Sinh viên Trường ĐH FPT lan tỏa giá trị văn hóa truyền thống qua đồ án tốt nghiệp
Hò Xự Xang, Vó Ngựa Hồng, Trăm Góc Bánh Chăm là các đồ án tốt nghiệp do sinh viên chuyên ngành Truyền thông Đa phương tiện Trường ĐH FPT phân hiệu TP. HCM thực hiện nhằm mục đích lan tỏa các giá trị văn hoá truyền thống của Việt Nam đến gần hơn với cộng đồng, đặc biệt là thế hệ trẻ.
Trong đợt bảo vệ tốt nghiệp kỳ Fall 2024, sinh viên chuyên ngành Truyền thông Đa phương tiện tại Trường ĐH FPT phân hiệu TP. HCM đã trình bày nhiều đồ án hướng tới việc kết nối giá trị văn hóa truyền thống với thế hệ trẻ. Các dự án tập trung vào việc tái hiện những yếu tố đặc trưng của văn hóa Việt Nam, từ nghệ thuật cải lương, câu chuyện cổ tích đến ẩm thực dân gian, thông qua các hình thức truyền thông hiện đại.
Đưa cải lương đến gần hơn với Gen Z
Nhóm sinh viên gồm Nguyễn Huỳnh Giang, Trần Minh Hiếu, Hồ Trần Bảo Hân và Lâm Hoài Thương đã thực hiện dự án Hò Xự Xang với mục tiêu nâng cao nhận thức và khơi dậy sự quan tâm của giới trẻ từ 18 - 24 tuổi đối với nghệ thuật cải lương. Được triển khai tại TP. HCM, dự án này tìm cách đưa cải lương trở nên gần gũi hơn với giới trẻ thông qua các hoạt động truyền thông sáng tạo và tương tác.
Dự án Hò Xự Xang có ba giai đoạn chính gồm nâng cao nhận thức qua các bài viết và minigame trên mạng xã hội, tạo điểm nhấn với bộ ảnh nghệ thuật Ngọc Sắc Giao, và tổ chức sự kiện Ngọc Sáng Âm Vang tại Nhà hát Bến Thành. Sự kiện này kết hợp triển lãm, workshop và biểu diễn cải lương, không chỉ mang lại kiến thức mà còn giúp người tham dự trải nghiệm trực tiếp nét đẹp của loại hình nghệ thuật này.
Với sự tham gia của các nghệ sĩ cải lương nổi bật cùng sự đón nhận tích cực từ cộng đồng, dự án Hò Xự Xang đã góp phần tạo ra những cơ hội mới trong việc kết nối và gìn giữ giá trị nghệ thuật cải lương - một nét đẹp trong văn hoá Việt Nam.
Kể chuyện cổ tích Việt theo cách hiện đại
“Vó Ngựa Hồng” là đồ án được thực hiện bởi các sinh viên gồm Trần Đình Huy, Đào Quý Quân, Nguyễn Phúc Xuân Thy và Thái Hà Ánh Dương. Đồ án hướng đến việc bảo tồn và lan tỏa giá trị văn hóa truyền thống thông qua những câu chuyện cổ tích Việt Nam.
Dự án được chia thành ba giai đoạn, từ việc cung cấp kiến thức về cổ tích, tổ chức workshop Người Nay Kể Chuyện Xưa nhằm giúp người trẻ khám phá các giá trị văn hóa, đến việc ra mắt MV “Vó Ngựa Hồng” – một sản phẩm kết hợp giữa âm nhạc hiện đại và nhạc cụ dân tộc. Không chỉ dừng lại ở đó, nhóm còn phát triển bộ sản phẩm lưu niệm để gây quỹ ủng hộ trẻ em tiếp cận sách và truyện cổ tích, tạo giá trị thiết thực cho cộng đồng.
Với cách tiếp cận mới mẻ, sáng tạo và nội dung ý nghĩa, Vó Ngựa Hồng đã góp phần giữ gìn những giá trị văn hóa truyền thống, đồng thời truyền cảm hứng để giới trẻ tiếp tục khám phá và phát huy kho tàng cổ tích Việt trong cuộc sống hiện đại.
Quảng bá ẩm thực bằng công nghệ hiện đại
Đồ án Trăm Góc Bánh Chăm được thực hiện bởi nhóm sinh viên Vũ Thành Vinh, Lê Hồng Hải, Tống Ái Linh, Nguyễn Trần Bâng Bâng, với sự hỗ trợ từ UBND Thị xã Tân Châu và Thị trấn Đa Phước, tỉnh An Giang. Dự án đặt mục tiêu quảng bá và đưa bánh dân gian của người Chăm tại An Giang đến gần hơn với giới trẻ tại TP. HCM, đồng thời gìn giữ và lan tỏa nét văn hóa ẩm thực đặc sắc này.
Điểm đặc biệt của Trăm Góc Bánh Chăm là việc sử dụng công nghệ thực tế ảo tăng cường (AR) để nâng cao trải nghiệm của người tham gia. Các chuỗi poster bánh dân gian được tích hợp tính năng quét AR, cùng với các video nghệ thuật đặc tả từng loại bánh và câu chuyện văn hóa phía sau, đã tạo nên một cách tiếp cận sáng tạo và hấp dẫn. Dự án còn tổ chức các sự kiện như workshop trải nghiệm làm bánh, không gian trưng bày và sổ tay điện tử – những hoạt động kết hợp giữa yếu tố truyền thống và công nghệ hiện đại.
Với sự hỗ trợ từ địa phương và ứng dụng những ý tưởng mới lạ, Trăm Góc Bánh Chăm không chỉ giúp bảo tồn giá trị ẩm thực truyền thống mà còn khuyến khích giới trẻ khám phá, trân trọng và tiếp nối nét văn hóa đặc trưng của người Chăm.
Hò Xự Xang, Vó Ngựa Hồng và Trăm Góc Bánh Chăm là những đồ án tốt, nhận được nhiều phản hồi tích cực từ hội đồng chấm bảo vệ tốt nghiệp tại Trường ĐH FPT phân hiệu TP. HCM. Các dự án đã không chỉ đáp ứng yêu cầu học thuật mà còn tạo được dấu ấn rõ rệt qua các kết quả thực tiễn và thể hiện sự nỗ lực và sáng tạo của sinh viên trong việc lan tỏa giá trị văn hóa Việt Nam.
Từ ngày 10/12 – 25/12/2024, sinh viên Trường Đại học FPT sẽ bắt đầu tham gia đợt bảo vệ tốt nghiệp học kỳ Fall 2024 tại Hà Nội, phân hiệu tại TP. HCM và phân hiệu tại Đà Nẵng. Theo dõi thông tin tại website: https://fpt.edu.vn/ |
Thanh Thuý - fpt.edu.vn