FPT Edu - Tin tức chung

Đường tìm cảm hứng cho học sinh của chàng giảng viên 9x

01/12/2015
Hải Nam
2003
Học Kinh tế nhưng lại đến với nghề giáo như một cái “duyên”, thầy giáo trẻ Hồ Ngọc Sơn (SN 1990) – Giáo viên môn Kỹ năng mềm tại Trường THPT FPT - đã chia sẻ những kinh nghiệm tuyệt vời trên con đường tìm cảm hứng học tập cho học sinh, sinh viên của mình.

Những chia sẻ của thầy Hồ Ngọc Sơn cũng là bài nói chuyện trong khuôn khổ hội thảo EduCamp 2015 diễn ra hôm 29/11 do Khối giáo dục FPT tổ chức.

Thầy giáo trẻ Hồ Ngọc Sơn (SN 1990) – Giáo viên môn Kỹ năng mềm tại Trường THPT FPT có một phong cách trình bày hấp dẫn. Ảnh: Anh Khoa và Tuấn Duy.

Thầy giáo trẻ Hồ Ngọc Sơn (SN 1990) – Giáo viên môn Kỹ năng mềm tại Trường THPT FPT có một phong cách trình bày hấp dẫn. Ảnh: Anh Khoa và Tuấn Duy.

Bằng phong cách nói chuyện hài hước, sinh động, thầy Hồ Sơn đã chia sẻ một trong những băn khoăn lớn nhất của mình khi làm nghề, đó là: Truyền cảm hứng cho người học như thế nào?

“Đây là một trong những vấn đề đối với tôi. Trong suốt 4 năm non trẻ gắn bó với nghề giáo, tôi đã loay hoay, học hỏi và thử nghiệm, tìm mọi cách để trả lời câu hỏi này”, thầy Hồ Sơn cho biết.

Bản thân thầy Sơn là một cựu sinh viên FPT, trưởng thành trong một môi trường học tập cởi mở, được truyền cảm hứng học tập từ nhiều người thầy, cô đặc biệt. Vì thế, người thầy trẻ luôn tin rằng, cảm hứng để học tập là khởi nguồn của những thành tựu đối với bất cứ học sinh nào. Thiếu cảm hứng để học, thì mỗi giờ lên lớp chẳng khác nào một chuyến hành trình khô khan, tẻ nhạt, dù bài học, kiến thức có quan trọng đến đâu. Đặc biệt, dù cảm hứng học tập đến từ nhiều nguồn, nhưng không thể phủ nhận vai trò lớn lao của những người thầy, người giáo viên trong việc khuyến khích, khơi thêm động lực học tập cho học trò.

Thầy Sơn cho biết, những bí quyết tạo cảm hứng học tập cho học sinh mà thầy tìm thấy, chủ yếu là qua học tập từ chính những người thầy của mình, tại FPT cũng như  trong cuộc sống bên ngoài nhà trường. Bài nói chuyện của thầy giáo Hồ Sơn nhận được sự tán thưởng của đông đảo khán giả, trong đó có cả những giáo viên, giảng viên kỳ cựu của ĐH FPT, Trường THPT FPT.

Hồ Ngọc Sơn quan niệm: "2.Không cố gắng thay đổi học trò bởi “muốn có sự thay đổi, hãy thay đổi mình trước”. Ảnh: Anh Khoa và Tuấn Duy.

Hồ Ngọc Sơn quan niệm: "Không cố gắng thay đổi học trò bởi “muốn có sự thay đổi, hãy thay đổi mình trước”. Ảnh: Anh Khoa và Tuấn Duy.

Có 6 bài học mà thầy Hồ Ngọc Sơn luôn tâm đắc. Đó là:

  1. Không bao giờ bỏ cuộc, không bao giờ tỏ ra mệt mỏi trước học sinh, sinh viên của mình. Nghề giáo, cũng như nhiều nghề khác, luôn đầy rẫy những áp lực. Nhưng khi đứng trên bục giảng, bạn hãy luôn tươi tắn, tỉnh táo, đừng thể hiện sự mệt mỏi, chán nản với học sinh. Hãy là một giáo viên sôi nổi và tích cực trong khả năng của mình và khẳng định điều đó mỗi phút giây.
  2. Không cố gắng thay đổi học trò bởi “muốn có sự thay đổi, hãy thay đổi mình trước”. Mỗi người đều có những “đốm lửa” của riêng mình. Chỉ khi cảm thấy tin tưởng, tự tin, họ mới sẵn sàng chia sẻ cũng như đón nhận “lửa” với người khác. Người giáo viên yêu công việc mình làm, tâm huyết và sẵn sàng “chia lửa”, thay vì đòi hỏi học trò của mình phải bắt đầu trước, chắc chắn sẽ đến lúc cho học sinh hiểu được thành ý của mình và được truyền cảm hứng một cách mạnh mẽ từ bạn.
  3. Hãy “giả vờ” đủ lâu cho đến khi bạn làm được. Có nhiều phẩm chất mà không phải ai cũng “bỗng dưng” có được. Khi đứng trên bục giảng, người giáo viên cũng phải đối mặt với tình trạng “thiếu” rất nhiều kĩ năng, phẩm chất. Bí quyết là, hãy “giả vờ” đủ lâu cho đến khi bạn học được kĩ năng, phẩm chất ấy một cách đầy đủ. Cứ tự tin trong mỗi bước đi, cử chỉ, hành động trước học sinh, cho dù bạn có “run” đến đâu. Dần dần, bạn sẽ chiến thắng được mình, gạt bỏ được sự nhút nhát cố hữu và trở nên tự chủ, tự tin.
  4. Hãy đề cao sự tưởng tượng: Trí tưởng tượng đưa bạn đi rất xa, đến với những viễn cảnh tươi sáng trong việc dạy học, đến với kết nối cùng học trò. Tưởng tượng, đó cũng là một bí quyết để “truyền cảm hứng” cho người học.
  5. Tự tin, khác biệt và tạo ra những câu chuyện: Con người luôn có xu hướng thích nghe “kể chuyện”. Thay vì những bài học, thông điệp nhàm chán, hãy biến chúng thành những câu chuyện để hấp dẫn học sinh.
  6. Làm cái tôi yêu yêu cái tôi làm. Hãy giữ cho mình ngọn lửa mạnh mẽ đầy thu hút với những người xung quanh.

[embed]https://youtu.be/ayN7sWuJahw[/embed]

Giáo viên THPT FPT Hồ Ngọc Sơn và bài chia sẻ mang tên "My story in finding the way to inspire students". Nguồn: FPT Education.

Ngày 29/11, Educamp 2015 đã diễn ra tại campus Hòa Lạc, Trường Đại học FPT với sự tham gia của 150 Lãnh đạo, cán bộ, giảng viên Việt Nam và quốc tế.Với tổng cộng 42 bài tham luận được chia sẻ, Hội thảo hướng đến chia sẻ và thảo luận xung quanh những vấn đề: Xây dựng tổ chức học tập tại FPT, thực tế của FE nói riêng và các cơ sở giáo dục đào tạo ở Việt Nam nói chung như: tuyển sinh, giảng dạy, nghiên cứu, quản trị, truyền thông… qua đó thúc đẩy cải tiến công việc hiện tại của người tham gia.

Ba keynote của Educamp 2015 gồm: “Quản trị Đại học như Tổ chức Dịch vụ” của TS. Lê Trường Tùng – Chủ tịch HĐQT Trường Đại học FPT; “Hành trình CDIO tại Đại học Công nghệ MARA” – Giáo sư Salmiah Kasolang – Trưởng Khoa Cơ học Kỹ thuật – ĐH Công nghệ MARA (Malaysia); “Tinh thần cộng sự – một so sánh bước đầu trong môi trường học thuật Hoa Kỳ và Việt Nam” của – TS. Phạm Thị Ly – ĐH QG TP. HCM, ĐH Nguyễn Tất Thành.

 

Tin liên quan

Nguyễn Quỳnh (lược ghi)

Khối Giáo dục FPT – fpt.edu.vn

2003

Nhân vật