FPT Edu - Tin tức chung

Điểm danh những đội chơi siêu đặc biệt tại FPT Edu Hackathon 2019

14/01/2020
Hà Hải Ngân
1009

Quy tụ 14 đội chơi tới từ các cơ sở của Tổ chức Giáo dục FPT trên cả nước, vòng chung kết FPT Edu Hackathon 2019 đã thực sự để lại nhiều ấn tượng đối với người FPT Edu. Ấn tượng hơn, mùa Hackathon năm nay còn hội tự nhiều đội chơi đặc biệt. Hãy cùng FPT Edu điểm danh những đội chơi ấy nhé!

FS. GreenLife - Đội chơi nhỏ tuổi nhất

Tới từ ngôi trường FSchool Đà Nẵng – FS. Greenlife bao gồm 4 thành viên đều mới chỉ đang là học sinh. FS. Greenlife được mệnh danh là đội chơi nhỏ tuổi nhất của cuộc thi FPT Edu Hackathon năm nay bởi không có ai quá 17 tuổi.

Tuy là đội chơi nhỏ tuổi nhất, nhưng các thí sinh tới từ FSchool không hề lo lắng hay nao núng trước đàn anh, đàn chị. Các thí sinh của FS. Greenlife đã đem tới cuộc thi sản phẩm với công dụng khuyến khích sử dụng phương tiện công cộng như xe bus, xe đạp, xe điện và đi bộ để bảo vệ môi trường. Sản phẩm của nhóm đã đạt giải Triển vọng tại vòng chung kết cuộc thi FPT Edu Hackathon 2019.

Bạn Phi Hùng – Nhóm trưởng FS. Greenlife cho biết: “Hầu hết các kiến thức được sử dụng để lập trình sản phẩm, chúng mình đều được học trong các tiết học tin học tại trường. Đồng thời nhóm cũng được các thầy cô dạy kèm thêm để có kiến thức dự thi. Sản phẩm của nhóm được BGK đánh giá cao ở việc tập trung vào ý thức của người dùng – nguyên nhân chính dẫn đến việc ô nhiễm môi trường”.

”Trong quá trình thi thì nhóm cũng có những bất đồng nhất định, nhưng tất cả đều lựa chọn giải tỏa, bỏ qua để có thể tiếp tục cùng nhau chung tay hoàn thiện sản phẩm. Dù kết quả chưa thực sự khiến nhóm hài lòng vì bọn mình đều có thể cố gắng hơn nữa nhưng chúng mình cũng đã góp nhặt được rất nhiều bài học quý giá để có thể tự tin trở lại ở mùa Hackathon thứ 3”.

LMAN – Đội thi duy nhất tới từ FUNIX

Là đội thi duy nhất tới từ FUNIX, tại vòng chung kết, LMAN đã nhận được nhiều sự quan tâm của cả BGK và người FPT Edu. Bao gồm 4 thành viên, trong đó thành viên lớn tuổi nhất hiện mới chỉ 20 tuổi, 3 thành viên còn lại đều mới chỉ là học sinh lớp 11, LMAN đã chinh phục giải Ba cuộc thi Hackathon với sản phẩmThiết bị kiểm tra độ an toàn của nước. Thiết bị có thể kết hợp với app Mobile để kiểm tra và thống kê những khu vực có nước không đảm bảo an toàn sức khỏe và đưa ra thông báo cho người dùng khi người dùng di chuyển tới nơi có chất lượng nước không đảm bảo.

Bạn Nguyễn Đình Anh – Đội trưởng đội LMAN cho biết: “Điểm đặc biệt của sản phẩm mà nhóm mang tới cuộc thi nằm ở chỗ sản phẩm có thể đo được 3 chỉ số liên quan tới chất lượng nước, chứ không chỉ 1 chỉ số giống như các sản phẩm khác trên thị trường. Thời gian tới, nhóm mong muốn tập trung phát triển phần Cloud và App Mobile của sản phẩm để sớm tạo nên mạng lưới cộng đồng, có đầy đủ thông tin của các khu vực hiện đang tồn tại nguồn nước không đủ chất lượng”.

Hello & Smile – Đội chơi duy nhất có ít thành viên nhất

Hello & Smile gây ấn tượng với BGK từ vòng sơ loại vì thành viên nòng cốt lại là một cô gái "đơn thương độc mã". Nguyễn Thị Mỹ An là cô gái nhỏ duy nhất của đội chơi tham dự cuộc thi và Hello & Smile cũng là đội chơi duy nhất tới từ FPTU Hà Nội.

Chia sẻ về việc “đơn thương độc mã” tham dự FPT Edu Hackathon, Mỹ An cho biết: “Ban đầu nhóm mình được lập ra với 3 thành viên, nhưng vì lý do bất khả kháng, 2 thành viên còn lại không tiếp tục đi cùng đội ở cuộc thi được. Khi tham dự vòng sơ loại, mình vẫn có tâm lý rất thoải mái, nhưng khi lọt vào vòng chung kết, lại là đội chơi duy nhất tới từ FPTU Hà Nội, mình cảm thấy rất áp lực vì có quá nhiều người đặt kì vọng vào mình và càng khó khăn hơn khi chỉ có một mình ‘đơn thương độc mã’ thi đấu."

Cuối cùng Mỹ An cũng tìm thấy đồng đội và có sự đồng hành của mentor Bùi Văn Phát trong vòng chung kết của cuộc thi

“Nhưng chính thời điểm mình có dự định bỏ cuộc thì BTC đã cho phép Hello & Smile có thêm một thành viên nữa và giới thiệu thầy Bùi Văn Phát làm mentor cho nhóm mình. Thầy Phát và bạn đồng hành chính là những người giúp đỡ và tạo động lực cho mình tiếp tục tham dự cuộc thi. Và dù tại vòng chung kết, sản phẩm của nhóm sử dụng công nghệ đơn giản hơn các đội chơi khác, nhưng mình tự hào vì nhóm mình đã có sản phẩm có thể sử dụng được để mang tới cuộc thi”. – Mỹ An chia sẻ thêm.

Mỹ An cho biết, dù kết quả tại cuộc thi chưa khiến cô bạn hài lòng nhưng chắc chắn cô bạn sẽ trở lại ở những cuộc thi thi mùa tiếp theo. Và cô nàng còn có mong ước được tham dự tất cả các cuộc thi khác liên quan tới chuyên ngành tại FPT Edu. 

Four Kicker – Đội chơi duy nhất 2 lần tham dự FPT Edu Hackathon

Four Kicker là đội chơi gồm 4 thành viên tới từ FPTU Cần Thơ. Điều đặc biệt của đội chơi này nằm ở chỗ đây là lần thứ 2 Four Kicker trở lại với sân chơi FPT Edu Hackathon. Ở lần trở lại thứ 2 này, 4 chàng trai đã đem tới cuộc thi một tâm thế khác và mang về thật nhiều trải nghiệm đặc biệt mới mẻ.

Lần quay lại lần này mang lại cho mình rất nhiều trải nghiệm, quen thuộc cũng có mà sự thay đổi cũng không ít. Sự thay đổi đầu tiên là việc thay đổi thành viên trong nhóm, với những thành viên phù hợp với từng vai trò hơn để có thể giải quyết những thử thách khác nhau trong cuộc thi. Bên cạnh đó, là sự thay đổi ở khả năng của nhóm. Nếu như trước đây, nhóm không biết phải chuẩn bị cho thuyết trình, hoặc tạo ra sản phẩm như thế nào để có thể ghi điểm trong lòng ban giám khảo, thì giờ chúng mình đã biết tự chủ động phân chia thời gian hợp lý trong việc code và tập thuyết trình, chuẩn bị kịch bản để demo sản phẩm một cách hợp lý cũng như việc tự tin đứng trước ban giám khảo hơn” – Tấn Phát, thành viên của Four Kicker hào hứng cho biết.

Với một tâm thế tự tin hơn khi quay trở lại lần thứ 2, Four Kicker đã giành giải Nhì chung cuộc tại bảng A của cuộc thi với hệ thống cho phép tính toán thời gian hoàn thành cuộc đua của những người chơi trong sự kiện chạy bộ để dễ dàng xếp hạng và trao thưởng.

Four Kicker cũng cho biết, chắc chắn năm nay sẽ không phải năm cuối cùng nhóm tham gia FPT Edu Hackathon. Chắc chắn 4 anh chàng sẽ còn trở lại để tiếp tục chinh phục cuộc thi này nếu còn cơ hội.

Hải Ngân

1009

Nhân vật