tiêu chí và phương pháp đánh giá dạy học trải nghiệm môn vật lý

Để thiết kế những tiết dạy và học trải nghiệm Vật lý thú vị, hiệu quả, thầy cô và học sinh cần lưu ý một số tiêu chí, hình thức và quy trình đánh giá như sau:

4.1. Các tiêu chí và nội dung đánh giá dạy học trải nghiệm môn Vật lý

Đánh giá cách tổ chức hoạt động trải nghiệm dạy học Vật lý theo chủ đề: Học sinh có tham gia vào các tình huống học tập do giáo viên xây dựng (ví dụ như giải bài tập, tham gia trò chơi, làm thí nghiệm, quan sát và đánh giá về một sự kiện vật lý…) hay không?

Đánh giá cách thu thập và xử lý thông tin của học sinh khi tham gia tiết học trải nghiệm: 

  • Học sinh có hào hứng và làm việc nhóm nghiêm túc để thu thập các thông tin liên quan đến bài học/ thí nghiệm hay không?
  • Giờ thảo luận có diễn ra sôi nổi hay không, học sinh có thể hiện sự hứng thú với những vấn đề mà giáo viên đặt ra hay không?

Đánh giá việc chuẩn bị cơ sở vật chất cho tiết dạy trải nghiệm Vật lý: Trường hợp thí nghiệm Vật lý cần có dụng cụ, cần lắp ráp hoặc phải tính toán, phân tích các số liệu liên quan mới thực hiện được, thì đánh giá xem quá trình thực hiện các đầu việc trên như thế nào, chất lượng đạo cụ ra sao, kết quả học sinh thực hiện thí nghiệm như thế nào,...

4.2. Cách thức đánh giá dạy học trải nghiệm môn Vật lý

Đánh giá cá nhân: Đánh giá học sinh qua hoạt động trải nghiệm xét cho cùng chính là sự xem xét mức độ đã hoàn thành các mục tiêu đã đề ra. Căn cứ vào mục tiêu hoạt động trải nghiệm ở trường phổ thông, nội dung đánh giá cá nhân bao gồm 3 bước. Thứ nhất là đánh giá mức độ hiểu biết của các học sinh về nội dung các hoạt động trải nghiệm. Thứ hai là đánh giá trình độ đạt được các kỹ năng khi tham gia hoạt động trải nghiệm. Cuối cùng là  đánh giá về thái độ, tình cảm của học sinh đối với hoạt động trải nghiệm.

Đánh giá tập thể lớp: Tổng kết xem số lượng học sinh tham gia hoạt động trải nghiệm là bao nhiêu; tinh thần hợp tác trong hoạt động trải nghiệm của các nhóm trong lớp như thế nào.

Từ kết quả đánh giá trên, giáo viên sẽ xem xét, phân loại và đi đến quyết định xếp loại cho từng học sinh trong lớp. Trong quá trình này, thầy cô cần tham khảo, trao đổi thêm về những trường hợp cụ thể, cần thiết. Điều đó rất có tác dụng trong việc phát huy tính dân chủ ở học sinh, đồng thời tập dượt cho các bạn kỹ năng trao đổi một cách trung thực và thẳng thắn.

Việc dạy học trải nghiệm môn Vật lý ngày càng chứng minh được sự quan trọng và ứng dụng nhiều trong công tác giảng dạy. Xem thêm các trải nghiệm học tập khác của học sinh tại đây.

Ảnh: Internet, FPT Edu

6853

Nhân vật