GIÁO DỤC TRẢI NGHIỆM
Giáo dục trải nghiệm là phương pháp đã được áp dụng rộng rãi trên thế giới, đặc biệt ở các quốc gia phát triển. Nhưng ở Việt Nam, khái niệm này còn khá mới mẻ. Bài viết này sẽ mang đến 5 điều người đọc cần biết về giáo dục trải nghiệm.
1. Giáo dục trải nghiệm là gì?
Giáo dục trải nghiệm hiểu một cách đơn giản là quá trình học thông qua thực nghiệm. Cụ thể, người học sẽ bắt đầu bằng việc thực hành, thực nghiệm, sau đó phân tích, suy ngẫm về kết quả của trải nghiệm đó. Quá trình này giúp người học tự củng cố kiến thức, hình thành kỹ năng thậm chí lối tư duy mới.
2. Vai trò của giáo dục trải nghiệm
Giáo dục trải nghiệm có ý nghĩa quan trọng, trong đó đặc biệt tác động đến việc thay đổi vai trò của người học, giúp học sinh, sinh viên tiếp cận tri thức, kỹ năng dễ dàng hơn.
Giúp người học rèn luyện nhiều kỹ năng sống
Giáo dục trải nghiệm đưa HSSV tới nhiều nơi trên thế giới để rèn luyện kỹ năng.
Giáo dục trải nghiệm giúp hình thành ở HSSV kỹ năng thích ứng với cuộc sống, thiết kế và tổ chức hoạt động, tự định hướng nghề nghiệp.
Thông qua các hoạt động trải nghiệm đa dạng ở nhiều quốc gia trên thế giới, người học được rèn luyện kỹ năng của một công dân toàn cầu. Đó là kỹ năng ngoại ngữ, khả năng thích ứng với nhiều môi trường sống, am hiểu văn hóa Việt Nam và các nước...
Trường THCS Nguyễn Huệ, TP Thái Nguyên phối hợp cùng Bảo tàng văn hóa các dân tộc Việt Nam tổ chức hoạt động tìm hiểu văn hóa Việt Nam và các nước cho học sinh.
Tại đây, các bạn được trải nghiệm nhiều nét văn hóa truyền thống: múa rối nước, chèo, hát quan họ Bắc Ninh và tìm hiểu văn hóa nước ngoài qua trang phục, các món ăn, đặc trưng trong lối sống. Học sinh được tự tay làm rối nước, thử hát chèo hay thử các trang phục truyền thống Việt Nam và các nước để có hiểu biết sâu về văn hóa.
Tăng khả năng lưu giữ kiến thức
Herman Ebbinghaus – nhà vật lý học người Đức, người tiên phong trong nghiên cứu thực nghiệm và trí nhớ chỉ ra rằng 80% kiến thức được khắc sâu thông qua trải nghiệm thực tế. Đó là lý do giáo dục trải nghiệm giúp người học lưu giữ kiến thức nhanh chóng và sâu sắc hơn.
“Nhờ được làm thí nghiệm trên lớp mà em đã ghi nhớ rất nhanh nhiều phản ứng hóa học phức tạp. Em từng nghĩ môn hóa khô khan và khó nhớ nhưng giờ em lại thấy môn này thật thú vị” – Tuấn Anh, học sinh một trường tiểu học tại Đà Nẵng kể.
Giáo dục trải nghiệm giúp HSSV khắc sâu kiến thức.
Tối đa hóa khả năng sáng tạo của người học
Nếu chỉ miệt mài với sách vở, người học khó có thể phát huy trí sáng tạo của mình. Vì lý thuyết nếu không có thực hành thì sẽ mãi chỉ là những dòng chữ nằm trên giấy. Với giáo dục trải nghiệm, người học sẽ được tối đa hóa khả năng sáng tạo khi được tự thực hành và tạo ra giải pháp cho chính vấn đề của mình.
Mỹ An vốn là một học sinh bình thường tại một trường THCS công lập ở TP.HCM cho đến khi tham gia CLB Robotics ở trường. An trở nên nổi bật với khả năng sáng tạo khi lắp ráp robot và tư duy toán học vượt trội.
“Nhiều đề bài Robotics với các mô hình robot được lập trình phức tạp đòi hỏi em phải tưởng tượng và sáng tạo nhiều” – An kể.
Học sinh THCS tự lắp ráp các mô hình robotic.
Phát triển năng lực cá nhân, tăng cường sự tự tin
Học sinh, sinh viên của giáo dục trải nghiệm sẽ được thử nghiệm với nhiều nhóm hoạt động như thực hành theo chủ đề, làm dự án, thực hành cá nhân,...
Từ hoạt động này, học sinh có thể tìm ra điểm mạnh, điểm yếu của bản thân để phát triển năng lực cá nhân tối đa. Ngoài ra, hoạt động đó cũng bồi đắp thêm sự tự tin cho các bạn khi bước ra xã hội, sẵn sàng ứng phó trước mọi khó khăn.
Với chủ đề “Trường học hạnh phúc”, học sinh trường Tiểu học Phù Lỗ A (Sóc Sơn, Hà Nội) được thực hành các hoạt động cá nhân và nhóm như vẽ tranh theo chủ đề, triển lãm tranh, cuộc thi làm thiệp Tết và liên hoan văn nghệ.
Hoạt động này giúp các bạn thể hiện được suy nghĩ, cách nhìn nhận về cuộc sống, học tập của mình qua tranh vẽ. Học sinh cũng học được kỹ năng trình diễn, thuyết trình trên sân khấu để tự tin thể hiện cái tôi cá nhân.
Trải nghiệm nhiều giúp HS Tiểu học Phù Lỗ A tự tin hơn, khai phá tối đa năng lực bản thân.
Việc học trở nên thú vị hơn
Thông qua các nhóm hoạt động trải nghiệm đa dạng, phong phú, việc học tập tại các trường học áp dụng giáo dục trải nghiệm trở nên thú vị hơn.
Học sinh THPT Khoái Châu, Hưng Yên thường xuyên có các tiết học ngữ văn theo hướng sân khấu hóa các tác phẩm văn học. Trước giờ học, học sinh được tự lên kịch bản, tự phân vai, tập thoại dưới sự hướng dẫn của giáo viên. Các bạn cũng phân công nhau chuẩn bị trang phục, đạo cụ, bối cảnh.
Trong giờ học, các bạn học sinh hóa thân thể hiện nội dung tác phẩm, tính cách nhân vật. Cuối cùng, giáo viên sẽ đúc rút lại kiến thức và nhận xét việc sân khấu hóa tác phẩm
3. Đặc trưng của giáo dục trải nghiệm
Đặc trưng của giáo dục trải nghiệm thể hiện ở việc thay đổi vị thế người học, sự kỹ càng trong việc chọn lọc hoạt động phù hợp, có ích với học sinh và có thể ứng dụng vào cuộc sống.
3.1.Trải nghiệm được chọn lọc kỹ càng
Quá trình giáo dục trải nghiệm không phải bỏ hết sách vở và trải nghiệm tùy hứng. Hoạt động này chỉ diễn ra khi trải nghiệm được lựa chọn kỹ càng, có cơ sở khoa học. Đặc biệt, sau khi thực hiện trải nghiệm, người học cần tổng kết quá trình, phân tích và áp dụng kinh nghiệm trong tương lai.
Sân khấu hóa các tác phẩm văn học là hình thức học tập trải nghiệm được nhiều trường áp dụng. Tuy nhiên, không phải tác phẩm nào cũng có thể sân khấu hóa và không phải cách thức nào cũng đưa văn học lên “sân khấu” mà vẫn giữ nguyên giá trị. Dư luận từng có nhiều ý kiến trái chiều về việc một tiết học trải nghiệm ngữ văn của học sinh THPT Võ Trường Toản có cảnh nhạy cảm.
Không những không đem lại giá trị, trải nghiệm đó còn bị đánh giá phản cảm, ảnh hưởng xấu tới tâm lý học trò. Do đó, có thể thấy học trải nghiệm là tốt nhưng cần kỹ càng trong lựa chọn, triển khai.
Hoạt động trải nghiệm ở trường học cần được chọn lọc kỹ càng.
3.2.Người học là trung tâm của học trải nghiệm
Đối với giáo dục trải nghiệm, người học là trung tâm của việc học nên tính sáng tạo, chủ động là yếu tố tiên quyết quyết định thành công. Các nhóm hoạt động trong giáo dục trải nghiệm luôn cố gắng khơi gợi sự thích thú của HSSV, khiến người học chủ động tham gia trải nghiệm, tích cực trau dồi kỹ năng.
Ở Hà Nội, học sinh phổ thông có thể tham gia sự kiện quan sát thiên văn miễn phí ở một số trường, trung tâm khoa học. Tại đây, các em được hướng dẫn cách sử dụng kính thiên văn. Mỗi bạn tự đặt mục tiêu quan sát, tự thực hành sử dụng thiết bị, ghi lại nhận xét của mình. Cuối chương trình, giáo viên hoặc người hướng dẫn tại trung tâm sẽ đánh giá về quá trình thực hành và kiến thức học sinh ghi nhận được.
Xuyên suốt quá trình này, học sinh vẫn là trung tâm của hoạt động. Giáo viên hay người hướng dẫn đóng vai trò định hướng, hỗ trợ.
Học sinh được hướng dẫn quan sát thiên văn học.
3.3.Kết quả của trải nghiệm không quan trọng bằng quá trình
Học tập trải nghiệm đề cao quá trình học tập hơn so với kết quả. Bởi, hoạt động này là sự tự nghiên cứu, thực hành kiến thức mới của học sinh nên không thể tránh khỏi sai sót, hạn chế. Tuy vậy, chính những thất bại có khi đem đến bài học quý cho các bạn.
Ví dụ, không phải giờ thực hành trồng giá đỗ nào trong môn Công nghệ của học sinh THCS cũng thành công. Quy trình thực hành có một bước là cắt đôi hạt, quan sát nội nhũ để đánh giá hạt sống (nội nhũ không bị nhuộm màu) hay hạt chết (nội nhũ nhuộm màu).
Học sinh hào hứng với thành quả là rổ giá đỗ nảy mầm thành công sau khi rút kinh nghiệm từ thất bại.
Tuy nhiên, trong quá trình thực hành, một số học sinh bỏ qua bước đánh giá hạt. Kết quả, có đến gần một nửa số hạt các bạn gieo không thể nảy mầm. Bài tập thực hành không thành công.
Qua thất bại này, học sinh học rút ra được kinh nghiệm nhất định phải đánh giá hạt trước khi gieo trồng. Đây cũng là trải nghiệm để các bạn hiểu, nắm chắc kiến thức hơn. Đồng thời, học sinh học được bài học về việc tôn trọng và tuân thủ quy trình làm việc.
4. Ưu điểm và hạn chế giáo dục trải nghiệm
Giáo dục trải nghiệm là phương pháp đào tạo mới. So với giáo dục truyền thống, phương pháp này có ưu và nhược điểm riêng.
Ưu điểm của giáo dục trải nghiệm:
- Đảm bảo cung cấp kiến thức cơ bản, một cách thực tiễn, dễ tiếp cận
- Phát triển nhiều kỹ năng cho người học: quan sát, thực hành, nhận xét, làm việc nhóm,....
- Khuyến khích người học phát huy óc sáng tạo, khả năng đánh giá
- Tăng niềm yêu thích, hứng thú học tập
- Giúp người học dễ dàng ứng dụng kiến thức, kỹ năng được học vào thực tiễn đời sống
- Tăng tính sáng tạo, thay đổi tư duy của giáo viên về việc truyền đạt kiến thức
Học trải nghiệm giúp học sinh phát triển nhiều kỹ năng, trong đó có thực hành, nhận xét hiện tượng, từ đó rút ra bản chất kiến thức.
Hạn chế của giáo dục trải nghiệm:
- Tốn kém nhiều chi phí khi đầu tư cơ sở vật chất, điều kiện phục vụ việc trải nghiệm
- Khó tuyển chọn giáo viên chuyên trách các hoạt động trải nghiệm
- Có tình trạng “tham” trải nghiệm dẫn đến hoạt động không phù hợp với thể chất, tâm lý tiếp nhận của người học
- Dễ rơi vào tình trạng trải nghiệm “nửa mùa”, tức là các hoạt động có tên trải nghiệm nhưng cách thức tiến hành, hiệu quả tiếp nhận của học sinh không đạt tiêu chuẩn của phương pháp.
5. FPT Edu áp dụng giáo dục trải nghiệm vào cấp tiểu học, THCS, THPT như thế nào?
FPT Edu được đánh giá là một trong số những trường học áp dụng giáo dục trải nghiệm hiệu quả. Các hoạt động trải nghiệm tại đây chia theo đặc điểm từng cấp học. Trong đó, trải nghiệm học tiếng Anh sáng tạo ở Tiểu học - THCS FPT và học văn sáng tạo ở THPT mang nhiều ý nghĩa thú vị.
Trải nghiệm học tiếng Anh sáng tạo ở Tiểu học - THCS FPT
- Học sinh Tiểu học - THCS FPT được rèn luyện kiến thức và kỹ năng nghe - nói tiếng Anh qua tiết học Global Perspective (Viễn cảnh toàn cầu). Tiết học giúp các em tiếp cận những vấn đề “nóng” trong xã hội hiện nay liên quan đến môi trường, công nghệ, việc làm, dịch bệnh,... Mỗi nhóm học sinh sẽ phải chủ động tìm hiểu kiến thức trước khi bước vào tiết học, cụ thể:
- Nghiên cứu, đánh giá các thông tin liên quan tới chủ đề
- Đưa ra nhận định, ý kiến riêng của mình
- Trình bày quan điểm một cách sáng tạo: vẽ sơ đồ tư duy, làm video clip, sáng tác nhạc,…
Học sinh FPT Edu tiếp cận từ vựng, ngữ pháp tiếng Anh qua những chủ đề thời sự trong xã hội.
Trong giờ học, với kiến thức và trải nghiệm có được, học sinh sẽ trình bày quan điểm, nhận định theo cá nhân hoặc nhóm bằng tiếng Anh. Các em sử dụng ngữ pháp, từ vựng đã được học hay tự tìm tòi thêm các cấu trúc, từ vựng mới. Thành viên trong lớp cũng có sự trao đổi thông qua hỏi đáp liên quan tới chủ đề. Cuối buổi học, giáo viên sẽ hệ thống lại kiến thức cho học sinh.
Thông qua các chủ đề thực tế, học sinh Tiểu học - THCS FPT Edu sẽ rèn luyện được kỹ năng tìm kiếm, xử lý thông tin. Đặc biệt, các em được bộc lộ được quan điểm cá nhân để đánh giá, nhận định về vấn đề bằng tiếng Anh. Các bạn cũng chủ động hơn khi làm việc nhóm, biết cách xử lý công việc, tự tin khi thuyết trình.
Trải nghiệm học văn sáng tạo thông qua sân khấu hóa tác phẩm của học sinh THPT FPT Edu
Các tác phẩm được sân khấu hóa bởi học sinh THPT FPT Edu rất đa dạng, từ Thánh Gióng, Mị Châu – Trọng Thủy, Sơn Tinh – Thủy Tinh cho đến Lọ Lem,... Mỗi tác phẩm lại được thể hiện dưới góc nhìn hài hước, độc đáo, khi kết hợp với các hình thức sân khấu hiện đại khác như múa, rap.
Học sinh THPT FPT Edu sân khấu hóa tác phẩm văn học.
Học sinh FPT Edu đóng vai nhân vật kể lại nội dung chi tiết. Mỗi em tự xây dựng tính cách, ngoại hình, thể hiện nội tâm nhân vật theo cách hiểu của mình. Các bạn cũng có thể sáng tạo, biến tấu ngoại hình hoặc lời thoại nhân vật cho phù hợp với ý tưởng của bản thân.
Cuối buổi học, giáo viên đóng vai trò nhận xét buổi trình diễn, đúc rút lại nội dung và giá trị văn học tác phẩm.
Hình thức này giúp học sinh tích cực tham gia vào giờ học văn hơn. Các em chủ động chuẩn bị kiến thức, tìm hiểu bài học. Được hóa thân vào các nhân vật văn học cũng giúp học sinh hào hứng hơn, hiểu nhân vật và tác phẩm chi tiết hơn. Các em trở nên mạnh dạn, tự tin hơn khi thường xuyên trình diễn trước tập thể lớp.
Các hình thức giáo dục trải nghiệm trong trường phổ thông ngày càng đa dạng, phong phú. Phương pháp này có tác động tích cực đến việc tiếp thu kiến thức, hình thành kỹ năng cho học sinh và giúp các bạn dễ ứng dụng những điều đã học vào cuộc sống.
Để có thêm thông tin về giáo dục trải nghiệm và những thông tin khác liên quan tới trường học trải nghiệm FPT Edu, xem thêm tại đây.
(Nguồn ảnh: Internet, FPT Edu)