FPT Edu - Tin tức chung

Những tham luận đáng chú ý về các mô hình và thực tế triển khai việc tự học tại FPT Educamp 2024

08/12/2024
Hà Hải Ngân
610

Tại hội thảo FPT Educamp 2024, nhiều báo cáo viên mang đến những tham luận liên quan đến các lý thuyết, mô hình và thực tiễn về việc tự học. Trong đó có những tham luận đáng chú ý như: “Ứng dụng mô hình “Thiết kế phổ quát trong Giáo dục” trong tổ chức và quản trị việc tự học của học sinh”, “Theo đuổi mục tiêu đến cùng với 4Dx”, hay “Lớp học không tường”...

Ứng dụng mô hình “Thiết kế phổ quát trong Giáo dục” trong tổ chức và quản trị việc tự học của học sinh 

Đây là tham luận được chia sẻ bởi báo cáo viên Lê Đoàn Mai Khanh, Trường THPT FPT Cần Thơ, Tập đoàn FPT. Theo chia sẻ của báo cáo viên, bối cảnh xã hội hiện tại với sự phát triển nhanh chóng của công nghệ thông tin, trí tuệ nhân tạo đã tạo điều kiện cho học sinh có thể hòa nhập với thế giới, đa dạng cơ hội trong học tập và công việc. Tuy nhiên bối cảnh này khiến học sinh cần có kỹ năng tự học và học tập suốt đời để không ngừng phát triển, người dạy cần tổ chức việc tự học một cách hiệu quả thay vì cung cấp lượng thông tin như nhau cho toàn bộ học sinh. Để quản trị việc tự học đòi hỏi nhà giáo dục cần thiết kế chương trình giảng dạy phù hợp. 

Báo cáo viên Lê Đoàn Mai Khanh với tham luận “Ứng dụng mô hình Thiết kế phổ quát trong Giáo dục, trong tổ chức và quản trị việc tự học của học sinh”

Chính bởi vậy, ở tham luận này, báo cáo viên Lê Đoàn Mai Khanh đã giới thiệu về mô hình Thiết kế phổ quát trong giáo dục (Universal Design for Learning - UDL), mô hình phát triển dựa trên ba yếu tố: khả năng tiếp cận, tính đa dạng và môi trường lớp học mang tính hỗ trợ, vốn được áp dụng rộng rãi trong việc thiết kế dạy và học tại các nước phát triển trên thế giới. 

Chia sẻ chi tiết tại hội thảo, báo cáo viên Lê Đoàn Mai Khánh cho biết, việc đưa bài giảng cùng một cách thức cho tất cả người học không phải sự lựa chọn tối ưu, bởi có người học phù hợp với cách thức đó nhưng chắc chắn sẽ có người không phù hợp. Vậy nên tìm kiếm một chương trình đào tạo giúp tất cả học sinh có thể tiếp cận được dù các bạn có khác biệt như thế nào là việc mà tất cả các giáo viên đang thực hiện. Và “Thiết kế phổ quát trong giáo dục” là một mô hình có thể đáp ứng được điều ấy.

Để làm được điều đó, yếu tố cốt lõi của UDL chính là thu hút, đại diện hóa, hành động và biểu đạt, được thực hiện trên 3 nguyên tắc cơ bản: Đa dạng loại nội dung, Đa dạng phương pháp học tập và Đa dạng hình thức tham gia. 

Báo cáo viên Lê Đoàn Mai Khanh hiện đang là giáo viên tại FPT 

Đồng thời tham luận cũng đưa ra các căn cứ để ứng dụng mô hình này trong việc tổ chức và quản trị việc tự học của học sinh dựa trên các nghiên cứu khoa học não bộ về cách tiếp nhận thông tin của học sinh và đề cập đến tính khả dụng khi áp dụng UDL trong bối cảnh các trường phổ thông FPT.

Theo đuổi mục tiêu đến cùng với 4Dx 

Báo cáo viên Phạm Thị Thu Hằng (Ban Nghiên cứu - Phát triển chương trình FPT) chọn chủ đề tham luận: “Theo đuổi mục tiêu đến cùng với 4Dx”. Trong bối cảnh phát triển công nghệ nhanh chóng hiện nay, học sinh giảm hứng thú, thiếu động lực cho việc học tập, thiếu rèn luyện thể chất, tinh thần và chất lượng các mối quan hệ suy giảm. Đồng thời, phụ huynh học sinh cũng loay hoay trong việc đồng hành cùng nhà trường giáo dục con. Nghiên cứu này khám phá các chiến lược đòn bẩy nhằm giúp giáo viên quản trị việc tự học cho học sinh phổ thông thông qua việc áp dụng “Bốn nguyên tắc thực thi” (4Dx) do Sean Covey và nhóm tác giả thuộc chương trình The Leader in Me của FranklinCovey phát triển. Kết hợp với Học thuyết Đa trí tuệ của Howard Gardner, nghiên cứu tập trung vào việc khai phá động lực nội tại và giúp học sinh duy trì nỗ lực đạt được các mục tiêu học tập, rèn giũa thể chất, tinh thần. 

Báo cáo viên Phạm Thị Thu Hằng (Ban Nghiên cứu - Phát triển chương trình FPT) chọn chủ đề tham luận: “Theo đuổi mục tiêu đến cùng với 4Dx”

Trong khuôn khổ phần chia sẻ của mình, BCV đã tóm tắt 5 nội dung chính: Giới thiệu về 4Dx, Khám phá lợi ích của 4Dx, Liên kết học thuyết đa trí tuệ, Thực tiễn triển khai và Khuyến nghị. Theo đó, trong quá trình dạy và học, giáo viên cùng học sinh gặp phải nhiều thách thức như thiếu động lực nội tại, chần chừ, sợ thất bại, quản lý thời gian kém. 

Để tìm ra cách giải quyết những thách thức này, BCV đã đi từ thuyết tự quyết với những yếu tố chính như Cấu trúc động lực học tập, Nhu cầu năng lực, Nhu cầu kết nối, Nhu cầu tự chủ và những rào cản tác động tới người học như Mục tiêu bị xung đột, Stress và lo lắng hay Kiệt sức... Dựa trên những thông tin đó, 4Dx được ứng dụng trong giáo dục nhằm giúp học sinh học tập, rèn luyện hiệu quả thông qua việc hướng dẫn học sinh tập trung vào mục tiêu học tập, rèn luyện mà mình hứng thú, hay thông qua việc cá nhân hóa bằng việc kết hợp học thuyết đa trí tuệ để giúp học sinh đặt mục tiêu với lĩnh vực mà mình hứng thú.

Báo cáo viên Phạm Thị Thu Hằng hiện đang là cán bộ phát triển chương trình phổ thông tại FPT

Cũng trong phần chia sẻ, BCV đã nêu ra 4 nguyên tắc của 4Dx: Tập trung vào mục tiêu tối quan trọng, Hành động theo các biện pháp chủ đạo, Bảng theo dõi duy trì động lực, Tạo nhịp độ chịu trách nhiệm. Dựa trên 4 nguyên tắc này, BCV đã cùng giáo viên tại FSC Bắc Giang, Bắc Ninh thuộc FPT triển khai phương pháp này nhằm xây dựng thói quen học tập và tự lập. Kết quả cho thấy cả giáo viên, học sinh, phụ huynh đều hào hứng tham gia, với những cải thiện đáng kể về kết quả học tập, mối quan hệ với gia đình, góp phần củng cố triết lý quản trị việc tự học trong FPT.

“Lớp Học Không Tường” Tại FPT Schools Đà Nẵng - Mở Cửa Lớp Học, Đón Nhận Thế Giới 

Đây là chia sẻ của báo cáo viên Mai Thị Hoài Dung, Phan Thị Linh (Trường Tiểu học và Trung học cơ sở FPT Đà Nẵng, Tập đoàn FPT). 

 

Mô hình “Lớp học không tường” tại FPT Schools Đà Nẵng, Tập đoàn FPT áp dụng phương pháp dạy học trải nghiệm nhằm giúp học sinh khám phá tri thức một cách chủ động

Mô hình “Lớp học không tường” tại FPT Schools Đà Nẵng, Tập đoàn FPT áp dụng phương pháp dạy học trải nghiệm nhằm giúp học sinh khám phá tri thức một cách chủ động. Dựa trên cơ sở lý luận về giáo dục hiện đại và nhu cầu đổi mới của Chương trình GDPT 2018, mô hình hướng tới việc gắn kết thực tiễn với bài học, kích thích hứng thú và động lực học tập, phát huy sự sáng tạo và năng lực giải quyết vấn đề của học sinh, phát triển kỹ năng toàn diện, tăng cường sức khỏe thể chất - tinh thần. Đồng thời, thực tế cũng cho thấy mô hình còn giúp người học xây dựng các mối quan hệ tích cực.

Thực tế triển khai tại Trường Tiểu học và Trung học cơ sở FPT Đà Nẵng, Tập đoàn FPT cho thấy, các hoạt động dạy và học ngoài không gian lớp học không chỉ giúp học sinh hiểu sâu hơn bài học mà còn thúc đẩy các phẩm chất như tự tin, hợp tác và trách nhiệm. Qua quan sát và phỏng vấn, nhóm báo cáo viên nhận thấy học sinh không chỉ tiếp cận tri thức một cách sinh động mà còn gia tăng khả năng kết nối giữa kiến thức và thực tế đời sống. Từ thành công bước đầu, đề tài kiến nghị mở rộng chương trình áp dụng mô hình “Lớp học không tường” trong hệ thống FPT, đồng thời tăng cường đào tạo giáo viên về phương pháp dạy học trải nghiệm. Những nỗ lực này sẽ góp phần thực hiện triết lý giáo dục của tổ chức và đáp ứng được yêu cầu đổi mới của chương trình giáo dục phổ thông năm 2018. 

Hải Ngân - fpt.edu.vn

610

Nhân vật