“Cua gắt” từ ngành điện sang CNTT, 8X Nghệ An trở thành Giám đốc FPT Indonesia
Kênh14 - Nguyễn Hoàng Tùng (SN 1986) đã biến những ngã rẽ táo bạo thành cơ hội vàng khi quyết định bỏ ngang ngành điện để theo đuổi đam mê công nghệ thông tin tại FPT Edu. Giờ đây, anh là Giám đốc FPT Indonesia, dẫn dắt đội ngũ kỹ sư IT tại một trong những thị trường sôi động nhất Đông Nam Á.
Ngã rẽ táo bạo từ ngành điện sang CNTT
Đầu những năm 2000, khi chuyên ngành CNTT vẫn còn khá mới lạ và "kén" người thi thì Tùng đã đỗ vào ngành Điện tự động hóa của một trong những trường danh giá nhất thời bấy giờ với điểm đầu vào cao ngất. Bước vào giảng đường với niềm tự hào lớn, anh tin rằng mình đã đi đúng hướng và sẽ có một tương lai rộng mở. Tuy nhiên, sau thời gian làm kỹ sư điện, Tùng nhận ra niềm đam mê của mình lại thuộc về công nghệ thông tin.
Sức hút của công nghệ thông tin lớn đến mức Tùng quyết định từ bỏ ngành điện, một sự mạo hiểm mà không ai trong gia đình hay bạn bè đồng tình. "Dù phải đối mặt với nhiều khó khăn, tôi vẫn quyết tâm thay đổi," Tùng chia sẻ. Anh chọn Trường Đại học FPT làm điểm dừng chân cho hành trình mới, trở thành một trong những sinh viên khóa 7 ngành CNTT tại Đà Nẵng.
Chinh phục thị trường Indonesia đầy thử thách
Gia nhập FPT Software ngay sau khi tốt nghiệp, Tùng nhanh chóng tạo dấu ấn nhờ tinh thần làm việc "máu lửa" và khả năng giải quyết vấn đề sáng tạo. Tuy nhiên, thử thách thực sự bắt đầu khi anh được giao nhiệm vụ sang Indonesia - một thị trường tiềm năng nhưng đầy rào cản về ngôn ngữ và văn hóa.
Trong vai trò Giám đốc FPT Indonesia, với hơn 90% nhân sự là người nước ngoài, Tùng nhận ra khả năng thích nghi và thấu hiểu văn hóa địa phương quan trọng không kém kỹ năng chuyên môn. Từ việc học tập về phong tục, lối sống của người dân, đến việc tổ chức một phòng cầu nguyện ngay tại công ty để nhân viên đạo Hồi có thể thực hiện nghi lễ, Tùng cho thấy khả năng hòa nhập và sáng tạo trong quản lý. Bài học "làm khác để làm tốt", tư duy sáng tạo đổi mới mà Tùng tiếp thu từ thời còn là sinh viên FPT Edu, cũng giúp ích cho anh rất nhiều trong giai đoạn "dò đường" này. "Muốn phát triển ở một quốc gia khác, bạn không thể chỉ đứng ngoài quan sát, mà phải thực sự "ném" mình vào đó," Tùng nhấn mạnh.
"Phương pháp đào tạo coaching thay vì teaching của Trường ĐH FPT đã giúp tôi phát triển tư duy độc lập, cởi mở và khả năng ứng biến linh hoạt, tự giải quyết vấn đề. Những kỹ năng mềm mà FPT Edu trang bị cũng giúp tôi rất nhiều trong việc xây dựng mối quan hệ với đồng nghiệp, đối tác và cả khách hàng tại Indonesia", Tùng chia sẻ.
Nhờ tư duy đổi mới mà Tùng lĩnh hội từ khi là sinh viên FPT Edu, anh đã tìm ra cách xây dựng văn hóa doanh nghiệp phù hợp với đội ngũ đa quốc gia, đưa FPT Indonesia trở thành một đơn vị có môi trường làm việc thân thiện và hiệu quả. Tùng và các cộng sự hiện đặt mục tiêu xây dựng đội ngũ 10.000 kỹ sư IT Indonesia vào năm 2035, nhằm cung cấp các giải pháp công nghệ tiên tiến cho nhiều lĩnh vực tại đất nước vạn đảo.
Tùng nhấn mạnh thêm về tầm quan trọng của việc trau dồi ngoại ngữ, kỹ năng mềm và khả năng làm việc nhóm - những yếu tố mà bất kỳ doanh nghiệp quốc tế nào cũng đánh giá cao. Anh cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc không ngừng học hỏi và phát triển bản thân. CEO FPT Indonesia đánh giá đây là những yếu tố quan trọng mà bất cứ doanh nghiệp nào cũng cần có ở nhân sự.
"Chỉ khi liên tục học hỏi, bạn mới giữ được sự nhạy bén và sẵn sàng đối mặt với mọi thay đổi," anh nói. Đó cũng là cách anh và đội ngũ FPT Indonesia tiến xa, xây dựng nền tảng vững chắc tại thị trường Indonesia, góp phần đưa trí tuệ Việt vươn xa ra thế giới. Anh chia sẻ với các bạn trẻ đang tìm đường: "Nếu bạn thực sự đam mê điều gì, đừng ngại thử sức. Rất nhiều cơ hội sẽ mở ra khi bạn dám bước ra khỏi vùng an toàn và quyết tâm theo đuổi đến cùng."
Với những thành công trong sự nghiệp, mới đây Tùng được vinh danh là một trong 25 cựu sinh viên tiêu biểu của Tổ chức Giáo dục FPT nhân dịp tổ chức này tròn 25 năm tuổi.
Theo Kênh14