FPT Edu - Tin tức chung

Sinh viên Trường ĐH FPT Hà Nội xuất sắc trình bày nghiên cứu và đăng kỷ yếu tại Hội nghị quốc tế EBES lần thứ 51

21/04/2025
UyenDTT13
108

Vượt qua 500 bài dự thi, ba nhóm sinh viên chuyên ngành Kinh doanh quốc tế, Trường ĐH FPT Hà Nội với sự hướng dẫn của TS. Phạm Thị Xuân Thoa đã xuất sắc trình bày nghiên cứu tại Hội nghị Eurasia Business and Economics Society (EBES) lần thứ 51. 

Bên cạnh đó, các bài nghiên cứu của ba nhóm sinh viên còn được đăng trong kỷ yếu Hội thảo thuộc Citation Index - Social Science & Humanities (CPCI-SSH) do Springer xuất bản, nằm trong danh mục Scopus, đồng thời có cơ hội được chọn đăng trên tạp chí Eurasian Business Review (hệ thống SSCI, Scopus Q1). 

Hội nghị do Đại học John Cabot University tổ chức theo hình thức hybrid, trực tiếp tại Rome, Italy từ 11 - 13/4/2025. Đây là một trong những diễn đàn học thuật uy tín hàng đầu khu vực Âu - Á trong lĩnh vực kinh tế và kinh doanh. 

Công nghệ - chìa khóa nâng cao hiệu quả chuỗi cung ứng

Trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng, doanh nghiệp Việt Nam đang phải đối mặt với áp lực cạnh tranh gay gắt và yêu cầu đổi mới liên tục. Công nghệ được xem là yếu tố then chốt trong việc cải thiện minh bạch và hiệu suất chuỗi cung ứng, từ đó giúp doanh nghiệp tăng cường sức cạnh tranh, xây dựng niềm tin với đối tác và hướng tới phát triển bền vững.

Nắm bắt thực trạng này, nhóm sinh viên chuyên ngành Kinh doanh quốc tế, Trường ĐH FPT Hà Nội gồm Ngô Văn Sâm, Lý Thu Thảo, Nguyễn Thị Minh Phương, Đinh Thị Cẩm Ly đã nghiên cứu đề tài “Unveiling the Role of Technological Usage in Improving Relationship Performance: Evidence from Vietnamese Supply Chain” (tạm dịch: Khám phá vai trò của công nghệ trong nâng cao hiệu quả trao đổi kinh doanh B2B trong chuỗi cung ứng: Thực tế từ doanh nghiệp Việt Nam). Nghiên cứu tập trung làm rõ vai trò của ứng dụng công nghệ số trong việc đảm bảo tính minh bạch trong chuỗi cung ứng, từ đó tối ưu hóa hiệu suất chuỗi cung ứng.

sinh-vien-fpt-nghien-cuu-khoa-hoc-1
Nhóm sinh viên Ngô Văn Sâm, Lý Thu Thảo, Nguyễn Thị Minh Phương, Đinh Thị Cẩm Ly đã nghiên cứu đề tài “Unveiling the Role of Technological Usage in Improving Relationship Performance: Evidence from Vietnamese Supply Chain”

Để thực hiện nghiên cứu này, nhóm đã sử dụng phương pháp nghiên cứu định lượng, khảo sát dữ liệu trên 266 doanh nghiệp Việt Nam đang ứng dụng các công nghệ số như Big Data, Cloud Computing, RFID, Bluetooth và QR Code để theo dõi quá trình sản xuất, vận chuyển và phân phối hàng hoá trong chuỗi cung ứng. Nhóm chỉ ra rằng các công nghệ số Big Data và Cloud Computing, công nghệ theo dõi và truy tìm (track and tracing) có vai trò tích cực trong việc thúc đẩy tính minh bạch hoạt động của chuỗi cung ứng. Minh bạch được xác định vai trò trung gian giúp nâng cao hiệu quả chuỗi cung ứng về mặt chất lượng sản phẩm, chi phí logistics, thời gian giao hàng và tốc độ xử lý vấn đề phát sinh. 

Nghiên cứu không chỉ giúp mở rộng khung lý thuyết về vai trò của ứng dụng công nghệ số trong chuỗi cung ứng, mà còn mang lại giá trị thực tiễn cao trong bối cảnh chuyển đổi số đang diễn ra mạnh mẽ tại Việt Nam. Qua đó, các nhà quản lý có thể hiểu được cách thức áp dụng vận hành công nghệ số trong sản xuất, phân phối hàng hoá với trong chuỗi cung cứng một cách minh bạch, khoa học và hiệu quả.

Nắm bắt cơ hội công nghệ - bệ phóng đổi mới sáng tạo

Cùng nghiên cứu về công nghệ trong chuỗi cung ứng sản xuất, nhóm sinh viên Nguyễn Thu Hiền, Trịnh Thị Khánh Linh, Trần Huyền Anh, Phạm Minh Ngọc và Nguyễn Thanh Mai đã trình bày về “Factors Influencing Technological Opportunism and Its Impacts on Innovation Performance in Manufacturing Supply Chain” (tạm dịch: Các yếu tố ảnh hưởng đến khả năng nắm bắt cơ hội công nghệ và tác động của nó đến hiệu quả đổi mới sáng tạo trong chuỗi cung ứng sản xuất). 

sinh-vien-fpt-nghien-cuu-khoa-hoc-2
Đề tài “Factors Influencing Technological Opportunism and Its Impacts on Innovation Performance in Manufacturing Supply Chain” do nhóm sinh viên Nguyễn Thu Hiền, Trịnh Thị Khánh Linh, Trần Huyền Anh, Phạm Minh Ngọc và Nguyễn Thanh Mai thực hiện

Sự trỗi dậy mạnh mẽ của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đã mang đến những cơ hội chưa từng có, đặc biệt là trong việc ứng dụng các công nghệ số để cải thiện khả năng giám sát và phản ứng của chuỗi cung ứng. Khả năng cảm nhận (sensing) các tín hiệu thị trường và những biến động trong chuỗi cung ứng một cách nhanh chóng và chính xác, kết hợp với khả năng phản ứng (response) linh hoạt và hiệu quả, trở thành yếu tố then chốt để đạt được lợi thế cạnh tranh bền vững. Nghiên cứu tập trung xem xét mối liên hệ giữa khả năng cảm nhận và phản ứng công nghệ, tính lưỡng dụng trong bối cảnh 4.0 và tác động của chúng đến hiệu suất đổi mới của chuỗi cung ứng tại Việt Nam.

Nghiên cứu được thực hiện trên nền tảng khảo sát 304 công ty sản xuất trong nước, tập trung làm rõ mối quan hệ giữa khả năng nhận diện, khai thác cơ hội công nghệ với hiệu suất đổi mới của chuỗi cung ứng.

Kết quả nghiên cứu chỉ ra rằng những doanh nghiệp chủ động tiếp cận và ứng dụng công nghệ số, đặc biệt trong các lĩnh vực như AI, bán dẫn sẽ sở hữu chuỗi cung ứng linh hoạt, thích ứng tốt hơn với biến động thị trường. Nghiên cứu đóng góp đáng kể vào lý thuyết năng lực động trong chuỗi cung ứng tại các nền kinh tế đang phát triển, đồng thời cung cấp cơ sở thực tiễn giúp doanh nghiệp Việt định hướng đầu tư công nghệ hiệu quả hơn.

Phục hồi chuỗi cung ứng - giải pháp từ blockchain và AI

Sự phát triển mạnh mẽ của các xu hướng công nghệ tiên tiến như blockchain và trí tuệ nhân tạo (AI) đang mở ra những cơ hội để nâng cao khả năng chống chịu (resilience) và hiệu suất hoạt động của chuỗi cung ứng. Nghiên cứu về chủ đề này, nhóm sinh viên Trình Minh Quân, Vũ Bá Hoàng, Trần Hoàng Đăng, Nguyễn Thành Trung và Đỗ Minh Chiến đã thực hiện đề tài “Resilience Development and Its Impact on Supply Chain Performance: An Empirical Study in Vietnamese Firms” (tạm dịch: Phát triển khả năng phục hồi và tác động của nó đến hiệu quả chuỗi cung ứng: Nghiên cứu thực chứng tại các doanh nghiệp Việt Nam). Nghiên cứu tập trung phân tích sự tác động của công nghệ blockchain và trí tuệ nhân tạo (AI) sự nhạy bén và tính linh hoạt của chuỗi cung ứng trong tác động điều tiết mức độ tiếp xúc rủi ro nội bộ và rủi ro bên ngoài của doanh nghiệp.

sinh-vien-FPT-nghien-cuu-khoa-hoc-3
Nhóm sinh viên Trình Minh Quân, Vũ Bá Hoàng, Trần Hoàng Đăng, Nguyễn Thành Trung và Đỗ Minh Chiến đã báo cáo đề tài “Resilience Development and Its Impact on Supply Chain Performance: An Empirical Study in Vietnamese Firms”

Thông qua khảo sát 256 doanh nghiệp, nhóm chỉ ra rằng AI và blockchain có tác động mạnh đến khả năng nhanh nhạy và linh hoạt của chuỗi cung ứng; khả năng phục hồi chuỗi cung ứng có vai trò quyết định đến hiệu suất hoạt động tổng thể và mức độ tiếp xúc với rủi ro nội bộ và rủi ro bên ngoài có tác dụng tăng cường vai trò của AI và blockchain trong việc thúc đẩy khả năng phục hồi chuỗi cung ứng. 

Nghiên cứu không chỉ làm rõ cơ chế tác động của công nghệ số đối với quản trị rủi ro chuỗi cung ứng, mà còn xây dựng khung lý thuyết toàn diện về mối liên hệ giữa công nghệ, rủi ro và kết quả hoạt động. Điều này giúp các doanh nghiệp có định hướng rõ ràng trong đầu tư công nghệ và xây dựng chuỗi cung ứng vững mạnh.

Thành tích của ba nhóm sinh viên dưới sự hỗ trợ của TS. Phạm Thị Xuân Thoa không chỉ thể hiện tinh thần học thuật và tư duy tiếp cận các vấn đề hiện đại, mà còn cho thấy định hướng đào tạo gắn với thực tiễn và đổi mới của Trường ĐH FPT Hà Nội, Khối Giáo dục FPT. Việc khuyến khích CBGV, sinh viên nghiên cứu khoa học, phát triển tư duy phản biện và tham gia các diễn đàn học thuật quốc tế là minh chứng cho cam kết lâu dài của Trường ĐH FPT Hà Nội, Khối Giáo dục FPT trong việc xây dựng một môi trường học thuật năng động, nơi mỗi ý tưởng sáng tạo đều có cơ hội trở thành hiện thực.

Thu Uyên - fpt.edu.vn
 

108

Nhân vật