Ngôi trường ‘kỳ lạ’ khi sinh viên được học nhạc cụ dân tộc
ĐH FPT là trường Đại học đầu tiên ở Việt Nam đưa nhạc cụ dân tộc vào chương trình đào tạo từ năm 2014. Đây được đánh giá là một trong những hành động thiết thực của ĐH FPT để truyền thụ tinh hoa văn hoá dân tộc tới học sinh, sinh viên thông qua những kho tàng âm nhạc truyền thống Việt Nam.
Tại ĐH FPT Hoà Lạc, sinh viên sẽ được tự chọn 1 trong 6 nhạc cụ: đàn tranh, đàn nguyệt, đàn bầu, sáo, nhị, đàn tỳ bà và theo học như một môn học bắt buộc. Trong các giờ học, không gian toà nhà hiệu bộ tại Hoà Lạc náo nhiệt với âm thanh của các nhạc cụ dân tộc Việt Nam. Với thời lượng khoảng 30 buổi, mỗi buổi 1,5h, sinh viên FPTU sẽ được trang bị kiến thức cơ bản về nhạc cụ dân tộc và có thể chơi một số bài nhạc cơ bản.
Theo các giảng viên bộ môn Nhạc cụ dân tộc ở ĐH FPT, sau một tuần, sinh viên có thể chơi được những bài hát đơn giản như bài “Inh lả ơi” hay “Vào rừng hoa” bằng đàn tranh. Sau 3 tháng học tập nghiêm túc, sinh viên sẽ thuần thục các bài hát khó hơn. Để đạt đến trình độ hòa tấu cùng một nhóm nhiều loại nhạc cụ khác nhau thì cần sự nỗ lực rèn luyện và cả lòng say mê, kiên trì theo đuổi bộ môn này trong thời gian lên đến một vài năm.
Sinh viên Đại học FPT được học chơi một số loại nhạc cụ dân tộc.
Là sinh viên năm thứ 3 của ĐH FPT, Nguyễn Quốc Đạt có thể chơi đàn guitar, đàn tỳ bà, đàn nguyệt, biết hát ca trù và đánh trống trầu. Đạt bộc bạch: “Thực ra, trước khi vào trường, mình cũng không có kiến thức gì về nhạc cụ truyền thống. Lúc mới vào trường, mình được xếp vào lớp đàn tranh. Sau một thời gian, cô Nguyễn Thu Thuỷ - giảng viên bộ môn Nhạc cụ dân tộc thấy có năng khiếu nên ngỏ ý sẽ dạy thêm các nhạc cụ khác. Mình quyết định học thêm đàn tỳ bà vì thấy đó là nhạc cụ được khá ít sinh viên theo học và cũng rất khó để theo đuổi nên muốn thử sức”.
Càng học, cậu sinh viên này càng nhận ra mình thực sự phù hợp với âm nhạc truyền thống nên tiếp tục theo đuổi những môn học này.
Những sinh viên của ĐH FPT có tình yêu âm nhạc truyền thống như Đạt đã cùng tập hợp lại với nhau và thành lập câu lạc bộ nhạc cụ truyền thống (FTIC) như bây giờ.
Dân ca là một thể loại quen thuộc của âm nhạc truyền thống Việt Nam. Tại Triển lãm âm nhạc truyền thống được tổ chức vào 7/10/2015, Dân ca được giới thiệu qua ca khúc “Bèo dạt mây trôi” trên nền nhạc kết hợp giữa sáo, đàn tranh và đàn tì bà của sinh viên và giảng viên Đại học FPT. Ảnh: Tuấn Anh
Từ khi thành lập vào ngày 8/8/2015 đến nay, FTIC đã tham gia biểu diễn tại các chương trình lớn nhỏ của trường ĐH FPT như: lễ khai giảng, lễ tôn vinh, lễ tốt nghiệp, hội thao, hội thảo... Năm 2015, FTIC còn phối hợp với lớp SE1009 tổ chức Triển lãm âm nhạc truyền thống tại Hoà Lạc thu hút được sự quan tâm của nhiều cán bộ, giảng viên và sinh viên ĐH FPT.
Được biết, trong thời gian này, FTIC đang tổ chức cuộc thi “Âm hưởng truyền thống”. Đây là một cuộc thi về âm nhạc truyền thống lần đầu tiên do sinh viên tổ chức với mong muốn đưa âm nhạc truyền thống đến gần hơn với các bạn trẻ, cũng như một cơ hội tạo ra sân chơi bổ ích cho các bạn sinh viên ĐH FPT và học sinh FSchool.
Quỳnh An
Tổ chức Giáo dục FPT - fpt.edu.vn