FPT Edu - Tin tức chung

“Ở FPoly Tây Nguyên, tôi hạnh phúc khi được dạy tiếng Anh mỗi ngày”

03/01/2023
Bùi Linh Phương
1285

“Dạy tiếng Anh nơi đại ngàn là một hành trình nhiều gian khó. Nhưng rễ đắng cho quả ngọt ngào, càng kiên trì, nỗ lực bao nhiêu, tôi càng hạnh phúc bấy nhiêu khi thấy tình yêu tiếng Anh lớn dần lên trong mỗi sinh viên, thấy tương lai sự nghiệp đang rộng mở hơn cho các em khi có ngoại ngữ…”, thầy Nguyễn Quốc Nghệ, GV tiếng Anh, FPoly Tây Nguyên chia sẻ. 

Sinh ra và lớn lên ở vùng đất đỏ nắng gió, anh Nghệ hiểu hơn ai hết những cái khó của học trò nơi đây khi tiếp cận với tiếng Anh: thiếu môi trường phù hợp để thực hành, thiếu giáo viên, cách học truyền thống không tạo được sự hứng thú. Đó là chưa kể học trò Tây Nguyên còn có những em người đồng bào dân tộc thiểu số, học tiếng Kinh đã khó, nói gì đến tiếng Anh. Bởi vậy mà những ngày đầu đi dạy ở FPoly Tây Nguyên, thấy nhiều sinh viên nhắc đến bộ môn của mình với nỗi sợ sệt, ám ảnh, mô tả tiếng Anh bằng “mất gốc”, “no hope”, học vì bắt buộc, học để qua môn, anh Nghệ không buồn, chỉ thấy thương và đồng cảm.

“20 năm trước, nếu không phải là một cậu bé thích khám phá văn hóa đó đây, muốn biết tiếng Anh để có thể trò chuyện với du khách nước ngoài hiếm hoi ghé thăm hồ Lăk (một địa danh du lịch của Đăk Lăk, nằm ngay sát nhà nhân vật - PV) thì chắc tôi cũng sợ tiếng Anh như nhiều em SV bây giờ”, anh Nghệ tâm sự. 

Thầy Nguyễn Quốc Nghệ (GV tiếng Anh, FPoly Tây Nguyên).​​​

Nam giảng viên nhớ nhất chuyện một cậu học trò tên Hà, khóa 16.3, cũng là lứa sinh viên đầu tiên mà anh dạy ngoại ngữ khi về với FPoly Tây Nguyên. Hà không ghét nhưng lại sợ tiếng Anh. Xuất phát điểm chưa tốt lại thêm việc ngại nói, ngại sai khi sử dụng tiếng Anh khiến cậu bạn này càng thu mình trong rào cản tâm lý, nghĩ bản thân không có cách nào “hấp thụ” được ngoại ngữ. 

“Hà càng sợ, tôi càng tìm cách để cậu bạn phải đối diện và vượt qua nỗi sợ này. Song song với những buổi trò chuyện, chia sẻ, động viên, Hà thường xuyên “bị” tôi gọi lên phát biểu, thuyết trình, trả lời các câu hỏi trong tiết học. Tôi muốn Hà và những SV đang gặp vấn đề tương tự nhận ra rằng, với tiếng Anh, xuất phát điểm không quan trọng bằng quá trình, chỉ cần nỗ lực hết mình thì “mất gốc” rồi thầy trò vẫn có thể cùng nhau tìm lại”, anh Nghệ kể. 

Thế rồi những chiếc “gốc” cằn khô cũng có ngày tốt xanh trở lại, nam sinh ngày nào nhắc đến tiếng Anh là sợ hãi, là điểm kém nay đã có những điểm khá đầu tiên. “Thầy ơi, em hết sợ tiếng Anh rồi”, chỉ câu nói đơn giản này thôi cũng đủ khiến tôi hạnh phúc. Vừa rồi, tôi đã mời Hà tham gia talkshow truyền cảm hứng học tiếng Anh cho các “hậu bối” ở FPoly Tây Nguyên. Nhìn em ấy tự tin chia sẻ về hành trình vượt qua nỗi sợ tiếng Anh, tôi càng hạnh phúc hơn khi cảm thấy hành trình “truyền lửa” của mình đang được tiếp bước”, anh Nghệ chia sẻ. 

Làm sao để ngày càng có nhiều những SV hết sợ tiếng Anh, tiến bộ nhanh như Hà là một câu hỏi khiến anh Nghệ đau đáu trăn trở. Số lượng SV ở mỗi lớp học là rất lớn, anh không thể sâu sát từng trường hợp và đảm bảo bạn nào cũng được hỏi han, khích lệ cũng như tạo cơ hội để phát biểu nhiều hơn trong giờ. “Cần có cách để khiến môn học trở nên thú vị, gần gũi và gắn với thực tế cuộc sống của các em hơn. Như mình ngày xưa thích học tiếng Anh để nói chuyện được với du khách nước ngoài, SV cũng cần có một môi trường để thực hành, một động lực để ngày ngày trau dồi ngoại ngữ”, nam giảng viên cho biết. 

Cuối năm 2021, anh Nghệ thành lập CLB tiếng Anh FPoly English Society (FES) quy tụ các bạn SV FPoly Tây Nguyên, không phân biệt khóa học, chuyên ngành hay trình độ ngoại ngữ. Vẫn là mục tiêu mở rộng vốn từ cho SV, nhưng thay vì để các bạn thuyết trình tiếng Anh theo chủ đề ở trường, FES mở ra không gian đối thoại tiếng Anh thông qua các buổi Coffee Chat truyền cảm hứng. Người tham dự sẽ trò chuyện với nhau bằng tiếng Anh về mọi chủ đề trong học tập, công việc và cuộc sống. Theo anh Nghệ, không còn nỗi lo nói tiếng Anh trước đám đông, những buổi tâm sự ở một không gian gần gũi, trẻ trung khiến các bạn thoải mái và tự tin “chém” ngoại ngữ hơn hẳn.

GV Nguyễn Quốc Nghệ và SV FPoly Tây Nguyên trong 1 buổi sinh hoạt tiếng Anh coffee chat.

Vẫn là mục tiêu gắn tiếng Anh với cuộc sống để SV cảm nhận được giá trị thiết thực của bộ môn, anh Nghệ nảy ra ý tưởng khuyến khích sinh viên làm clip giới thiệu mảnh đất và con người Tây Nguyên bằng tiếng Anh, vừa góp phần quảng bá du lịch, vừa giúp các bạn tích lũy thêm kiến thức về ngoại ngữ, bản sắc văn hóa quê hương mình. 

“Để duy trì những buổi sinh hoạt CLB tiếng Anh như vậy thầy trò phải bỏ nhiều công sức, thời gian lắm chứ, vì tất cả các hoạt động đều diễn ra ngoài giờ đến trường. Tuy không phải hoạt động bắt buộc nhưng thấy SV vẫn hào hứng tham gia, cùng nhau làm và dành nhiều tâm huyết, kết quả chỉn chu và cho thấy sự tiến bộ mỗi ngày, tôi hạnh phúc vô cùng. Tôi hy vọng SV sẽ ngày càng yêu và học tốt tiếng Anh hơn, coi đó không chỉ là một môn học mà còn là công cụ để hội nhập và tiếp thu công nghệ, tri thức mới một cách nhanh chóng”, anh Nghệ bộc bạch.

SV FPoly Tây Nguyên làm video giới thiệu về buôn làng mình bằng tiếng Anh, video được cố vấn chuyên môn bởi thầy Nghệ.

Năm mới này, ngoài tiếp tục dẫn dắt CLB FES, anh Nghệ còn ấp ủ nhiều dự án dạy học trải nghiệm sáng tạo môn tiếng Anh qua storytelling, tổ chức những hoạt động học thuật với quy mô lớn hơn như tranh biện, đẩy mạnh các hoạt động học thuật liên ngành, liên trường… “Hy vọng với sự tạo điều kiện và hỗ trợ nhiệt tình từ FPoly Tây Nguyên, sự năng động hết mình của các bạn SV, niềm hạnh phúc này ngày càng được lan tỏa”, thầy giáo trẻ chia sẻ.

SV Lý Thị Việt
Chủ nhiệm CLB FES
SV Nguyễn Ngọc Thiện
Phó Chủ nhiệm CLB FES

Linh Phương

Tổ chức Giáo dục FPT - fpt.edu.vn

1285

Nhân vật