4 Trải nghiệm học văn hóa Việt Nam cho học sinh các cấp bổ ích nhất 2022
Trải nghiệm học văn hóa được coi là bài học phổ biến dành cho học sinh các cấp trong chương trình học tập tại trường. Cùng với sự phát triển của công tác giáo dục văn hóa truyền thống, những trải nghiệm học văn hóa Việt Nam cũng được đa dạng hóa với nhiều hoạt động phong phú, thú vị.
1. Trải nghiệm học văn hoá là gì?
Trải nghiệm học văn hóa là những hoạt động thực tế nhằm mục tiêu giáo dục về văn hóa truyền thống cho các đối tượng người học. Từ đó, không chỉ cung cấp kiến thức mà còn nuôi dưỡng tình yêu và mong muốn khám phá văn hóa Việt Nam ở các em.
Các hoạt động trải nghiệm học văn hóa rất đa dạng: tham quan di tích lịch sử, tìm hiểu về các giá trị văn hóa dân tộc thông qua các tiết học địa lý, lịch sử, âm nhạc, trực tiếp trải nghiệm qua các cuộc thi, bài tập thực hành…
Trải nghiệm học văn hóa có thể tiến hành theo quy mô, cấp độ như sau:
- Quy mô nhóm học sinh: bài thuyết trình, nghiên cứu…
- Quy mô lớp học: triển lãm văn hóa, tái hiện nét đẹp văn hóa dân tộc…
- Quy mô toàn trường: cuộc thi hiểu biết về văn hóa, cuộc thi nhạc cụ dân tộc, võ cổ truyền…
2. Tính cấp thiết của trải nghiệm học văn hoá Việt Nam
Xã hội hiện đại ngày càng phát triển, quá trình toàn cầu hóa ngày càng diễn ra mạnh mẽ khiến cho nhiều nét đẹp văn hóa bị biến tấu hoặc mờ nhạt trong một phận giới trẻ. Điều này không chỉ khiến nhiều bạn trẻ lớn lên mà không hiểu về đặc trưng văn hóa, thậm chí còn khiến văn hóa Việt Nam đứng trước nguy cơ bị lãng quên.
Từ lâu, học văn hóa được đưa vào chương trình giáo dục trong rất nhiều những môn học như ngữ văn, lịch sử, địa lý, và thậm chí là giáo dục công dân… Nhưng nếu chỉ truyền tải kiến thức văn hóa theo cách thức đơn thuần sẽ khiến người học không dễ dàng cảm thấy hứng thú. Thậm chí còn cảm thấy áp lực khi phải ghi nhớ những kiến thức xa xôi, khô cứng.
Chính bởi vậy, học văn hóa qua trải nghiệm là một cách thức tiếp cận hoàn toàn mới. Thông qua phương thức này, người học có thể tiếp cận một cách trực quan với những khái niệm, đặc trưng văn hóa. Nhờ vậy, văn hóa không còn là những khái niệm trừu tượng, xa vời mà trở nên gần gũi và hấp dẫn.
3. Top 4 hoạt động trong trải nghiệm học văn hoá bổ ích
Các hoạt động trong trải nghiệm văn hóa được tính toán và thiết kế cho phù hợp với từng độ tuổi, đối tượng người học. Ở mỗi một cấp học, các hoạt động trong trải nghiệm học tìm hiểu văn hóa lại có những đặc điểm riêng.
3.1. Hoạt động trải nghiệm học văn hoá cấp tiểu học
Học sinh tiểu học là đối tượng người học nhỏ tuổi nhất ở bậc giáo dục phổ thông. Ở độ tuổi này, các em đang hình thành và phát triển cả về mặt sinh lý, tâm lý, xã hội. Đặc biệt, tình cảm vẫn là một mặt rất quan trọng, gắn nhận thức với hoạt động của trẻ em. Tình cảm tích cực sẽ kích thích trẻ em nhận thức và thúc đẩy trẻ hoạt động.
Do vậy, chương trình học trải nghiệm văn hóa đối với học sinh cấp tiểu học chủ yếu hướng tới việc nuôi dưỡng tình yêu của các em đối với văn hóa. Tình cảm yêu thích, trân trọng được nuôi dưỡng sẽ là nguồn cội cho những mong muốn tìm hiểu và khám phá của các em sau này.
Chương trình trải nghiệm học văn hóa cấp tiểu học có thể được xây dựng dưới dạng các hoạt động như:
- Tham quan di tích lịch sử văn hóa của địa phương, quốc gia, dân tộc
- Trải nghiệm xem và biểu diễn văn hóa nghệ thuật
- Học về văn hóa trong các tiết học Tiếng Việt, cảm thụ âm nhạc, mỹ thuật, năng khiếu…
3.2. Hoạt động trải nghiệm học văn hoá cấp THCS
Học sinh THCS là các em đang ở lứa tuổi thiếu niên – giai đoạn đặc biệt trong quá trình phát triển của trẻ. Đây là thời kỳ quá độ từ tuổi thơ sang tuổi trưởng thành nên trẻ rất cần sự định hướng đúng đắn để có thể phát triển thuận lợi.
Đồng thời, đây cũng là thời kỳ diễn ra nhiều sự thay đổi về tâm sinh lý nên bất cứ một hoạt động giáo dục nào cũng cần sự khéo léo để đạt được hiệu quả phù hợp và tránh tác dụng ngược. Và những hoạt động trải nghiệm giáo dục về văn hóa cũng vậy.
Đối với học sinh cấp THCS, các hoạt động trải nghiệm học văn hóa đã có thể đa dạng hơn, với những mục tiêu phong phú hơn: Duy trì tình yêu đối với văn hóa Việt Nam, cung cấp kiến thức, kỹ năng xoay quanh chủ đề văn hóa cho người học, giúp đỡ người học áp dụng những kiến thức – kỹ năng đó vào cuộc sống…
Một số hoạt động trải nghiệm học văn hóa phù hợp với học sinh cấp THCS có thể kể đến:
- Thưởng thức nét đẹp văn hóa thông qua các tác phẩm nghệ thuật…
- Nghiên cứu các di tích văn hóa, thời kỳ văn hóa…
- Tái hiện văn hóa thông qua các hình thức biểu diễn sân khấu, trưng bày…
3.3. Hoạt động trải nghiệm học văn hoá cấp THPT
Học sinh ở cấp THPT là đối tượng học sinh nằm trong độ tuổi từ 14 đến 18 tuổi. Đây là thời kì kết thúc căn bản quá trình trưởng thành và phát triển của trẻ em về sinh lý và tâm lý. Ở giai đoạn này, năng lực trí tuệ, nhân sinh quan, thế giới quan lý tưởng và toàn bộ nhân cách của các em dần được hoàn thiện.
Trong giai đoạn này, giáo dục văn hóa đóng vai trò quan trọng trong việc quyết định trình độ hiểu biết, kỹ năng ứng dụng và thái độ, lựa chọn của các em đối với các vấn đề về văn hóa. Do vậy, một trong những mục tiêu quan trọng của trải nghiệm học văn hóa cấp THPT là giúp các em mở rộng hiểu biết, thành thạo kỹ năng đồng thời tự đưa ra những quyết định phù hợp khi đối diện với các vấn đề về văn hóa.
Đối với học sinh cấp THPT, có thể áp dụng một số hoạt động trải nghiệm học văn hóa như:
- Nghiên cứu các chuyên đề về văn hóa
- Tái hiện văn hóa thông qua các hình thức biểu diễn sân khấu
- Ứng dụng những hiểu biết về văn hóa vào các sản phẩm học tập và đời sống
- Đề xuất các dự án giữ gìn và phát huy văn hóa Việt Nam
- Xử lý các tình huống liên quan đến vấn đề văn hóa, tranh chấp văn hóa
Đây cũng là những hoạt động trải nghiệm thường thấy của học sinh phổ thông FPT Edu. Những hoạt động này được lồng ghép trong các tiết học văn hóa mà tiêu biểu là các giờ Ngữ văn. Học sinh THPT FPT thuộc FPT Edu được nghiên cứu về những phong tục truyền thống xuất hiện trong tác phẩm, được tái hiện lại tác phẩm thông qua các hình thức biểu diễn sân khấu như đóng kịch, hát, rap…
Nhờ những trải nghiệm thực tế và thú vị này, học sinh hiểu hơn về văn hóa Việt Nam cũng như yêu thích hơn các môn học văn hóa.
Bên cạnh đó, học sinh THPT FPT thuộc FPT Edu cũng được trải nghiệm nhiều hoạt động văn hóa thông qua các thuộc thi năng khiếu như cuộc thi thiết kế đồ họa FPT Edu Color Up với chủ đề "Nguồn", cuộc thi nhạc cụ dân tộc FPT Edu Tích Tịch Tình Tang, hay cuộc thi võ Vovinam – Cóc Vương…
Thông qua việc kết nối, đan xen giữa những bộ môn năng khiếu, chuyên môn của người trẻ với văn hóa, những trải nghiệm cuộc thi tại FPT Edu đã thành công trong việc hướng người học tới việc tìm hiểu và ứng dụng văn hóa vào thực tế.
3.4. Hoạt động trải nghiệm học văn hoá cho sinh viên
Sinh viên trước hết là đối tượng mang đầy đủ đặc điểm của một người trưởng thành, nhưng họ cũng có những đặc trưng riêng của người trẻ: dễ thay đổi, chưa định hình rõ rệt về nhân cách, yêu thích các hoạt động giao tiếp, có tri thức và đang trong quá trình được đào tạo về chuyên môn.
Sinh viên cũng là những người có chính kiến, có đánh giá, nhận định riêng của bản thân nhưng cũng dễ nhạy cảm với các vấn đề chính trị - xã hội. Do vậy, những hoạt động trải nghiệm văn hóa cho sinh viên thường mang mục tiêu củng cố tư tưởng, thái độ của người học đối với văn hóa.
Các hoạt động trải nghiệm học văn hóa phù hợp đối với sinh viên có thể kể đến:
- Sự kiện giao lưu văn hóa
- Các cuộc thi có yếu tố văn hóa
- Đề xuất và thực hiện các dự án giữ gìn và phát huy văn hóa Việt Nam
4. Kinh nghiệm tổ chức trải nghiệm học văn hoá cho học sinh các cấp
Văn hóa là một chủ đề rộng và khá nhạy cảm. Vậy nên việc tổ chức trải nghiệm học văn hóa cho học sinh các cấp cũng cần nhiều sự đầu tư, tìm hiểu.
4.1. Kinh nghiệm tổ chức trải nghiệm học văn hoá cấp tiểu học
Đối tượng học sinh tiểu học là đối tượng mà giáo dục cần sự trực quan, thực tế, dễ hiểu, dễ thực hành. Do vậy, tổ chức học trải nghiệm văn hóa cấp tiểu học cần đặc biệt lưu ý một số yếu tố sau đây:
- Nên lồng ghép học văn hóa vào các môn học bắt buộc khi có điều kiện phù hợp: bởi điều này không chỉ giúp các môn học trên lớp trở nên thú vị hơn mà còn khiến trải nghiệm học văn hóa không trở thành một gánh nặng được thêm vào chương trình học đối với cả cô và trò.
- Ưu tiên học qua những trải nghiệm văn hóa thực tế và trực quan: Đó có thể là những trải nghiệm mà các em có thể thấy trong cuộc sống hàng ngày như đi chùa đầu năm, chuẩn bị mâm ngũ quả ngày Tết, thờ cúng tổ tiên, thắp hương vào ngày rằm và mùng một…
- Không nên tổ chức quá dày với khối lượng kiến thức quá lớn: Là một nội dung giáo dục quan trọng, nhưng không nên ôm đồm, đưa quá nhiều kiến thức vào một bài học, hoặc tổ chức trải nghiệm với tần suất quá dày, dễ gây tác dụng ngược.
4.2. Kinh nghiệm tổ chức trải nghiệm học văn hoá cấp THCS
Ở độ tuổi THCS, học sinh thường có sự nhạy cảm về mặt tâm sinh lý. Nên trong bất cứ một hoạt động giáo dục nào, bao gồm cả trải nghiệm học văn hóa, giáo viên cũng cần khéo léo để các em có thể tiếp nhận một cách chủ động, tránh tác dụng ngược.
Giáo viên có thể lưu ý một số yếu tố sau khi tổ chức học trải nghiệm văn hóa cho học sinh cấp THCS:
- Lưu ý đến vấn đề sở thích của học sinh trước khi lựa chọn hoạt động trải nghiệm: Điều này sẽ giúp các em chủ động trong việc tìm hiểu, học hỏi và trải nghiệm, tránh những tình huống miễn cưỡng, ép buộc.
- Chú ý khơi gợi sự hứng thú trong suốt quá trình trải nghiệm: Độ tuổi THCS, các em học sinh dễ thích nhưng cũng dễ nản. Vậy nên giáo viên cần khơi gợi hứng thú trong suốt quá trình trải nghiệm để các em có đủ kiên trì hoàn thành hoạt động.
- Tôn trọng ý kiến cá nhân, định hướng bằng cách thảo luận công bằng, không ép buộc: Ở độ tuổi THCS, các em vẫn còn đang phát triển cả về tâm, sinh lý nên thường bộc lộ cá tính khá mạnh mẽ. Việc tôn trọng ý kiến cá nhân, trao cơ hội bày tỏ quan điểm sẽ là cách giúp các em cảm thấy được coi trọng và giữ vị trí quan trọng trong hoạt động trải nghiệm.
4.3. Kinh nghiệm tổ chức trải nghiệm học văn hoá cấp THPT
Ở độ tuổi THPT, các em học sinh đã có những hiểu biết và quan điểm nhất định về văn hóa. Vậy nên giáo viên cần chú ý tới hình thức hoạt động trải nghiệm để đem đến cho các em những trải nghiệm vừa sức và đủ hứng thú
- Giáo viên cần cho các em nhiều không gian hơn, nhiều nhiệm vụ hơn để tìm tòi, khám phá. Điều này sẽ phù hợp hơn với độ tuổi và nhận thức của học sinh THPT.
- Tạo điều kiện cho các em tham gia trải nghiệm việc tổ chức một sự kiện văn hóa sẽ là một cách để các em hào hứng và có trách nhiệm hơn với chủ đề "văn hóa". Hoạt động trải nghiệm này cũng trở thành hoạt động mà cả cô và trò cùng thực hiện và trải nghiệm.
- Sau trải nghiệm, giáo viên cũng cần khái quát lại những kiến thức tổng quát để đảm bảo người học tiếp thu được nội dung, đồng thời tránh những biến tướng không đáng có về văn hóa trong quá trình trải nghiệm.
4.4. Kinh nghiệm tổ chức trải nghiệm học văn hoá cho sinh viên
Các hoạt động trải nghiệm tìm hiểu văn hóa có thể tổ chức cho sinh viên khá đa dạng. Bởi đây là đối tượng đã có nhiều kỹ năng và trưởng thành về mặt nhận thức. Tuy nhiên, điều này cũng đặt ra những thách thức cho giáo viên trong việc định hướng, quản lý.
Một số lưu ý cho giáo viên trong việc tổ chức học trải nghiệm văn hóa cho sinh viên:
- Chú trọng việc định hướng: Người học ở độ tuổi sinh viên đã có đủ nhận thức trong các hoạt động, nhưng cũng chưa kiên định, rất dễ bị ảnh hưởng bởi những yếu tố bên ngoài. Do vậy, việc để sinh viên tự do tìm hiểu, tổ chức các sự kiện văn hóa rất cần sự theo sát và định hướng từ phía giáo viên.
- Trao cơ hội và trao quyền: Ở bậc cao đẳng, đại học, vai trò của giáo viên trong trải nghiệm học văn hóa thường lui về người định hướng và hỗ trợ. Như vậy có nghĩa là, sinh viên sẽ được trao cơ hội và trao quyền tổ chức các hoạt động trải nghiệm văn hóa phù hợp với lộ trình học và chủ đề bài học.
- Luôn khơi gợi tình yêu và mong muốn phát huy văn hóa nơi sinh viên: Đây là cái đích cao nhất mà một người giáo viên dạy về văn hóa hướng đến và là thành công tuyệt vời nhất của giáo dục. Tuy nhiên, điều này cần sự kiên trì của cả giáo viên và sinh viên thông qua từng hoạt động trải nghiệm.
Trong sự phát triển của xã hội hiện đại, việc giáo dục văn hóa là một nội dung vô cùng cần thiết cho giới trẻ. Cùng với việc dạy kiến thức, chú trọng tới những hoạt động trải nghiệm học văn hóa cũng là một cách thức tuyệt vời để tạo nên một thế hệ trẻ tiến bộ nhưng vẫn mang vẻ đẹp của văn hóa dân tộc.
Xem thêm những trải nghiệm học tập thú vị khác tại đây
Ảnh: Internet, FPT Edu