SV Trường ĐH FPT làm nền tảng kết nối nhân sự và nhà tuyển dụng
Xuất phát từ những khó khăn gặp phải khi tìm việc trong thực tế, nhóm sinh viên chuyên ngành Kỹ thuật phần mềm, Trường ĐH FPT phân hiệu Đà Nẵng đã nảy ra ý tưởng về một website tuyển dụng, hỗ trợ kết nối ứng viên và nhà tuyển dụng có tính năng tự động gợi ý và sàng lọc công việc phù hợp.
Nền tảng được đặt tên là Job Finder, là sản phẩm của nhóm 5 sinh viên khóa 16, chuyên ngành Kỹ thuật phần mềm, Trường ĐH FPT phân hiệu Đà Nẵng, bao gồm Nguyễn Thành Tài, Đặng Bá Phong, Nguyễn Anh Tuấn, Nguyễn Trường Nghĩa và Nguyễn Trí Đông. Nền tảng được xây dựng để không chỉ đáp ứng đầy đủ các nhu cầu cơ bản của một hệ thống tìm việc, bao gồm: tìm kiếm, sàng lọc theo tiêu chí, gửi CV... mà còn hỗ trợ nhà tuyển dụng quản lý bài đăng, theo dõi và xác nhận CV.

Điểm đặc biệt của Job Finder còn nằm ở chỗ hệ thống cho phép các công ty chủ động tìm kiếm ứng viên tiềm năng, sử dụng thuật toán để đo lường mức độ phù hợp của ứng viên với công việc và mời họ ứng tuyển. Bên cạnh đó, nhóm tác giả còn cung cấp các gói dịch vụ dành cho nhà tuyển dụng và người tìm việc, bao gồm tính năng VIP để tăng khả năng tìm kiếm công việc phù hợp. Với những gói dịch vụ này, nhóm tác giả tin tưởng rằng hệ thống không chỉ mang lại giá trị cho người dùng mà còn có thể đem lại doanh thu một cách bền vững.

“Tuy rằng hệ thống Job Finder không phải là ứng dụng kết nối giữa ứng viên và nhà tuyển dụng duy nhất trên thị trường, nhưng nhóm tự hào đây là ứng dụng có thuật toán đo lường mức độ phù hợp giữa ứng viên và công việc, dựa trên điểm mạnh cũng như mong muốn của ứng viên, giúp việc kết nối trở nên hiệu quả hơn” – đại diện nhóm đồ án cho biết.
Chia sẻ về quá trình xây dựng hệ thống, Trường Nghĩa cho biết, Job Finder được phát triển dựa trên những công nghệ mà các thành viên đã học được từ chương trình đào tạo ngành Công nghệ thông tin của Trường ĐH FPT như ReactJS, NodeJS, MySQL. Đồng thời, các thành viên nhóm cũng áp dụng thêm nhiều công nghệ khác để tối ưu hóa quy trình phát triển, như sử dụng TailwindCSS để rút ngắn thời gian viết mã và tạo giao diện nhanh chóng, sử dụng các thư viện như shadcn/ui và radixUI được áp dụng để tối ưu hóa giao diện người dùng, mang lại trải nghiệm mượt mà và thân thiện. Ngoài ra, nhóm còn tích hợp AI của Google để hỗ trợ người dùng trong việc hỏi đáp về công việc, giúp họ tìm kiếm thông tin một cách nhanh chóng và hiệu quả.
Tại đợt bảo vệ tốt nghiệp kỳ Fall 2024 vừa qua, sản phẩm của nhóm đã được hội đồng đánh giá cao về giao diện người dùng, với thiết kế tối ưu, đẹp mắt và thân thiện, cùng với các chuyển động, hiệu ứng tải trang và hiệu ứng đổi màu được sử dụng hài hòa, linh hoạt. Về mặt chức năng, ngoài các tính năng cơ bản được hoàn thành đầy đủ, nhóm còn nhận được sự khen ngợi về các thuật toán đo lường phức tạp và khả năng tương tác với các bên thứ ba.
Hiện tại, sản phẩm của nhóm vẫn đang trong giai đoạn hoàn thiện và dự định sẽ được tiếp tục cải tiến các tính năng, tích hợp thêm công nghệ mới để có thể triển khai thực tế trong tương lai.
|
Hải Ngân – fpt.edu.vn