Đưa "3+0" cán đích: Hành trình gian nan nhưng hạnh phúc của Ban Đào tạo Greenwich Việt Nam
Ròng rã hơn 2 năm kể từ khi bắt tay vào dự án cho đến ngày chương trình đào tạo toàn phần của ĐH Greenwich (Anh Quốc) còn gọi là chương trình 3+0 cán đích đúng hạn, các CB Ban Đào tạo Greenwich Việt Nam chẳng còn nhớ nổi mình đã vượt qua bao thách thức, bứt phá giới hạn bao lần. Với họ, khó khăn chỉ là nhất thời còn niềm hạnh phúc khi có thể đem tới một chương trình đào tạo tốt nhất cho sinh viên mới là mãi mãi.
Đó là cảm nhận của chị Đoàn Thị Hậu (CB Ban Đào tạo Greenwich Việt Nam) khi được hỏi về cảm xúc lúc tham gia triển khai chương trình đào tạo 3+0. Đây là chương trình đào tạo toàn phần của ĐH Greenwich (Anh Quốc), được liên kết giữa Trường ĐH FPT với ĐH Greenwich (Anh Quốc), do Greenwich Việt Nam phụ trách triển khai. Với 3+0, sinh viên có cơ hội “du học tại chỗ” và nhận bằng Anh Quốc, hoặc lựa chọn sang các campus của ĐH Greenwich tại Anh, Singapore, Malaysia… trong bất cứ học kỳ nào.
“Trước khi triển khai thành công 3+0, Greenwich Việt Nam đào tạo theo chương trình liên thông đại học 2+1, tức là 2 năm học chuyên ngành của BTEC (Pearson) và 1 năm topup của ĐH Greenwich (Anh Quốc) để lấy bằng Anh Quốc. Việc chuyển từ mô hình 2+1 sang 3+0 là một nhiệm vụ lớn và mang tính quyết định trong chiến lược phát triển của Greenwich Việt Nam, nên với mình, được góp sức từ những bước đi đầu tiên là một sự may mắn. Mình cảm thấy hạnh phúc khi được tham gia vào một dự án vừa lớn, vừa mới lại rất đỗi quan trọng”, chị Hậu chia sẻ.
Nhiệm vụ càng lớn lao, mới mẻ thì áp lực và độ khó càng tăng cao. Chị Hậu bảo, hành trình đưa 3+0 về Greenwich Việt Nam khó chẳng khác nào làm dâu trăm họ. Ban Đào tạo phải làm sao để vừa đáp ứng được những tiêu chuẩn khắt khe của đối tác, vừa đảm bảo được những yêu cầu của Bộ GD-ĐT về các chương trình liên kết với nước ngoài. Đã có rất nhiều buổi làm việc online, offline trong suốt 2 năm giữa 2 đầu cầu Anh - Việt để thống nhất về nội dung. Hợp tác xuyên lục địa nên giờ giấc làm việc của những CB Đào tạo như chị Hậu cũng cần phải linh hoạt.
“Nhiều lúc mọi người đang ngủ thì mình lại thức, tối muộn cả Ban gọi nhau dậy họp, còn việc đề án sửa đi sửa lại, giấy tờ phải bổ sung, điều chỉnh là chuyện thường ngày. Áp lực thế đấy nhưng không ai than vãn mà vẫn tự tin, tự giác và hạnh phúc với công việc mình làm. Cứ nghĩ đến tương lai khi dự án 3+0 đi vào hiện thực, sinh viên Greenwich Việt Nam có cơ hội học tập, trải nghiệm quốc tế chất lượng, giảng viên Greenwich Việt Nam được giao lưu học hỏi từ các đồng nghiệp ở Anh quốc là chúng mình lại có thêm động lực để vượt qua mọi khó khăn”, chị Hậu bộc bạch.
Tham gia dự án 3+0 từ những ngày đầu, chị Hậu bảo nhiệm vụ này không những khó mà còn rất phức tạp vì gồm nhiều giai đoạn, nhiều việc tỉ mỉ. “Bù lại, mình rất hạnh phúc khi được làm trong môi trường mà tất cả mọi người luôn khích lệ, hỗ trợ nhau hết mình và có người dẫn dắt dự án cực kỳ tâm huyết. Quá trình triển khai dự án cũng cần huy động thêm nhiều thành viên cho từng mảng khác nhau.
Nếu như chị Đào Thị Thanh Lam - Trưởng Ban Đào tạo Greenwich (Việt Nam) phụ trách chính việc chuyên môn như đàm phán với đối tác, nghiên cứu khung chương trình thì mình sẽ chịu trách nhiệm liên quan đến hồ sơ, giấy tờ, thủ tục... Ngoài ra còn có các phần việc như nghiên cứu và thống nhất khung chương trình của mỗi ngành, lúc đó Ban Đào tạo sẽ mời thêm các Trưởng Ban, Academic Head, giảng viên của ngành thuộc cả 4 cơ sở của Greenwich Việt Nam cùng tham gia. Bởi vậy, thành công của dự án là thành công của cả tập thể chứ không phải riêng Ban Đào tạo”, nữ CB cho biết.
Niềm hạnh phúc càng nhân lên gấp bội khi với những nỗ lực đưa 3+0 cán đích đúng hạn, Ban đào tạo Greenwich Việt Nam đã được vinh danh Tập thể triển khai OKR có chất lượng toàn FPT trong quý III/2022. “Nhiệm vụ được hoàn thành đúng hạn là sự nỗ lực không ngừng nghỉ của toàn bộ các cán bộ, giảng viên của cả 4 cơ sở trong suốt thời gian bắt đầu triển khai dự án từ những ngày đầu tiên. Cũng là sự quyết tâm, động viên và tham gia hỗ trợ sát sao từ ban lãnh đạo, với mục tiêu nâng tầm Greenwich Việt Nam”, chị Đào Thị Thanh Lam - Trưởng Ban Đào tạo Greenwich Việt Nam bày tỏ.
Sau những tháng đầu chính thức triển khai chương trình đào tạo toàn phần, chị Hậu vui mừng cho biết môi trường học tập của Greenwich Việt Nam đang có nhiều đổi mới. Thay đổi dễ nhận thấy nhất chính là sự xuất hiện của các giờ giảng cả trực tuyến lẫn trực tiếp của các giáo sư phụ trách chương trình của Đại học Greenwich (Anh Quốc) cho sinh viên Greenwich Việt Nam. SV cũng sẽ có cơ hội học trao đổi ở các campus khác của ĐH Greenwich trên toàn thế giới và ngược lại, Greenwich Việt Nam sẽ được đón các bạn SV quốc tế đến học trao đổi tại các campus ở Hà Nội, TP. HCM, Đà Nẵng và Cần Thơ.
Với 3+0, GV và SV Greenwich Việt Nam còn được tiếp cận với mô hình và nội dung chương trình đào tạo đầy đủ toàn phần 3 năm, với toàn bộ nguồn lực tài nguyên học tập, thư viện, các hệ thống bài giảng trực tuyến, được các GV Greenwich Anh quốc hướng dẫn môn học và tuân thủ các quy trình chấm điểm, nhận xét đánh giá môn học. SV năm cuối hay tốt nghiệp Greenwich Việt Nam cũng được tham gia mạng lưới SV Greenwich toàn cầu qua platform askalumni.gre.ac.uk, mở ra cơ hội trao đổi kinh nghiệm học tập và làm việc sau này.
Bước đầu thấy được những giá trị thiết thực mà chương trình đào tạo toàn phần đem lại cho GV và SV Greenwich Việt Nam chính là phần thưởng ngọt ngào và hạnh phúc viên mãn nhất cho những CB Đào tạo như chị Lam, chị Hậu. “Mình rất hạnh phúc khi được nghe những phản hồi tích cực của GV, những chia sẻ đầy háo hức của SV khi được tiếp cận với chương trình đào tạo mới này. Các GV triển khai học kỳ đầu của chương trình 3+0 đã nhận xét sự khác biệt đáng kể về chất lượng đầu vào của SV. Điều đó chắc chắn sẽ mang lại chất lượng đầu ra tốt hơn đáp ứng được nhu cầu của thị trường lao động trong và ngoài nước”, chị Hậu nói.
Linh Phương
Tổ chức Giáo dục FPT - fpt.edu.vn