Giành Quán quân tiểu ban Tuyền thông đa phương tiện ngay lần đầu thi FPT Edu ResFes 2024
Ngay khi được xướng tên cho ngôi vị Quán quân Tiểu ban Truyền thông đa phương tiện tại vòng chung kết FPT Edu ResFes 2024, các thành viên IF Team đã bật khóc vì “nhóm lần đầu tham gia cuộc thi nghiên cứu khoa học, đặt mục tiêu thử sức là chính, không ngờ lại được giải thưởng cao nhất”.
Vừa qua, các đội thi thuộc 5 tiểu ban Công nghệ thông tin, Thiết kế mỹ thuật số, Ngôn ngữ, Truyền thông đa phương tiện, Kinh tế – Quản trị kinh doanh tham gia vòng Chung kết FPT Edu ResFes 2024 tại campus FPT Edu Hà Nội. Trong đó, IF Team đến từ Trường ĐH FPT phân hiệu Cần Thơ đã giành được ngôi vị Quán quân bảng Truyền thông đa phương tiện.
Trong vòng hơn 3 tháng, nhóm hoàn thành đề tài “Nhận thức và sự chấp nhận của thế hệ Z Việt Nam về ứng dụng công nghệ sinh học trong sản xuất thực phẩm: Nghiên cứu tác động của kiến thức, niềm tin và nhận thức đến thái độ và ý định mua hàng của khách hàng đối với thực phẩm biến đổi gen”.
Dù ba thành viên đều đang theo học ngành Quản trị kinh doanh nhưng đã thử sức nghiên cứu khoa học ở lĩnh vực Truyền thông đa phương tiện vì đề tài thực phẩm biến đổi gen chưa được phổ biến với người Việt. Vì thế, nhóm cho rằng triển khai hoạt động truyền thông trên cơ sở kết quả đã nghiên cứu sẽ nâng cao giá trị thực tiễn cho đề tài này.
Nhóm IF đã tiến hành nghiên cứu thông qua kiểm tra các yếu tố như kiến thức, niềm tin, lợi ích và rủi ro nhận thức. Việc được gen Z đón nhận loại thực phẩm này rất quan trọng vì đây là đối tượng “khách hàng tiềm năng” trong nền kinh tế thế giới nói chung và ngành sản phẩm dịch vụ nói riêng. Hiểu được hành vi tiêu dùng của các bạn trẻ có thể giúp doanh nghiệp trong nước tận dụng mong muốn của họ và tạo nên những chiến lược kinh doanh với “cú hích” truyền thông mạnh mẽ hơn.
Các sinh viên Trường ĐH FPT phân hiệu Cần Thơ sử dụng phương pháp nghiên cứu định lượng, thu thập dữ liệu thông qua bảng câu hỏi được xây dựng dựa trên các nghiên cứu trước đó. Dữ liệu từ mẫu khảo sát gồm 485 cá nhân được phân tích bằng Mô hình phương trình cấu trúc bình phương nhỏ nhất từng phần (PLS-SEM).
Kết quả cho thấy, việc nâng cao kiến thức, niềm tin và nhận thức cho gen Z về lợi ích của sản phẩm có tác động tích cực đến ý định mua hàng. Thế nhưng, khách hàng lại không có thái độ tiêu cực với khi tiếp cận thông tin về các yếu tố rủi ro của sản phẩm này. Từ đây, các doanh nghiệp có thể định hình các chiến lược tiếp thị phù hợp để giải quyết mối quan tâm của người tiêu dùng, đồng thời nhấn mạnh lợi ích của thực phẩm biến đổi gen để thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm biến đổi gen.
Đồng hành cùng các thành viên trong công trình nghiên cứu này, ThS. Ngô Thị Thuý An (CNBM Kỹ năng mềm, Trường ĐH FPT phân hiệu Cần Thơ) nhận định các thành viên của IF Team có đầy đủ các yếu tố của người làm nghiên cứu khoa học, đó là tinh thần học hỏi, sáng tạo và kiên trì.
“Đến nay chúng tôi đã xây dựng được một công trình nghiên cứu về thực phẩm biến đổi gen và đề tài lần này là phần thứ 3 của công trình. Hiện tại, cả 3 đề tài đều đang trong giai đoạn kiểm duyệt chờ xuất bản”, cô An cho hay.
Huệ Anh
Tổ chức Giáo dục FPT – fpt.edu.vn