FPT Edu - Tin tức chung

‘Kỹ sư 57’ cần kỹ năng gì trong kỷ nguyên vươn mình?

08/05/2025
Ngô Ngọc Trâm
86

Lực lượng này là những người am hiểu về công nghệ, được bổ sung kiến thức và kỹ năng thực tiễn để tham gia công cuộc chuyển đổi số quốc gia. Đồng thời, “kỹ sư 57” cần có tư duy và hiểu biết về pháp luật.

“Kỹ sư 57” chỉ lực lượng dự bị chiến lược tham gia triển khai Nghị quyết 57 về chuyển đổi số trong các cơ quan quản lý nhà nước và doanh nghiệp. Đây sẽ là lực lượng quan trọng góp phần đưa đất nước bước vào kỷ nguyên vươn mình.

Ngày 7/5, Tập đoàn FPT phối hợp các bộ ban ngành, đơn vị tổ chức Diễn đàn Phát triển xung lực mới cho quốc gia và Lễ ra mắt liên minh nhân lực chiến lược thực thi Nghị quyết 57-NQ/TW. Trong khuôn khổ Diễn đàn đã diễn ra Tọa đàm chủ đề "Phát triển xung lực mới cho quốc gia: nhân lực thực thi Nghị quyết 57-NQ/TW".

Tọa đàm chỉ ra nhu cầu và thách thức về nguồn nhân lực đối với toàn xã hội, thảo luận về giải pháp và chiến lược xây dựng đội ngũ nhân lực kỷ nguyên số. Đồng thời, các diễn giả nêu ra vai trò của cơ sở đào tạo trong việc đảm bảo nguồn lực chất lượng thực hiện Nghị quyết 57.

Tọa đàm với sự tham gia của lãnh đạo bộ ngành, doanh nghiệp và cơ sở giáo dục.  

Giáo dục phải nhanh chóng “chuyển mình”

Chia sẻ tại tọa đàm, anh Lê Trường Tùng - Chủ tịch Hội đồng trường Trường ĐH FPT khẳng định, khối Giáo dục FPT nhận thức rõ “giáo dục không thể tiếp tục vận hành theo cách của 3 đến 5 năm trước”.

Khoa học công nghệ thay đổi nhanh chóng, tinh thần đổi mới được đặt ra đầy quyết liệt trong các Nghị quyết của Ban chấp hành Trung ương. Hơn hết, sự "xâm nhập" mạnh mẽ của trí tuệ nhân tạo vào hầu hết các lĩnh vực kinh tế - xã hội, dẫn tới sự thay đổi căn bản về cách học, nội dung học và mục tiêu học. Điều này đặt ra câu hỏi: Nội dung chương trình đào tạo cần thay đổi như thế nào để phù hợp với bối cảnh mới?

“Nếu không có sự đổi mới sâu sắc trong giáo dục, thì thế hệ trẻ sẽ thiếu hụt nhiều kỹ năng thiết yếu, không thể phát huy được vai trò trong thời đại mới. Khi đó, các tổ chức giáo dục như chúng tôi sẽ không hoàn thành sứ mệnh của mình”, anh Tùng nêu rõ.

Anh Lê Trường Tùng - Chủ tịch Hội đồng trường ĐH FPT chia sẻ trong sự kiện

Nghị quyết 57-NQ/TW là một cuộc cách mạng, mở ra những cơ hội to lớn cho quốc gia - đặc biệt trong lĩnh vực khoa học, công nghệ và phát triển nhân lực. “Để hiện thực hóa tinh thần của Nghị quyết 57, chúng ta đang đối mặt với thách thức lớn về nguồn lực triển khai”, anh Nguyễn Văn Khoa - Tổng giám đốc FPT - nhấn mạnh trong buổi tọa đàm.

Anh cho biết, FPT luôn mang bài toán chinh phục khoa học công nghệ của đất nước và của doanh nghiệp đến với học sinh, sinh viên ngay từ khi các em còn ngồi trên ghế nhà trường. Điều này giúp các em định hướng rõ ràng mình sẽ trở thành ai: kỹ sư điện tử, kỹ sư siêu thanh, chuyên gia công nghệ sinh học… và có đóng góp như thế nào cho sự phát triển của đất nước.

“Những bài toán lớn được đưa vào nhà trường để các em tiếp cận ngay từ đầu sẽ tạo nền tảng căn bản vững chắc. Khi tốt nghiệp, các em có thể trở thành những nhà khoa học chuyên sâu trong lĩnh vực công nghệ, hoặc những nhà quản trị khoa học công nghệ, được nuôi dưỡng từ tinh thần của Nghị quyết 57”, anh Nguyễn Văn Khoa chia sẻ.

Vì vậy, anh kêu gọi các doanh nghiệp công nghệ cùng tham gia Liên minh nhân lực chiến lược để mở rộng sức mạnh triển khai. Liên minh cũng vừa ra mắt trong khuôn khổ sự kiện ngày 7/5.

"Kỹ sư 57" cần kỹ năng gì?

“Họ cần kiến thức công nghệ, nhưng quan trọng hơn là kỹ năng thực tiễn để tham gia công cuộc chuyển đổi số quốc gia - trong các cơ quan nhà nước, doanh nghiệp, tổ chức - những nơi đang và sẽ chuyển đổi mạnh mẽ trong thời gian tới”, anh Lê Trường Tùng chỉ rõ.

Từ sau Tết Nguyên đán Ất Tỵ đến nay, Trường ĐH FPT đã thành lập một lực lượng chuyên trách để trả lời câu hỏi này. Kết quả là một chương trình đào tạo hoàn chỉnh đã được xây dựng và sẵn sàng triển khai cho sinh viên, bắt đầu học từ thứ Hai tuần sau (ngày 12/5). Chương trình không chỉ dành cho sinh viên năm cuối, mà bắt buộc toàn bộ sinh viên CNTT học ngay sau năm nhất, khi đã có kiến thức công nghệ nền tảng để sẵn sàng thực tập sớm, tham gia vào các dự án thực tiễn.

“Lực lượng này có thể 'nhập cuộc' bất cứ lúc nào, với quy mô hàng chục nghìn người. Đó là mong muốn và cũng là cam kết của Trường Đại học FPT”, anh Tùng nói.

Còn anh Nguyễn Văn Khoa cho rằng “kỹ sư 57” cần có tư duy và hiểu biết về pháp luật. “Trước đây, trong môi trường doanh nghiệp, chúng ta chỉ làm những gì có lợi và những gì pháp luật yêu cầu. Tuy nhiên, chúng ta cần đào tạo các em chuyên sâu về tư duy pháp lý và chuẩn mực hành chính công. Các em có thể vừa học quốc phòng vừa học về 'kỹ sư 57'", anh nói.

Bên cạnh đó, Tổng giám đốc FPT đề cập đến tư duy thiết kế hệ thống. Trước đây, chúng ta tập trung vào người dùng cuối, nhưng giờ đây cần mở rộng tầm nhìn, hướng đến doanh nghiệp, người dân và nhà nước. Kiến thức về tư duy hệ thống cần được đưa vào chương trình giảng dạy.

“Trong lĩnh vực khoa học công nghệ, quy trình, quy chuẩn và nền tảng đóng vai trò vô cùng quan trọng. Khi xây dựng được tư duy chuẩn hóa ngay từ đầu, chúng ta sẽ đào tạo được các 'kỹ sư 57'. Thầy cô có thể xây dựng bộ tiêu chí để từ đó các trường cá nhân hóa phù hợp với học sinh, sinh viên của mình”, anh Khoa nhấn mạnh.

Tổng giám đốc FPT Nguyễn Văn Khoa chia sẻ trong buổi tọa đàm

Để đào tạo nên những “kỹ sư 57”, Trường ĐH FPT xây dựng nội dung đào tạo mở rộng vượt ra ngoài CNTT truyền thống, gồm: Quản lý nhà nước và hành chính công: So sánh mô hình cũ và mới; Lý thuyết quản trị doanh nghiệp hiện đại trong bối cảnh chuyển đổi số; Kinh tế và tài chính số: Nắm được nguyên lý và hoạt động thực tế; Trải nghiệm người dân trong hệ sinh thái dịch vụ số.

Song song đó là các lĩnh vực công nghệ chuyên sâu như: đổi mới sáng tạo, an ninh mạng, đạo đức số, pháp luật và môi trường số cũng được đưa vào chương trình ở giai đoạn tiếp theo.

Toàn bộ chương trình được thiết kế trên nền tảng số, học tập online qua Coursera, đánh giá tự động. Đặc biệt, AI được sử dụng toàn diện trong thiết kế nội dung, xây dựng câu hỏi, sản xuất video bài giảng, và giảng viên phần lớn là các mô hình AI. Nhờ vậy, tốc độ phát triển chương trình mới có thể nhanh như hiện nay.

“Chúng tôi kỳ vọng đến tháng 8 năm nay sẽ hoàn thành khóa đầu tiên và trong năm 2025, Việt Nam sẽ có thế hệ 'kỹ sư 57' đầu tiên, sẵn sàng góp mặt vào hành trình chuyển đổi số quốc gia”, anh Lê Trường Tùng kỳ vọng.

Theo Chungta

86

Nhân vật