Bí kíp hay giúp học sinh chinh phục trải nghiệm cuộc thi online
Trải nghiệm cuộc thi online không chỉ giúp học sinh củng cố kiến thức, khơi nguồn cảm hứng học tập mà còn trang bị kỹ năng số - yếu tố quan trọng trong thời đại 4.0. Để thành công chinh phục những sân chơi online này, ngoài việc trang bị kỹ năng, kiến thức, học sinh cần nắm vững một số bí kíp “nhỏ mà có võ” dưới đây.
1. 5 điều cần làm trước khi tham gia trải nghiệm cuộc thi online
Ngày càng có nhiều cuộc thi online trên nhiều lĩnh vực được tổ chức, mở rộng cơ hội cho mọi đối tượng, lứa tuổi đăng ký tham gia. Tuy nhiên, nếu học sinh chưa trả lời được 5 câu hỏi dưới đây thì có nghĩa là bạn chưa thực sự sẵn sàng để tham gia những sân chơi trực tuyến.
1.1. Cuộc thi có thuộc lĩnh vực mà mình ưa thích/có năng khiếu hay không?
Việc chọn lọc các cuộc thi thuộc lĩnh vực ưa thích/có khả năng sẽ giúp bạn có nhiều sự tự tin cũng như tiềm năng giành chiến thắng. Đây cũng là tiêu chí giúp bạn có thể vững vàng và không ngừng cố gắng vượt qua các thử thách của cuộc thi, thay vì chán nản và dễ bỏ cuộc giữa chừng vì “đâm đầu” vào một lĩnh vực quá mới và quá sức.
Ví dụ, học sinh nên tham gia các cuộc thi online liên quan đến môn học mà mình yêu thích để vừa tổng hợp, nâng cao vốn kiến thức, vừa giao lưu học hỏi với những thí sinh khác có cùng đam mê (ví dụ cuộc thi Violympic Toán/Tiếng Anh, cuộc thi Tin học trẻ…), hoặc tham gia các cuộc thi online thuộc lĩnh vực mà mình có năng khiếu như đàn, hát, múa, vẽ tranh…
Thông tin về các cuộc thi này có thể được Ban tổ chức (BTC) gửi về văn phòng Đoàn trường để lan tỏa đến học sinh, hoặc các bạn có thể tự tìm kiếm thông tin qua các kênh như: Internet, báo chí, mạng xã hội, nguồn tin từ thầy cô giáo…
1.2. BTC cuộc thi là ai và có uy tín không?
Để tránh mất thời gian và công sức cho những “sân chơi” trí tuệ online thiếu chuyên nghiệp và không mang lại nhiều giá trị, ngay từ trước khi đăng ký, học sinh cần tìm hiểu rõ xem BTC của cuộc thi đó là ai, có uy tín hay không.
Bí kíp cho học sinh đó là nên chọn tham gia các cuộc thi do các đơn vị đào tạo uy tín, có tên tuổi, giấy phép hoạt động và địa chỉ trụ sở rõ ràng tổ chức, ví dụ trường học, tổ chức giáo dục, các trung tâm ngoại ngữ, học viện âm nhạc/mỹ thuật…
Đừng quên tham khảo thông tin từ thầy cô, cha mẹ và các anh chị “tiền bối”, đặc biệt là những thí sinh đã từng tham gia cuộc thi ở mùa giải trước để hỏi kinh nghiệm rồi mới quyết định nên đăng ký tham gia hay không.
1.3. Thể lệ, cách thức tham gia như thế nào?
Thể lệ là những quy định chung nhất về cách thức tổ chức và tham gia của cuộc thi, do đó thí sinh cần đọc kỹ và nắm vững những thông tin này để tránh “phạm luật” hoặc bỏ lỡ những mốc thời gian quan trọng. Một số thông tin quan trọng trong thể lệ cuộc thi online mà học sinh cần lưu ý như:
- Đối tượng dự thi
- Số lượng tác phẩm dự thi (ví dụ các cuộc thi online về âm nhạc/mỹ thuật thì thí sinh cần phải nộp các tác phẩm thông qua video, file thiết kế…)
- Nội dung/chủ đề cuộc thi, quy cách về tác phẩm dự thi
- Cách thức dự thi
- Thời hạn đăng ký tham gia, các mốc thời gian quan trọng cần nhớ
- Cơ cấu giải thưởng…
Riêng về cách thức dự thi, do được tổ chức trên nền tảng online nên quá trình đăng ký và tham gia bạn sẽ đều phải thực hiện trên nền tảng trực tuyến. Vì vậy, học sinh cần đọc kỹ những quy định liên quan để chuẩn bị sẵn sàng về thiết bị, đường truyền cũng như những ứng dụng/phần mềm cần thiết để hỗ trợ quá trình tham gia cuộc thi được thuận lợi nhất.
1.4. Có thể xảy ra những sự cố gì khi tham gia cuộc thi online và khi đó cần giải quyết như thế nào?
Do các cuộc thi online diễn ra trên nền tảng trực tuyến nên thí sinh cần phải đáp ứng những yêu cầu nhất định về thiết bị kết nối mạng, chất lượng đường truyền internet. Tuy nhiên, kể cả khi bạn đã chuẩn bị sẵn sàng thì quá trình tham gia cuộc thi vẫn có thể xảy ra một vài sự cố, rủi ro khó lường trước, ví dụ mất điện, lỗi mạng, lỗi kỹ thuật máy móc…
Để hạn chế tối đa những rủi ro này, bạn cần lưu ý một số vấn đề thường gặp và cách khắc phục khi tham gia cuộc thi online như sau:
- Rủi ro về đường truyền mạng: Khắc phục bằng cách kiểm tra kỹ lưỡng đường truyền, tìm nơi có đường truyền mạng ổn định nhất để ngồi làm bài. Học sinh nên chuẩn bị thêm các thiết bị kết nối 4G, 5G có chức năng phát wifi trong trường hợp mạng bị trục trặc.
- Rủi ro về hệ thống: Quá tải lượt truy cập, đăng nhập khiến bạn không thể vào thi online, cách khắc phục lúc này đó là tải lại trang và liên hệ ngay Ban Tổ Chức cuộc thi để được ghi nhận lại thông tin hoặc cấp lại lượt thi mới.
1.5. Cần chuẩn bị những gì ngoài kiến thức, kỹ năng và các trang thiết bị khi tham gia cuộc thi online?
Nhiều bạn nghĩ khi tham gia các cuộc thi online thì chỉ cần chuẩn bị kiến thức, kỹ năng và các trang thiết bị hỗ trợ kết nối mạng, thi cử trực tuyến là được. Tuy nhiên, đó mới chỉ là điều kiện cần, còn điều kiện đủ để có thể tham gia thi online với tâm thế sẵn sàng và sự chuẩn bị bài bản nhất nằm ở các yếu tố sau:
- Chuẩn bị tâm thế tự tin, bình tĩnh: Tham gia cuộc thi online cũng là một lợi thế giúp thí sinh bớt căng thẳng hơn so với việc phải thi cử, thuyết trình trước đám đông. Tuy nhiên, nếu cuộc thi online yêu cầu bạn phải bật camera trong quá trình tham gia thì thí sinh cũng cần chuẩn bị tâm lý sẵn sàng, giữ biểu cảm/phong thái tự tin, trả lời rõ ràng và mạch lạc nhất có thể.
- Chuẩn bị một không gian phù hợp để thi online: Khi tham gia các cuộc thi online, không gian “phòng thi” hầu hết sẽ do bạn tùy ý, chủ động chọn (trừ khi có những yêu cầu cụ thể từ phía BTC). Khi đó, để có được không gian lý tưởng nhất nên là nơi yên tĩnh, ít có sự tác động của yếu tố bên ngoài, đặc biệt là kết nối mạng ổn định để quá trình thi không bị ảnh hưởng.
2. 5 lưu ý trong lúc trải nghiệm cuộc thi online
1 - Đăng nhập và khai báo thông tin: Thời gian làm bài của tất cả thí sinh sẽ tính trong cùng thời điểm, nếu bạn vào trễ sẽ mất thời gian làm bài và không có quyền khiếu nại về sau. Tuy nhiên, không loại trừ trường hợp cổng đăng ký vào đúng “giờ vàng” sẽ có rất nhiều người cùng truy cập gây nghẽn mạng hoặc không thể truy cập.
Vì vậy, nếu được thì học sinh nên đăng nhập, khai báo thông tin trước thời hạn đăng ký mà BTC cuộc thi đưa ra. Điều này sẽ giúp bạn có thêm thời gian để xử lý các sự cố có thể xảy ra và hoàn thiện thông tin một cách đầy đủ nhất đúng theo quy định.
2 - Xem kỹ quy định về thời gian thực hiện bài thi và sắp xếp thời gian hợp lý: Dù là thi online hay offline thì việc phân bổ thời gian cũng rất quan trọng. Thí sinh cần đọc kỹ những quy định về thời gian làm bài để có “chiến thuật” phân bổ hợp lý, tránh bị “lố” thời gian hoặc vì sợ hết giờ mà làm bài thi quá hấp tấp, vội vàng dẫn đến nhiều lỗi sai đáng tiếc.
Một số bí kíp khi phân bổ thời gian làm bài thi mà học sinh có thể áp dụng như: Dễ làm trước, khó làm sau; sử dụng kỹ năng đọc lướt để tiết kiệm thời gian và nhanh chóng nhận diện những câu dễ, chắc chắn làm được và làm đúng; tập trung làm bài nhưng đồng thời cũng luyện thói quen nhìn đồng hồ để nắm bắt thời gian…
3 - Nắm vững thông tin liên hệ khi gặp sự cố: Trong quá trình tham gia cuộc thi online, thí sinh có thể gặp các vấn đề về trục trặc kỹ thuật, lỗi mạng, lỗi hệ thống, phần mềm, âm thanh… Vì vậy, bạn cần nắm vững các thông tin liên hệ của BTC hoặc người phụ trách cuộc thi để báo lỗi và có hướng giải quyết kịp thời.
4 - Kiểm tra lại toàn bộ bài thi trước khi gửi một cách kỹ càng: Bước này sẽ giúp các bạn xác định và chỉnh sửa các lỗi sai cũng như bổ sung thêm thông tin/trả lời thêm câu hỏi để nâng cao cơ hội lấy điểm. Khi phân bổ thời gian, hãy nhớ dành khoảng 5-7 phút cuối cho việc đọc và kiểm tra lại toàn bộ bài làm của mình. Thông thường khi tham gia các cuộc thi online, hệ thống sẽ gửi thông báo đã nộp bài cho bạn sau khi click gửi bài, vậy nên đừng vội thoát trang khi chưa nhận được thông báo đã nộp từ BTC cuộc thi nhé.
5 - Một số lưu ý khác trong quá trình tham gia cuộc thi online: Với những cuộc thi yêu cầu thí sinh quay camera các góc để đảm bảo độ công bằng, minh bạch, học sinh cần điều chỉnh máy ảnh để quay rõ khuôn mặt và không gian phía sau theo yêu cầu.
Nếu đề thi cho phép sử dụng tài liệu giấy thì phải đặt tài liệu giấy trong tầm quan sát của camera, tránh rơi vào những tình huống vi phạm đáng tiếc. Nếu gặp sự cố bất khả kháng trong quá trình làm bài, sinh viên phải báo ngay cho Cán bộ coi thi hoặc người có trách nhiệm để kịp thời xử lý.
3. Lời khuyên sau khi trải nghiệm cuộc thi online
Hoàn thành bài thi là khâu quan trọng nhất tuy nhiên thí sinh không nên vì thế mà bỏ qua một số lưu ý cho giai đoạn sau cuộc thi, cụ thể là 3 vấn đề sau:
3.1. Chú ý thời gian công bố kết quả và theo dõi kết quả công bố của BTC trên trang thi
Những mốc thời gian quan trọng của cuộc thi thường được BTC công bố ngay từ những ngày đầu trong thể lệ. Thí sinh nên lưu lại thông tin này để tiện theo dõi và có thể cập nhật kết quả sớm nhất có thể sau khi tham gia cuộc thi.
Đặc biệt, hầu hết các cuộc thi online hiện nay đều có trang fanpage riêng phục vụ công tác truyền thông, nơi update những tin tức “nóng hổi” nhất về cuộc thi đồng thời là “cầu nối” giúp bạn dễ dàng liên hệ với các thành viên trong BTC nhất. Đừng quên follow những fanpage này và thắc mắc ngay khi bạn có câu hỏi về cuộc thi để được giải đáp tức thì và chi tiết nhất.
3.2. Gửi mail cho BTC nếu bạn chưa nhận được phản hồi về bài thi dù đã quá hạn phản hồi theo thông báo của BTC
Để đảm bảo tính bảo mật thông tin, kết quả của một số cuộc thi online sẽ được gửi riêng cho từng cá nhân theo địa chỉ email, số điện thoại… bạn cung cấp trước đó. Tuy nhiên, không loại trừ trường hợp số lượng thí sinh dự thi quá lớn nên BTC có thể gặp sơ sót trong việc liên hệ, thông báo kết quả cho bạn dù đã quá hạn theo quy định.
Khi đó, học sinh cần gửi mail cho BTC để thông báo về việc chưa nhận được phản hồi về bài thi để BTC có hướng xử lý kịp thời. Tương tự với những thắc mắc, đề nghị phúc khảo kết quả bài thi, bạn cũng cần liên hệ qua email/ điện thoại với BTC.
3.3. Đích đến của cuộc thi không chỉ là giải thưởng
Ngày càng nhiều trải nghiệm cuộc thi online trên nhiều lĩnh vực được tổ chức, mở rộng cơ hội giao lưu kết nối, thể hiện tài năng và nâng cao kiến thức, kỹ năng cho học sinh sinh viên. Như tại Tổ chức Giáo dục FPT (FPT Education), hàng năm lại có rất nhiều cuộc thi được “lên sóng” cả online lẫn offline như: Cuộc thi lập trình FPT Edu Hackathon, cuộc thi thiết kế đồ họa FPT Edu Color Up, cuộc thi nghiên cứu khoa học FPT Edu ResFes…
Những cuộc thi này thường tổ chức vòng Đăng ký trên nền tảng trực tuyến, học sinh sinh viên ghi danh thông qua form online, sau đó vòng Sơ loại/ Bán kết/ Chung kết có thể được tổ chức trực tiếp hoặc trực tuyến tùy theo tình hình thực tế.
Có thể nói, những cuộc thi nghiên cứu khoa học như FPT Edu ResFes là sân chơi trí tuệ góp phần phát triển năng lực, phẩm chất cho các bạn học sinh sinh viên. Người trẻ rất cần những cơ hội, môi trường để giao lưu, thêm hiểu biết, thể hiện năng lực và niềm đam mê, thay vì tham gia cuộc thi chỉ với mục tiêu đạt giải thưởng.
Là đội thi nhỏ tuổi nhất tham gia cuộc thi FPT Edu ResFes 2022, nhóm 3 học sinh THPT FPT Cần Thơ - đội T.H.M chia sẻ: "Lý do lớn nhất khiến chúng mình quyết định tham gia FPT Edu ResFes 2022 là vì chúng mình biết lên Đại học thế nào cũng phải làm nghiên cứu khoa học, chưa kể hoạt động này còn mang đến rất nhiều giá trị. Thế nên tham gia cuộc thi là một trải nghiệm sớm và vô giá đối với học sinh chúng mình".
Nhìn chung, trải nghiệm cuộc thi online đem lại cho học sinh rất nhiều cơ hội, kỹ năng và kiến thức quý giá. Nắm vững những bí kíp trước, trong và sau khi tham gia các cuộc thi trực tuyến sẽ giúp học sinh tận dụng tối đa những cơ hội này, làm “dày” thêm hành trang cho mình trước khi bước vào những môi trường làm việc trong tương lai.
Tìm hiểu thêm một số trải nghiệm cuộc thi online dành cho học sinh, sinh viên tại đây.
Ảnh: Internet