3+ hoạt động trải nghiệm thực tế các ngành nghề cho HSSV bổ ích
Trải nghiệm thực tế các ngành nghề cho HSSV là cách để học sinh, sinh viên có những hình dung rõ ràng nhất về công việc mình sẽ học và làm sau này. Bài viết dưới đây sẽ chỉ ra 3+ hoạt động trải nghiệm thực tế các ngành nghề cho học sinh sinh viên và cách trải nghiệm những hoạt động này hiệu quả nhất.
1. Ý nghĩa của trải nghiệm thực tế các ngành nghề cho HSSV
Đối với học sinh: Thông thường, các trường học sẽ tổ chức các buổi định hướng nghề nghiệp, hội thảo việc làm với sự tham gia của những diễn giả giàu kinh nghiệm. Diễn giả sẽ chia sẻ những kiến thức, kỹ năng liên quan đến vị trí công việc mà học sinh quan tâm, giải đáp tất cả thắc mắc liên quan để học sinh có nhiều thông tin hơn trước khi đưa ra quyết định lựa chọn ngành nghề, đồng thời động lực để con theo đuổi đam mê, hoài bão.
- Đối với sinh viên:
Trải nghiệm thực tế các ngành nghề đối với sinh viên chính là hoạt động thực tập vào cuối năm thứ 3 hoặc năm 4. Thời gian thực tập là cơ hội để sinh viên áp dụng những kiến thức trong nhà trường vào môi trường làm việc thực tiễn. Sinh viên sẽ có cơ hội trực tiếp tham gia vào các dự án phù hợp với năng lực, giúp hoàn thiện kỹ năng, năng lực mà còn mở ra cơ hội việc làm sau khi tốt nghiệp.
- Đối với giáo dục:
Phát triển chương trình trải nghiệm thực tế ngành nghề là cách để ngành giáo dục đào tạo nên những nhân sự không chỉ vững lý thuyết mà còn biết tay nghề, đáp ứng được những yêu cầu về nhân sự ngày càng khắt khe của các doanh nghiệp.
2. Hoạt động trải nghiệm thực tế các ngành nghề cho HSSV
2.1. Hội thảo hướng nghiệp
Việc chọn ngành, chọn nghề có ý nghĩa quyết định đến tương lai của mỗi người, song ở độ tuổi thiếu niên, học sinh dễ bị tác động bởi nhiều yếu tố khác nhau, dẫn đến việc lựa chọn ngành nghề chưa thật phù hợp với năng lực và sở thích của bản thân. Khi đó, các hội thảo hướng nghiệp sẽ là bước đệm quan trọng giúp các bạn xác định sở thích sở trường cũng như năng lực của mình phù hợp với ngành nghề nào.
Tham gia các hội thảo này, học sinh sinh viên và cả phụ huynh các em sẽ được các chuyên gia giáo dục tư vấn những thông tin cần thiết, ví dụ:
- Thị trường tuyển dụng
- Nhu cầu và yêu cầu nhân sự trong thời đại mới
- Hệ thống ngành nghề tại các trường, nhóm ngành thế mạnh của từng trường
- Hình thức xét tuyển…
Đây là những thông tin thực sự bổ ích giúp học sinh sinh viên có thể dễ dàng phân loại và định hướng dựa trên khả năng cũng như sự yêu thích của mình. Một số hội thảo hướng nghiệp mà học sinh sinh viên có thể tham khảo và đăng ký tham gia như:
2.1.1. Hội thảo hướng nghiệp ''Định hướng làm chủ cuộc đời''
Đây là hoạt động được tổ chức bởi Trường THPT Chuyên Thăng Long (Lâm Đồng), nhằm hỗ trợ học sinh định hướng nghề nghiệp tương lai, xác định được mục tiêu dài hạn và ngắn hạn và lộ trình thực hiện để đạt được mục tiêu.
Tham gia chương trình, các bạn học sinh sẽ được tìm hiểu về:
- Tầm quan trọng của việc chọn nghề
- Hậu quả khó lường của việc chọn sai nghề
- Khám phá hướng đi đúng ở tuổi 18, làm sao để chọn đúng ngành nghề, đúng trường, sống có hoài bão và có ước mơ ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường…
2.1.2. Hội thảo hướng nghiệp “Hiểu đúng, quyết định đúng”
Đây là hội thảo được tổ chức bởi Trường ĐH FPT Đà Nẵng (FPT Edu), hướng đến đối tượng tham gia là các bạn học sinh lớp 12. Đến với hội thảo, các bạn học sinh sẽ có cơ hội tìm hiểu về ngành học, xu hướng việc làm trong tương lai; dự báo nghề nghiệp và nhu cầu xã hội trong 5 – 10 năm tới.
Lắng nghe chia sẻ của cán bộ và sinh viên của Trường Đại học FPT Đà Nẵng (FPT Edu) về môi trường đại học và nhiều trải nghiệm thú vị về cuộc sống sinh viên. Đặc biệt, nhà trường cũng sẽ giải đáp mọi thắc mắc của học sinh liên quan đến kỳ thi tuyển sinh đại học cũng như phương án tuyển sinh chính thức của Trường.
2.1.3. Hội thảo "Tư vấn hướng nghiệp kỹ năng và nghề nghiệp tương lai"
Được tổ chức bởi ĐH Nguyễn Tất Thành, hội thảo "Tư vấn hướng nghiệp kỹ năng và nghề nghiệp tương lai" là sự kiện được nhiều phụ huynh và học sinh quan tâm tham gia, Với sự góp mặt của các diễn giả là những người dày dặn kinh nghiệm trong lĩnh vực giáo dục, tuyển dụng và đào tạo.
Chương trình nhằm cung cấp những thông tin bổ ích về:
- Cách chọn nghề, chọn trường
- Định hướng chọn nghề trong tương lai cho các bạn học sinh.
- Chuyên gia cũng đưa ra những lời khuyên cho các bạn trẻ phải làm chủ được công nghệ để có thể tiếp cận với các nền tảng số, trang bị nền tảng ngoại ngữ khi tham gia vào thị trường lao động toàn cầu.
2.2. Tham quan thực tế
Tham quan thực tế doanh nghiệp là hoạt động thiết thực giúp sinh viên cập nhật kiến thức thực tế và có cái nhìn cận cảnh hơn về môi trường làm việc trong tương lai. Vì vậy, các trường Đại học ngày càng chú trọng phát triển chương trình này cả về số lượng và chất lượng, nhằm mang lại cho sinh viên những trải nghiệm tối đa về ngành nghề, công việc tương lai ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường.
Như tại Tổ chức Giáo dục FPT (FPT Education - FPT Edu), chương trình tham quan thực tế doanh nghiệp còn được gọi là Company Tour. Đây là sự kiện thường niên dành cho sinh viên FPT Edu trong mỗi kỳ học. Tại đây, các bạn sinh viên sẽ có cơ hội được:
- Tham quan các doanh nghiệp
- Tìm hiểu về môi trường làm việc thực tế
- Lắng nghe những “tiền bối” tại doanh nghiệp đó chia sẻ về kinh nghiệm, kỹ năng; vị trí công việc và mô hình tổ chức phòng ban tại công ty; cơ hội nghề nghiệp; kinh nghiệm làm việc; các tiêu chí tuyển dụng doanh nghiệp cần ở ứng viên…
Những chuyến tham quan thực tế này không chỉ giúp sinh viên FPT Edu nâng cao về kỹ năng, kiến thức mà còn giúp các bạn định hình được thái độ nghiêm túc và chuyên nghiệp để đáp ứng được yêu cầu của ngành nghề mơ ước.
2.3. Thực hành
Thực hành giúp học sinh, sinh viên được kích thích sự tò mò, tư duy, sáng tạo, áp dụng lý thuyết để giải quyết vấn đề thực tế, chủ động học tập… Các doanh nghiệp ngày nay luôn ưu tiên lựa chọn ứng viên học thật, làm thật. Do đó, phương pháp học qua thực hành là cách nhanh nhất giúp học sinh sinh viên tiếp cận với môi trường thực tế, tích lũy kỹ năng làm việc ngay khi còn trên ghế nhà trường.
Một trong những trường Đại học có nhiều hoạt động khuyến khích sinh viên học qua thực hành là ĐH FPT thuộc FPT Edu. Tùy theo đặc thù từng chuyên ngành, sinh viên sẽ được giảng viên hướng dẫn thực hiện những hoạt động thực hành, trải nghiệm thực tế liên quan đến ngành nghề, lĩnh vực mà các bạn đang theo học.
Ví dụ với sinh viên ngành Công nghệ thông tin, các bạn sẽ được trải nghiệm thực hành sớm thông qua bài tập trên lớp, học qua dự án hoặc các cuộc thi công nghệ trong và ngoài Tổ chức Giáo dục FPT. Nhiều sinh viên sử dụng thành thạo các phần mềm phục vụ công việc trong lĩnh vực CNTT hoặc trở thành cộng tác viên, thực tập sinh tại các công ty lớn về công nghệ ngay khi chưa tốt nghiệp.
2.4. Thực tập
Đối với những sinh viên còn chưa định hình được công việc mình phù hợp hay mơ ước thì kỳ thực tập chính là liều “thuốc thử” giúp bạn biết được nhiều thông tin hữu ích như:
- Bản thân thực sự yêu thích hay phù hợp với công việc/ lĩnh vực này hay không?
- Vị trí công việc mà bạn yêu thích đòi hỏi những tiêu chí gì?
- Thực tế môi trường làm việc ở doanh nghiệp bạn thích có đúng như những gì bạn tưởng tượng hay không?...
Những ngày đầu thực tập, sinh viên còn non nớt, thiếu kinh nghiệm nên chắc chắn sẽ có nhiều bỡ ngỡ, lo lắng, ngại ngùng. Tuy nhiên, chính điều đó sẽ buộc bản thân bạn phải nỗ lực hơn để hoàn thành công việc và tích lũy được những kinh nghiệm, kỹ năng quý giá cho mình.
Nhớ lại kỳ thực tập của mình tại FPT Online, bạn Nguyễn Trần Vân Anh (K14 ngành Quản trị kinh doanh, ĐH FPT Hà Nội) hào hứng kể: “Ban đầu, vị trí mà mình xin thực tập là bên sales, nhưng vì “cái duyên” mà mình được chọn vào Phòng Kế hoạch (Planner) và khó khăn cũng bắt đầu từ đây. Vì vị trí này nằm ngoài dự tính của mình nên mình tốn rất nhiều thời gian tìm hiểu và học hỏi để đảm bảo kiến thức cơ bản trước khi “diện kiến” quý công ty.
Tuy nhiên, mình bỏ hoàn toàn suy nghĩ nặng nề đó sau lần gặp mặt đầu tiên với anh leader. Với những thiếu sót của mình, anh đã chủ động giới thiệu bao quát về ngành và hướng dẫn từng chút về công việc các anh chị hiện đang làm để mình hiểu được sơ lược về công việc sắp tới. Đương nhiên, lúc đầu “thực chiến”, mình còn bỡ ngỡ lắm, nhưng nhờ các anh chị trong team, mình dần am hiểu và được giao nhiều việc hơn”.
3. Lưu ý khi tham gia trải nghiệm thực tế các ngành nghề
Để có trải nghiệm thực tế các ngành nghề cho học sinh sinh viên tuyệt vời nhất, bạn lưu ý:
- Chuẩn bị các câu hỏi để trao đổi với những người có kinh nghiệm: Đó có thể là giảng viên, các anh chị cựu sinh viên hoặc người trực tiếp hướng dẫn bạn ở doanh nghiệp thực tập… Điều này giúp bạn chủ động hơn trong những vấn đề của bản thân và gây ấn tượng tốt hơn với các tiền bối.
- Chủ động, tích cực quan sát: Chủ động nhận việc, quan sát hoạt động của mọi người xung quanh là cách nhanh nhất để bạn học hỏi, phát triển.
- Thể hiện sự chuyên nghiệp ngay từ những việc nhỏ nhất: Điều này không chỉ giúp bạn phát triển hơn ở môi trường mới mà còn ghi điểm hơn trong mắt nhà tuyển dụng.
Tìm hiểu thêm về các trải nghiệm thực tế các ngành nghề cho học sinh sinh viên cùng những kinh nghiệm, lưu ý khi tham gia các trải nghiệm này tại đây.
Ảnh: Internet, FPT Edu