Hai phiên toàn thể truyền cảm hứng, nhiều thông tin giá trị từ FPT Educamp 2024
Với sự chia sẻ của 2 diễn giả - nhà quản lý giáo dục có kinh nghiệm và uy tín là TS. Lê Trường Tùng – Chủ tịch Hội đồng trường Trường ĐH FPT, Tập đoàn FPT và GS. TS. Huỳnh Văn Sơn – Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm TP. HCM, phiên toàn thể của hội thảo FPT Educamp 2024 đã đem tới nhiều thông tin hữu ích, giá trị cho người tham dự.
Sau lễ khai mạc, hơn 300 diễn giả và người tham dự đã ngay lập tức bắt đầu một ngày hội thảo bằng phần trình bày của 2 keynote: GS. TS. Huỳnh Văn Sơn – Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm TP. HCM với chủ đề “Chiến lược tạo động lực cho việc tự học” và TS. Lê Trường Tùng, Chủ tịch Hội đồng trường Trường ĐH FPT, Tập đoàn FPT với chia sẻ “Tự học trong bối cảnh Gen AI”.
Là keynote speaker đầu tiên của phiên toàn thể, GS. TS. Huỳnh Văn Sơn đã đem đến một phần chia sẻ vừa thú vị vừa hào hứng với chủ đề “Chiến lược tạo động lực cho việc tự học”. Thông qua lần lượt 7 hoạt động tương tác, GS. TS. Huỳnh Văn Sơn đã giúp hơn 300 khán thính giả tại phiên toàn thể FPT Educamp 2024 tìm hiểu 3 nội dung chính: Khái quát về động lực và tự học của người học trong bối cảnh mới, Một số lý thuyết về tạo động lực cho việc tự học, Một số biện pháp và công cụ tạo động lực cho việc tự học.
Bằng cách tham gia các hoạt động tương tác ngay trong phần chia sẻ của diễn giả, người tham dự FPT Educamp 2024 đã trực tiếp tham gia vào một lớp học được áp dụng chiến lược tạo động cho việc tự học. Từ những hoạt động đó, người tham dự đã nắm được những đặc điểm cơ bản nhất của tự học: khái niệm tự học, vai trò của tự học, nguyên tắc tạo động lực tự học cho người học...
Đồng thời trong phần chia sẻ, GS. TS. Huỳnh Văn Sơn cũng giới thiệu tới người tham dự một số lý thuyết về tạo động lực tự học như: Lý thuyết về nhu cầu của Maslow, Học thuyết tăng cường tích cực, Học thuyết kỳ vọng, Thuyết nhu cầu học tập của McClellan... Đặc biệt, GS. TS. Huỳnh Văn Sơn cũng nhấn mạnh một số cách thức tạo động lực tự học cho người học trong bối cảnh mới, với mong muốn các thầy cô, cán bộ có thể có những phương thức mới để nâng cao hiệu quả của việc tạo động lực.
Tiếp sau phần chia sẻ về “Chiến lược tạo động lực cho việc tự học” của GS. TS. Huỳnh Văn Sơn là phần chia sẻ của TS. Lê Trường Tùng về chủ đề “Tự học trong bối cảnh Gen AI”. Trong phần chia sẻ của mình, TS. Lê Trường Tùng đã chia sẻ trải nghiệm tự học của cá nhân từ quá khứ khi còn là học sinh, sinh viên tới khi đi làm, từ khi còn theo đuổi ngành Toán tới khi theo đuổi ICT (công nghệ thông tin và truyền thông) và Edtech (công nghệ trong giáo dục).
Từ đó, TS. Lê Trường Tùng nhấn mạnh thời đại hiện nay “đã qua đi mô hình giáo dục học một lần dùng suốt đời”, mà học tập suốt đời đã trở thành xu hướng toàn cầu với những đặc điểm chính như: sử dụng ít những gì học trong nhà trường, Kinh tế tri thức thay đổi theo hàm mũ, Kiến thức mới – Công nghệ mới – Công việc mới, Học tập trở thành nhu cầu thường xuyên – Học tập suốt đời... Chính bởi vậy “tự học” trở thành yêu cầu bắt buộc của con người để phát triển và thích nghi trong xã hội mới.
Trên nền tảng đó, TS. Lê Trường Tùng nhấn mạnh, từ khi thành lập, mảng giáo dục Tập đoàn FPT đã đề cao vai trò của tự học, thể hiện ở triết lý “Giáo dục đào tạo là việc tổ chức và quản lý việc tự học của người học”. Nhiều năm qua, CBGV FPT luôn chú trọng hiện thực hóa triết lý ấy trong tất cả các hoạt động giáo dục đào tạo mà gần đây nhất là việc ứng dụng nền tảng Edunext cùng phương pháp học tập kiến tạo trong giảng dạy và học tập. Phương pháp này có đặc trưng là thầy cô đặt ra câu hỏi kiến tạo và học sinh, sinh viên, học viên sẽ tự nghiên cứu, làm việc nhóm, thuyết trình và phản biện trong môi trường giao tiếp nhóm và giữa các nhóm với nhau.
Tuy vậy, việc triển khai phương pháp học tập kiến tạo trong thời đại Gen AI có thể sẽ gặp nhiều thuận lợi nhưng cũng không tránh khỏi một số khó khăn khi việc tìm kiếm thông tin trở nên quá dễ dàng, và hiệu quả của việc tự học phụ thuộc rất nhiều vào sự tự ý thức của người học, thầy cô cũng cần sự nhạy bén để đánh giá đúng khả năng, năng lực của người học. Tuy nhiên, không thể phủ nhận tự học và Gen AI sẽ là tương lai của việc học tập với những đặc điểm đặc trưng và con người cần phải thay đổi để thích nghi với nó: AI Transformation - Gen AI sẽ tác động mạnh mẽ đến giáo dục, Prompt Engineering – Học cách tương tác hiệu quả với AI, Kiểm tra đánh giá – Cần thay đổi cách kiểm tra, đánh giá, Bài tập về nhà – Thay đổi cách giao bài tập về nhà.
Thông qua những chia sẻ của hai diễn giả, người tham dự đã có thêm những khái niệm mới, kiến thức mới, phương thức mới để tự học và triển khai tự học cho người học trong giáo dục đào tạo.
Ngay sau phiên trình bày của các keynote speakers, các báo cáo viên và người tham dự sẽ tiếp tục ngày hội thảo tại 9 phòng tham luận. Người tham dự sẽ được tùy ý lựa chọn đề tài mà bản thân muốn nghe và thảo luận xoay quanh chủ đề lớn của FPT Educamp năm nay – "Tổ chức và Quản trị việc tự học".
Hải Ngân – fpt.edu.vn