FPT Edu - Tin tức chung

Top 15 bảng Digital Design nhận nhiều lời khen từ ban chuyên môn trong Chung kết FPT Edu Color Up 2020

29/12/2020
Nguyễn Huệ Anh
848

Chiều ngày 29/12, các thí sinh bảng Digital Design tiếp tục bước vào phần thi của mình. Không khí tại Trung tâm Nghệ thuật đương đại VCCA (Hà Nội) được khuấy động bởi những thước phim đa dạng về thể loại, đậm chất nghệ thuật và giàu tính sáng tạo của các thí sinh top 15.

Vòng Chung kết bảng Digital Design có sự góp mặt của bà Phạm Tuyết Hạnh Hà – Trưởng BTC,  bà Nguyễn Phương Anh – Giám đốc FAI Hà Nội cùng các thành viên trong Ban chuyên môn gồm: anh Nguyễn Tuấn (Trưởng phòng Phát hành & Marketing phim của BHD), chị Đỗ Phương Trang (Biên kịch và Sản xuất hiện trường) và anh Bùi Tiến Huy (Đạo diễn).

Mỗi đội thi trình chiếu phim và có 5 phút để thuyết trình, 5 phút để phản biện với ban chuyên môn

Từ 13h20, nhóm The Hug đến từ ĐH Greenwich (Việt Nam) cơ sở Hà Nội đã mở đầu bảng thi Digital Design với phần trình bày về phim ngắn 2D “Ôm Ôm”. Xuyên suốt hơn 5 phút trình chiếu tác phẩm, các thành viên đã “chạm” tới người xem cũng như ban chuyên môn bằng thông điệp ý nghĩa: Tất cả mọi người đều xứng đáng được yêu thương và yêu thương đến với chúng ta chỉ từ một cái chạm, một cái ôm.

Các thành viên ban chuyên môn đánh giá cao về ý tưởng và ngôn ngữ hình ảnh của nhóm nhưng việc hiện thực hóa ý tưởng lại chưa thực sự thành công. Video đang bị lặp lại hình ảnh khá nhiều, âm nhạc thể hiện tâm trạng nhân vật chưa đa dạng và cần rút ngắn khoảng lặng ở cuối phim để không gây nhàm chán cho người xem.

Không chỉ truyền tải thông điệp qua phim ngắn, nhóm đã lên ý tưởng truyền thông qua mạng xã hội, triển lãm, workshop…

Đi ngược lại dòng cảm xúc êm ái mà The Hug mang lại, 3 thành viên nhóm MASK (FPTU TP. HCM) lại khiến người xem “tim đập thình thịch” với phim ngắn 2D kinh dị “MASK”. Những thước phim có màu sắc u ám, âm thanh ghê rợn đã khắc họa rõ câu chuyện về ngoại tình và những mặt tối trong hôn nhân.

“Dù con người có hiền hay nhẫn nại đến đâu thì khi đạt đến giới hạn của bản thân, họ cũng sẽ vùng dậy đấu tranh để dành lấy hạnh phúc cho riêng mình. Tuỳ vào từng suy nghĩ, tư tưởng mà ta đưa ra quyết định và có những kết cục khác nhau. Đó là thông điệp mà phim ngắn MASK truyền tải tới người xem”, các thành viên cho biết.

Trong phần Q&A, tác phẩm của nhóm được đánh giá là có tính giải trí cao, thể hiện sự ăn khớp và thông minh từ cách đặt tên, tạo hình nhân vật, lựa chọn âm nhạc, phối màu sắc và phát triển tâm lý nhân vật đi đến tận cùng. Tuy nhiên, do là sản phẩm đầu tay nên MASK vẫn còn một số hạn chế trong việc xây dựng cốt truyện bởi “trong góc tối phải có điểm sáng để truyền cảm hứng cho mọi người và điều này đang khuyết trong tác phẩm”.

Phim ngắn 2D MASK được giám khảo đánh giá có khả năng thương mại hóa nếu được phát triển thêm

Tiếp đó, thí sinh Nguyễn Văn Dũng – một đại diện của FPT Polytechnic Hà Nội đã mang tới câu chuyện về một gia đình 3 người sống trong cảnh thiếu thốn mọi thứ, những chuyện không may nhất đã ập đến cùng một lúc khiến người đàn ông trụ cột của gia đình đã gục ngã trước hiện thực. Đó là một trong những mảng tối trong xã hội hiện tại, nơi những gia đình, những con người có hoàn cảnh đáng thương bị cuộc sống chèn ép đến bước đường cùng.

Tác phẩm “Chậm” được đánh giá cao về kỹ năng đạo diễn và diễn xuất của hai nhân vật chính. Tuy nhiên, việc biên kịch “đẩy” nhân vật chính vào bước đường cùng để tạo sự cao trào lại chưa thuyết phục được ban chuyên môn do xây dựng tính cách của nhân vật chính, tuyến nhân vật phụ và tình huống thiếu logic.

Ngay sau khi những hình ảnh cuối cùng của phim ngắn 3D “Contact” kết thúc, cả 3 giám khảo đã dành nhiều lời khen ngợi và cổ vũ cho các thành viên nhóm ZERO-G đến từ FPTU TP.HCM.

ZERO-G đã gây ấn tượng mạnh mẽ khi cả 3 tiêu chí là kinh dị, hành động và viễn tưởng đều được thể hiện trọn vẹn trong “Contact”. Từ cách chuyển cảnh, thiết kế tạo hình 3D và xây dựng chuyển động cho nhân vật đều rất mượt mà, giàu tính điện ảnh. Thậm chí, giám khảo Phương Trang còn bày tỏ mong muốn được phát triển sản phẩm này cùng nhóm nếu có cơ hội.

Bài dự thi của ZERO-G nhận được lời khuyên “phát triển thành dự án lớn hơn” do có tính khả thi cao

Phim hoạt hình “Shape Of You” của thí sinh Đào Quang Minh – FPTU TP.HCM khiến người xem thích thú với những tạo hình nhân vật ngộ nghĩnh, đáng yêu. Quang Minh đã tận dụng tốt ưu thế của thể loại phim hoạt hình để kể câu chuyện mình muốn và thể loại này cũng có nhiều đất để thí sinh khai thác.

Tuy nhiên, do thí sinh thực hiện toàn bộ các khâu từ lên ý tưởng, nội dung, tạo hình, dựng phim nên chưa thể tạo nên một tác phẩm thực sự trọn vẹn. Khi nghe chia sẻ của Quang Minh, ban chuyên môn cũng khuyên rằng nên tìm thêm đồng đội để cùng nhau tạo ra những tác phẩm hoàn chỉnh.

Năm 2020 là một năm đầy biến động, đặc biệt là khi Việt Nam phải hứng chịu đại dịch Covid-19 và trận bão lũ khắc nghiệt ở miền Trung. Sự sẻ chia, không vị kỉ giữa con người với nhau lại là những đức tính mang tính sống còn có khả năng dìu dắt Việt Nam đi qua những gian khó trước mắt và trong tương lai. Để truyền cảm hứng về những điều tốt đẹp ấy, nhóm Jim – FPTU TP.HCM đã sáng tạo nên hình ảnh chú chim xanh và mang tới cuộc thi năm nay tác phẩm cùng tên “JIM”.

Đây là một tác phẩm thú vị, đáng yêu, hài hước và hoàn toàn có thể triển khai thành một chuỗi phim để đăng tải trên Youtube. Nhóm xây dựng chú chim xanh thành một nhân vật chính có chiều sâu, có tính cách và hành động ăn khớp với nhau nhưng điểm đáng tiếc là chưa xác định được kênh truyền thông phù hợp để đạt hiệu quả mong muốn.

Nếu thay đổi bối cảnh xuất hiện của chim xanh bằng nơi thân thuộc với trẻ em hơn thì bộ phim sẽ trở nên tròn trịa

Đại diện thứ hai của ĐH Greenwich (Vietnam) cơ sở Hà Nội tiếp tục mang tới vòng Chung kết FPT Edu Color Up 2020 một câu chuyện ngắn lấy cảm hứng từ những lát cắt trong cuộc sống của chính mình, đó là “Where is granny?” của thí sinh Mai Thị Mỹ Uyên. Đặc biệt, ban chuyên môn đánh giá đây là một trong số ít những tác phẩm hoàn thiện nhất về mặt sản phẩm và kế hoạch truyền thông.

Mỹ Uyên chia sẻ: “Trong thời đại số ngày nay, những người trẻ kết nối nhau qua các thiết bị điện tử nhưng đôi khi lại quên mất giá trị gắn kết gia đình lại nằm ở cuộc sống thực sự, bên ngoài thế giới ảo ấy. Qua đó, mình mong muốn mỗi người hay biết trân trọng tình thương và lòng bao dung vô tận cũng những người thân dành cho nhau”.

Thí sinh Mai Thị Mỹ Uyên và tác phẩm “Where is the granny?”

Sau 15 phút nghỉ giữa giờ, nhóm The Promise đến từ FAI Hà Nội tiếp tục buổi thi với “Lời hứa” – phim ngắn có thời lượng dài nhất trong các bài dự thi thuộc bảng Digital Design. Đặt hai nhân vật chính vào một bối cảnh éo le – anh em ruột là Mai và Tùng bị chia cắt do bố mẹ ly hôn từ khi còn bé và những nỗi đau không thể nguôi ngoai khi họ gặp nhau lúc trưởng thành. Qua đó, nhóm muốn lên án bạo lực gia đình và cách dạy con trẻ không hợp lý sẽ dẫn đến những hành động mang tính tiêu cực.

Điểm trừ lớn nhất của “Lời hứa” nằm ở việc xây dựng hình tượng nhân vật Mai thiếu tính thực tế và mang lại cảm giác cực đoan. Bên cạnh đó, do là sản phẩm không chuyên nên trong phim còn tồn tại nhiều “sạn” như: bị vỡ âm thanh (tiếng thoại của nhân vật bé hơn tiếng động hiện trường”, hình ảnh và cảnh quay đơn giản...

“Thứ 7” – phim ngắn thuộc thể loại hài hước của nhóm LNL – FAI HN đã thay đổi bầu không khí của khán phòng. Phim ngắn “Thứ 7” được xây dựng chỉn chu từ cốt truyện tới tới cảnh quay, khai thác tốt tính cách của nhân vật và xây dựng kịch tính ở phần cuối phim một cách hợp lý.

Tuy nhiên, ban chuyên môn cho rằng nhóm LNL phải lưu ý hơn về phần tiết tấu, đặc biệt là khi đã xác định xây dựng một sản phẩm thuộc thể loại hài hước. Bên cạnh đó, bài thuyết trình của nhóm còn khá sơ sài và chưa có đủ sức thuyết phục với những người tham dự buổi thi hôm nay.

Phim ngắn “Thứ 7” được sản xuất với tổng chi phí là 13.550.000đ

Bạn sẽ trưởng thành như thế nào nếu luôn bị ám ảnh bởi những nỗi đau và mất mát trong quá khứ? Nhóm Ambit đến từ FAI HN đã đưa khán giả đi tìm câu trả lời qua những thước phim của “Hồi ức”.

Trong bài thuyết trình của mình, các thành viên Ambit chia sẻ rằng: “Nhóm đã khai thác chủ đề “Chạm” của cuộc thi với một góc nhìn mới, đó là “chúng ta của hiện tại chạm vào chúng ta của quá khứ”. Chỉ khi dám đối diện với hồi ức mà ta luôn trốn chạy, mỗi người mới biết cách trân trọng quá khứ, tin tưởng vào tương lai và biết cách yêu thương chính bản thân mình”.

Tác phẩm “Hồi ức” khiến khán giả cảm nhận rõ sự đầu tư chỉn chu từng bước một. Đầu tiên, phim gây ấn tượng bằng các ấn phẩm truyền thông được thiết kế đẹp mắt; đồng nhất tất cả các yếu tố như tên nhân vật (Bình và An), cảnh quay (nông thôn, trong rừng), màu phim (trầm ấm), slide thuyết trình… để truyền tải trọn vẹn cảm giác an yên. Bên cạnh đó, đây cũng là nhóm duy nhất được ban chuyên môn dành lời khen khi đã chú tâm vào vấn đề truyền thông cho sản phẩm.

Phân đoạn giao tiếp giữa 2 nhân vật chính khiến khán giả không cảm nhận được thông điệp mà các bạn muốn truyền tải

Phim hoạt hình “Corrosif” của nhóm Lutio – FPTU TP.HCM đã truyền tải thông điệp về tác hại của việc hút thuốc lá bằng sự đối đầu giả tưởng giữa Phổi và Khói trong cơ thể của nhân vật Nam. Đây là một phim tuyên truyền gây ấn tượng bởi ý tưởng độc đáo, đồ họa đẹp mắt và thông điệp mạnh mẽ. Những gì nhóm muốn truyền tải đều được thể hiện rõ ràng qua hình ảnh và đảm bảo yếu tố “mình truyền tải cái gì, khán giả hiểu cái đó”. Đặc biệt, concept của phim được đánh giá cao khi đề cập tới “cuộc chiến” bên trong cơ thể. Nếu có thể khai thác sâu hơn như bộ phận nào bị tổn thưởng bởi “trận chiến” của Khói và Phổi thì tác phẩm sẽ ý nghĩa hơn nữa.

“Sống tử tế với người khác là chưa đủ, quan trọng là sống tử tế với mình. Nếu vì sợ người khác tổn thương nên chỉ sống vì họ thì cuối cùng mình sẽ là người tổn thương nhất. Hãy tử tế một cách thông minh để không đánh mất bản thân của mình”, nhóm Luci – FPTU TP.HCM đã có những lời giải thích thú vị về tác phẩm cùng tên trước khi đưa khán giả bước vào thế giới Bóng bay của nhân vật Luci.

Sau nhiều tác phẩm phim hoạt hình với đồ họa độc đáo, nhóm XOM14 của FAI HN đã đưa cả khán phòng bước vào thành phố giả tưởng, hồi hộp cùng nữ sát thủ truy tìm kẻ đã giết người thân của mình thông qua phim ngắn “WHO”. Đây là phim ngắn remake từ MV Cry Cry của nhóm nhạc Kpop T-Ara với kinh phí 15.000.000đ và thực hiện trong vòng 1 tháng. Ban chuyên môn cũng ghi nhận sự nỗ lực của nhóm khi dám thực hiện dòng phim hành động với nhiều cảnh quay võ thuật. Tuy nhiên, nội dung của phim còn đang thiếu và yếu nên đã trở thành lỗ hổng lớn trong việc truyền tải thông điệp “Chạm” tới người xem.

“Hoomu” là tác phẩm thứ hai trong bảng Digital Design đề cập tới vấn đề bạo lực gia đình. Theo đại diện của nhóm D-MATT (FPTU TP.HCM), đã đến lúc để chúng ta thay đổi, lên tiếng và hành động nhiều hơn vì sự an toàn của trẻ em bởi vì đứa trẻ nào cũng xứng đáng được sống vui vẻ, hạnh phúc và lớn lên trong tình yêu thương của gia đình.

Khép lại phần thi hôm nay là phim ngắn “Same” của nhóm Q.U.A.U đến từ FAI HN. Lựa chọn thể loại phim kịch tính, gay cấn nhưng các thành viên lại chưa thể hiện thành công điều này qua tác phẩm của mình.

19h00, top 15 thí sinh bảng Digital Design đã hoàn thành phần thi của mình. Kết quả chung cuộc sẽ được công bố vào ngày mai (30/12) tại lễ trao giải cuộc thi FPT Edu Color Up 2020. 

Với tổng giải thưởng lên tới hơn 120 triệu đồng, cùng hàng loạt thử thách được thiết kế chuyên biệt nhằm mài giũa kỹ năng cho thí sinh, FPT Edu ColorUp 2020 sẽ chứng kiến sự tranh tài quyết liệt của các thí sinh ngành Thiết kế Đồ hoạ ở 2 bảng đấu: Digital Design và Graphic Design.

Các mốc thời gian quan trọng của cuộc thi:

  • Vòng sơ loại: 11/11 – 11/12/2020
  • Công bố top 15 mỗi bảng: 17/12/2020
  • Vòng chung kết: 30/12/2020

Hệ thống tin tức của cuộc thi:

Huệ Anh

Tổ chức Giáo dục FPT – fpt.edu.vn

 

848

Nhân vật