Trải nghiệm FPT Edu

Trải nghiệm sáng tạo môn Lịch sử trong trường học Việt Nam

01/09/2021
seo
11469

Trải nghiệm sáng tạo môn Lịch sử là phương pháp học tập đang được đẩy mạnh thực hiện tại trường học. Qua đó, học sinh có cơ hội phát huy năng lực qua việc “học đi đôi với hành”, học để giải quyết các vấn đề thực tiễn trong cuộc sống.

1. Thế nào được gọi là học trải nghiệm sáng tạo môn lịch sử?

Học trải nghiệm sáng tạo môn Lịch sử là hoạt động giáo dục đổi mới trong trường phổ thông. Dưới sự hướng dẫn của giáo viên, học sinh được chủ động khám phá kiến thức không chỉ trong sách vở với các hình thức đa dạng. Việc này giúp giảm bớt áp lực học tập, hình thành những phẩm chất tốt đẹp và phát triển năng lực chung cũng như năng lực chuyên biệt cho học sinh.

Hoạt động trải nghiệm sáng tạo của học sinh THCS Trần Can (Điện Biên) tại khu di tích lịch sử Mường Phăng.

2. Tính cấp thiết của việc học trải nghiệm sáng tạo môn lịch sử

Lịch sử có vai trò đặc biệt quan trọng trong việc giáo dục, hình thành nhân cách, lòng yêu nước cho học sinh. Dù vậy, môn học này lại không được nhiều học sinh yêu thích, thường bị xếp vào nhóm “môn phụ, học thuộc lòng”. Nguyên nhân là do phương pháp giảng dạy mang tính một chiều, khối lượng kiến thức lớn nhưng chưa đa dạng về hình thức truyền tải. 

Tổ chức việc học trải nghiệm sáng tạo môn Lịch sử là việc làm cấp thiết, góp phần cụ thể hoá, làm sinh động kiến thức môn học. Qua đó, học sinh được học tập trong môi trường thực tiễn, trực tiếp tham gia các hoạt động để khám phá và chiếm lĩnh kiến thức. 

“Phiên tòa quốc tế xét xử tội ác chiến tranh của Mỹ tại Việt Nam” được sân khấu hóa với sự “nhập vai” xuất sắc của các học sinh THPT Đông Đô. 

3. Lợi ích của việc học trải nghiệm sáng tạo môn lịch sử 

Nhiều trường học đã áp dụng phương pháp học trải nghiệm sáng tạo trong các giờ học chính khóa, hoạt động ngoại khóa và đạt được những kết quả tích cực.

3.1. Ghi nhớ kiến thức dễ dàng hơn

Ghi nhớ khối lượng kiến thức lớn từ lịch sử thế giới tới lịch sử Việt Nam luôn là điều không dễ dàng với bất kỳ học sinh nào. Khối lượng kiến thức lớn kéo dài từ quá trình hình thành trái đất sơ khai tới xã hội hiện đại, mỗi giai đoạn lịch sử có hàng nghìn cột mốc thời gian, nhân vật, sự kiện xảy ra,... Điều này đặt ra bài toán cho giáo viên trong việc truyền tải kiến thức sao cho dễ hiểu và học sinh trong việc hiểu sâu, nhớ lâu.  

Phương pháp học trải nghiệm sáng tạo môn lịch sử đã góp phần giải quyết bài toán trên. Giáo viên có thể thay đổi cách dạy môn lịch sử sinh động hơn thông qua các bộ phim hay hoạt động nhập vai,... trong các tiết học.  

Thông qua các bộ phim, sự kiện lịch sử được tái hiện chân thực bằng âm thanh, hình ảnh trực quan nên ghi nhớ tốt hơn so với việc đọc những câu chuyện kể lại trong sách vở. Hay với các hoạt động nhập vai (diễn kịch), học sinh có cơ hội đặt mình vào bối cảnh lúc bấy giờ, suy nghĩ bằng quan điểm của nhân vật,… Từ đó, các em có thể nắm rõ bản chất của sự việc, không coi việc học như gánh nặng, tiếp nhận với niềm yêu thích thì hiệu quả học tập cũng tăng cao.

Học sinh khối lớp 6, 7 của trường THCS Nam Hải trải nghiệm thực tế tại Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn. Các em có cơ hội tìm hiểu sâu hơn về lịch sử địa phương và phát triển các kỹ năng cần thiết trong sinh hoạt tập thể.

3.2. Phát huy tính sáng tạo

Với các hình thức tổ chức đa dạng như sân khấu hóa, kể chuyện bằng tranh, đi thực tế… học sinh có cơ hội vận dụng và phát triển tư duy sáng tạo. 

Chẳng hạn hình thức diễn kịch lịch sử, học sinh được tự mình xây dựng kịch bản, lên ý tưởng thực hiện, chuẩn bị đạo cụ, phân công công việc… Hay hoạt động thuyết trình về nhân vật lịch sử, rất nhiều học sinh đã triển khai qua cách làm độc đáo như thiết kế profile Facebook, quay vlog kể chuyện, dựng video mutex và phát triển trên nền tảng Tiktok...  

Khi tiếp cận với nội dung học tập mang tính thực tiễn cao như vậy, các em sẽ nhận thấy luôn có nhiều giải pháp khác nhau cho mỗi tình huống, mỗi vấn đề cần giải quyết. Học sinh còn được khuyến khích tìm kiếm, đưa ra giải pháp độc đáo của riêng mình trong các nhiệm vụ được giao khi tham gia các tiết học lịch sử.

4. Các hoạt động học trải nghiệm sáng tạo môn lịch sử

Tổ chức hoạt động học trải nghiệm sáng tạo môn Lịch sử được tiến hành với nhiều hình thức phong phú. Nó có thể diễn ra ngay tại lớp học hay thông qua hoạt động ngoại khóa. 

4.1 Kể chuyện lịch sử bằng tranh

Kể chuyện lịch sử bằng tranh là hoạt động tái hiện lại một sự kiện lịch sử dưới dạng hình vẽ. Ở dạng cơ bản, học sinh có thể tự tạo ra các sơ đồ cây (sơ đồ tư duy) hoặc sử dụng tư duy và khiếu thẩm mỹ để vẽ lại các nhân vật, mô phỏng các sự kiện.

Ở hoạt động này, học sinh sẽ được chia thành các nhóm và tìm kiếm tài liệu về chủ đề được giao thông qua sách giáo khoa, mạng internet… Sau đó, các nhóm sẽ kể lại câu chuyện lịch sử dưới dạng tranh vẽ, ảnh cùng thông tin minh họa và trình bày trước lớp.

Với chủ đề “Các nhân vật lịch sử Việt Nam trong thời kỳ Bắc thuộc”, học sinh khối 6, THCS Trung Nghĩa (Hưng Yên) đã tìm kiếm thông tin, hình ảnh và tái hiện lại câu chuyện của nữ tướng Hai Bà Trưng.

Với mỗi chủ đề, học sinh không chỉ nắm được kiến thức cơ bản của môn Lịch sử mà còn biết vận dụng kiến thức các môn Địa lí, GDCD, Mĩ thuật để tiếp thu bài học. Điều này giúp các em củng cố, nâng cao khả năng kết hợp và linh hoạt vận dụng kiến thức đã học vào các tình huống học tập thực tiễn. 

Ví dụ với chủ đề “Các nhân vật lịch sử Việt Nam trong thời kỳ Bắc Thuộc”, học sinh khối 6 Trường THCS Trung Nghĩa (Hưng Yên) đã chia thành các nhóm, cùng nhau vẽ tranh, sưu tầm ảnh để tái hiện nhân vật, bối cảnh lịch sử.

Kể chuyện lịch sử bằng tranh giúp khơi gợi, kích thích khả năng sáng tạo cho học sinh, giúp hoạt động học tập môn lịch sử trở nên nhẹ nhàng mà hiệu quả hơn. 

Việc chủ động tìm kiếm, xử lý và thuyết minh các thông tin giúp học sinh cảm nhận được công lao dựng nước của các nhân vật lịch sử Việt Nam. Từ đó, học sinh thể hiện những suy nghĩ, thái độ, việc làm cụ thể đối với việc giữ gìn, bảo vệ di tích lịch sử, xây dựng quê hương đất nước

4.2 Tổ chức các trò chơi kiến thức lịch sử

Với đặc trưng của bộ môn lịch sử, ở mỗi khối lớp các thầy cô giáo có thể xây dựng được một hệ thống trò chơi phong phú, đa dạng với nhiều tên gọi khác nhau, mục đích khác nhau. Hình thức tổ chức trò chơi thể vận dụng cho 1 tiết bài tập lịch sử, ngoại khóa, câu lạc bộ hoặc áp dụng để GV có thể củng cố bài học. Sau đây là một số trò chơi có thể vận dụng:

  • Điền sơ đồ trống: Giáo viên chuẩn bị trước sơ đồ trống để học sinh điền nội dung. Trò chơi này dễ dàng áp dụng đối với các bài có liên quan tới tổ chức bộ máy nhà nước, đặc biệt là chương trình lịch sử 10.
  • Điền lược đồ trống: Giáo viên chuẩn bị lược đồ, sơ đồ trống trước hoặc nhà trường có sơ đồ không màu để học sinh điền kí hiệu của một chiến dịch, một cuộc khởi nghĩa.

Trò chơi lịch sử giúp bầu không khí lớp học trở nên sôi động hơn, giảm bớt áp lực học tập và tăng khả năng ghi nhớ kiến thức cho học sinh.

  • Ô chữ bí mật: Giáo viên chuẩn bị hệ thống các ô trống theo chủ đề (nhân vật, cụm từ tiêu biểu….). Học sinh tìm các chữ cái thích hợp để điền vào ô trống đã cho theo yêu cầu.
  • Theo dòng lịch sử: Trò chơi này dùng vào các tiết ngoại khóa, các tiết làm bài tập lịch sử để học sinh có điều kiện chuẩn bị và có thời gian thích hợp cho khâu tổ chức. Giáo viên chọn theo chủ đề lịch sử đã được học trước đó để học sinh tìm hiểu kĩ hơn. Trò chơi có thể áp dụng sau khi học xong một chương, một giai đoạn lịch sử.
  • Ai là người nhớ sự kiện, nhân vật lịch sử nhiều nhất: Giáo viên có thể áp dụng đối với các tiết làm bài tập lịch sử, các tiết ngoại khóa, phạm vi áp dụng được ở tất cả các khối lớp. Tuy nhiên, trò chơi này áp dụng phù hợp nhất sau khi học xong một giai đoạn lịch sử, một triều đại phong kiến, một hình thái cách mạng…

Tại trường THPT Trần Văn Giàu (TP. Hồ Chí Minh), các bạn học sinh lớp 10 được tiếp xúc với game Lịch sử dưới dạng hỏi đáp. Khoảng 200 câu hỏi từ dễ đến khó được trình bày dưới dạng trắc nghiệm. Nếu người chơi trả lời đúng thì mới vượt được chướng ngại vật và chơi tiếp. Game có thể sử dụng được trên máy tính hoặc trên điện thoại hệ điều hành Android. 

Game Lịch sử là công trình nghiên cứu của 2 học sinh mê lịch sử - Cao Tấn Sang và Trương Sử Khôi Nguyên - đã đạt giải Nhất cuộc thi cuộc thi Khoa học kỹ thuật dành cho học sinh trung học (do Sở GD-ĐT TP.HCM tổ chức giữa tháng 1-2017).

4.3 Hoạt động các trải nghiệm các nhân vật lịch sử dưới hình thức sân khấu hóa 

Hoạt động các trải nghiệm các nhân vật lịch sử dưới hình thức sân khấu hóa còn gọi là học Lịch sử thông qua kịch. Học sinh có thể xem các tiết mục kịch về nhân vật, sự kiện lịch sử hoặc tham gia nhập vai để thể hiện một nội dung lịch sử quan trọng. Hoạt động này giúp các em rèn luyện kỹ năng làm việc nhóm, xử lý tình huống, hiểu và yêu lịch sử dân tộc.

Học sinh Tiểu học Lộc Thọ (Nha Trang) thích thú xem vở kịch “Anh hùng Thánh Gióng”.

Hướng tới mục tiêu sinh động hoá môn lịch sử, CLB Lịch sử Trường THPT chuyên Lý Tự Trọng (Cần Thơ) đã tổ chức chương trình "Dấu ấn thời gian" với chủ đề "Anh hùng đất Việt". 

Các bạn học sinh có cơ hội hóa thân vào những nhân vật lịch sử như: Trần Quốc Toản, công chúa An Tư, Nguyễn Trãi, vua Quang Trung, chị Võ Thị Sáu,… để hiểu thêm về bối cảnh lịch sử, ý chí, tinh thần của dân quân ta thời trước.

Học sinh Trường THPT chuyên Lý Tự Trọng diễn vở "Nỗi lòng công chúa An Tư".

4.4 Tham quan các di tích lịch sử, bảo tàng

Tham quan các di tích lịch sử, bảo tàng là cách để học sinh “gặp lịch sử trực tiếp”. Những di tích, di vật sống cùng thời gian sẽ giúp các bạn hình dung được bối cảnh lịch sử, những sự kiện đã diễn ra, những con người đã kiên cường chiến đấu,… 

Trong không gian các khu di tích, học sinh được lắng nghe hướng dẫn viên kể lại câu chuyện gắn liền với các di tích, di vật. Đó có thể là quá trình hình thành công cụ bằng đá, những nền văn hóa được ghi dấu trên Trống đồng Đông Sơn,… Đồng thời, các em cũng được hướng dẫn ghi chép, chụp ảnh, quay video… để làm báo cáo sau khi buổi tham quan kết thúc.

Hoạt động này không chỉ giúp học sinh mở rộng vốn kiến thức mà còn để các bạn hiểu rõ về một thời oanh liệt của dân tộc, biết trân trọng công lao của thế hệ cha anh. Đây cũng là cơ hội cho các em nhận thức sâu sắc hơn về trách nhiệm của bản thân với quê hương đất nước.

Buổi tham quan, trải nghiệm Lịch sử tại Cổ Loa của học sinh Trường THCS Ngoại ngữ (Hà Nội) gắn với bài học Nhà nước Âu Lạc (Lịch sử 6) và Truyền thuyết về An Dương Vương và Mị Châu, Trọng Thủy (Ngữ văn 6)

Phương pháp “Sử dụng di sản văn hóa tiêu biểu tại địa phương trong dạy học Lịch sử trong các trường phổ thông” đang được Trường THPT số 2 Bảo Thắng (Lào Cai) triển khai. Trong chuyến tham quan Đền Thượng, Đền Mẫu, Bảo tàng tỉnh Lào Cai và cột mốc biên giới Việt- Trung, các bạn học sinh vừa được nghe câu chuyện lịch sử, vừa được quan sát các di tích, di vật được trưng bày. Sau đó, các bạn học sinh chia thành từng nhóm và cùng nhau tổng hợp thông tin theo hướng dẫn của giáo viên. 

Thông qua buổi tham quan cùng những thông tin mà chính mình đã tự tìm hiểu và chắt lọc, học sinh sẽ phần nào thay đổi thái độ đối với môn học Lịch sử cũng như nâng cao ý thức, trách nhiệm bảo vệ giá trị văn hóa người xưa để lại.

5. Trải nghiệm học sáng tạo môn lịch sử tại FPT Edu

Trải nghiệm học sáng tạo môn Lịch sử hiện đang được triển khai tại các trường học trên toàn quốc, đặc biệt là các đơn vị giáo dục phát triển theo mô hình trường học trải nghiệm như FPT Edu. Các trường Tiểu học, THCS, THPT FPT thuộc FPT Edu đã áp dụng nhiều phương pháp dạy và học sáng tạo để giúp môn lịch sử trở nên gần gũi và dễ hiểu, dễ nhớ hơn đối với các bạn học sinh:

5.1. “Bất tử cùng lịch sử” 

“Bất tử cùng lịch sử” là phương pháp dạy và học trải nghiệm sáng tạo ứng dụng công nghệ tại Trường THPT FPT Hòa Lạc. Giờ học thường bắt đầu bằng một trò chơi trên ứng dụng Quizlet. Học sinh sẽ trả lời câu đố liên quan tới Anh, Pháp, Mỹ – những quốc gia từng diễn ra các cuộc cách mạng tư sản tiêu biểu để được gợi lại kiến thức từ tiết học cũ và hào hứng tiếp nhận kiến thức mới.

Từ kiến thức mới tới các bài tập đều được xây dựng thành “nhiệm vụ” cho học sinh tự mình chinh phục.

Ngoài tham khảo trong sách giáo khoa và ghi chép bài theo cách truyền thống, học sinh được tự do nghiên cứu tài liệu thông qua các ứng dụng trên máy tính. Bên cạnhđó, các bạn còn được thực hiện nhiệm vụ thiết kế poster, sách truyện về một chủ đề lịch sử cụ thể cho từng nhóm học sinh. Mỗi nhóm sẽ tự tạo ra sản phẩm xoay quanh một nhân vật, sự kiện lịch sử bất kỳ bằng các thao tác chèn text, hình ảnh...

Phương pháp này giúp học sinh có sự chủ động hơn trong việc tiếp nhận kiến thức, còn giáo viên có thể theo dõi được toàn bộ quá trình học tập của học sinh không chỉ thông qua thành quả sau cùng.

5.2. Triển lãm và thuyết trình về mô hình biển đảo 

Triển lãm và thuyết trình về mô hình biển đảo là phương pháp trải nghiệm môn Lịch sử được các bạn học sinh lớp 10 Trường THPT FPT Cần Thơ yêu thích. 

Dự án xây dựng mô hình biển đảo Việt Nam do chính tay học sinh thực hiện đã xóa đi rào cản của môn Lịch sử và phát huy tư duy sáng tạo, tinh thần làm việc nhóm cũng như ý thức bảo vệ biển đảo Việt Nam.

Trải nghiệm sáng tạo môn Lịch sử giúp học sinh giảm tải áp lực học bài, phát huy năng lực tìm tòi và tinh thần làm việc nhóm.

Học sinh được chia làm 33 nhóm, mỗi nhóm gồm 4 - 5 thành viên và tìm hiểu kiến thức Lịch sử Việt Nam từ thời kỳ khai sơ đến giữa thế kỉ XIX. Từ đó, các bạn sẽ thu thập, khai thác thông tin và thảo luận nhóm để xác định đề tài biển đảo của đất nước tại thời kỳ lịch sử mà mình lựa chọn. 

Tại buổi triển lãm, mỗi nhóm sẽ cử đại diện để thuyết minh về mô hình của mình và khẳng định chủ quyền biển đảo của Việt Nam qua từng thời kỳ lịch sử. Qua đó, học sinh có cơ hội nâng cao các kỹ năng mềm, vận dụng và tiếp thu kiến thức một cách hiệu quả hơn khi tự tay cùng nhau hoàn thành sản phẩm. 

Đồng thời, đây cũng là một hình thức giảng dạy có ý nghĩa nhằm nâng cao nhận thức trách nhiệm của mỗi học sinh về chủ quyền biển đảo mà Bộ môn Lịch sử mong muốn truyền tải.

Học sinh được khuyến khích sử dụng các loại chất liệu tái chế nhằm nâng cao ý thức bảo vệ môi trường, hướng đến sự phát triển bền vững trong định hướng giáo dục và giảng dạy.

Tổ chức các hoạt động dạy và học sáng tạo môn lịch sử là điều kiện để học sinh bộc lộ khả năng, tinh thần tích cực, chủ động, sáng tạo và thay đổi cách nhìn nhận trong quá trình chiếm lĩnh kiến thức lịch sử. Để tìm hiểu thêm thông tin về phương pháp trải nghiệm sáng tạo môn lịch sử, bạn có thể xem tại đây.

(Nguồn ảnh: Internet, FPT Edu)

11469

Nhân vật