Ưu - Nhược điểm trải nghiệm trường học trực tuyến cho học sinh, sinh viên
Với công nghệ phát triển như hiện nay thì trải nghiệm trường học trực tuyến đã trở nên dễ dàng và quen thuộc hơn bao giờ hết. Mô hình trường học trực tuyến lại càng trở nên phổ biến trước những tác động của dịch Covid-19 khiến năm học 2021 - 2022 gần như diễn ra online. Bài viết dưới đây sẽ chỉ rõ những lợi ích và hạn chế của mô hình này, đồng thời đưa ra những gợi ý giúp trường học trực tuyến hoạt động hiệu quả và mang đến những trải nghiệm tối ưu cho cả người dạy và người học.
1. Trường học trực tuyến là gì?
Ngày nay, với sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ thông tin, phương thức học tập và giảng dạy đã được nâng lên một tầm cao mới, giúp cả người dạy lẫn người học giải quyết được rất nhiều các bất lợi dẫn đến cản trở quá trình học như: địa lý, thời tiết, tình hình xã hội, thiên tai, chi phí, thời gian... Đó là lý do mà các hệ thống trường học trực tuyến (E-learning) ngày càng phổ biến và cho thấy những giá trị thiết thực.
Tại trường học trực tuyến, không gian lớp học không bị bó buộc trong bốn bức tường mà được kết nối thông qua máy tính, điện thoại và thầy trò có thể thoải mái tương tác dù không trực tiếp gặp mặt nhau. Nhất là trong bối cảnh dịch Covid-19 bùng phát, trường học được trưng dụng cho công tác phòng, chống dịch và một số giáo viên, học sinh là F0 phải điều trị tại nhà hoặc khu cách ly hay bệnh viện nên không thể đến trường như vừa qua thì mô hình trường học trực tuyến càng chứng minh được hiệu quả ưu việt.
Cũng như nhiều đơn vị đào tạo khác, Tổ chức Giáo dục FPT (FPT Education) đã ngay lập tức triển khai mô hình trường học trực tuyến trong thời điểm dịch bệnh diễn ra căng thẳng, trên tinh thần “tạm ngừng đến trường nhưng không ngừng việc học”. Quá trình tổ chức các lớp học trực tuyến cũng đã cho thấy nhiều điểm thuận lợi và hạn chế nhất định so với mô hình học tập trực tiếp như trước nay.
2. Lợi ích của việc theo học tại các trường học trực tuyến
So với mô hình dạy và học truyền thống, trường học trực tuyến mang đến nhiều lợi ích thiết thực như trải nghiệm học tập mọi lúc mọi nơi, tiết kiệm chi phí, thời gian, linh động theo nhu cầu và góp phần công nghệ hóa giáo dục.
2.1. Trải nghiệm học tập mọi lúc mọi nơi
Giáo dục trực tuyến cho phép đào tạo mọi lúc mọi nơi, truyền đạt kiến thức theo yêu cầu, thông tin đáp ứng nhanh chóng. Học viên có thể truy cập các khóa học bất kỳ nơi đâu như văn phòng làm việc, tại nhà, tại những điểm Internet công cộng, 24 giờ một ngày, 7 ngày trong tuần, chỉ cần có thiết bị học tập (laptop, smartphone) và kết nối mạng Internet.
Việc được chủ động học tập ở bất kỳ đâu và bất cứ khi nào mà mình muốn sẽ giúp người học có thêm hứng thú, động lực học tập, dễ sắp xếp thời gian, cân đối việc học với nhiều hoạt động, công việc khác.
2.2. Tiết kiệm chi phí
Trường học trực tuyến giúp giảm khoảng 60% chi phí so với việc tổ chức các lớp học trực tiếp. bao gồm chi phí đi lại và chi phí tổ chức địa điểm (cơ sở hạ tầng dạy học, trang thiết bị phục vụ việc dạy học, ánh áng, điều hòa không khí, chi phí quản lý, vận chuyển…).
Do đó, học phí của các khóa học trực tuyến thường tiết kiệm hơn so với các khóa đào tạo offline. Học tập online ngay tại nhà, tận dụng thời gian rảnh ở nơi làm việc... đó là cách tối ưu giúp bạn giảm thiểu rất nhiều chi phí, đồng thời cũng tránh được những nguy hiểm có thể xuất hiện khi chúng ta ra đường.
2.3. Tiết kiệm thời gian
Mô hình trường học trực tuyến giúp giảm thời gian đào tạo từ 20 - 40% so với phương pháp giảng dạy truyền thống nhờ hạn chế sự phân tán và thời gian đi lại. Cụ thể, các lớp học online cho phép bạn học ngay tại nhà hay bất cứ nơi đâu bạn muốn, chỉ cần có laptop, smartphone kết nối internet. Học sinh sinh viên sẽ không phải mệt mỏi vì tắc đường, khói bụi, không cần lo lắng giao thông hỗn loạn mà có thể chủ động sắp xếp thời gian để học ngay tại nhà.
Còn đối với những người vừa học vừa làm, họ thường không có nhiều thời gian để đến các trung tâm, trường lớp, các tổ chức đào tạo nghề nghiệp để tham gia các khóa như mong muốn nên lựa chọn các khóa học online là giải pháp phù hợp nhất. Khi đó, người học sẽ chủ động hơn trong việc sắp xếp thời gian, có thể dành thời gian buổi tối, sau bữa trưa, hoặc thời gian rảnh rỗi trong ngày của mình để tham gia các khóa học.
2.4. Linh động theo nhu cầu
Học viên có thể chọn lựa những khoá học có sự chỉ dẫn của giảng viên trực tuyến hoặc khoá học tự tương tác (Interactive Self-pace Course), tự điều chỉnh tốc độ học theo khả năng và có thể nâng cao kiến thức thông qua những thư viện trực tuyến.
Việc lưu trữ tài liệu theo mô hình trường học trực tuyến cũng rất linh động theo nhu cầu. Với sự hỗ trợ của các thiết bị, ứng dụng công nghệ, người học hoàn toàn có thể chủ động phân loại tài liệu theo các tệp, lưu trữ mà không lo bị mất hay hư hại, thậm chí có thể xem đi xem lại bài giảng ở bất cứ đâu và bất cứ thời gian nào mình muốn.
2.5. Công nghệ hoá giáo dục
Nhờ ứng dụng công nghệ, trường học trực tuyến không chỉ mở ra cơ hội để học viên dễ dàng tham gia các khóa học, mà còn dễ dàng theo dõi tiến độ học tập và kết quả học tập của học viên. Các khóa học online cũng có thể tích hợp nhiều sự kiện, trò chơi tương tác (minigame) được minh hoạ tốt hơn nhờ công nghệ nhằm tăng trải nghiệm cho người học, khơi gợi hứng thú và sự sáng tạo ở học viên.
Như tại trường học trải nghiệm online đa chiều FPT Education, không chỉ có Zoom, Google Meet, thầy cô còn ứng dụng những phần mềm như Jamboard hay Padlet để học sinh có thể tạo các chủ đề xoay quanh bài học và cùng nhau thảo luận.
“Nhờ đó mà chỉ với một chủ điểm môn học nhưng chúng mình có thể thu về được rất nhiều kiến thức, ý tưởng hay. Đây cũng là cách để các thầy cô giúp chúng mình thoải mái trao đổi, tranh biện online. Lớp mới, toàn bạn mới nhưng trở nên thân quen từ lúc nào không biết” - Bạn Lê Nguyễn Thiên Minh (lớp 10A3, THPT FPT Đà Nẵng thuộc FPT Edu) chia sẻ.
3. Nhược điểm khi trải nghiệm trường học trực tuyến
Bên cạnh những ưu điểm, tiện ích thì việc triển khai mô hình trường học trực tuyến cũng cho thấy một số hạn chế nhất định liên quan đến vấn đề tương tác, trang thiết bị cũng như những khó khăn khi áp dụng cho đối tượng người học elearning còn nhỏ tuổi.
3.1. Hạn chế trong việc tương tác trực tiếp giữa người dạy và người học
Mô hình học tập trực tuyến diễn ra trên nền tảng online và cả người dạy lẫn người học đều làm việc với máy móc là chủ yếu, do đó tính tương tác trong quá trình dạy – học sẽ khó đảm bảo hiệu quả được như lớp học offline. Với mô hình lớp học học truyền thống, học viên có thể đặt câu hỏi trực tiếp và được giảng viên giải đáp thắc mắc ngay lập tức, thậm chí cầm tay chỉ việc.
Còn đối với trường học học trực tuyến E - learning, học viên cần phải thực hiện các thao tác bên lề như: gọi điện thoại, voice chat, gửi tin nhắn, gửi mail… để được hướng dẫn. Sự bất cập này có thể khiến một số học viên sẽ ngại hỏi, ngại thắc mắc. Từ đó, những lỗ hổng kiến thức sẽ không được lấp đầy, người học sẽ khó có thể hiểu được hết những gì mà bài học truyền tải.
3.2. Yêu cầu thiết bị công nghệ hỗ trợ học tập
Khi học online thì bắt buộc bạn phải có kết nối internet, phải có thiết bị công nghệ để kết nối với giáo viên, trao đổi kiến thức thông qua Internet... Điều này gây ra một số hạn chế nhất định với những học viên không đáp ứng được vấn đề tài chính để mua trang thiết bị, hoặc học viên lớn tuổi không thành thạo sử dụng công nghệ.
Các học sinh nhỏ tuổi (lớp 1, lớp 2) khi tiếp cận với mô hình trường học trực tuyến cũng sẽ gặp một số bất lợi, do chưa biết cách sử dụng các phương tiện hỗ trợ học tập như máy tính, điện thoại nên cần thầy cô và bố mẹ hỗ trợ, thậm chí kèm cặp thường xuyên để kịp thời xử lý các tình huống phát sinh trong lúc học, trục trặc kỹ thuật hoặc hỗ trợ trao đổi với thầy cô sau giờ học…
4. Lưu ý để trải nghiệm trường học trực tuyến tốt nhất
4.1. Cần có mục tiêu rõ ràng
Học trực tuyến yêu cầu tính tự giác cao, học viên phải có động lực và mục tiêu rõ ràng để ko bỏ dở giữa chừng hay trì hoãn, dễ gây xao nhãng và ảnh hưởng đến kết quả học tập. Ưu thế của trường học trực tuyến là học viên có thể học bất cứ lúc nào và bất cứ nơi đâu, nên việc học tập rất linh hoạt và chủ động. Tuy nhiên, để đảm bảo tiến độ học tập người học cũng cần xây dựng cho mình một thời gian biểu phù hợp để vừa có thể đảm bảo công việc vừa tiếp thu được lượng kiến thức.
4.2. Tinh thần chủ động trao đổi, kết nối
Khi học tập trên E - learning, học viên cần phải có khả năng làm việc độc lập, sự tập trung cùng tinh thần tự giác cao độ. Do những hạn chế đáng kể về mặt tương tác nên để việc học online đạt hiệu quả, học viên cần phải phải chủ động tương tác với giảng viên và các học viên khác.
Đừng ngại đặt câu hỏi để được hỗ trợ giải đáp ngay khi bạn có thắc mắc, hoặc tận dụng tối đa các nền tảng như group chat, email, mạng xã hội… để kết nối với thầy cô và các bạn trong lớp của mình. Mặt khác, người học cũng cần phải xây dựng một thời gian biểu phù hợp, tự định hướng trong học tập, cũng như thực hiện tốt những mục tiêu học đã đề ra khi học tập trực tuyến.
4.3. Cố gắng đảm bảo thiết bị và kết nối Internet tốt nhất
Trường học trực tuyến diễn ra trên không gian mạng nên việc đảm bảo thiết bị và kết nối internet là khâu đặc biệt quan trọng. Nhà trường cần xây dựng hạ tầng mạng, trang thiết bị công nghệ thông tin (như máy tính, camera, máy in, máy quét), đường truyền, dịch vụ internet, tận dụng tối đa các phương tiện để hỗ trợ cho giáo viên khi dạy học trực tuyến. Đồng thời phải có kế hoạch bồi dưỡng đội ngũ nhân lực (cán bộ quản lý, giáo viên, giảng viên, học sinh, sinh viên) có kiến thức, kỹ năng đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số như:
- Kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin, kỹ năng an toàn thông tin
- Kỹ năng khai thác, sử dụng hiệu quả các ứng dụng phục vụ công việc dạy - học...
Bên cạnh đó, trường học cũng cần hướng dẫn cụ thể về tổ chức học trực tuyến để triển khai, hướng dẫn, tập huấn cho giáo viên kỹ thuật thực hiện, xây dựng kế hoạch chi tiết theo từng bộ môn, phổ biến thông tin tới phụ huynh để các bậc cha mẹ có kế hoạch kèm cặp, hỗ trợ con em trong việc học tập trực tuyến.
Có thể nói, từ một giải pháp tình thế trong bối cảnh học sinh, sinh viên phải nghỉ học để phòng dịch COVID-19, mô hình trường học trực tuyến với các lớp học online và khóa học elearning đã góp phần thúc đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số trong lĩnh vực giáo dục. Mặc dù vẫn còn một số nhược điểm, hạn chế tồn đọng nhưng không thể phủ nhận trải nghiệm trường học trực tuyến đã đem đến những trải nghiệm học tập mới mẻ, thú vị và ý nghĩa, rèn tính chủ động, tự giác và sáng tạo cho các học viên.
Tìm hiểu thêm về trải nghiệm trường học trực tuyến tại đây.
Ảnh: Internet