Trải nghiệm FPT Edu

HỌC THỰC HÀNH

03/06/2021
seo
9243

Hiện nay, các doanh nghiệp luôn ưu tiên lựa chọn các ứng viên học thật, làm thật. Do đó, phương pháp đào tạo học qua thực hành giúp HSSV tiếp cận với môi trường thực tế, sớm có nhiều kinh nghiệm làm việc ngay khi còn trên ghế nhà trường. Đây đang là xu hướng giáo dục được nhiều người quan tâm.

1. Học thực hành là gì?

Học qua thực hành là phương pháp giáo dục dựa trên cơ sở sự quan sát, trải nghiệm thực tế và thực hiện  các hoạt động liên quan đến môn học của HSSV. Giáo viên chỉ là người định hướng, hỗ trợ người học trong suốt quá trình thực hành. HSSV sẽ chủ động thu nạp kiến thức, hình thành các kỹ năng cần có trong cuộc sống sau này. 

Thêm vào đó, phương pháp học thực hành còn giúp HSSV củng cố kiến thức chuyên ngành, xây dựng phẩm chất, tác phong công nghiệp. Đồng thời, các em có thể phát triển năng lực tư duy, khả năng xử lí các tình huống nghề nghiệp tương lai hoặc trong thực tế cuộc sống.

Học sinh thực hành thí nghiệm về dòng điện trong môn Vật lý.

2. Mối liên hệ giữa lý thuyết và thực hành 

Trước hết, cần hiểu lý thuyết là kiến thức đã được tích lũy trong sách vở, là lý luận đã được đúc kết, trau dồi, cập nhật liên tục. Còn thực hành nghĩa là làm, là ứng dụng kiến thức, lý thuyết vào giải quyết vấn đề thực tiễn đời sống. 

Lý thuyết và thực hành có mối quan hệ rất chặt chẽ với nhau, là 2 mặt của một vấn đề. Lý thuyết được đúc rút từ thực hành, giúp thực hành thuận lợi, nhanh chóng, tiến bộ. Ngược lại, thực hành là đích cuối của lý thuyết, bổ khuyết cho lý thuyết ngày càng phát triển hơn. 

Lý thuyết và thực hành luôn có mối quan hệ khó tách rời.

Nếu học mà không có thực hành thì mọi lý thuyết đều sẽ trở nên vô ích. Một sinh viên ngành Công nghệ thông tin với tấm bằng giỏi ra trường nhưng lại chẳng thể lập trình được một website hoặc ứng dụng theo yêu cầu khách hàng. Sinh viên ngành Ngôn ngữ Anh nhưng không biết giao tiếp với người nước ngoài. Đó là một sự lãng phí công thời gian và công sức học tập. Thực hành vừa là mục đích cuối cùng vừa là phương pháp học tập. 

Nhưng nếu chỉ học thực hành mà không có lý thuyết thì sẽ ra sao? Câu trả lời là việc thực hành trở nên khó khăn hơn nhiều, tỷ lệ thất bại sẽ cao hơn và mất nhiều thời gian để giải quyết vấn đề. 

Ví dụ, nếu bạn học Thiết kế đồ họa mà không nắm chắc lý thuyết, cách sử dụng phần mềm photoshop, bạn có thể mày mò vừa thực hành vừa học. Tuy nhiên, quá trình hoàn thiện sản phẩm của bạn sẽ lâu hơn bình thường rất nhiều.

Học qua thực hành, về bản chất không hề tách biệt giữa lý thuyết và thực hành. Trên cơ sở lý thuyết, nhà trường nên đưa ra những hoạt động để HSSV tự trải nghiệm, sáng tạo. Nhờ đó, các bạn có thể tìm cách đúc rút ra được chân lý, chủ động truy nạp kiến thức cũng như khắc ghi lâu dài để ứng dụng vào thực tế.   

3. Tầm quan trọng của học thực hành

Học qua thực hành đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy, hoàn thiện mục tiêu giáo dục, nâng cao hiệu quả học tập hiện tại và trang bị kỹ năng tương lai cho học sinh.

3.1.Tầm quan trọng của học thực hành đối với mục tiêu giáo dục nói chung

Đối với mục tiêu giáo dục nói chung, học thông qua thực hành là phương pháp mang tính thay đổi chiến lược. Phương pháp này thay đổi “lối mòn” dạy và học truyền thống, kém hiệu quả, hướng đến đào tạo những thế hệ công dân toàn cầu trong tương lai.  

Theo như cách học truyền thống, HSSV chỉ đơn thuần đến lớp, ngồi nghe giảng, tiếp thu kiến thức một chiều, thu động và thiếu thực hành, không học được cách áp dụng lý thuyết vào thực tế. 

Do đó, HSSV dễ chán học, kiến thức cũng khó đọng lại lâu và cũng chỉ mãi là lý thuyết. Thực trạng này đã sản sinh ra nhiều “Tiến sĩ giấy”, chỉ có lý thuyết, thiếu hụt khả năng sáng tạo để giải quyết vấn đề thường ngày.  

Học sinh Trung học thuyết trình về sản phẩm của mình tại cuộc thi Khoa học Kỹ thuật cấp Tỉnh.

Ngược lại, với phương pháp học thực hành, HSSV sẽ phải chủ động trải nghiệm, kiểm chứng để tìm ra chân lý, nguyên lý, phương pháp,… Muốn vậy, các bạn sẽ phải tích cực tự học, tự thu nạp kiến thức, làm việc nhóm, trao đổi. Do đó, các bạn vừa hiểu sâu, nhớ lâu kiến thức, vừa được rèn luyện từ sớm các kỹ năng mềm cần thiết. 

Từ đó, học qua thực hành sẽ giúp đào tạo những thế hệ HSSV năng động, sáng tạo, học thật, làm thật.     

3.2.Tầm quan trọng của học thực hành đối với hiệu quả học tập hiện tại của HSSV

Nếu học mà chỉ đọc và chiêm nghiệm thuần tuý, thiếu thực hành, người học dễ sinh ra ảo tưởng mình đã nắm được những kiến thức trong sách. Trên thực tế học chỉ học thuộc những kiến thức này hoặc biết về chúng. Kiến thức trở thành kiến thức “chết”, hời hợt, không hiển hiện và không có khả năng gây ảnh hưởng tới người khác. 

Ngược lại, học thông qua thực hành khiến HSSV phải chủ động trải nghiệm thực tế trên nền những kiến thức đã có. Từ việc giải quyết những vấn đề cụ thể mà rút ra kinh nghiệm, phải quay lại đào sâu sách vở để tiếp tục đi tìm đáp án. Từ đây, học qua thực hành giúp mang đến hiệu quả học tập tối ưu cho HSSV. 

Học qua thực hành góp phần tối ưu hóa hiệu quả học tập của học sinh. 

3.3.Tầm quan trọng của học thực hành đối với tương lai của HSSV

Những người sáng tạo, biết áp dụng kiến thức vào thực tế thường có lợi thế hơn hẳn trong tương lai so với những người chỉ có lý thuyết. 

Trong bối cảnh thế giới có những chuyển biến mạnh mẽ về công nghệ như ngày nay, HSSV cần có khả năng thích ứng với tình huống thực tế và tạo ra khác biệt của bản thân. Bởi máy móc, trí tuệ nhân tạo đang ngày càng thay thế con người làm những công việc từ đơn giản đến phức tạp. 

Việc học qua thực hành là nơi nuôi dưỡng và chuẩn bị điều đó cho HSSV. Vì khi thực hành, các em sẽ được kích thích sự tò mò, tư duy, sáng tạo, áp dụng lý thuyết để giải quyết vấn đề thực tế, chủ động học tập,… Học gì, thực hành nấy, sáng tạo không ngừng chính là cách để HSSV sớm thành công trong tương lai. 

Nguyễn Trọng Giáp (bên phải) và sản phẩm pin năng lượng mặt trời của mình.

4. Lợi ích của việc học thông qua thực hành 

Học thông qua thực hành mang đến những lợi ích không thể phủ nhận cho giáo dục hiện đại như tạo hứng thú học tập, tăng khả năng ghi nhớ,...

4.1. Học thực hành tạo hứng thú học tập

Trái ngược với cách học truyền thống, học thông qua thực hành mang đến môi trường học sôi động, tạo sự hào hứng truy tìm kiến thức. Các hoạt động thực hành được thiết kế đa dạng:

  • Các cuộc thi

  • Thuyết trình, hùng biện

  • Nghiên cứu khoa học

  • Trải nghiệm khu sinh thái, doanh nghiệp...

Thầy cô nên áp dụng các hình thức này tùy theo đặc điểm từng môn học  mang đến nhiều niềm vui, học mà chơi, chơi mà học.

Học sinh chăm chú theo dõi thí nghiệm khoa học với chuyên gia nước ngoài.

Giáo viên không còn là nguồn phát kiến thức một chiều và duy nhất. Họ trở thành người định hướng, điều phối các hoạt động. HSSV mới là chủ thể trong lớp học, chủ động, sáng tạo để hoàn thành nhiệm vụ được giao. 

4.2.Tăng khả năng ghi nhớ và áp dụng thực tế

Chìa khóa để học nhanh, nhớ lâu không phải là học trong nhiều giờ liền mà là học tập một cách hiệu quả. Các nghiên cứu chỉ ra con người sẽ ghi nhớ 75% kiến thức khi thực hành từ những gì đã học. Và con số sẽ lên đến 90% nếu sử dụng kiến thức ngay lập tức (hoặc dạy người khác).

Do đó việc học thông qua thực hành là cách hữu hiệu để ghi nhớ kiến thức một cách lâu dài.

Bên cạnh đó, phương pháp học thực hành này còn cho phép HSSV áp dụng kiến thức vào thực tế để giải quyết nhiều vấn đề, từ đó hình thành kỹ năng sáng tạo, biến kiến thức trở nên sống động và hữu ích. 

Hai cậu học trò Nguyễn Hữu Thực và Trần Hoàng Nguyên, học sinh lớp 11C4, Trường THPT Trường Chinh (huyện Ninh Sơn, tỉnh Ninh Thuận) - đã làm được điều đó khi chế tạo máy thu gom nông sản tự động. Nhờ áp dụng kiến thức vật lý, công nghệ và kỹ thuật tự học, cả hai đã tạo ra được sản phẩm hữu ích đối với người nông dân và đạt giải cao tại cuộc thi Khoa học - Công nghệ dành cho HSSV. 

Hữu Thực và Hoàng Nguyên bên sản phẩm của mình.

4.3. Học thực hành giúp HSSV rèn luyện nhiều kỹ năng quan trọng

Một lợi ích không thể không nhắc đến khi học thông qua thực hành là giúp HSSV rèn luyện nhiều kỹ năng quan trọng. Có thể kể đến như kỹ năng chuyên sâu về ngành nghề các em theo học, kỹ năng mềm, quản lý cảm xúc, giải quyết vấn đề,… 

Các sinh viên chuyên ngành Quản trị khách sạn của ĐH Phan Thiết thừa nhận rằng nếu không có chuyến đi thực tập tại Seahorse Resort & Spa, họ sẽ rất khó để có được sự cảm thông và thấu hiểu tâm lý khách hàng để có thể áp dụng tốt cho công việc sau này.

Nhờ việc trải nghiệm các dịch vụ ăn uống, nghỉ ngơi, học bằng thực hành ngay tại một môi trường du lịch uy tín, sinh viên ĐH Phan Thiết đã thu nạp được nhiều kiến thức hữu ích về chuyên ngành Quản trị khách sạn và lên kế hoạch trau dồi bản thân ngay từ bây giờ. 

Sinh viên ĐH Phan Thiết thực hành sắp xếp bàn ăn tại resort.

5. Các bước của học qua thực hành 

Học qua thực hành không phải vứt bỏ toàn bộ lý thuyết để chỉ lao vào thực hành. Đó là quá trình được chia thành 7 bước khoa học. Thiếu bất cứ bước nào, phương pháp này cũng sẽ trở nên kém hiệu quả hơn.  

Bước 1: Thu thập thông tin 

Tại bước này, HSSV sẽ chủ động, độc lập thu thập thông tin để biết về nội dung mình cần làm. 

Ví dụ, để học thực hành môn Vật lý thông qua cuộc thi lắp ráp mô hình nhà ở giữa các đội trong lớp, học sinh sẽ cần tự tìm hiểu trước các thông tin cơ bản về mạch điện, thiết kế bản vẽ, cách tính toán tiền mua nguyên vật liệu,… 

Giáo viên sẽ là người hướng dẫn người học các phương pháp tìm kiếm thông tin, cung cấp tài liệu nếu cần thiết. 

Bước 2: Lập kế hoạch làm việc 

Bước học thực hành tiếp theo, HSSV sẽ làm việc độc lập hoặc hợp tác theo nhóm để tự lập kế hoạch làm việc cho công việc của cá nhân hay của nhóm. Giáo viên cũng có thể là người đứng ta chia nhóm nếu thực sự cần thiết. 

Phương pháp học qua thực hành cần tuân theo 7 bước quan trọng.

Bước 3: Trao đổi chuyên môn với giáo viên

Sau khi phân công nhiệm vụ cho cá nhân trong nhóm hoặc xác định công việc cần làm, HSSV tiến hành trao đổi chuyên môn với giáo viên về lộ trình hoàn thành nhiệm vụ, chuẩn bi ̣các phương tiêṇ máy móc,…

Giáo viên sẽ hỗ trợ người học về kiến thức chuyên môn, kịp thời định hướng nếu có sai sót, cung cấp các phương tiện học tập nếu cần thiết. 

Bước 4: Thực hiện nhiệm vụ 

Bước này HSSV tự tổ chức lao động, trải nghiệm, thực hành để thực hiện nhiệm vụ của cá nhân hay của nhóm. Giáo viên chỉ là người quan sát và định hướng nếu cần.

Trong quá trình trải nghiệm này, người học cũng có thể tự đúc rút ra nhiều kiến thức, kinh nghiệm và kỹ năng.

Ở bước này, HSSV sẽ chủ động trải nghiệm, thực hành dựa trên kiến thức đã thu nạp từ trước.

Bước 5: Kiểm tra, đánh giá 

HSSV tự kiểm tra, đánh giá về nhiêṃ vụ được hoàn thành có đúng như nhiệm vụ đề ra ban đầu. 

Bước 6: Tổng kết, rút kinh nghiệm 

HSSV trao đổi chuyên môn với giáo viên để tổng kết kết quả đaṭ được, xác định những điểm nào cần phát huy, những điểm nào có thể cải tiến để làm tốt hơn cho lần sau.

Bước 7: Áp dụng kiến thức vào thực tế

Từ những kiến thức, kinh nghiệm rút ra được ở bước học thực hành thứ 6, HSSV tiến hành áp dụng vào giải quyết nhiều vấn đề trong cuộc sống có liên quan. Giáo viên luôn theo sát để hướng dẫn.  

Ở bước 7, HSSV sẽ tiến hành áp dụng kiến thức mới vào thực tế.

6. Ví dụ về học thực hành 

6.1.Ví dụ học qua thực hành ở tiểu học

Trong khuôn khổ chương trình Thí nghiệm cho bé do Sở GD-ĐT TP.HCM tổ chức, các bạn học sinh Tiểu học trong địa bàn thành phố đã được tự tay thực hiện nhiều thí nghiệm thú vị. 

Đầu tiên, học sinh sẽ được thầy cô hướng dẫn cách làm thí nghiệm, các đồ dùng thường thấy trong phòng thí nghiệm, kiến thức bài giảng và được giao nhiệm vụ về nhà tìm hiểu thông tin. 

Tại buổi thí nghiệm, các bạn được chia thành từng nhóm, phân nhiệm vụ và trao đổi với giáo viên nếu có những thắc mắc liên quan đến nội dung thí nghiệm. 

Các bạn học sinh Tiểu học đang thực hành thí nghiệm.

Tiếp đó, các nhóm tiến hành thực hiện những thí nghiệm của mình. Đầu tiên là thí nghiệm "Vitamin C" ở đâu?, các nhà “khoa học tí hon” cùng nhau tìm hiểu những thực phẩm nào trong đời sống hằng ngày, đặc biệt là rau và trái cây có chứa nhiều dưỡng chất này.

 Thông qua đó, học sinh sẽ hiểu vitamin C giúp ngăn ngừa các bệnh cảm cúm, tăng cường sức đề kháng cho cơ thể từ đó biết bảo vệ, chăm sóc sức khỏe cho bản thân.

Ở thí nghiệm thứ 2, có tên gọi là “Vớ đỏ”, học sinh tham gia theo từng cặp và quan sát quá trình vải bị lem màu. Thí nghiệm này cho thấy hóa chất có thể giúp ngăn màu nhuộm lan từ vải màu đậm sang vải màu sáng. Sau khi tổng kết, đánh giá cùng giáo viên hướng dẫn, các bạn học sinh đã biết cách để làm tăng giá trị của việc sử dụng nước, giảm tác động xấu đến môi trường.

6.2. Ví dụ học thực hành ở THCS

Tại Trường THCS Thượng Lâm, Mỹ Đức, Hà Nội, các em học sinh có những hình thức thực hành làm quen với môn hóa khá thú vị - tham gia các trò chơi. 

Ví dụ như trò chơi “Ô chữ hóa học” dựa theo format chương trình Chiếc nón kỳ diệu. Các câu đố, ô chữ được thầy cô hoặc chính các em thiết kế trên phần mềm MS.Powerpoint, Olympia crossword 4.0 hoặc Violet. 

Học sinh có thể học thực hành qua các trò chơi như giải ô chữ.

Lớp được chia thành các nhóm và thi với nhau. Câu hỏi sẽ xoay quanh kiến thức cũ hoặc mới, đòi hỏi các em phải chủ động tìm hiểu hoặc ôn luyện kiến thức. 

Hay các trò chơi như Tiếp sức, Đoán ý đồng đội, Ai là triệu phú hóa học, Ai nhanh hơn nào, trò chơi “Hóa học và đời sống”,...

Bên cạnh đó, các em cũng sẽ được thực hành thí nghiệm để làm sáng tỏ những vấn đề còn khúc mắc trong các trò chơi. 

6.3. Ví dụ học thực hành ở THPT

Chủ đề “Nguyễn Du và Truyện Kiều” là một đơn vị kiến thức lớn và trọng tâm trong chương trình Ngữ Văn 10. Một trường THPT ở Hà Tĩnh đã quyết định để học sinh thực hành tìm hiểu, nghiên cứu theo hình thức dự án khá mới mẻ. 

Theo đó, các bạn học sinh được thầy cô hướng dẫn làm việc theo các giai đoạn sau:

Giai đoạn 1: Thu thập thông tin và lên kế hoạch

Giáo viên lên danh sách nhóm và chia nhóm, phân công nhiệm vụ. Việc chia nhóm Có thể do học sinh tự thực hiện. Các nhiệm vụ học tập giáo viên có thể gia như: 

  • Nhóm nhà báo gồm phóng viên, biên tập viên 

  • Nhóm hướng dẫn viên 

  • Nhóm nghệ sĩ gồm họa sĩ, diễn viên; nhóm điều tra viên…

Giáo viên cũng có thể chuẩn bị tài liệu là sách, báo, tạp chí, video, phim, trang web… cho học sinh nếu cần.

Học sinh được hướng dẫn tự thành lập nhóm, lên kế hoạch, thu thập thông tin...

Giai đoạn 2: Trao đổi với giáo viên

Học sinh tự thiết kế chương trình, các phần việc cần làm. Sau đó, các em có thể thảo luận, trao đổi với giáo viên để thống nhất định hướng sản phẩm. Các sản phẩm có thể.là tập san, truyện tranh hoặc tập tranh, clip, kịch…

Giai đoạn 3: Học kỹ năng

Giáo viên giới thiệu cho học sinh các kỹ năng cần thiết để thực hiện dự án đáp ứng các mục tiêu đã đặt ra. Ví dụ kỹ năng Công nghệ thông tin: làm video, clip, làm broucher, photostory….; kỹ năng làm phiếu khảo sát và phỏng vấn thăm dò….

Học sinh được rèn luyện kỹ năng qua các nhiệm vụ như thuyết trình, phản biện trước lớp.

Giai đoạn 4: Trải nghiệm sáng tạo

Học sinh được thăm quan, trải nghiệm các khu di tích gồm: 

  • Nhà tư văn, nhà thờ Nguyễn Du 

  • Đàn tế và bia đá Nguyễn Quỳnh 

  • Nhà trưng bày

  • Khu lăng Văn Sự

  • Mộ Đại thi hào Nguyễn Du

  • Khu vườn cũ của Đại thi hào Nguyễn Du... 

Tại đây các em sẽ được quan sát  gần 1000 tài liệu, hiện vật, tiêu biểu như nghiên bút của Nguyễn Du.

Giáo viên cũng có thể hỗ trợ để các em được gặp gỡ nghệ nhân, nghệ sĩ sân khấu, hậu duệ của Nguyễn Du tại Hà Tĩnh. Các em sẽ được trực tiếp được nghe nghệ nhân biểu diễn và kể về tình yêu và niềm đam mê Truyện Kiều của người xưa. 

Những trường không thể đến tận nơi có thể xem sân khấu hóa Truyện Kiều trên Youtube: ngâm Kiều, hát ví Kiều, hát đố kiều, xẩm Kiều, kịch Kiều, chèo Kiều…

Giai đoạn 5: Kiểm  tra, đánh giá

Học sinh và giáo viên sẽ kiểm tra lại sản phẩm: Xem video, ấn phẩm thiết kế, truyện tranh, tập san… Thầy cô cũng có thể góp ý, định hướng chỉnh sửa nếu cần thiết.

Giai đoạn 6: Hoàn thành dự án và tổng kết

Học sinh nộp sản phẩm đã đăng ký ban đầu: 

  • Bài thu hoạch

  • Các bài cảm nhận

  • Bài phỏng vấn, bài phóng sự

  • Thơ, nhạc, thư pháp, tranh và biên tập thành tập san

  • Video, clip, sơ đồ tư duy 

  • Sản phẩm sân khấu như diễn trò Kiều, hát lẩy, ví, xẩm Kiều...

Giáo viên đánh giá dự án, rút ra những bài học kinh nghiệm, phát triển sản phẩm... Có hình thức khen thưởng và trao giải cho những sản phẩm tốt, đặc sắc.

Sau khi hình thức này được đưa vào áp dụng, học sinh Hà Tĩnh đã thêm yêu Truyện Kiều, hứng thú với việc học văn hơn. Các sản phẩm mà học sinh làm ra càng lúc càng đa dạng, sáng tạo thay vì chỉ rập khuôn kiến thức như cách học cũ. 

6.4. Ví dụ học thực hành ở Đại học

Một trong những trường Đại học có nhiều hoạt động khuyến khích sinh viên học qua thực hành là ĐH FPT thuộc FPT Edu. Tùy theo đặc thù từng chuyên ngành, sinh viên sẽ được giảng viên hướng dẫn thực hiện những hoạt động thực hành, trải nghiệm khác nhau. 

Với sinh viên ngành Truyền thông đa phương tiện, các bạn sẽ được trải nghiệm thực hành sớm thông qua bài tập trên lớp hoặc làm việc tại các cơ quan báo chí, truyền thông. Nhiều sinh viên sử dụng thành thạo các phần mềm phục vụ công việc truyền thông hiện đại như thiết kế, dựng phim… hoặc trở thành cộng tác viên cho các tòa soạn báo, công ty lớn ngay khi mới năm nhất, năm hai.  

Vừa học vừa thực hành giúp sinh viên ĐH FPT rèn luyện kiến thức và những kỹ năng hữu ích, có thể áp dụng vào công việc sau này.

Với sinh viên ngành Kỹ thuật phần mềm, các bạn thường xuyên được thực hành lập trình trong phòng lab với hệ thống máy tính hiện đại. Học qua dự án (Project Base Learning) được áp dụng để sinh viên có nhiều cơ hội tìm hiểu, làm quen với các dự án mô phỏng công việc của một lập trình viên thực thụ tại doanh nghiệp.

Ngoài học tập, sinh viên ĐH FPT thuộc FPT Edu còn được tham gia hơn 40 CLB và nhiều sự kiện ngoại khóa. Qua đó, các bạn có thể học hỏi những kỹ năng sống, trải nghiệm thử thách bản thân ở những vai trò khác nhau như tổ chức sự kiện, lo hậu cần, vận hành hoạt động CLB… Mỗi vai trò đem đến cho các sinh viên những bài học thực tế hữu ích, có thể ứng dụng trong cuộc sống. 

Những hoạt động học qua thực hành như trên đã mang đến những trải nghiệm thú vị cho HSSV, tạo cảm hứng, tăng sự ham hiểu biết, ham khám phá cho người học. Thông qua đó, HSSV biết cách áp dụng kiến thức sách vở vào đời sống. Để tìm hiểu thêm về những hoạt động học qua thực hành khác nữa, độc giả có thể truy cập tại đây.

(Nguồn ảnh: Internet, FPT Edu)

9243

Nhân vật