Thầy cô FPT Edu thú vị hoá giờ học với nhiều phương pháp sáng tạo
Trong quá trình giảng dạy, thầy cô tại FPT Edu thường xuyên tổ chức các giờ học thú vị, các dự án thực tiễn giúp học sinh, sinh viên dễ dàng tiếp thu, áp dụng kiến thức và có những trải nghiệm học tập thú vị.
Thiết kế “Sổ tay Sinh học”
Từ năm học 2024 – 2025, Trường THPT FPT Hà Nội đưa “Sổ tay Sinh học” vào tài liệu của học sinh toàn trường. Đây là sản phẩm được lên ý tưởng và thiết kế bởi cô giáo Nguyễn Thị Quỳnh Trang nhằm tổ chức, sắp xếp kiến thức theo chủ đề; giúp các em phát triển tư duy hệ thống, khái quát nội dung bài học và dễ dàng ôn tập khi cần.
“Sau khi thử nghiệm với học sinh khối 11 và nhận được phản ứng tích cực, mình đã tham khảo ý kiến của các cô trong nhóm chuyên môn và thiết kế cho học sinh cả 3 khối”, cô Trang cho hay.
Học sinh có thể chủ động tìm hiểu nội dung bài học trước khi lên lớp và chủ động tìm kiếm kiến thức liên quan. Mỗi bài sẽ đi kèm bộ câu hỏi cùng các hoạt động phong phú để ôn tập, kích thích tinh thần đào sâu kiến thức môn học.
Sân khấu hoá giờ học
Giáo dục kinh tế và pháp luật là môn học từng khiến nhiều học sinh ái ngại bởi khối lượng kiến thức tiếp đề cập tới nhiều lĩnh vực như pháp luật, kinh tế, đạo đức… và chuyển các giá trị này thành ý thức và hành vi của người công dân. Nhưng nhờ áp dụng phương pháp “đóng vai, thực hành cách ứng xử và bày tỏ thái độ trong một tình huống giả định”, cô Phạm Thị Vang – Trường THPT FPT Quy Nhơn đã tạo ra không khí hứng khởi cho lớp học của mình. Chẳng hạn trong giờ học về “Cạnh tranh trong nền kinh tế thị trường”, học sinh sẽ đóng vai làm các chủ thể kinh tế để diễn tả biểu hiện của hành vi cạnh tranh không lành mạnh.
Cũng với phương pháp này, cô giáo Nguyễn Thị Huế – Trường Phổ thông Liên cấp FPT Bắc Ninh lại cùng học sinh “sân khấu hoá” các tác phẩm văn học tiêu biểu như Tấm Cám, Chí Phèo, Tức nước vỡ bờ (trích Tắt đèn). Cả lớp chia thành từng nhóm, tự lựa chọn tác phẩm, lên kịch bản, dàn dựng và chuẩn bị trang phục và đạo cụ để thành một vở kịch hoàn chỉnh.
Làm dự án thực tế để tăng va chạm với nghề
Để thu hẹp khoảng cách giữa lý thuyết và ứng dụng, giảng viên Lý Ngọc Thiên Kim – Chuyên ngành Truyền thông đa phương tiện, Trường ĐH FPT phân hiệu Cần Thơ đã nỗ lực tổ chức những buổi workshop, talkshow với nội dung đa lĩnh vực liên quan đến nghề, để truyền thêm động lực cũng như thúc đẩy các bạn phát triển bản thân và vươn mình ra biển lớn.
Bên cạnh đó, cô cũng kết nối với các nhà tài trợ trong lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật cho sinh viên có thêm kiến thức chuyên môn và cơ sở tài chính để mở rộng các dự án. Có thể kể đến như dự án phim ngắn cộng đồng như "Thoi vàng chỉ ngọc" – tìm hiểu về làng nghề Dệt Choàng, Long Khánh A, Đồng Tháp; không chỉ làm tạo ra sản phẩm ấn tượng mà các bạn K17 còn có cơ hội tìm hiểu về văn hóa quê hương và mang đến gần hơn tới công chúng.
Chú trọng sử dụng AI, VR, AR... trong giảng dạy, giảng viên Nguyễn Thị Minh Huế – Trưởng bộ môn Lý luận thẩm mỹ, chuyên ngành Thiết kế Mỹ thuật số, Trường Đại học FPT phân hiệu TP. HCM đã giúp sinh viên chuyên ngành thiết kế mỹ thuật số hứng thú học tập và khám phá năng lực bản thân.
Sinh viên tiếp cận nhiều hơn với công nghệ qua các hoạt động kết hợp lý thuyết và thực hành; triển khai bài tập tạo tác phẩm nghệ thuật trưng bày trong môi trường ảo, thiết kế, tổ chức triển lãm trong bảo tàng ảo; đưa sinh viên tham gia chuỗi trải nghiệm như làm gốm, nghiên cứu về áo dài, hoa văn hoạ tiết tại công trình văn hóa cổ...
Giảng viên Minh Huế cũng tham gia nhiều hội thảo về mỹ thuật trong và ngoài nước, nắm bắt thông tin liên quan đến bối cảnh văn hóa, phương pháp giảng dạy, kiến thức chuyên môn về mỹ thuật, thiết kế, xu hướng công nghệ mới, từ đó, kịp thời cập nhật vào bài giảng.
Những trải nghiệm học tập mới, được giáo viên, giảng viên FPT Edu đầu tư xây dựng và truyền đạt đến học trò không chỉ khiến giờ học ở FPT Edu trở nên hạnh phúc mà còn trang bị hành trang kiến thức, kỹ năng vững vàng hơn cho người học.
Tổ chức Giáo dục FPT – FPT Edu đưa ra 5 định hướng chiến lược: . Trường học tử tế . Trải nghiệm vượt trội . Học phí hợp lý . Hệ thống rộng khắp . Thầy trò hạnh phúc Cùng với Sứ mệnh – Tầm nhìn – Văn hoá – Triết lý giáo dục, đây sẽ là những định hướng chính cho các hoạt động vận hành, giáo dục, đào tạo của Tổ chức. Tuyến bài này sẽ chia sẻ những thông tin và câu chuyện về việc thực hiện và lan toả Sứ mệnh – Tầm nhìn – Văn hoá – Triết lý giáo dục – Định hướng chiến lược của FPT Edu trong cộng đồng cán bộ, giảng viên, học sinh, sinh viên các đơn vị toàn FPT Edu |
Huệ Anh
Tổ chức Giáo dục FPT – fpt.edu.vn