FPT Edu - Tin tức chung

Trải nghiệm khởi nghiệp ngay từ giảng đường của sinh viên Trường ĐH FPT

02/10/2024
AnhTP30
909

Sinh viên Trường ĐH FPT  được học môn Trải nghiệm khởi nghiệp và có khả năng xây dựng những dự án khởi nghiệp với ý tưởng sáng tạo, tính thực tiễn cao. Những trải nghiệm học tập, phát triển dự án khởi nghiệp cũng giúp sinh viên Trường ĐH FPT trau dồi kiến thức, phát triển kỹ năng mềm hữu ích.

Dự án TaChi: Giải pháp quản lý hàng tồn kho thông minh

Được xây dựng bởi nhóm sinh viên Trường ĐH FPT Hà Nội gồm Trình Minh Quân, Đỗ Minh Chiến, Vũ Bá Hoàng, Phạm Sơn Tùng, Nguyễn Thanh Tùng và Dương Quang Tuấn, dự án TaChi mang đến giải pháp quản lý hàng tồn kho dành cho các nhà quản lý trong lĩnh vực F&B. Sản phẩm chính của nhóm là website "TaChi - Inventory Management Website" với tính năng nổi bật là quản lý hàng tồn kho và tự động gửi yêu cầu khi hàng trong kho đã hết.

Nhóm sinh viên dự án TaChi thuộc 2 chuyên ngành Kinh doanh quốc tế và Kỹ thuật phần mềm

Quá trình hình thành ý tưởng không hề dễ dàng, khi nhóm đã phải trải qua nhiều lần thảo luận nội bộ . Tuy nhiên, sự hỗ trợ từ giảng viên và những người có kinh nghiệm đã giúp nhóm tìm ra hướng đi đúng đắn. Cuối cùng, nhóm thành công xây dựng  website TaChi, với các tính năng và thiết kế thân thiện với người dùng, dễ dàng sử dụng và tiện lợi trong việc tối ưu hóa quy trình sử dụng dịch vụ cho khách hàng, hỗ trợ hoạt động của cá nhân và doanh nghiệp trong lĩnh vực Logistics.

Vừa qua, nhóm sinh viên làm dự án nhận được hơn 32 triệu đồng vốn hỗ trợ khởi nghiệp từ Trường ĐH FPT. Chia sẻ về dự án này, bạn Đỗ Minh Chiến - đại diện nhóm sinh viên cho biết: 

“Quá trình xây dựng dự án đã mang lại cho nhóm thêm nhiều kinh nghiệm và bài học về khởi nghiệp, đồng thời là cơ hội để chúng mình được thử sức với kinh doanh và điều hành. Được Trường ‘rót vốn’ cho dự án, có thể nói, đây chính là thành tựu đầu tiên của cả nhóm trên hành trình khởi nghiệp". 

Dự án AuIES: Công cụ chấm điểm IELTS tự động

Với dự án AuIES, nhóm sinh viên đã ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) để chấm điểm bài thi IELTS Writing tự động, mang đến giải pháp tân tiến và tối ưu cho những người tự học IELTS. Dự án hướng đến trở thành giải pháp hỗ trợ giáo dục, góp phần thúc đẩy học tập chủ động và nâng cao chất lượng đào tạo IELTS. 

Nhóm sinh viên Trường ĐH FPT Hà Nội bao gồm: Trịnh Đình Hoàn, Trương Nguyễn Gia Bình, Nguyễn Trần Phương Minh, Dương Hải Long, Bùi Minh Trí, Trần Anh Cường 

Cụ thể, hệ thống AuIES không chỉ cung cấp điểm số cho từng bài viết mà còn đưa ra phản hồi chi tiết về lỗi sai, giúp người học hiểu rõ hơn về điểm mạnh, điểm yếu, từ đó đưa ra những giải pháp cải thiện. Đây là một công cụ giúp học viên cải thiện kỹ năng viết nhanh chóng, hiệu quả và tiết kiệm chi phí, mở ra cơ hội học tập cho mọi người.

Giao diện của Hệ thống AuIES

Không chỉ có ý nghĩa thực tế cao với người tự học IELTS, dự án AuIES còn có tiềm năng ứng dụng nội bộ trong  Trường ĐH FPT. Theo đó, sinh viên Trường ĐH FPT có thể sử dụng hệ thống để nâng cao kỹ năng nghe - nói - đọc - viết, chinh phục kỳ thi IELTS với kết quả cao. Đây cũng là cách học giúp các bạn tiết kiệm thời gian, chi phí.

Qua quá trình cùng nhau xây dựng dự án khởi nghiệp, các thành viên nhóm rèn luyện và  trau dồi được khả năng quản lý dự án, phân bổ nguồn lực và xử lý vấn đề hiệu quả hơn. 

Dự án Unison: Khởi nghiệp vì một tương lai bền vững

Trong xu thế phát triển bền vững và bảo vệ môi trường, nhóm sinh viên Trường ĐH FPT phân hiệu Cần Thơ đã quyết định thực hiện dự án Unison - tái chế bìa carton thành những chiếc đèn trang trí nghệ thuật, mang đậm dấu ấn cá nhân và thân thiện với môi trường.

Nhóm Unison gồm 6 thành viên bao gồm: Bùi Thanh Duy, Lương Thị Trâm Anh, Huỳnh Lạc Bân, Phạm Đăng Khôi, Huỳnh Ngọc Giàu, Azit Nguyễn Châu Kỳ

Unison hướng đến việc sản xuất các sản phẩm đèn trang trí từ vật liệu tái chế và nâng cao nhận thức trong việc đưa những sản phẩm này vào sử dụng trong thực tế. Sản phẩm của nhóm được nhiều resort, khu nghỉ dưỡng quan tâm nhờ tính thân thiện với môi trường và sự độc đáo trong thiết kế. Ngoài ra, khách hàng của Unison có thể yêu cầu tùy chỉnh sản phẩm để phù hợp với không gian và phong cách riêng tại các công trình của họ. 

Trong quá trình phát triển sản phẩm, Unison gặp không ít thách thức về tài chính và chất liệu, đặc biệt là việc tìm kiếm nguồn bìa carton chất lượng cao để đảm bảo tính bền vững của sản phẩm. Tuy nhiên, với sự cố gắng và niềm tin vào giá trị của dự án, nhóm đã không ngừng học hỏi và hoàn thiện sản phẩm.

“Nhóm đã tích lũy được nhiều kinh nghiệm và bài học về lĩnh vực kinh doanh khởi nghiệp, đây sẽ là nền tảng để nhóm phát triển sau này”, bạn Bùi Thanh Duy (thành viên nhóm) chia sẻ.

Trải nghiệm khởi nghiệp tại Trường ĐH FPT được thực hiện theo các nhóm từ 4-6 thành viên, thuộc ít nhất 2 ngành khác nhau. Trong suốt quá trình học tập, mỗi nhóm sẽ có một cố vấn riêng (mentor) là các nhà khởi nghiệp, lãnh đạo tại các doanh nghiệp khởi nghiệp thành công, nhà ươm tạo start-up, chia sẻ kiến thức, hỗ trợ sinh viên có đường hướng phát triển mô hình kinh doanh một cách rõ ràng, thuận lợi hơn. 

Những dự án có ý tưởng tốt, mô hình kinh doanh khả thi, đội ngũ thành viên có năng lực, quyết tâm, có tiềm năng phát triển, đáp ứng tốt các tiêu chí theo quy định… có thể được Trường ĐH FPT hỗ trợ kinh phí lên tới 50 triệu đồng/ nhóm để trải nghiệm việc hiện thực hóa dự án. 

Tổ chức Giáo dục FPT – FPT Edu đưa ra 5 định hướng chiến lược:

. Trường học tử tế 

. Trải nghiệm vượt trội 

. Học phí hợp lý 

. Hệ thống rộng khắp 

. Thầy trò hạnh phúc

Cùng với Sứ mệnh – Tầm nhìn – Văn hoá – Triết lý giáo dục, đây sẽ là những định hướng chính cho các hoạt động vận hành, giáo dục, đào tạo của Tổ chức.

Tuyến bài này sẽ chia sẻ những thông tin và câu chuyện về việc thực hiện và lan toả Sứ mệnh – Tầm nhìn – Văn hoá – Triết lý giáo dục – Định hướng chiến lược của FPT Edu trong cộng đồng cán bộ, giảng viên, học sinh, sinh viên các đơn vị toàn FPT Edu.

Phương Anh 

Tổ chức Giáo dục FPT – fpt.edu.vn

 

 

 

 

909

Nhân vật