FPT Edu - Tin tức chung

Nỗ lực hơn 100% của các thầy cô FPT Edu vì những lớp học đầu đời đầy hăm hở

17/12/2021
Hà Hải Ngân
1603

Bài học đầu đời của lứa học trò nhỏ tuổi nhất FPT Edu suốt năm 2021 có lẽ không chỉ có kiến thức sách vở mà còn đầy ắp niềm yêu thích, những điều tử tế và yêu thương được trao truyền từ các giáo viên ở FPT Edu. Nỗ lực hơn 100% sức mình của các thầy cô đã góp phần tạo nên những lớp học đầu đầy hăm hở cho học trò giữa mùa trực tuyến.

"Tôi hạnh phúc vì cố gắng đã mang lại trái ngọt"

Đó là chia sẻ của cô giáo Lê Thị Thủy, giáo viên TH-THCS FPT Cầu Giấy. Là một trong những giáo viên được giao phụ trách giảng dạy khối lớp 1, cũng giống như nhiều thầy cô khác, cô Thủy đã từng băn khoăn và trăn trở với câu hỏi "Biết bắt đầu từ đâu khi các em còn quá nhỏ như vậy lại phải học trực tuyến?". Nhưng cô Thủy hiểu, với một năm đầy biến động vì dịch Covid-19, việc học trực tuyến là lựa chọn đúng đắn, vừa đảm bảo an toàn vừa không để lỡ hành trình khám phá kiến thức đầu tiên của học sinh.

Để đem lại hứng thú cho những bạn nhỏ mới chuyển từ môi trường mầm non ít quy tắc sang một môi trường mới cần học tập nghiêm túc hơn, cô Thủy đã khéo léo thay đổi phương pháp dạy học, linh hoạt trong các hoạt động, tạo cho học sinh nhiều cơ hội để trải nghiệm. Sau mỗi hoạt động, để động viên tinh thần học trò, cô Thủy lại “thưởng sao” và gửi danh hiệu cho các em. Nhờ vậy, học sinh lớp cô Thủy luôn tỏ ra hào hứng với những tiết học trực tuyến.

"Đôi khi mình cũng gặp những trường hợp khó giải quyết. Ví như trong một lớp mình giảng dạy có một bạn học sinh thường khóc, tức giận, gào thét khi không thể làm theo được lời cô. Mình đã dành nhiều thời gian để tìm hiểu nguyên nhân, dạy cho con biết hành vi nào là đúng, hành vi nào là sai, dạy con giữ bình tĩnh, cách thể hiện cảm xúc sao cho phù hợp", cô Thủy kể.

Cô Lê Thị Thủy cùng các học sinh Trường TH-THCS FPT Cầu Giấy

"Việc đặc biệt khó khăn chính là hướng dẫn các em tập viết. So với việc cầm tay chỉ dạy trực tiếp thì việc dạy các em xác định dòng kẻ, viết đúng con chữ qua màn hình máy tính là một thử thách không nhỏ”, nữ giáo viên trẻ nói thêm.

Thích nghi tốt với việc học trực tuyến không chỉ là thử thách với học sinh mà còn là thử thách với phụ huynh. “Rất nhiều phụ huynh lớp mình đã nhắn tin chia sẻ: “Cô giáo ơi, tôi thấy áp lực mỗi khi cùng con học”; “Chị ơi, em không biết làm thế nào vì em chưa có con được đi học như vậy bao giờ”; “Cô ơi, Tiếng Việt khó như vậy, liệu con nhà em có theo kịp không cô?...”, cô Thủy tâm sự.

Vậy là không chỉ chinh phục các cô cậu trò nhỏ, cô Thủy còn lập ra kế hoạch “chinh phục” cả các bậc phụ huynh bằng những buổi gặp mặt, những cuộc trò chuyện tâm sự. Và sau gần một học kỳ, học trò dần vào nề nếp, có trách nhiệm với việc học hơn, biết giúp đỡ gia đình, tự tin phát biểu, chia sẻ, kể chuyện và tiến bộ trong học tập. Phụ huynh cũng dần tháo gỡ được “áp lực”, trở nên tin tưởng vào con em mình, vào phương pháp học tập trực tuyến.

"Sau những cố gắng không ngừng nghỉ, mình thật sự đã nhận được "quả ngọt". Phụ huynh đã thấu hiểu các con hơn, học sinh thích thú hơn với việc học. Thậm chí, trong tiết học viết, có những em đã viết "Cô Thủy là nhất!", "Con yêu cô!" khiến cảm xúc của mình không khỏi dâng trào", cô Thủy xúc động chia sẻ.

"Mục tiêu đầu tiên là làm cho học sinh thích đi học"

Cô Đinh Thị Quỳnh Chi, giáo viên Trường TH-THCS FPT Đà Nẵng đã nói về mục tiêu lớn nhất trong công việc của mình năm qua như vậy. Với cô Chi, năm học 2021 – 2022 là một năm học đặc biệt với nhiều thách thức dành cho cả giáo viên, phụ huynh và các bạn nhỏ lớp 1.

Học sinh lớp 1 chưa được làm quen với phương thức học tập trực tuyến lại chưa có khả năng tập trung cao do tâm lý lứa tuổi, vậy nên thách thức đặt ra cho cô Chi và các giáo viên cùng khối chính là: "Làm thế nào để học sinh sử dụng các thiết bị học trực tuyến một cách thành thạo và an toàn?", "Làm sao để mang lại niềm vui và hứng thú cho các con qua mỗi tiết học?" hay "Làm cách nào để nhận được sự đồng hành và hỗ trợ từ phía gia đình học sinh?" và "Làm thế nào để đảm bảo được chất lượng đào tạo cũng như giữ vững uy tín của nhà trường khi tổ chức dạy học trực tuyến.

Cô Đinh Thị Quỳnh Chi  hiện là giáo viên chủ nhiệm lớp 1A1, Trường TH-THCS FPT Đà Nẵng

Đứng trước thật nhiều “bài toán” khó, cô Chi cùng các đồng nghiệp ở FSC Đà Nẵng đã giải quyết từng vấn đề, mà nhiệm vụ đầu tiên được xác định là làm cho các bạn nhỏ thích đi học, dù là học trực tuyến.

"Chúng mình đã lên kế hoạch chuẩn bị bài giảng thật hấp dẫn cho những tiết dạy đầu tiên trong tuần định hướng. Nhờ vậy, các con đã có những buổi đầu "đi học" thật đặc biệt. Bên cạnh đó, chúng mình luôn kiên nhẫn, đầu tư thời gian cho các bài giảng chất lượng để tạo được hứng thú và mang lại niềm vui cho học sinh. Mục tiêu ban đầu của mình và các GV tổ 1 chính là làm cho các bạn nhỏ thích "đi học", thích được gặp thầy cô và bạn bè trước khi tính đến việc truyền thụ kiến thức", cô Chi chia sẻ.

Một hoạt động nhân ngày Halloween mà cô Quỳnh Chi tổ chức cho các em học sinh khối 1 tại FSC Đà Nẵng

Sau khi tạo được hứng thú và niềm yêu thích việc học cho học sinh, cô Chi cùng đồng nghiệp đã vận dụng sự sáng tạo, thay đổi hình thức, cách dẫn dắt bài học cho đến việc chấm, chữa bài tập. Thay vì chọn cách chấm bài truyền thống là cho điểm và viết lời nhận xét vào bài làm của học sinh, cô Chi sẽ ghi âm hoặc quay video để nhận xét từng nét viết, từng con chữ, chỉ ra những điểm mà các con đã làm tốt hoặc những chỗ cần góp ý, điều chỉnh để sản phẩm học tập của các con được hoàn thiện hơn.

Phương pháp chấm bài như vậy mang tính trực quan và đem lại hiệu quả ngoài mong đợi. Các bậc phụ huynh cũng không phải mất quá nhiều thời gian cho việc giải thích, chỉ dẫn lại cho con, chỉ cần con mở video lên là có thể tự xem và điều chỉnh bài làm của mình theo lời góp ý của giáo viên.

"Bên cạnh việc giảng dạy, giáo viên lớp 1 chúng mình còn có một sứ mệnh không kém phần quan trọng, đó chính là tạo sự kết nối giữa các thành viên trong cộng đồng lớp học với nhau. Cho dù cô trò chúng mình từ đầu năm học đến giờ chưa một lần được gặp mặt trực tiếp nhưng mình luôn cảm nhận được sự gần gũi, thân quen từ các con. Sự ngây thơ, hồn nhiên và đáng yêu của các bạn nhỏ lớp 1 chính là nguồn động lực lớn nhất đối với mình trong thời điểm hiện tại", cô Chi bộc bạch.

"Dạy học trò thực hành những điều tử tế và học cách trao yêu thương"

Là một giáo viên có kinh nghiệm lâu năm, cô Kim Anh cho biết, chưa bao giờ cô phải xa trường lâu đến vậy. Dịch bệnh đã khiến cô phải thay đổi mình để tìm câu trả lời cho các câu hỏi: "Làm thế nào để dạy học sinh một cách hiệu quả?" và "Làm thế nào để lấy được lòng tin của phụ huynh vào quá trình giảng dạy, học tập của cô và trò?" khi học tập trực tuyến.

Dù học tập bằng hình thức nào, cô Kim Anh vẫn luôn tâm niệm: "Dạy học trò thực hành những điều tử tế và học cách trao yêu thương để gắn kết trái tim". Và những điều tử tế, những tình cảm yêu thương ấy được nữ giáo viên Trường TH-THCS FPT Cầu Giấy lan tỏa mỗi ngày qua lớp học trực tuyến của mình.

"Mình luôn coi các em học sinh là những thiên thần bé nhỏ và gọi các con bằng cái tên đáng yêu: “các tình yêu bé nhỏ của cô ơi” mỗi khi lên lớp trực tuyến. Vậy thôi là các con đã reo vang như khi nghe chim mẹ gọi chim con về tổ.” cô Kim Anh vui vẻ nói.

Để giúp học sinh nhanh chóng làm quen với môi trường học tập, với bạn bè và thầy cô, cô Kim Anh đã sáng tạo nhiều phương pháp “học mà chơi, chơi mà học”. “Mình nghĩ ra các trò chơi để học sinh biết tên của nhau, xếp chỗ ngồi cho các con, chia tổ, phân công đôi bạn cùng tiến. Mình tổ chức những tiết sinh hoạt hạnh phúc, nơi mà cô và các con chia sẻ những điều hay, tâm sự những câu chuyện hạnh phúc. Dù mới chỉ là những học sinh lớp Một, nhưng các con đã có thể tự lên kế hoạch cho một buổi sinh hoạt lớp đầy thú vị rồi" – cô Kim Anh cho biết.

Cô Nguyễn Thị Kim Anh – Giáo viên chủ nhiệm lớp 1A7, Trường TH-THCS FPT Cầu Giấy

Bên cạnh những hoạt động ấy, cô Kim Anh còn dạy học trò thực hành những điều tử tế như tự dọn dẹp góc học tập, xây dựng thói quen mới cho bản thân, giúp đỡ bố mẹ làm việc nhà, lên kế hoạch giúp đỡ bạn bè cùng tiến và nói lời yêu thương. Thậm chí, trong khoảng thời gian nghỉ giải lao, cô còn hướng dẫn học sinh ngồi thiền để giải tỏa stress, thư giãn sau khoảng thời gian học tập trước màn hình máy tính. Điều bất ngờ là hoạt động này không những được học sinh ủng hộ mà ngay cả phụ huynh cũng vui vẻ làm theo.

"Có lẽ chỉ có học online, mình mới có dịp truyền cảm hứng cho cả phụ huynh và học sinh nhiều đến vậy. Hạnh phúc hơn nữa là nhờ có quãng thời gian này mà nhiều bố mẹ đã hiểu rõ tầm quan trọng của việc đồng hành cùng GVCN quan tâm, dạy dỗ, chăm sóc các con", cô Kim Anh chia sẻ.

Không thể phủ nhận, những thay đổi trong cách tổ chức học đã tạo ra không ít thách thức đối với công tác giáo dục, đặc biệt là công việc giảng dạy và học tập của cô và trò khối lớp 1. Nhưng nhờ sự nỗ lực tới hơn 100% sức mình của những người giáo viên như cô Thủy, cô Chi, cô Kim Anh và thật nhiều thầy cô FPT Edu, nét mực thắm, giọng đọc vang trong những lớp học đầu đời đầy hăm hở của học trò nơi đây.

Hải Ngân

Tổ chức Giáo dục FPT - fpt.edu.vn

1603

Nhân vật