Thảo luận về giới và sự hài lòng trong công việc tại các cơ sở giáo dục ở Hội nghị ACBSP Khu vực 10
Tại phiên trao đổi diễn ra vào ngày 23/2 thuộc Hội thảo ACBSP Khu vực 10 năm 2024, các tác giả đến từ Trường Kinh doanh & Kinh tế thuộc Đại học Quốc tế United (Bangladesh) đã chia sẻ báo cáo về mối quan hệ giữa giới tính, mức lương, sự hài lòng trong công việc với mức độ gắn bó của các giảng viên với cơ sở giáo dục của mình.
Các tác giả đến từ Đại học Quốc tế United (Bangladesh) là Giáo sư Mohammad A Ashraf, Giáo sư Mohd H R Joarder và Trợ lý Giáo sư Md. Jakowan đã tiến hành nghiên cứu nói trên bằng cách thu thập dữ liệu khảo sát từ 516 giảng viên đến từ 20 trường đại học tại Bangladesh. Khung lý thuyết Trao đổi Xã hội (Social Exchange Theory) được sử dụng làm cơ sở nền tảng, giúp việc phân tích dữ liệu được thực hiện một cách hiệu quả, làm sáng tỏ được mối quan hệ giữa các biến trong khung lý thuyết.
Theo kết quả của nghiên cứu, chế độ lương thưởng và mức độ gắn bó của các giảng viên với cơ sở giáo dục của mình có quan hệ mật thiết với nhau; và sự hài lòng trong công việc là một yếu tố tác động trung gian đối với hai yếu tố nói trên. Đặc biệt, nghiên cứu cho thấy, giới tính của giảng viên không ảnh hưởng đến chế độ lương thưởng, hay nói cách khác là không có sự phân biệt giới tính trong việc trả lương cho các giảng viên tại Bangladesh.
Đây là một kết quả khá bất ngờ, vì phân biệt giới tính trong môi trường làm việc được biết đến là một vấn đề lớn đối với các nước đang phát triển, đặc biệt là các nước châu Á. Tuy nhiên, trong phần thảo luận sau trình bày, một số ý kiến đã được nêu ra rằng bất bình đẳng giới trong môi trường làm việc không đơn thuần chỉ thể hiện ở sự chênh lệch mức thu nhập, mà còn nằm ở sự không tương đồng giữa khối lượng công việc và mức lương được trả. Những ý kiến này đã tiếp tục mở ra những trao đổi sôi nổi khác về vấn đề bình đẳng giới tại các quốc gia Việt Nam, Bangladesh, Ấn Độ…
Thục Anh
Tổ chức Giáo dục FPT - fpt.edu.vn