Chủ nhiệm bộ môn Thiết kế đồ họa “sống” lại tuổi thơ nhờ đồ án của SV
Mang đến buổi bảo vệ đồ án tốt nghiệp bộ phim hoạt hình 3D với cái tên thể hiện sự bất ngờ “Oops”, sinh viên ngành Thiết kế đồ họa đã nhận được những đánh giá cao từ phía Hội đồng phản biện. Đặc biệt, cô Trần Thị Lệ Quyên, Chủ nhiệm bộ môn Thiết kế đồ họa đồng thời là thành viên Hội đồng đã bày tỏ sự hài lòng và thích thú bộ phim của nhóm sinh viên.
3 chàng trai Nguyễn Mạnh Phát, Hoàng Lê Sơn, Lưu Vinh Quang đến từ chuyên ngành Thiết kế đồ họa đã có buổi mở màn để lại nhiều ấn tượng với Hội đồng bảo vệ đồ án diễn ra ngày 27/8 vừa qua, tại campus Hòa Lạc. Cô Quyên chia sẻ, “Oops đã đưa mình ngược thời gian để quay lại tuổi thơ với những ngày ở một mình trong căn phòng, xung quanh là những đồ chơi thân thuộc và tự tạo nên không gian tưởng tượng để bay bổng, chìm đắm trong đó. Cái kết của Oops khiến mình như vỡ òa trong cảm xúc bất ngờ mà cũng thân quen bởi nó quá chân thực. Mình như thấy được hình bóng của bản thân trong nhân vật Jack. Đây là đồ án thành công của các bạn sinh viên.”
Sau gần 5 tháng nỗ lực không ngừng nhóm đã cùng nhau làm lên bộ phim hoạt hình 3D Oops gói gọn trong 4p. Bộ phim là cuộc phiêu lưu vào thế giới không gian của nhân vật Jack. Ở đó cậu chiến đấu chống lại Robo để bảo vệ Moemo. Với việc xây dựng 6 bối cảnh, bộ phim đã đưa người xem đến với hai thế giới thực và ảo, thiện và ác. Bộ phim được nhóm sinh viên đầu tư kĩ càng và công phu từ việc xây dựng một nhân vật vô tri trở nên sinh động, đến các hoạt động chuyển động mang trạng thái, biểu cảm của nhân vật hay âm thanh tạo chiều sâu cho bộ phim và cảm hứng cho người xem đã được các thành viên Hội đồng ghi nhận và đánh giá cao.
Chia sẻ về quá trình làm phim, bạn Lưu Vinh Quang, sinh viên khóa 10 ngành THĐK bật mí, “Nhóm đã bắt tay vào thực hiện bộ phim từ tháng 3 cho đến cuối tháng 8. Tức là mất 5 tháng để làm ra 4 phút phim hoạt hình 3D Oops. Nhóm đã gặp khá nhiều khó khăn về mặt kỹ thuật, nhất là khâu hậu kỳ cho bộ phim này. Có thể nói, công đoạn này là cơn ác mộng của cả 3 thành viên trong quá trình làm. Nhưng bằng sự nỗ lực dựa trên những kiến thức được cung cấp tại trường ĐH FPT nhóm đã vượt qua và nhanh chóng hoàn thành bộ phim.”
Xem Oops khán giả không chỉ thấy được câu chuyện Jack chiến đấu chống kẻ ác để bảo vệ người bạn Moemo của mình mà sâu sắc hơn thông qua nhân vật Jack, Oops đã mang đến thông điệp ý nghĩa, đánh thẳng vào thực trạng xã hội hiện nay. Đó là khi công nghệ ngày càng phát triển đã khiến cho không chỉ người lớn mà ngay đến trẻ em cũng bị lệ thuộc vào máy móc như: iphone, ipad, …làm mất đi tuổi thơ hồn nhiên, hạn chế trí tưởng tượng, sáng tạo trong thế giới trẻ. Xuất phát từ điểm đó, thế giới thực trong Oops đã tái hiện và đưa người xem quay trở về với tuổi thơ xa xưa với những đồ chơi là những chú siêu nhân, con thú…Và từ đó, trong không gian căn phòng của Jack thế giới ảo mở ra bằng trí tưởng tượng thú vị và sáng tạo về cuộc chiến của cậu bé Jack với Robo.
Khi mẹ Jack mở cánh cửa căn phòng ở thế giới thực cũng là lúc thế giới ảo của Jack khép lại bằng âm thanh “Oops” thể hiện vẻ lúng túng xen lẫn chút sợ hãi của Jack ở kết phim đã được Hội đồng đánh giá cao bởi diễn biến tâm lý tự nhiên và phù hợp của nhân vật. Đây cũng là lí do lí giải vì sao bộ phim có tên Oops mà không phải là “The first space” hay “The thirt space” giống như ý định ban đầu mà nhóm định đặt trước đó. “Chắc hẳn ai trong chúng ta cũng đều đôi lần nghịch ngợm, bày đồ linh tinh trong phòng và sợ hãi khi bị bố mẹ bất ngờ mở cửa và phát hiện. Xem cảnh Jack khi đó làm mình nhớ đến hồi ức tuổi thơ đã từng nhiều lần bị mẹ “bắt ngay tại trận”, cô Quyên chia sẻ.
Kết thúc buổi bảo vệ, Hội đồng phản biện đánh giá cao sự đầu tư công phu của bộ 3 nhà làm phim đến từ ngành Thiết kế đồ họa. Đây sẽ là niềm cổ vũ tinh thần lớn cho sự sáng tạo và là cú hích cho các bạn sinh viên chuẩn bị tiếp cận doanh nghiệp trong thời gian tới.
Nhóm đã làm riêng một video về quá trình làm ra bộ phim "Oops":
Dương Dương