Trải nghiệm FPT Edu

Khám phá 6++ hoạt động học tập trải nghiệm thực tế cho học sinh

08/08/2022
seo2022
31280

Nhiều năm gần đây, nhiều trường học tại Việt Nam đã áp dụng phương pháp học tập trải nghiệm thực tế cho học sinh để nâng cao khả năng thực hành và kỹ năng sống. Đây là một giải pháp đem lại nhiều hiệu quả và được phụ huynh cũng như học sinh đặc biệt ủng hộ.

1. Học tập trải nghiệm thực tế là gì?

Học tập trải nghiệm thực tế là một phương pháp giáo dục đề cao tính trải nghiệm của học sinh, thường được áp dụng thông qua các hoạt động thực tế hướng tới những điều thân thuộc, gần gũi với học sinh. 

Có thể hiểu trải nghiệm thực tế là hoạt động giúp học sinh trải nghiệm những điều nhỏ nhất, từ những thứ bình thường xung quanh học sinh, trong nhà trường, gia đình, hoặc những điều mắt thấy tai nghe trong cuộc sống hàng ngày mà các em cảm nhận được.

Các em học sinh Trường Tiểu học và THCS FPT Cầu Giấy (thuộc FPT Edu) tham gia hoạt động học tập trải nghiệm thực tế tại trang trại giáo dục Stemland (Hoài Đức, Hà Nội)
Các em học sinh Trường Tiểu học và THCS FPT Cầu Giấy (thuộc FPT Edu) tham gia hoạt động học tập trải nghiệm thực tế tại trang trại giáo dục Stemland (Hoài Đức, Hà Nội)

Từ đó, thông qua sự dẫn dắt của thầy cô và kinh nghiệm của bản thân các em, tác động lên nhận thức, hành vi của học sinh. Các hoạt động học tập trải nghiệm thực tế cũng giúp học sinh tiếp nhận, trau dồi kiến thức và cả những kỹ năng cá nhân.

Các hoạt động học tập trải nghiệm thực tế có thể là những hoạt động xoay quanh những chuyên đề như "Bạo lực học đường", "Lòng biết ơn", "Tự lập", "Làm chủ thời gian"…

Tuy nhiên, học tập trải nghiệm thực tế cũng thường bị nhầm lần với hoạt động ngoại khóa. Theo nhiều chuyên gia, những hoạt động học tập trải nghiệm thực tế không nhất thiết phải đi xa, hay có quy mô cả ngàn học sinh mới là học trải nghiệm. Thậm chí, những hoạt động như vậy thường khó có thể cung cấp kiến thức, kỹ năng một cách hiệu quả cho học sinh.

2. Các hoạt động học tập trải nghiệm thực tế cho học sinh

Có rất nhiều hoạt động học tập trải nghiệm thực tế cho học sinh được tổ chức hàng năm, phụ thuộc vào chương trình giảng dạy của nhà trường và độ tuổi của học sinh. Trong đó, một số nhóm hoạt động chính bao gồm: tham quan – dã ngoại, cắm trại/trại hè, tổ chức tiết học ngoài trời, hoạt động thiện nguyện – phục vụ cộng đồng, thực hành lao động, tổ chức sự kiện (workshop – talkshow)…

2.1. Tham quan, dã ngoại

Hoạt động học tập trải nghiệm thực tế tham quan, dã ngoại là hoạt động khám phá, tìm hiểu về một địa danh, hoặc một vùng đất cùng những yếu tố liên quan đến địa danh, vùng đất đó. Bên cạnh đó, hoạt động tham quan, dã ngoại cũng là một cách để gắn kết tập thể, giúp học sinh rèn luyện sức khỏe, kỹ năng mềm và nâng cao tầm hiểu biết.

Các hoạt động tham quan, dã ngoại thường được tổ chức ở những địa danh lịch sử, những vùng đất có đặc trưng nổi bật về thiên nhiên. Điều này sẽ dễ dàng hơn trong việc giúp học sinh tiếp nhận những kiến thức liên quan. 

Thông thường, học sinh sẽ được giáo viên giới thiệu và yêu cầu chuẩn bị trước cho buổi tham quan, dã ngoại. Khi tới địa điểm hoạt động, thông thường học sinh sẽ tìm hiểu thông tin theo hướng dẫn của giáo viên. Và học sinh cũng sẽ phải hoàn thành một số nhiệm vụ sau chuyến đi như: viết báo cáo, ứng dụng kiến thức thu thập được vào hoàn thành bài tập…

Trong thời gian qua, đã có nhiều trường học áp dụng việc dạy học từ trải nghiệm thực tế. Tiêu biểu như dự án "Saigon by bus" do 6 trường học tại TP Hồ Chí Minh cùng hợp tác tổ chức. Đây là dự án học tập môn lịch sử thông qua hình thức trải nghiệm thực tế. 

Học sinh tham gia dự án được chia thành các nhóm từ 6-8 em. Các nhóm sẽ tham gia dự án bằng cách trải nghiệm các phương tiện công cộng như xe buýt, xe buýt mui trần, buýt sông… để khám phá cảnh đẹp quê hương, tiếp cận các địa danh lịch sử, đồng thời tìm hiểu lịch sử và văn hóa qua trang phục, ẩm thực… của Sài Gòn.

Các em học sinh Trường THPT Bùi Thị Xuân bên cạnh sản phẩm "Bản đồ các di tích lịch sử trong Thành phố" sau khi tham dự dự án Saigon by Bus
Các em học sinh Trường THPT Bùi Thị Xuân bên cạnh sản phẩm "Bản đồ các di tích lịch sử trong Thành phố" sau khi tham dự dự án Saigon by Bus

Hay như tại Trường THPT FPT cũng thường xuyên có những chuyến đi học tập trải nghiệm thực tế. Vào tháng 6/2022, nhà trường đã tổ chức chuyến đi tham quan trải nghiệm chùa Khai Nguyên dành cho các bạn học sinh lớp 12. Tại đây, các bạn không chỉ được tìm hiểu về văn hóa, tín ngưỡng, trải nghiệm cuộc sống của những người tu hành, mà còn được học những bài học kỹ năng về dung hòa lý trí và cảm xúc, kiểm soát cơn nóng giận, giữ thái độ điềm tĩnh do chính thầy trụ trì giảng giải.

Thông qua chuyến trải nghiệm, các bạn học sinh không chỉ có được những kiến thức liên quan đến lịch sử văn hóa, tín ngưỡng mà còn hiểu chính bản thân mình hơn, biết tự cân bằng trong cuộc sống.

2.2. Cắm trại/trại hè

Trại hè là một hình thức sự kiện dành cho học sinh, có sự kết hợp giữa học tập kiến thức và tham gia các hoạt động thực tiễn. Trại hè thường được tổ chức vào mùa hè, hoặc giữa các kỳ học tại trường của học sinh. Các trại hè thường được lên ý tưởng và lựa chọn chủ đề phù hợp với đối tượng học sinh mà nó hướng đến.

Trại hè bao gồm trại hè trong nước và trại hè tại nước ngoài. Thông thường, các trại hè được tổ chức với quy mô trung bình, từ vài chục tới cả trăm học sinh. Tuy nhiên, cũng có những trại hè có quy mô lớn có thể lên tới vài trăm người tham dự. 

Tham gia trại hè, học sinh được học tập những kiến thức phù hợp với lứa tuổi, đồng thời có thể tham gia các hoạt động vui chơi, trải nghiệm văn hóa đa dạng và phong phú. Các hoạt động tại trại hè cũng sẽ được lên kế hoạch sao cho phù hợp với chủ đề và đối tượng tham gia. Thông qua những hoạt động ấy, các em sẽ có thể phát triển kỹ năng của bản thân, đồng thời nắm được những kiến thức xã hội cần thiết.

Hiện nay, hình thức học tập trải nghiệm thực tế dưới dạng trại hè rất phổ biến. Tiêu biểu như ở Khối phổ thông FPT thường có 1-2 chương trình trại hè mỗi năm. Gần đây nhất có thể kể đến chương trình trại hè Phần Lan 2022 Finest Future dành cho học sinh từ 12 – 17 tuổi.

Thông tin chương trình trại hè tại Phần Lan dành cho học sinh FPT Schools thuộc FPT Edu ở độ tuổi từ 12 - 17
Thông tin chương trình trại hè tại Phần Lan dành cho học sinh FPT Schools thuộc FPT Edu ở độ tuổi từ 12 - 17

Chương trình được tổ chức nhằm mang đến cho học sinh FPT những trải nghiệm mới lạ tại Phần Lan, giúp các em nâng cao trình độ ngoại ngữ, cải thiện kỹ năng mềm và phát triển tư duy khởi nghiệp. 

Bên cạnh đó, ngôn ngữ chính được sử dụng trong suốt chương trình là tiếng Anh. Do vậy, đây là cơ hội để mỗi bạn phát huy khả năng ngôn ngữ cũng như rèn luyện thêm vốn từ vựng, khả năng phát âm của mình.

Đồng thời, bên cạnh nội dung học tập, các em cũng sẽ được tham gia các hoạt động ngoại khóa, trải nghiệm thực tế văn hóa, ẩm thực, thiên nhiên và cuộc sống hàng ngày tại đất nước hạnh phúc nhất thế giới.

Hay tại Trại hè sáng tạo FPT Summer Camp 2022 đã diễn ra từ 11/7 – 5/8 cũng là một trong những hoạt động độc đáo của trường học trải nghiệm FPT Edu. Đây là chương trình hè bán trú dành riêng cho học sinh FOT năm học 2022 – 2023, tạo cơ hội để các em bổ sung kỹ năng, kiến thức và mở rộng mối quan hệ, giao lưu với bạn bè. Từ đó, các em sẽ có thể sẵn sàng hơn để bước vào năm học mới.

Nội dung trại hè khối Tiểu học năm nay sẽ giúp học sinh khám phá 3 miền Bắc – Trung – Nam của Tổ quốc. Mỗi lớp sẽ là đại diện cho một tỉnh/ thành phố cùng các hoạt động trải nghiệm đặc trưng và vô cùng hấp dẫn.

Học sinh khối THCS sẽ được trải nghiệm Trại hè với 4 nhóm chủ đề: Đất – Da – Giấy – Digital. Với mỗi chủ đề, các em sẽ được sáng tạo sản phẩm và trải nghiệm tích hợp các môn: Khoa học Tự nhiên, Khoa học Xã hội, Ngoại Ngữ, Công Nghệ 4.0, Thể thao – Nghệ thuật.

2.3. Tổ chức tiết học ngoài trời

Tổ chức tiết học ngoài trời là hình thức dạy học trải nghiệm thực tế khá dễ tổ chức và cũng không tốn kèm tài nguyên, nhân lực. Theo đó, thay vì tổ chức lớp học theo hình thức truyền thống thông thường, học sinh ngồi trong lớp và giáo viên giảng kiến thức, thì các em được di chuyển đến một địa điểm phù hợp ngoài trời để nghiên cứu và học tập.

Đây là phương pháp được sử dụng khá phổ biến ở các trường học hiện nay nhằm mục đích tạo điều kiện cho các em tiếp xúc thực tế với thiên nhiên, các sự vật, sự việc xung quanh cuộc sống, hoặc chỉ đơn giản là thay đổi môi trường học tập. Phương pháp này không chỉ tạo được hứng thú nơi các em mà còn khiến các em chủ động hơn, sáng tạo hơn trong việc tìm hiểu, nghiên cứu và tiếp nhận kiến thức.

Việc tổ chức tiết học ngoài trời không chỉ giúp các em có nguồn tư liệu sống động cho tiết học mà còn tăng khả năng ghi nhớ cùng hứng thú học tập
Việc tổ chức tiết học ngoài trời không chỉ giúp các em có nguồn tư liệu sống động cho tiết học mà còn tăng khả năng ghi nhớ cùng hứng thú học tập

Một trong những ví dụ tiêu biểu cho hình thức tổ chức tiết học ngoài trời là những tiết học thực hành bộ môn sinh học. Tại trường THCS Thị trấn Tân Dân, khi học tới bài học về nấm, học sinh được giáo viên cho phép ra ngoài và tìm kiếm những cây nấm mọc trong trường.  Với đề bài như vậy, học sinh cần vận dụng những kiến thức liên quan tới đặc điểm nhận biết nấm, nơi nấm thường mọc, đặc tính của loài nấm để tìm đến những địa điểm có khả năng cao có nấm. 

Hay tại Trường TH-THCS FPT thuộc FPT Edu, để dạy cho học sinh những kiến thức về sự bay hơi, giáo viên cho phép học sinh sử dụng bất cứ hình thức nào để làm khô chiếc khăn đã nhúng nước một cách nhanh nhất, bao gồm mang ra phơi dưới nắng, sử dụng quạt hoặc dùng giấy thấm…

Việc cho phép học sinh được hoạt động không gò bó trong không gian lớp học cho thấy hiệu quả cao trong việc tạo hứng thú cho học sinh. Đồng thời, với những đề bài mới lạ, giáo viên cũng nhìn thấy những hoạt động học tập sáng tạo tích cực từ phía học sinh của mình.

2.4. Hoạt động thiện nguyện, phục vụ cộng đồng

Hoạt động thiện nguyện, phục vụ cộng đồng là những hoạt động, sự kiện, dự án có quy mô từ nhỏ đến lớn, do các cá nhân, tổ chức thực hiện, nhằm mục đích đem lại giá trị, lợi ích phù hợp với lợi ích của cộng đồng và xã hội. 

Các hoạt động thiện nguyện, phục vụ cộng đồng thường được tổ chức dưới dạng những hoạt động, sự kiện, dự án gây quỹ, thuộc một đề tài, nhằm một mục đích nhất định. Đôi khi, những hoạt động ấy cũng nằm trong một chiến dịch cụ thể, được lên kế hoạch một cách kỹ lưỡng, nhằm mục tiêu lớn như thay đổi nhận thức của công chúng cộng đồng.

Một số hoạt động thiện nguyện, phục vụ cộng đồng thường gặp có thể kể đến như:

  • Sự kiện gây quỹ vì người nghèo: Ví dụ hoạt động quyên góp sách vở, quần áo,... cho các trẻ em vùng núi, vùng bão lũ,...
  • Dự án vì môi trường xanh – sạch – đẹp: Ví dụ như hoạt động làm sạch đường làng ngõ xóm. Theo đó, các em học sinh từ lớp 6 trở lên sẽ được phân công quét và làm sạch đường làng bằng những dụng cụ thường ngày như chổi lúa, chổi tre, chổi dừa… 
  • Các dự án nhằm mục tiêu thay đổi nhận thức, thói quen không lành mạnh của công chúng… Ví dụ như dự án Quỹ vỏ chai được thành lập bởi chính những bạn học sinh, sinh viên của FPT Edu. Với slogan "Take a tree – Make a change", Quỹ vỏ chai hoạt động bằng cách thu gom chai lọ nhựa, vỏ lon từ chính các bạn học sinh, sinh viên trong trường. Thay vào đó, người đóng góp sẽ nhận về phần quà là một chiếc cây nhỏ xinh xắn. 
Một bạn sinh viên FPT Edu đem chai nhựa tới đổi cây trong sự kiện Take A Tree – Make a Change của Quỹ Vỏ Chai
Một bạn sinh viên FPT Edu đem chai nhựa tới đổi cây trong sự kiện Take A Tree – Make a Change của Quỹ Vỏ Chai

Có thể thấy, tham gia học tập trải nghiệm thực tế thông qua các hoạt động thiện nguyện, phục vụ cộng đồng, học sinh không chỉ hiểu được ý nghĩa của việc sống vì cộng đồng mà còn được thực hành những kỹ năng như lập kế hoạch, triển khai kế hoạch, giao tiếp, đàm phán…

2.5. Thực hành lao động

Thực hành lao động là một trong những hình thức học tập trải nghiệm thực tế phổ biến và cơ bản nhất tại các trường học. Những hình thức thực hành lao động thường thấy là trực nhật, dọn vệ sinh trường học, trồng cây…

Các hoạt động thực hành lao động thường được tổ chức định kỳ tùy theo tính chất công việc. Các hoạt động cũng rất khác nhau, từ việc làm vệ sinh lớp học, lau bảng, giặt giẻ lau, thay nước, sắp xếp bàn giáo viên cho tới dọn vệ sinh sân trường, khu vực thể thao, phòng chức năng…

Đại diện Trường THCS Tân An, huyện Yên Dũng, tỉnh Bắc Giang cho biết: "Các hoạt động thực hành lao động rất phổ biến tại các trường phổ thông, đã được tổ chức và thực hiện từ rất lâu. Ví dụ như hoạt động trực nhật hàng ngày khiến tất cả các thành viên trong lớp có trách nhiệm hơn với vệ sinh chung của lớp học. Đồng thời, công việc tưởng chừng đơn giản này cũng khiến cho các em tìm được những cách làm đúng, nhanh có hiệu quả cao".

Còn đại diện Trường THPT Yên Dũng số 2, tỉnh Bắc Giang thì chia sẻ: "Hàng năm, nhà trường đều tổ chức những đợt thực hành lao động. Tùy theo tình hình của mỗi năm mà sẽ có những hoạt động khác nhau. Đó có thể là dọn vệ sinh sân trường, nhà thể thao. Nhưng đôi khi cũng là trồng và chăm sóc cây tại vườn trường. 

Nghe công việc có vẻ nhàm chán nhưng thực tế nhiều học sinh lại rất hứng thú. Đặc biệt là những bạn có gia đình làm trong lĩnh vực trồng trọt, có thể chia sẻ kinh nghiệm chăm sóc cây cho các bạn chưa có hiểu biết. Thậm chí, nhiều học sinh chủ động tìm hiểu cách trồng và chăm sóc từng giống cây trên internet để đảm bảo cây mình trồng sẽ lên xanh tốt".

Do có những hiệu quả riêng biệt mà dù hiện nay, nhiều trường học đã có bộ phận chăm sóc cảnh quan riêng, nhưng vẫn đều đặn tổ chức cho học sinh thực hành lao động. Việc tham gia các hoạt động này cùng nhau cũng là một cách để các em kết nối và chia sẻ với nhau nhiều hơn, từ đó gia tăng tình đoàn kết trong tập thể.

Hàng năm, nhà trường đều tổ chức những đợt thực hành lao động
Hàng năm, nhà trường đều tổ chức những đợt thực hành lao động

2.6. Tổ chức sự kiện (workshop, talkshow)

Tổ chức sự kiện là hoạt động học tập trải nghiệm thực tế cần sự tham gia nhiều nhất của học sinh. Những sự kiện thực nghiệm phổ biến của học tập trải nghiệm thực tế là tổ chức các workshop, talkshow, dựa trên những chủ đề, đề tài phù hợp với độ tuổi và thời điểm.

Thông thường, việc tổ chức sự kiện học tập trải nghiệm thực tế cho học sinh tại trường học đa số do các thầy cô khởi xướng và thu hút sự tham gia của học sinh. Theo đó, học sinh sẽ đóng vai trò cùng lên ý tưởng, cùng chuẩn bị cho sự kiện và cùng triển khai.

Thông qua quá trình đó, học sinh không chỉ hiểu rõ về nội dung, chủ động tiếp thu kiến thức mà còn rèn luyện được khả năng tư duy, những kỹ năng mềm cần thiết. Bên cạnh đó, những workshop, talkshow được tổ chức cũng cung cấp những kiến thức cần thiết cho những đối tượng có mong muốn tiếp nhận thông tin đơn thuần. 

Ở FPT Schools thuộc FPT Edu, những hoạt động tổ chức sự kiện chưa bao giờ là một hoạt động hiếm gặp. Các em được khuyến khích khởi xướng và tham gia các hoạt động tổ chức sự kiện cùng cán bộ, giảng viên, thậm chí là tự lên ý tưởng tổ chức các sự kiện dưới sự cho phép của nhà trường. 

Một trong số những hoạt động tổ chức sự kiện thường gặp tại FPT Schools là các talkshow chia sẻ về những chủ đề liên quan tới nhận thức như hiểu bản thân, tha thứ, biết ơn, kinh nghiệm khởi nghiệp, đàm phán… của học sinh, sinh viên khối phổ thông, cao đẳng và Đại học thuộc FPT Edu.

Tương tự đối với các workshop thực hành tại FPT Schools. Các bạn học sinh cũng sẽ được cùng giáo viên chuẩn bị các buổi thực hành dựa trên một chủ đề nhất định, có thể là: workshop thực hành sắp xếp thời gian hiệu quả, workshop thực hành giải quyết vấn đề/ đàm phán dành cho học sinh sinh viên THPT – ĐH FPT, workshop thực hành trang điểm, làm đẹp của học sinh K-Beauty FPoly, FPT Edu…

Workshop về làm đẹp diễn ra tại FPoly K-Beauty thuộc FPT Edu dành cho đối tượng sinh viên
Workshop về làm đẹp diễn ra tại FPoly K-Beauty thuộc FPT Edu dành cho đối tượng sinh viên

Chủ đề của các talkshow, workshop sẽ được giáo viên quyết định dựa vào lộ trình học tập, độ tuổi học sinh và thời điểm diễn ra sự kiện… Học sinh sẽ tham gia các sự kiện này với vai trò đóng góp ý tưởng, cùng giáo viên lên kế hoạch, triển khai, truyền thông và đôi khi đóng vai trò người tham dự…

Thông qua những hoạt động như thế, học sinh học được rất nhiều kỹ năng như giao tiếp, đàm phán, làm việc nhóm, sắp xếp công việc, giải quyết vấn đề, đồng thời cũng tự tích lũy được cho bản thân nhiều kinh nghiệm, cũng như kiến thức hữu ích cho công việc và cuộc sống. 

3. Có nên học tập trải nghiệm thực tế cho học sinh?

Học tập trải nghiệm thực tế cho học sinh là một điều nên làm. Bởi đây là phương pháp bộc lộ nhiều ưu điểm so với phương pháp dạy học truyền thống.

  • Giúp học sinh kiểm chứng kiến thức hàn lâm với thực tế: Giữa lý thuyết và thực hành luôn tồn tại khoảng cách, vậy nên trải nghiệm thực tế là cách hiệu quả để học sinh khám phá và hiểu được sự khác biệt này. Người học cũng có thể mang những kiến thức lý thuyết áp dụng vào thực tế để giải quyết những vấn đề trong cuộc sống, đồng thời cũng có thể tiếp tục cải tiến nó để nâng cao hiệu quả.
  • Rèn luyện kỹ năng sống: Hoạt động yêu cầu học sinh vận động, tư duy để rèn luyện nhiều kỹ năng như làm việc nhóm, giao tiếp, đàm phán, thuyết trình, lãnh đạo, ứng biến, sắp xếp thời gian…
  • Mở rộng vốn kiến thức thực tế: Người học sẽ không thể tự rút ra những kinh nghiệm cho bản thân nếu chỉ học qua sách vở. Trong thực tế có rất nhiều trường hợp ngoại lệ mà người học chỉ có thể trực tiếp trải nghiệm và rút ra kinh nghiệm cho bản thân. Việc học tập trải nghiệm thực tế sớm ngay tại trường sẽ giúp học sinh làm điều ấy.
  • Giúp học sinh tiếp thu kiến thức hiệu quả hơn: Việc áp dụng các hình thức học tập trải nghiệm thực tế cũng là một cách thay đổi phương pháp giảng dạy và tiếp cận kiến thức cho học sinh. Điều này không chỉ khiến học sinh hứng thú hơn mà còn tiếp thu kiến thức hiệu quả hơn do được chủ động ghi nhớ và thực hành kiến thức.
  • Giải tỏa căng thẳng, tiếp thêm năng lượng tích cực cho học sinh: Nếu như việc giảng bài và ghi nhớ trên lớp trở nên quá nhàm chán, thì việc được học tập trải nghiệm thực tế lại là một cách hay để thay đổi trạng thái tiếp nhận của học sinh, giúp học sinh giải tỏa bớt sự căng thẳng khi chịu áp lực phải cố gắng ghi nhớ quá nhiều kiến thức.
  • Tăng sự gắn kết giữa học sinh - học sinh, học sinh - thầy cô, học sinh - môi trường thực tế: Việc được học tập trải nghiệm thực tế yêu cầu sự tương tác, trao đổi, làm việc, ứng biến linh hoạt giữa các đối tượng. Chính điều này sẽ giúp tăng sự gắn kết giữa học sinh – học sinh, học sinh – thầy cô, và giữa học sinh với môi trường thực tế.

4. Học tập trải nghiệm thực tế cho học sinh tại FPT Edu

Là trường học đề cao trải nghiệm, FPT Edu luôn có nhiều hoạt động học tập trải nghiệm thực tế của học sinh. Những hoạt động này không chỉ được đầu tư nghiên cứu kỹ lưỡng cho phù hợp với chương trình học, khả năng vận động, độ tuổi và sở thích của học sinh, mà còn được đầu tư nhiều về hình thức tổ chức, kinh phí cũng như mức độ hấp dẫn.

Một số hoạt động trải nghiệm thực tế tại FPT Edu:

  • Tiểu học: Dã ngoại "Một ngày sống giữa thiên nhiên tại DeTrang Farm", Dã ngoại "Một ngày tập làm người lớn" tại Vườn Sáng tạo Ong Vàng…
  • THCS: Workshop "The mini world" – dựng mô hình bản đồ thế giới, Workshop Công nghệ “Technology in me”, Workshop "Đọc thông minh", FPT Summer Camp…
  • THPT: Workshop "Thấu hiểu tâm lý học đường", Talkshow "Chuẩn bị cho lần đầu", những tiết học ngoài trời của các bộ môn Tiếng Anh, Ngữ văn, Hóa học…
Học tập trải nghiệm thực tế cho học sinh tại FPT Edu được nghiên cứu để phù hợp với khả năng, nhận thức, phạm vi bài học của học sinh
Học tập trải nghiệm thực tế cho học sinh tại FPT Edu được nghiên cứu để phù hợp với khả năng, nhận thức, phạm vi bài học của học sinh

Ở mỗi cấp học, các hoạt động học tập trải nghiệm thực tế có thể sẽ khác nhau, tuy nhiên các hoạt động này đều có điểm chung là được nghiên cứu kỹ lưỡng để phù hợp với độ tuổi, chương trình học, sở thích, khả năng vận động và tư duy của học sinh. Bên cạnh đó, các hoạt động tại FPT Edu đều được đầu tư về tài chính, nhận được sự hỗ trợ từ phía giáo viên, cán bộ các phòng ban để đảm bảo hoạt động diễn ra chỉn chu, đạt được mục đích của hoạt động. 

Phạm Minh Nhật, học sinh lớp 8, Trường Tiểu học và THCS FPT chia sẻ: "Các hoạt động học tập trải nghiệm thực tế ở trường rất đa dạng và hỗ trợ rất nhiều cho việc học trên lớp của tụi mình. Ví dụ như khi tụi mình học tới những bài học liên quan đến sự phát triển, đặc tính, công dụng của cây cối thì ngay kỳ đó, tụi mình có thể được tới tham quan một nông trường. Tại đó, tụi mình được quan sát, tìm hiểu về đặc tính của các loại cây. Chúng mình cũng được tự tay gieo hạt, giâm cành một số loại cây đặc thù nữa. Dù chuyến đi nào cũng khá mệt, còn lấm lem bùn đấy nhưng ai ai cũng cực kỳ hào hứng".

Nguyễn Phương Nam, học sinh lớp 10, Trường THPT FPT thì tâm sự: "Mình đã từng là một người khá ngại ngần khi nói đến những vấn đề tâm sinh lý, hiểu biết cũng cực kỳ mơ hồ. Thế nhưng, nhờ những talkshow – workshop do Trường tổ chức mà mình dần cởi mở hơn khi nói đến vấn đề này. Thậm chí, chúng mình cũng được thực hành tổ chức sự kiện tư vấn sức khỏe cho các bạn cùng lớp khi học bộ môn kỹ năng mềm. Vì là ban tổ chức, nên ai ai cũng cố gắng tìm hiểu một cách kỹ lưỡng nhất có thể về vấn đề này, tìm cách tổ chức sao cho "duyên", không khiến người ta ngại ngần. Nhờ thế mà bây giờ mình có thể hiểu hơn, tự tin hơn khi đối mặt sự thay đổi của bản thân ở tuổi dậy thì".

Có thể thấy, các hoạt động học tập trải nghiệm thực tế cho học sinh đang được triển khai một cách phong phú và đa dạng tại nhiều trường học tại Việt Nam. Các hoạt động này cũng đã và đang nhận được sự ủng hộ của học sinh, bước đầu cho thấy hiệu quả vượt trội so với những phương pháp giảng dạy truyền thống.

Tuy nhiên, cũng cần lưu ý, nhà trường cần phối hợp với giáo viên cùng các bộ phận có liên quan chú ý tới đề tài, cách thức và quá trình tổ chức để các hoạt động học tập trải nghiệm thực tế được đầu tư đúng mục đích, đạt được hiệu quả như kỳ vọng.

Xem thêm về học tập trải nghiệm thực tế cho học sinh tại đây.

Ảnh: Internet, FPT Edu

31280

Nhân vật