FPT Edu - Tin tức chung

Nữ giám khảo Chung kết Scratch 2015: ‘Lập trình không hề khó’

09/01/2016
Hải Nam
1351
Ưu thế của một nữ sinh ngành CNTT, niềm đam mê được cống hiến trong lĩnh vực phát triển giáo dục cho Việt Nam đã dẫn bước Hoàng Phương Nga đến với cuộc thi Lập trình nhí Scratch. “Việc học lập trình đã thay đổi hoàn toàn. Với các công cụ hỗ trợ như Scratch, Code.org..., trẻ em Việt Nam có thể dễ dàng tiếp cận với lập trình từ rất sớm và học được nhiều điều thú vị”, Phương Nga khẳng định.

Là nữ giám khảo trẻ tuổi nhất trong đội ngũ những người “cầm cân nảy mực” của Chung kết toàn quốc Scratch 2015, Hoàng Phương Nga – nữ sinh khóa 8 ngành Kỹ sư cầu nối Nhật Bản – Trường Đại học FPT vừa có phần chia sẻ suy nghĩ của bản thân về việc học, việc dạy lập trình đối với học sinh bậc Tiểu học và THCS Việt Nam.

Hoàng Phương Nga với học sinh bộ môn Scratch của mình trong một giờ học mà bạn đứng lớp. Ảnh: NVCC.

Hoàng Phương Nga với học sinh bộ môn Scratch của mình trong một giờ học mà bạn đứng lớp. Ảnh: NVCC.

- Chào Hoàng Phương Nga, được biết bạn là một thành viên trong BGK vòng Chung kết Scratch 2015. Nga thấy sao trong lần đầu tiên giữ vai trò “cầm cân nảy mực” ở một cuộc thi cấp toàn quốc như cuộc thi lập trình nhí này?

- Mình cũng có một chút lo lắng vì lần đầu tiên được giữ vai trò quan trọng như vậy trong một cuộc thi lập trình dành cho trẻ em trên toàn quốc. Tuy nhiên, mình cũng rất vui và tự hào vì nhiều trẻ em Việt Nam đã biết đến lập trình từ khi còn nhỏ và chúng ta cũng đang có những sân chơi để tạo điều kiện cho các em giao lưu phát triển, không thua kém gì các bạn bè trên thế giới.

- Là người có nhiều tâm huyết với Scratch, Phương Nga trông đợi gì ở phần thể hiện của các học sinh trong vòng Chung kết Scratch ngày 9 và 10/?  

- Trẻ em thường có những suy nghĩ khác hẳn với người lớn. Chính vì vậy, mỗi bài thi của các bạn nhỏ chắc chắn sẽ là một điều bất ngờ. Mình rất hy vọng, các bạn nhỏ sẽ vận dụng hết sức trí tưởng tượng của mình, những kiến thức đã học để làm được những bộ phim tuyệt vời nhất.

Học sinh trong một giờ học bộ môn lập trình Scratch của Hoàng Phương Nga. Ảnh: NVCC.

Học sinh trong một giờ học bộ môn lập trình Scratch của Hoàng Phương Nga. Ảnh: NVCC.

- Nga có tư vấn gì đối với các học sinh muốn có thành tích tốt tại cuộc thi này?

- Các bạn hãy bình tĩnh, tự tin làm bài hết mình là được rồi. Chính sự hồn nhiên, trí tưởng tượng phong phú của các bạn nhỏ sẽ là yếu tố được BGK đánh giá cao nhất.

- Scratch là ứng dụng miễn phí cho máy tính và công cụ sáng tạo online để dễ dàng sáng tạo game và tạo bước đệm cho phát triển lập trình máy tính. Ứng dụng này trên thế giới đã phổ biến, tuy nhiên, ở Việt Nam nhiều phụ huynh và học sinh chưa thực sự biết nhiều?  

- Quả thực có không ít phụ huynh cho rằng lập trình là một thứ gì đó vô cùng cao siêu và hóc búa. Tuy nhiên, việc học lập trình đã trải qua một cuộc cách mạng vô cùng lớn, giờ đây nó đã thay đổi hoàn toàn. Với các công cụ hỗ trợ học lập trình như Code.org, Scratch, Tynker, Kodable, Lightbot,...trẻ em có thể tiếp cận với lập trình từ rất sớm mà lại vô cùng thú vị.

Riêng với Scratch, không cần có kiến thức nền tảng về lập trình, vừa học vừa chơi, chỉ sau khoảng 1 giờ đồng hồ, các bé hoàn toàn có thể tự tạo ra một đoạn phim hoạt hình ngắn hoặc một game hành động đơn giản. Điều này chứng tỏ, lập trình không hề khó! Thêm vào đó, những sản phẩm làm ra đều mang tính trực quan, có thể dễ dàng chia sẻ cho bạn bè trên khắp thế giới sẽ là niềm động lực to lớn dành cho các bé. Không chỉ chơi game, xem phim mà giờ đây, các bé đã có thể tự tay tạo ra những sản phẩm của riêng mình.

Phương Nga đang chia sẻ với học sinh về các công cụ học lập trình. Lớp học của bạn thu hút đông đảo học sinh. Ảnh: NVCC.

Phương Nga đang chia sẻ với học sinh về các công cụ học lập trình. Lớp học của bạn thu hút đông đảo học sinh. Ảnh: NVCC.

- Được biết, từ tháng 4/2015, Nga và các bạn đang đảm trách “Code for Kid” – dự án dậy lập trình phát triển tư duy cho trẻ nhỏ. Đây có phải một dự án về Scratch?

- Dù là nhóm đầu tiên triển khai mô hình dậy lập trình cho trẻ em ở Việt Nam, tuy nhiên, sau gần 1 năm hoạt động Code for Kid đã đạt được những con số vô cùng đáng mừng. Chúng mình đã xây dựng thành công 3 khoá học: Làm quen với lập trình, Scratch Beginner và Scratch Advance. Có tổng cộng 7 lớp học đã được mở với cả 3 trình độ, hơn 50 học sinh đã được tiếp cận với lập trình và hơn 100 projects của học sinh đã được chia sẻ với bạn bè thế giới.

Code for Kid sẽ tiếp tục nhân rộng bộ môn lập trình đến gần hơn với học sinh Việt Nam. Kết hợp với dự án vì cộng đồng của Tập đoàn FPT, trong năm 2016, trường THCS Mạc Đĩnh Chi (thuộc quận Tây Hồ) sẽ là trường THCS đầu tiên mà dự án sẽ cộng tác. Đây chính là tiền đề để dự án có thể tiến gần hơn với các trường học, tạo điều kiện thuận lợi để trẻ em Việt Nam có một môi trường phát triển toàn diện.

- Bắt đầu một điều mới mẻ là điều rất khó. Kiên trì thực hiện và phát triển nó còn khó hơn rất nhiều. Lý do gì mà Nga lại dành nhiều thời gian, tâm huyết với Code for Kid?

- Với đam mê là làm về lĩnh vực phát triển giáo dục cho Việt Nam cộng với những ưu thế khi là một sinh viên chuyên ngành CNTT, mình rất muốn góp chút sức mình cho sự phát triển của đất nước. Khi làm dự án này, mình thấy được sự thích thú của các bé, sự phát triển trong cách tư duy, từng bước trưởng thành hơn qua các project. Hơn nữa, các bé đã biết đến máy tính không phải chỉ là 1 thứ đồ chơi để giải trí mà còn là một công cụ thần kỳ, giúp các em học tập và phát triển. Đó là niềm động viên lớn nhất đối với mình để tiếp tục thực hiện và mở rộng dự án này.

Dù mới chính thức triển khai từ tháng 4/2015, đến nay chương trình đã có tổng cộng hơn 50 học sinh đã được tiếp cận với lập trình và hơn 100 projects của học sinh đã được chia sẻ với bạn bè thế giới. Ảnh: NVCC.

Dù mới chính thức triển khai từ tháng 4/2015, đến nay chương trình đã có tổng cộng hơn 50 học sinh được tiếp cận với lập trình và hơn 100 projects của học sinh đã được chia sẻ với bạn bè thế giới. Ảnh: NVCC.

Nga tin rằng, dự án này sẽ có ảnh hưởng lớn tới xã hội vì nó ảnh hưởng trực tiếp đến trẻ em – những mầm non tương lai ở đất nước. Tại sao ở Mỹ, có Rohan Agarawal, 12 tuổi đã có thể tự chế tạo ra robot cho riêng mình, Lim Ding Wen mới 10 tuổi đã phát triển phần mềm cho iPhone? Mình nghĩ rằng, trẻ em Việt Nam hoàn toàn có thể làm được như vậy nếu có một điều kiện phát triển tốt hơn. Chính vì vậy, dự án đã ra đời để mang đến cho trẻ em Việt Nam một cách tiếp cận mới với công nghệ, rèn luyện cho trẻ em cách tư duy hệ thống, cách giải quyết vấn đề bằng công nghệ, sử dụng công nghệ một cách hiệu quả hơn.

- Cảm ơn Phương Nga, chúc Nga có một trải nghiệm mới mẻ tại Chung kết Scratch 2015 và tiếp tục phát triển dự án ý nghĩa của mình!

Do Đại học FPT tổ chức, Scratch 2016 là cuộc thi lập trình với phần mềm 2D Scratch dành cho học sinh Tiểu Học và THCS trên toàn quốc. Cuộc thi nhằm phổ biến ngôn ngữ lập trình Scratch tới các trường Tiểu Học và THCS, xóa bỏ những quan điểm cho rằng lập trình rất khó và phổ biến tư duy “Ai cũng lập trình được”.

Scratch 2015 khởi động từ 1/9 gồm các hạng mục dành cho học sinh Tiểu học, học sinh THCS, dưới hình thức Phim hoặc Game. Cuộc thi thu hút tổng cộng 60 bài dự thi của học sinh đến từ 25 trường trên cả nước.

Vòng Chung kết cuộc thi chính thức diễn ra trong hai ngày 9-10/1/2016, tại campus Hòa Lạc với sự tham dự của 12 học sinh xuất sắc nhất toàn quốc. Danh sách học sinh lọt vòng Chung kết “Lập trình nhí Scratch 2015”, xem tại đây.

Tin liên quan:

Khối Giáo dục FPT – fpt.edu.vn

1351

Nhân vật